Chuyện chặt cây xanh tưởng chừng đơn giản, tuy nhiên bạn cũng chớ tùy tiện cẩu thả mà làm. Người thế gian không hiểu pháp chẳng nói làm chi, nhưng nếu bạn là người học Phật thì cần phải biết điều này: Không phải là tất cả, nhưng phần lớn cây cối, đặc biệt là những cây lâu năm, đều là nơi trú ngụ của Quỷ thần, Thọ thần và quyến thuộc. Muốn chặt những cây ấy, bạn cần niệm Phật ít câu rồi tác bạch, thông báo trước ngày giờ cho họ biết để họ và quyến thuộc chuyển nhà. Nếu tùy tiện không thông báo trước dễ rước họa vào thân như chơi.
Chuyện này không phải đùa đâu, xin chớ cẩu thả! Thầy tôi thường bảo: Các cây lớn ở đền chùa đều có quỷ thần cư ngụ. Ngay cả ở Chùa, quý Thấy muốn tỉa một cành nhỏ cũng cần phải tác bạch xin phép, cho họ có thời gian thu xếp nơi ở mới, nếu không thì rắc rối to. Bởi họ cũng như ta, cần phải có thời gian để thu xếp chuyện chỗ ở cho con cháu. Nếu đang yên đang lành ta phá nơi ở của họ, họ nổi tâm sân lên, lúc ấy khổ thật khó mà kham nhẫn được.
Dân gian có câu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Những người đi rừng lấy gỗ hoặc săn bắt, khi ốm đau hoặc gặp xui xẻo chỉ biết do “rừng thiêng nước độc”. Họ chẳng biết cái thiêng ấy ở đâu ra, cái độc ở đâu ra, nên nói vậy. Chớ thực ra phần lớn đều do quỷ thần và các loài tinh mị gây nên vậy!
Khi giảng kinh Địa Tạng, Ngài Tuyên Hóa dạy: “Ở những cây to đều có thần linh cư ngụ. Cỏ có thần cỏ (thảo thần), gỗ có thần gỗ (mộc thần), và cây có thần cây (thụ thần). Khi cây cối trở nên to lớn, già cỗi, thì được gọi là “quỷ thần thôn.” Tức là chỗ trú ẩn của quỷ thần. Vì quỷ thần thường chọn những cây đại thụ làm nơi nương náu. Nếu không có các loại đại thụ này thì quỷ thần sẽ rất khốn khổ; bởi chỉ có nương náu nơi những cây to, um tùm, thì quỷ thần mới cảm thấy an ổn và vui sướng. Vì thế, những cây cổ thụ to lớn được gọi là “quỷ thần thôn.”
Thời Tam Quốc, có một cây đại thụ lâu năm được mọi người gọi là “thần thụ”(cây thần). Tào Tháo bấy giờ chẳng những không tin, lại còn sai người đến đốn cây ấy đi. Sau đó, Tào Tháo bỗng dưng bị mắc chứng đau đầu dữ dội, suốt ngày đau đớn khổ sở; về sau phải mời Hoa Ðà đến chữa trị cho. Ấy là do ông ta đã đắc tội với quỷ thần – thần cây – mà ra vậy.
*
Trong Tứ Phần Luật có nói rằng Tỳ Kheo không được phép đốn hoặc chặt những cây cối to lớn, um tùm, vì ở những cây đại thụ như thế đều có quỷ thần cư ngụ. Lại còn có loại tiểu ác quỷ nữa. Các tiểu ác quỷ thường nương náu trên cây cối và thị hiện thần thông, khiến cho người ta tin tưởng chúng.
Ðiển hình là chuyện thọ Giới của cây long não (chương thọ) ở Chùa Nam Hoa (Trung Hoa). Lúc chưa thọ Giới, vị thần cây thường hiển thị thần thông—hễ ai có việc gì mà đến thắp nhang khẩn cầu thần cây thì đều được cảm ứng; cảm ứng như thế nào? Ví dụ như người bị đau ốm đến cầu xin, thì chỉ cần thắp nén nhang là liền được khỏi bệnh ngay; hoặc có người bị mất đồ, bèn thắp hương cầu khẩn, thì liền tìm lại được những đồ đã mất—những chuyện “linh ứng” như vậy xảy ra rất nhiều.
Những người đến cầu xin tưởng rằng đó thật là sự linh cảm, là Bồ Tát hiển linh, nên họ liền giết gà, mổ heo, mang thịt của đủ loại súc sanh đến cúng tế để tạ ơn, và thế là thần cây được hưởng “lộc ăn.” Song, thật ra, đó là một loại tiểu ác quỷ tác quái.
Vừa rồi tôi có nói rằng nếu quý vị tin là có thần, thì thần tồn tại; mà không tin là có thần, thì thần cũng vẫn tồn tại! Có nhiều người cho rằng “tin thì có, không tin thì không có”; nhưng trong trường hợp này thì “tin cũng có, không tin cũng vẫn có” như thường!
Thí dụ dưới đất có mỏ vàng, thì bất luận quý vị biết hay không biết, tin hay không tin, mỏ vàng vẫn nằm sờ sờ ở đó. Quý vị tin, tức là quý vị biết rằng có thần; còn quý vị không tin, có nghĩa là quý vị không biết rằng có những vị thần như thế, chứ không phải là không có thần! Ðó chẳng qua là vì quý vị hoàn toàn không có tri thức, không có trí huệ để nhận biết mà thôi. Vì vậy, chúng ta phải thận trọng, không nên hùa theo những kiến giải sai lầm, lệch lạc của người khác!”
Muốn chặt cây cần nhớ lời Phật dạy về Quỷ Thần
Theo Pháp Uyển Châu Lâm: “Luật Tăng Kỳ nói: “Thời Đức Phật tại thế, có Tỳ kheo Xiền-đà, cần cây gỗ làm phòng ốc, có rừng cây Tát-la, liền đến khu rừng chặt cây, mang về sử dụng làm thành phòng ốc. Lúc bấy giờ trong rừng có quỷ thần nương dựa tại rừng này, nói với Xiền-đà rằng: Ngài đừng chặt cây ở đây, làm cho con cái bé nhỏ yếu đuối của tôi, phơi bày giữa mưa gió không có nơi nào nương nhờ!
Xiền-đà đáp rằng: Quỷ chết lập tức rời xa, đừng ở lại trong này, ta không thích gặp ông. Nói rồi vẫn tiếp tục chặt cây như trước. Lúc ấy quỷ thần này liền khóc nỉ non khổ sở, dẫn các con nhỏ đi đến nơi Thế Tôn. Đức Phật biết rõ mà cố ý hỏi: Vì sao ông khóc vậy?
Thưa rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Tôn giả Xiển-đà chặt cây rừng của con mang về dùng làm phòng ốc. Việc ấy khiến quyến thuộc của con gặp gió mưa thì phơi bày không nơi nương nhờ, phải nhờ cậy nơi nào?
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn, vì quỷ thần này, tùy thuận thuyết pháp cho nghe, buồn lo khổ sở lập tức trừ diệt. Cách chỗ Đức Phật không xa cũng có cây rừng, Đức Thế Tôn chỉ về nơi ấy để họ đến đó cư trú. Xong xuôi, đức Phật trách Ngài Xiển-đà rồi khuyên răn các đệ tử rằng: Như Lai cư trú một đêm ở nơi này, hai bên có cây cối và mọi người, thì làm thành tháp miếu, vì vậy thần linh vui mừng đến nhờ cậy, làm sao lại thô lỗ mắng nhiếc họ?”
Còn luật Tứ Phần nói: “ Đức Phật cũng không cho phép chặt cây thần linh cư trú, nếu chặt thì mắc tội Đột kiết la.”
Còn trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Nếu có chúng sanh trì giới tách rời tà kiến, thấy người chặt phá cây lớn là nơi cư trú của quỷ thần – Dạ xoa, La sát thì người ấy che chở bảo vệ khiến không chặt phá, các quỷ thần này không làm não hại đến người, nhờ vào cây thọ hưởng vui vẻ, không có cây thì khổ sở phiền muộn. Người này mạng chung sanh đến cõi trời Hoan Hỷ, thọ nhận sung sướng vui vẻ; từ cõi trời mạng chung, nếu được làm thân người thì giàu có yên ổn.”