Trong Đạo Mẫu nói chung và ở hầu hết các đền, điện, phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ, ta thường thấy có tôn tượng của “Tam Tòa Thánh Mẫu” với sắc áo đỏ, xanh, trắng lần lượt là tượng trưng cho miền Trời (Thiên phủ), miền Rừng (Nhạc phủ), miền Nước (Thoải phủ).
Tam Tòa Thánh Mẫu được thờ ở hầu hết các đền, điện, phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ. Như tên gọi: Tam Tòa Thánh Mẫu là 3 vị Thánh Mẫu khác nhau: Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ.
Mẫu Thượng Thiên còn được gọi là Mẫu Đệ Nhất cai quản miền trời. Với quan niệm của dân gian về Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi) thì Mẫu Thượng Thiên có quyền năng tạo ra mây, mưa, sấm, chớp và có liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc ta. Đền thờ Mẫu Thượng Thiên có ở khắp nơi nhưng nhiều và lớn nhất vẫn là ở những nơi Mẫu giáng trần hoặc hiển linh, lưu dấu tích. Ngày hội chính của Mẫu được biết đến là ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Trong Tam Tòa Thánh Mẫu, Mẫu Đệ Nhất thường tọa ở chính giữa trong màu áo đỏ.
Mẫu Thượng Ngàn còn được gọi là Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi. Bà là Thánh Mẫu gắn bó với con người, cây cỏ và chim, thú. Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở nhiều nơi nhưng hai nơi thờ phụng chính là Suối Mỡ (Bắc Giang) và Bắc Lệ (Lạng Sơn). Nơi nào có rừng, có núi, nơi đó có đền thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Ngày hội chính của Đệ Nhị Thánh Mẫu là 20/09 âm lịch hàng năm. Trên ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, bà ngồi bên tay trái Mẫu Thượng Thiên và mặc áo màu xanh.
Mẫu Thoải hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thủy, cai quản miền sông nước. Thánh Mẫu Thoải Phủ gắn liền với đời sống thủy sinh của người dân từ xa xưa và có liên đới trực tiếp tới thủy tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước. Đền thờ Mẫu Thoải được dựng nhiều, hầu hết do lòng thành kính của nhân dân và ở nơi cửa sông, cửa biển chứ không có dấu tích nào của Mẫu vì bà không giáng phàm. Ngày hội chính của Mẫu thoải là ngày 10/06 âm lịch hàng năm. Lễ hội được tổ chức long trọng nhất là tại Đền Mẫu Thác Hàn Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa. Vị trí của bà trong Tam Tòa Thánh Mẫu là bên tay phải của Mẫu Thần Chủ - Đệ Nhất và mặc áo màu trắng.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau quanh các ngôi vị trong Tam Tòa Thánh Mẫu.
Có tài liệu cho rằng, Tam Tòa Thánh Mẫu thực chất chỉ là ba lần hiện thân của Mẫu Liễu Hạnh khi giáng trần hay nói cách khác, Mẫu Liễu đã hóa thân vào cả ba Thiên là Thượng Thiên, Thượng Ngàn và Thoải Phủ.
Trong Tam Tòa Thánh Mẫu không có sự xuất hiện của Mẫu Địa bởi có người cho rằng, nếu theo giả thuyết “Thiên – địa đồng quy” (Đất trời là một) thì Mẫu Thượng Thiên là cai quản cả địa phủ. Lại có giả thuyết khác, cho rằng Mẫu Địa cũng chính là Mẫu Thượng Ngàn bởi miền Rừng cũng thuộc miền Đất.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ nói riêng, người ta thường biết tới bốn vị Thánh Mẫu ngự trên ban thờ là Thánh Mẫu Cửu Trùng, Thánh Mẫu Thần Chủ (Mẫu Liễu Hạnh), Thánh Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Ở một số nơi, người ta thờ Mẫu Cửu Trùng ở chính ban, nhưng cũng lại có những nơi thờ bà ở ngoài trời cho thập phương bái vọng.
Tượng Tam Tòa Thánh Mẫu thường được thờ ở các đền, điện, phủ. Trong điện thần của tín ngưỡng thờ mẫu, Tam Tòa Thánh Mẫu được thờ chung một hàng ngang với thứ bậc vị trí rõ ràng: Mẫu Thượng Thiên mặc áo màu đỏ tọa ở chính giữa, bên phải là Mẫu Thoải mặc áo màu trắng và bên trái là Mẫu Thượng Ngàn.
Việc thờ tượng Tam Tòa Thánh Mẫu có ý nghĩa rất quan trọng, sâu sắc không chỉ trong tâm thức của người Việt mà còn trong văn hóa tâm linh của Việt Nam.
Trước hết là thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Nhờ công ơn của những vị thần cai quản tự nhiên mà được mưa thuận gió hòa để con người an tâm chăm lo sản xuất, trồng trọt phục vụ cuộc sống.
Trong quan niệm của nhiều người, việc thờ Mẫu Thượng Thiên nói chung và tượng Tam Tòa Thánh Mẫu nói chung còn cầu mong mưa thuận gió hòa, thuận buồm xuôi gió cho người làm nông nghiệp, thủy ngư, đi rừng,... nên được người dân rất tôn kính, thờ phụng cẩn thận.