Vậy có câu hỏi: “Người trung niên chết thì cúng vào ngày nào”?
Ngày giỗ theo âm Hán là huý nhật hay kỵ nhật, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng có nghĩa là ngày kiêng kỵ. Ngày giỗ thì đương nhiên cúng theo lịch âm.
Nguyên ngày trước, “Lễ Giỗ” gọi là “Lễ chính kỵ”: chiều hôm trước lễ chính kỵ có “Lễ tiên thường” (Nghĩa là nếm trước), con cháu sắm sanh một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước. Ngày xưa, những nhà phú hữu mời thông gia, bà con làng xóm đến mời ăn giỗ cả hai lễ tiên thường và chính kỵ. Dần dần vì khách đông phải chia ra hai lượt; lại có những nhà hàng xóm mời cả hai vợ chồng nên luân phiên nhau, người đi lễ tiên thường, người đi lễ chính kỵ, ở nông thôn tuỳ theo thời vụ, muốn “Vừa được buổi cày vừa hay bữa giỗ”, buổi chiều đi làm đồng về, sang hàng xóm ăn giỗ tiện hơn nên có nơi lễ tiên thường đông hơn là lễ chính kỵ.
Dần dần hoặc vì bận việc hoặc vì kinh tế eo hẹp hoặc vì thiếu người phục dịch, người ta giản lược đi, chỉ mời khách một lần nhưng hương hoa, trầu rượu vẫn cúng cả hai lễ. Một vài nhà làm, những người khác thấy thuận tiện bắt chước, dần dần trở thành tục của địa phương. Việc cúng ngày sống (tức lễ tiên thường vào chiều hôm trước, nguyên xưa chỉ cúng vào buổi chiều vì buổi sáng còn phải mua sắm nấu nướng và ra khấn ở mộ yết cáo với thổ thần, long mạch xin phép cho gia tiên về nhà dự lễ giỗ). Cúng ngày sống hay cúng ngày chết, hay nói cách khác lễ tiên thường hay lễ chính kỵ, lễ nào là lễ quan trọng hơn, chẳng qua đó là cách biện hộ cho phong tục từng nơi.
Kết luận: Nếu vận dụng đúng phong tục cổ truyền phổ biến trong cả nước thì trước ngày chết (lễ tiên thường) phải cúng chiều, cúng đúng ngày chết (lễ chính kỵ) phải cúng buổi sáng kể cả chiều hôm đó mới chết.