Không phải ai cũng biết Tứ phủ Ông Hoàng gồm như vị nào? Cùng Lịch Vạn Niên 365 tim hiêu về Tứ phủ Ông Hoàng gồm những ai nhé.
Tứ phủ ông hoàng chính các Ông Hoàng trong đạo Mẫu còn được dân gian gọi là Thập vị Ông Hoàng. Trong các ngôi đền hay trong điện thờ ta thấy tượng ông hoàng được tọa dưới hàng Chầu Bà và Ngũ Vị Tôn Quan trên ban thờ Tứ phủ. Đây là các vị Thánh nam thuộc về bốn phủ: Thiên, Điạ, Thoải và Nhạc. Huyền tích về sự xuất hiện của họ thường có liên hệ mật thiết với các nhân vật lịch sử, danh tướng có công đánh dẹp giặc hay những người khai sáng, mở mang cho đất nước, địa phương nơi họ hiển linh.
Trong hệ thống thần điện của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ, ở hàng Tứ phủ Thánh Hoàng ta thường thấy có đại diện là Ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười. Các Ông Hoàng này thường được thờ ở ban công đồng hoặc ban riêng trong trang phục với màu sắc khác nhau, tượng trưng cho từng phủ. Các Thánh Hoàng thường đảm nhiệm chức năng thay quyền Vua Cha, Thánh Mẫu để ban tài, tiếp lộc, ban công, ban quyền, phù trợ việc học hành, thi cử cho người dân. Đôi khi, các ngài cũng chấm lính, bắt đồng hoặc thậm chí ứng đồng xem bói.
Các Ông Hoàng thường được gọi tên theo thứ tự từ Ông Hoàng Cả đến Ông Hoàng Mười.
Ông Hoàng Cả (thường gọi tắt là Ông Cả) hay còn gọi là Ông Hoàng Quận: là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình. Trong Tứ Phủ Ông Hoàng, ông là anh cả, giáng sinh ra đầu. Sau này ông lên cõi Thượng Thiên, coi giữ sổ sách.Thiên Tào. Có khi ông rong chơi khắp chốn khi chơi Thiếu Lĩnh, lúc chơi Non Bồng. Ông Hoàng Cả dạo khắp các nơi Bồng Lai, Tiên Cảnh, khi trên thượng giới ông cuỡi con Xích Long, khi dạo chơi trên mặt nước Ông Hoàng cưỡi lốt tam đầu cửu vĩ. Có khi ông cũng ngự lên cõi trần gian phù hộ cho người làm ăn buôn bán hoặc kẻ học hành khoa cử. Tuy nhiên Ông Hoàng Cả không giáng trần.
Ông Hoàng Cả rất ít khi ngự đồng, khi ngự về ông thường mặc áo đỏ (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét đỏ. Ông Hoàng Cả ngự về thường chỉ tấu hương, khai quang (cũng có người hầu ông về múa hèo, nhưng khá hiếm vì không mấy người hầu về Ông Cả.
Ông Hoàng Đôi là vị Thánh Hoàng thuộc Nhạc phủ. Tương truyền Ông là người Mán, có công dẹp giặc cứu nước nên được nhân dân thờ cúng và tôn sùng. Các huyền tích của ông gắn liền với đền Bảo Hà, Lào Cai. Ông cùng với Ông Hoàng Bảy Bảo Hà dẹp giặc dưới thời vua Lê. Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng, ông Hoàng Đôi ngu áo màu xanh lá, tượng trưng cho Nhạc phủ (miền Rừng).
Ông Hoàng Bơ hay chính là Ông Hoàng Ba (“Bơ” là cách đọc chệch đi của “Ba”) còn được gọi là Ông Hoàng Bơ Thoải là vị Thánh Hoàng thuộc Thoải phủ. Tương truyền, Ông thông thuộc Phật pháp, thơ phú và từng hiển linh giáng trần ban phúc cho dân, ban lộc cho người buôn bán, kẻ học hành đỗ đạt. Trong thần điện và trong nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Ông ngự màu áo trắng của Thoải cung. Ngày tiệc của ông là vào 13 tháng 6 và 7 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Ông Hoàng Tư là con của Đức Vua Cha Động Đình có Sắc phong tước hiệu: Thượng Đẳng Thần Thủy Cung Hoàng Tử. Có tài liệu cho rằng Quan Hoàng Tư không giáng sinh. Tuy nhiên, có tài liệu cho rằng Quan Hoàng Tư có giáng sinh và đó chính là Tướng quân Nguyễn Hữu Cầu – Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu lẫy lừng vào thời vua Lê Trung Hưng.
Đền thờ chính của Ngài tại thôn Cửu Điện, Nhân Hòa, Vĩnh Bảo, Hải Phòng
Thánh ông Hoàng Năm không giáng trần nên không có đến thờ riêng và không có thần tích. Ngài có nhiệm vụ gì trên thiên cung cũng không ai được rõ và cũng không ai biết Ngài có thể phù hộ cho dương gian được những điều gì.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng Ngài có giáng trần và hiện thân của Ngài chính là Tướng Quân Hoàng Công Chất.
Cũng như Quan Hoàng Tư, Quan Hoàng Năm, Quan Hoàng Tám thì Quan Hoàng Sáu không giáng trần nên không có đền thờ chính và tất nhiên, Quan Hoàng Sáu không có thần tích.
Tuy nhiên, cũng có người phân vân tướng quân Hoàng Lục có phải là hiện thân của Ông Hoàng Sáu hay không, bởi chữ Lục là Sáu nên làm người ta liên tưởng đến Hoàng Lục chính là Ông Hoàng Sáu.
Đền thờ của Hoàng Lục hiện nay tọa lạc trên ngọn đồi Đoỏng Lình (linh thiêng) thuộc làng Chi Choi, xã Đình Phong (Trùng Khánh) – Cao Bằng.
Ông Hoàng Bảy còn được gọi là Ông Hoàng Bảy Bảo Hà là vị Thánh Hoàng thuộc Nhạc phủ. Các huyền tích về Ông gắn liền với nơi thờ Ông là đền Bảo Hà, Lào Cai. Tương truyền, tên húy của Ông là Nguyễn Hoàng Bảy, là vị quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái dưới thời vua Lê. Bằng tài thao lược, Ông đã có công dẹp giặc, hộ quốc, an dân, sau này cũng vì dân mà hy sinh. Sau khi Ông mất lại hiển linh phù giúp nước nhac, được các triều đình phong kiến ban sắc phong Thượng đẳng thần, phong danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt”, “Thần Vệ Quốc”.
Trong điện thần và nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Ông Hoàng Bảy ngự áo màu lam hay tím chàm, cũng có khi là màu hồng/đỏ. Ngày tiệc Ông là vào 17 tháng 7 âm lịch hàng năm.
Ông Hoàng Bát tương truyền vốn là danh tướng Nùng Trí Cao trong lịch sử, quê Quảng Nguyên (Cao Bằng ngày nay). Ông có công đánh giặc Tống xâm lược, lưu danh sử sách, được nhân dân ghi nhớ công ơn và lập đền thờ tự. Sau này, Ông được triều đình phong kiến sắc phong Thượng Đẳng Đai Vương.
Trong thần điện và nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ, Ông Hoàng Bát ngự áo màu vàng. Tuy nhiên, ông rất ít giáng đồng. Đền thờ chính của Ông nằm ở đền Kỳ Sầm, xã Vinh Quang, Hòa An, Cao Bằng. Ngày tiệc Ông là vào 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Ngài là con đức Vua Cha, là Quan Hoàng Chín có tính yểu điệu nhất. Về đồng mặc áo dài đen, chân đi guốc, tay cầm ô, mặc kiểu ông đồ thời cổ Việt Nam. Ông về đồng giáng bút, ngâm thơ, uống rượu bằng bát. Gốc tích của ông ít được lưu truyền, tuy nhiên ông có giáng trần, với tài văn chương, thơ phú kinh luân biệt tài. Ồng đăng khoa triều đình lúc tuổi vừa đôi tám. Và Ông cũng là một tướng tài được giao trọng trách thống lĩnh cửa Cờn Môn. Chính vì thế nhân dân còn gọi là Ông Hoàng Chín là Ông Cờn Môn. Sau ông còn là vị quan thanh liêm, cứu dân, giúp nước và luôn trợ người hữu duyên. Thường những đồng cựu và sát căn duyên mới bắc ghế hầu ông
Ông Hoàng Mười hay Ông Hoàng Mười Nghệ An là vị Thánh Hoàng nổi danh tài hoa, sang trọng, văn võ song toàn. Huyền tích về Ông trong dân gian rất nhiều. Tương truyền rằng, Ông quê ở Nghệ An, là người có nhiều công lao với đất nước và nhân dân.
Trong thần điện và nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, Ông Hoàng Mười ngự áo màu vàng. Ngày tiệc Ông là 10 tháng 10 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, thập phương thường lễ bái cầu tài lộc, công danh, khoa cử.
Hiện có thể coi Ông có hai đền thờ chính là Đền Chợ Củi bên đất Hà Tĩnh và đền Hưng Nguyên bên đất Nghệ An.
Trên đây chỉ là các Thánh Hoàng thường hiển linh trong các nghi lễ hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Các Quan Hoàng còn lại thường không giáng trần mà chỉ được dân gian nhớ ơn, thờ phụng.