Con người thế gian, ai cũng mong muốn một cuộc đời may mắn, thuận lợi. Vì vậy, làm bất kể việc lớn nhỏ nào người ta đều xem phong thủy, đặc biệt là người phương Đông. Nói đến phong thủy, nhiều người thường nghĩ đến những yếu tố bên ngoài như đất cát, nhà ở… Nhưng từ âm dương ngũ hành có thể thấy phong thủy tốt nhất, lớn nhất cuộc đời lại ở ngay trong chính bản thân của mỗi người.
Trong cuộc đời, mỗi ngày của một người thông thường đều trải qua hỉ (mừng rỡ), nộ (tức giận, phẫn uất), ai (buồn rầu, bi ai) , lạc (vui vẻ). Hỉ, nộ, ai, lạc cũng được phân thành ngũ hành.
Theo trung y, tức giận làm tổn thương gan, sắc dục làm tổn thương thận, mừng rỡ làm tổn thương tim, buồn đau làm tổn thương phổi. Vì vậy, cảm xúc của con người cần phải ổn định, mừng vui quá hay đau buồn quá cũng đều không tốt cho sức khỏe thân thể, làm hại trực tiếp đến lục phủ ngũ tạng.
Cho nên cổ nhân mới có câu danh ngôn: “Vinh nhục bất kinh khán đình tiền hoa khai hoa lạc, khứ lưu vô ý vọng thiên ngoại vân quyển vân thư”. Nghĩa là, không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ở trước sân ngắm hoa nở hoa tàn, tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan.
Một người làm việc mà có thể xem vinh nhục cũng bình thường như đóa hoa kia sớm nở tối tàn, thì mới có thể giữ cho nội tâm bình lặng không kinh động. Người có thể xem chức vị đến rồi đi biến đổi thất thường tựa như mây tụ mây tan, thì mới có thể giữ được tâm vô vi thanh tịnh.
Người mà có thể được thì không hoan hỉ, mất cũng không ưu phiền, vinh sủng hay chịu nhục cũng không kinh động, ra đi hay ở lại cũng không bận tâm. Như vậy mới có thể giữ tâm cảnh ôn hòa, thanh bạch tự nhiên. Người như vậy thì tự nhiên thể xác và tinh thần đều khỏe mạnh, vận khí cũng tốt. Người không tranh quyền, đoạt lợi, tu tâm thanh tịnh thì sẽ không có người đối địch, cuộc sống cũng thanh đạm, không lo lắng, cát tường.
Từ xưa đến này, các bậc thánh nhân đều nói rằng, “Đức” kết nối, phối hợp trời và đất nên Trời tất sẽ bảo hộ, trợ giúp. Cho nên, phong thủy lớn nhất đời người chính là “Đức”.
Muốn tu dưỡng được đức thì cần phải dựa vào tu dưỡng nội tâm. Tâm là bên trong, là thật lòng, chân tình, trung thành. Tâm (“心”) là bộ phận dưới cùng của chữ đức (“德”), ý nói đức là trong đáy lòng không có vụ lợi, tư lợi.
“Đức” là đạo đức, phẩm hạnh, phẩm đức. Chân thành, tư tưởng và lời nói hành động là thống nhất với nhau thì được gọi là “đức”.
Ông bà cha mẹ thường dạy con cái “tích Đức, làm việc tốt”
Đức hạnh, mỹ đức, phẩm đức, bồi dưỡng đạo đức là cảnh giới cao nhất mà một người cần theo đuổi. Làm người phải lấy đức làm gốc, quản lý một đơn vị, một xí nghiệp thì càng phải lấy đức làm gốc mới mong được thành công lâu dài.
Người xưa có câu rằng, phong thủy âm dương bảo hộ người lương thiện, còn kẻ trộm, tà dâm, phóng túng thì dù ở nơi phong thủy tốt cũng khó có phúc báo. Hay những câu như, nhà tích thiện thì tất sẽ có dư phúc… đều là để nhấn mạnh tầm quan trọng của “đức” đối với sinh mệnh mỗi người.
Nam Mô A Di Đà Phật!