Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ truyền thống rất quen thuộc với người Việt Nam, còn được gọi với tên khác là Tết diệt sâu bọ. Trong ngày này, mỗi gia đình thường có mâm lễ tổ tiên, trời đất… nên việc sắm sửa đồ lễ là không thể thiếu. Vì vậy, Tết Đoan Ngọ cúng gì luôn là một đề tài được nhiều người Việt quan tâm.
Nếu như Tết Nguyên Đán là Tết khởi đầu cho một năm thì Tết Đoan Ngọ là Tết khởi đầu cho một mùa vụ. Trong ngày này, người Việt cổ thường cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà an vui, mùa màng bội thu không bị sâu bọ quấy nhiễu. Theo dòng chảy thời gian, sự thay đổi của cuộc sống lao động sản xuất, hiện nay Tết Đoan Ngọ không chỉ mang những ý nghĩa trên mà nó còn là thời điểm để mọi người trong gia đình có dịp sum họp, cùng nhau trừ bỏ những điều không may mắn, xua đuổi bệnh tật (những loại sâu bọ, giun sán ký sinh trong cơ thể gây bệnh…).
Khá nhiều người hiện nay vẫn còn thắc mắc cúng Tết Đoan Ngọ vào lúc nào là đúng bởi nếu hiểu theo mặt chữ, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ chỉ giờ Ngọ, là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 13 giờ chiều. Vì vậy, giờ cúng Đoan Ngọ chuẩn nhất là từ 11 giờ đến 13 giờ. Tuy nhiên, để phù hợp với nhịp sống hiện đại, ngày nay, các gia đình thường làm lễ cúng mùng 5 tháng 5 vào sáng sớm. Tuy nhiên, thuận theo sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, nhiều phong tục trong ngày này đã được tinh giản đi, và cúng Tết Đoan Ngọ vào lúc nào cũng không còn được quy định rõ mà thường sẽ được từng gia đình sắp xếp cho phù hợp với thời gian sinh hoạt.
Tết Đoan Ngọ cúng gì cũng không được quy định rõ. Đặc trưng của Tết Đoan Ngọ Việt Nam là hướng về cội nguồn, về cộng đồng nên ông cha ta thường làm mâm cơm canh, bánh trái, chè xôi, trà rượu dâng cúng ông bà tổ tiên, thổ thần, đất đai viên trạch để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây lành trái ngọt, nhà nhà yên vui. Vì vậy nên trong dân gian mới có câu:
"Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm.”
Lễ mùng 5 tháng 5 bao gồm một số thứ thường không được quy định rõ ràng, nhưng thay đổi theo từng vùng. Tùy theo quan niệm của từng vùng miền mà lựa chọn mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên khác nhau trong ngày Tết Đoan ngọ. Tuy nhiên, các lễ vật chính phải đảm bảo như: hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp.
Mâm cúng Truyền thống gồm:
Một mâm cơm chay
Các loại bánh chay, xôi chay, nước, rượu nếp, bánh tro, chè
Mân cúng của miền Bắc không thể thiếu cơm rượu nếp. Theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Cơm rượu nếp của người miền Bắc thường được làm từ gạo nếp lức hoặc gạo nếp cẩm. Tuy nhiên, để đạt được hương vị thơm ngon nhất, mọi người thường dùng gạo nếp cẩm - nhất là gạo nếp cẩm Tây Bắc để làm thành cơm rượu nếp cẩm trong ngày Tết Đoan Ngọ. Cơm rượu miền Bắc thường rời, hạt nếp không quá mềm và vị rượu nồng hơn 2 miền còn lại.
Trong khi đó, hoa quả được chọn để cúng và ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ tại miền Bắc chủ yếu là các loại quả mùa hè có tính nóng, tươi ngon và có vị chua chua, thơm nức. Đó là những trái mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu… đặc biệt là mận, đào, vải bởi nơi đây có những vùng trồng mận, đào, vải rất nổi tiếng như mận Sơn La, vải Thanh Hà, đào Lạng Sơn… Nếu thiếu đi những thứ hoa quả này thì Tết Đoan Ngọ của người miền Bắc sẽ mất đi nhiều ý nghĩa của nó.
Món bánh gio cũng không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ của miền Bắc. Bởi người ta tin rằng khi ăn loại bánh này, bệnh tật sẽ tiêu tan hết. Đây là loại bánh tương tự như bánh ú của người miền Nam nhưng không có nhân và ăn kèm mật mía. Ngoài ra, riêng người Nùng ở Mường Khương - Lào Cai còn làm bánh khúc để dâng cúng tổ tiên, thần thánh trong dịp Tết giết sâu bọ.
Đối với miền Trung, món cơm rượu nếp trong lễ cúng Tết Đoan Ngọ người ta chỉ sử dụng nếp trắng bình thường và cơm rượu được nén thành từng khối chứ không rời như miền Bắc.
Chè kê ở Huế rất đặc biệt vì thường ăn kèm với bánh tráng mè, khi ăn dùng bánh tráng để xúc thay cho muỗng, thìa. Vị giòn của bánh tráng sẽ nhanh chóng hòa lẫn với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của kê, mùi thơm của dầu chuối và vị cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món ngon càng thêm hấp dẫn. Món ăn có tác dụng bồi bổ khí huyết, thanh nhiệt, giải độc, thích hợp cho tiết trời oi bức dịp Tết Đoan Ngọ.
Cũng giống như miền Bắc và miền Trung, lễ cúng Tết diệt sâu bọ của người miền Nam không thể thiếu món cơm rượu nếp. Người miền Nam thường chỉ dùng nếp trắng để chế biến thành cơm rượu, đặc biệt hơn, cơm rượu Nam Bộ được viên thành những khối tròn chứ không rời như miền Bắc hay ép thành từng khối như miền Trung.
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người miền Nam còn ăn cả chè trôi nước. Đây là phong tục hoàn toàn khác với miền Bắc, nơi thường cúng và ăn chè trôi nước vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch (Tết Hàn Thực).
Bánh ú Một món ăn truyền thống khác trong ngày Tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam, một phiên bản khác của bánh gio miền Bắc. Bánh ú của người Nam Bộ thường có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bên ngoài gói bằng lá, bên trong là bột nếp và nhân đậu xanh. Bánh có màu vàng sẫm, có vị mát lạnh, được nhiều người ưa thích trong những ngày nắng nóng, cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận bột bánh mềm, dẻo, phần nhân bên trong có vị ngọt thanh dễ chịu.
Miền Nam được coi là vựa trái cây lớn nhất cả nước nên trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân Nam bộ không chỉ chuẩn bị lễ cúng với hoa quả rất đa dạng các loại trái cây mà vùng này có.