Vì sinh ra và lớn lên tại một thị trấn nhỏ miền núi nên tôi nhanh chóng nhận ra đó là một loại bùa chú của người dân tộc, dùng để làm phép, úm cho người đàn bà trong nhà chết bệnh. Tôi giật mình nghĩ lại, có khi bùa chú đã linh ứng vì gần đây tôi ngày càng gầy yếu, suy nhược cơ thể và lại vừa phải trải qua cuộc phẫu thuật để cắt bỏ khối u.
Thủ phạm duy nhất mà tôi nghĩ tới là cô em chồng ở tầng dưới vì trong căn nhà 4 tầng mà bố mẹ chồng tôi cho mượn thì chỉ có vợ chồng tôi và vợ chồng cô em sống cùng. Tôi đã đem chuyện này để nói với chồng và chúng tôi quyết định sẽ gặp bố mẹ chồng để ông bà đứng ra phân giải cho tôi. Song ông bà đã bênh vực con gái, cho rằng tôi khéo dựng chuyện, rằng bùa chú là sản phẩm của mê tín dị đoan, không có tác dụng gì. Suốt thời gian qua tôi luôn sống trong cảm giác hoang mang và lo sợ.
Tôi giật mình nghĩ lại, có khi bùa chú đã linh ứng vì gần đây tôi ngày càng gầy yếu, suy nhược cơ thể… (Ảnh minh họa: Internet)
Tôi đã gọi riêng cô em để nói chuyện, phân tích phải trái việc làm của cô ấy. Tôi nói để cô ấy hiểu rằng nếu tôi chết đi thì người đầu tiên chịu khổ là hai đứa cháu của cô rồi tiếp đến là anh trai cô. Chẳng những không chịu nghe mà cô ấy còn rủa tôi “biến khỏi cái nhà này càng sớm càng tốt”. Tôi chợt nổi da gà vì nghĩ đến người chị dâu lớn trong nhà đã mất trước khi tôi về làm dâu, để lại đứa con trai nhỏ tội nghiệp. Nghe nói chị ấy mất do tai nạn, có khi nào…??? Tôi không dám nghĩ tiếp nhưng từ đó mâu thuẫn giữa chị em tôi chẳng những không được gỡ bỏ mà còn đẩy lên cao hơn. Tôi thấy rất nản!
Từ ngày tôi bước chân về nhà chồng làm dâu đến nay, chưa bao giờ cô em chồng coi tôi là chị dâu. Vì tôi ít tuổi hơn em chồng nên cô ấy cũng không gọi tôi là chị, bình thường thì gọi tên nhưng lúc tức thì mày tao chí tớ. Cô ấy luôn coi tôi là một kẻ hám tiền, muốn trụ lại thủ đô nên mới tiếp cận anh trai mình. Trong con mắt của cô em người Hà Nội ấy thì tôi là một con bé đồng rừng ngốc nghếch, quê mùa.
Chúng tôi ngoài việc ở cùng một nhà thì phải làm việc cùng một nơi. Đó là một gian hàng ngoài chợ, được bố mẹ chồng tôi chia đôi không gian cho vợ chồng tôi và cô em. Mặt hàng của chúng tôi bổ trợ cho nhau nhưng cô ấy thì không có thái độ tích cực, ngược lại vô cùng ghê gớm và luôn tìm cách để mọi người trong gia đình chồng nghĩ xấu về tôi.
Có lần, trong lúc chờ tôi lấy thêm phụ kiện khách hàng của tôi đã vô tình lấy dây buộc hàng của bên cô ấy. Vậy là cô ấy quát mắng cả chủ và khách làm tôi muối mặt vô cùng. Sau đó, tôi cũng đã góp ý với cô rằng nếu chẳng may khách hàng có lấy nhầm thì tôi sẽ trả lại, đừng làm thế mất mối làm ăn. Cô ấy không nghe mà còn lên giọng rằng tôi là kẻ chuyên gian lận, làm lợi cho bản thân, là kẻ hám tiền… Những lúc như thế tôi không muốn cãi vã vì xung quanh còn rất nhiều bạn hàng và khách khứa, tuy nhiên cô ấy lấy đó là điểm yếu của tôi và luôn gây sự ầm ĩ mỗi khi có cơ hội.
Khi tôi sinh đứa con đầu lòng cũng là lúc cô ấy mang thai tháng cuối. Mẹ đẻ tôi bất ngờ mất trước khi tôi sinh con 10 ngày. Bất chấp sự can ngăn của chồng và cả gia đình bên ngoại, tôi vẫn vượt hàng trăm cây số đường gập ghềnh về quê chịu tang mẹ. Khi sinh con tâm trạng tôi rất tệ. Phần vì đau xót, phần vì hẫng hụt. Tôi vốn yên tâm sẽ có mẹ chăm khi sinh con đầu, nay phải đối mặt với việc nuôi con nhỏ, chưa có kinh nghiệm nên vất vả và áp lực vô cùng, tôi rất hay tủi thân và mệt mỏi vì ngoài chồng không ai hỗ trợ gì tôi cả. Thế nhưng cứ mỗi lần mẹ chồng tôi qua thăm cháu là cô ấy nhõng nhẽo thèm ăn cái nọ cái kia để bà đứng lên đi mua giúp.
[chị dâu, em chồng, nhà chồng, yểm bùa, bùa chú, ganh ghét, đố kỵ]
Cô ấy luôn ganh ghét và ghen tỵ với tôi trong cuộc sống. (Ảnh minh họa: Internet)
Đồ ăn, đồ dùng mà cô ấy yêu cầu mẹ mua luôn phải là những thứ đắt đỏ, có thương hiệu còn tôi thì phải luôn chi tiêu dè sẻn bởi công việc làm ăn của tôi còn mới mẻ, chưa ổn định. Khi thấy tôi mua sắm, cô ấy thường có thái độ coi thường và dè bỉu vì toàn thứ “nhà quê”. Điều quan trọng nhất là những khoản tiền dành cho mua sắm của cô ấy đều được mẹ chồng tôi chu cấp, bà thương con gái hơn tất thảy những đứa con khác trong gia đình.
Cô ấy luôn ganh ghét và ghen tỵ với tôi trong cuộc sống. Hễ nghe ai đó khen tôi làm tóc đẹp, nhìn “tây” hơn hẳn hay khen tôi 2 con mà dáng vẫn chuẩn… là cô ấy nổi cơn điên. Sau đó lại tìm cách “dìm hàng” tôi cho bõ tức. Học hết cấp 3 xong, cô ấy không thi đỗ đại học nên quyết định ở nhà kinh doanh. Khi biết tôi đã học xong trung cấp cô ấy cũng ghen tức, vậy là bằng mọi cách cô ấy thi cho được vào hệ tại chức một trường đại học và thuê người tới lớp.
Để giữ dáng, cô ấy đã nuôi 2 đứa con hoàn toàn bằng sữa bột mà không cho các con bú một lần nào. Cô ấy lấy đó là chuẩn vì nuôi con khoa học giống Tây chứ không giống “đồ nhà quê” như tôi. Điều đó cũng chẳng làm tôi bị ảnh hưởng gì nhưng tôi luôn thấy cuộc sống ngột ngạt bởi lúc nào cũng bị săm soi, bị chơi xấu, bị dè bỉu…
Bố mẹ chồng tôi đều cưng chiều cô ấy từ nhỏ nên ông bà cho đó là chuyện bình thường và yêu cầu tôi phải chấp nhận vì lấy chồng phải theo nhà chồng, không thể sống theo phong tục lạc hậu “ở rừng” của tôi. Mọi chuyện tôi có thể bỏ qua nhưng việc cô ấy làm bùa chú để tôi sống trong bệnh tật đến chết thì tôi không thể chịu nổi. Cho dù không muốn tin việc làm bùa chú của cô ấy đã linh nghiệm thì tôi cũng vô cùng hoang mang, lo lắng.
Điều kiện kinh tế của chúng tôi chưa thể trang trải nổi cho việc thuê nhà trọ nên phương án đi thuê nhà ở riêng là không thể. Thế nhưng cứ sống cùng, làm cùng thế này tôi luôn trong tâm trạng ức chế, phiền muộn. Ảnh hưởng rất nhiều tới hạnh phúc của vợ chồng tôi và hai cậu con trai đã tới tuổi đến trường. Chồng tôi cũng bất lực trước cô em quái chiêu của mình và nhiều lúc anh em họ còn cãi cọ trước mặt con trẻ. Tôi biết phải làm gì bây giờ?