Không có trong giáo lý nhà Phật, cũng không phải là tập tục truyền thống của người Việt, nhưng việc rải vàng mã trên đường đưa tang ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người cho đó là chuyện tâm linh, còn hệ lụy của nó là sự lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị...
Tiền âm phủ (còn gọi là tiền địa phủ, tiền vàng bạc, Tiền vàng mã) là một loại giấy kích thước và trang trí giống (hoặc gần giống) như giấy bạc thật, được dùng để cúng bái trong các dịp ma chay, đám giỗ, cúng tế, làm lễ chùa. v.v...
Từ xa xưa, người dân Việt Nam quan niệm "trần sao âm vậy", sau khi qua đời, con người sẽ sang một thế giới khác và có những nhu cầu giống như khi ở dương thế. Vì vậy, nhiều gia đình mua sắm, đốt vàng mã nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ quan trọng như Rằm tháng Bảy, Tết Nguyên đán… Những người ở cõi âm đều sinh hoạt giống như trên dương thế và họ cũng cần có những vật dụng dành cho cuộc sống.
Người xưa quan niệm khi có người thân chết đi, họ dùng những thỏi vàng mã và tiền xu mã rải ra đường với hai mục đích.
Tuy nhiên, vẫn chưa một ai có thể chứng minh được việc rải vàng mã sẽ giúp đưa vàng mã đến với người đã khuất. Có chăng đây chỉ là một cách để những người sống muốn thể hiện mình, người này truyền miệng người kia, lâu dần thành thói quen.
Thời gian gần đây nhiều người đã có nhận thức sai lầm về việc rải tiền, vàng trong đám tang. nhiều người còn dùng thêm tiền thật để rắc theo đám ma.
Việc làm này vừa thể hiện sự mê tín, vừa làm mất vệ sinh môi trường, đặc biệt làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Mới đây, theo GĐXH, trên quốc lộ 39 – đường từ thành phố Thái Bình đi huyện Tiền Hải, nhiều người đi đường không khỏi xót xa khi một cháu bé bị cuốn vào gầm xe ben chỉ vì mải… nhặt tờ 5000đ tiền rải từ đám ma vừa đi qua.
Đồng tiền là cũng là biểu tượng của Quốc gia. Không tôn trọng đồng tiền là không tôn trọng đất nước.
Trên đồng tiền thật còn có hình ảnh của các vị lãnh tụ, rải tiền thật không tôn trọng vị lãnh tụ của đất nước.
Việc rải tiền thật xuống đất ở đám tang là không thể chấp nhận được, cần phải loại bỏ ngay.
Trong các giáo lý của đạo Phật không có một dòng nào nhắc đến việc rải vàng mã trong các lễ tang.
Đạo Phật hướng con người đến điều thiện, không làm điều ác, không vì hạnh phúc của bản thân mà gây đau khổ, phiền hà cho người khác. Trong kinh Địa tạng nói về việc tang gia có đoạn viết đại ý rằng: “Trong gia đình gặp chuyện tang thương mà biết làm những việc có lợi ích cho người ta thì chẳng khác nào một người đi đường xa, đói bụng, trên vai gánh nặng mà được sớt bớt gánh nặng. Còn nếu bày chuyện tốn kém thì cũng giống như người đi đường xa, đói bụng, trên vai gánh nặng nhưng gặp phải người quen gửi thêm đồ khiến người ấy đã gánh nặng càng nặng và càng khốn hơn”. Trong đám tang, các gia đình thường mời các thầy về hành lễ, nhưng việc hành lễ đó không hề đả động tới chuyện vàng mã, cũng như bày vẽ lễ lạt tốn kém. Trong cái nhìn của những người tu hành, việc rải vàng mã thực sự là một hủ tục, nó gây phung phí, ô nhiễm môi trường. Mọi người thay vì tốn kém vào việc rải vàng mã nên nghĩ đến chuyện làm những việc thiện, có ích cho người khác.