Theo phong tục truyền thống dân gian thì tháng 7 Âm lịch (trừ tháng 7 thứ 2 của năm Nhuận) là thời gian “Quỷ môn khai” (mở cửa cho quỷ ra), vì thế hầu hết những công việc lớn, có tính chất quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống, cuộc đời như mua nhà, dời về nhà mới, mua xe hơi, đi du lịch xa…đều tránh thực hiện trong tháng 7 Âm lịch. Kết hôn là chuyện trọng đại, do đó càng không nên tổ chức trong tháng ấy.
Tuy nhiên trong cách “chọn ngày tốt xấu” truyền thống thì không cấm kỵ “Tháng quỷ”. Người ta cho rằng mỗi cá nhân đều có những ngày thích hợp hoặc không thích hợp riêng, do đó không thể có chung một ngày nào đó không thích hợp đối với tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, theo truyền thuyết thì đây là tháng Ngưu Lang – Chức Nữ (vợ chồng Ngâu) gặp nhau, đó là câu chuyện tình duyên trắc trở phải chịu cảnh chia ly thấm đẫm nước mắt. Ở việt Nam, rất ít người tổ chức đại hỉ vào tháng 7 âm lịch vì có mưa dầm suốt tháng và có nhiều gió bão, đồng thời kiêng kỵ cho cuộc sống hôn nhân của vợ chồng trẻ sau này có thể bị chia cắt, buồn khổ như vợ chồng Ngâu.
Mặc dù xuất phát từ quan điểm duy tâm và kinh nghiệm dân gian truyền miệng chưa được kiểm chứng, tuy nhiên, nếu muốn tổ chức đám cưới vào tháng 7 âm lịch thì cô dâu chú rể cũng nên cân nhắc và xin ý kiến cha mẹ hai bên gia đình. Người lớn thường quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vì vậy khi được sự ủng hộ và đồng ý từ cha mẹ thì ngay từ đầu chuyện cưới xin cũng được thuận lợi hơn nhiều. Hôn nhân là việc quan trọng cả đời, biết rằng hạnh phúc gia đình dựa trên sự nỗ lực vun đắp của hai vợ chồng nhưng nếu chẳng may cuộc sống sau này không thuận lợi và suôn sẻ, hai người sẽ đổ lỗi cho việc cưới vào tháng Ngâu, lúc ấy lại có thêm lý do để tranh cãi, trách móc nhau, hoặc thay vì nỗ lực giải quyết vấn đề người ta lại thường nghĩ đến lý do mình đã cưới trong tháng Ngâu mà “chấp nhận số phận”.