Giải Mã Những Yếu Tố Tâm Linh về Chủ Tịch Hồ Chí Minh

2021-05-13 12:27:25.0
Dù chúng ta không phải là những người duy tâm và tin vào những điều thần bí, nhưng hiện tượng của các sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hoàn toàn khách quan. Những sự trùng hợp ngẫu nhiên vừa đặc biệt, vừa thú vị.

MỤC LỤC

    Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác đã trở thành huyền thoại. Nhưng đó là huyền thoại có thực, bởi vì Bác đã cống hiến trọn đời mình cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam và đóng góp cho nhân loại nhiều giá trị tư tưởng, văn hóa, đạo đức lớn lao, bền vững. Những giá trị đó kết tinh cùng thời gian và thăng hoa cùng trời đất để theo quy luật của tự nhiên, Hồ Chí Minh - tên tuổi của Người lưu danh muôn thuở và ngày càng tỏa sáng.

    Dù chúng ta không phải là những người duy tâm và tin vào những điều thần bí, nhưng hiện tượng của các sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hoàn toàn khách quan. Những sự trùng hợp ngẫu nhiên vừa đặc biệt, vừa thú vị. Cùng Lịch Vạn Niên 365 Giải Mã Những Yếu Tố Tâm Linh về Chủ Tịch Hồ Chí Minh dưới đây nhé.

    Xem Lịch Âm sự kiện ngày 19-5

    1. Tầm nhìn Thánh nhân của Dân tộc - Hồ Chí Minh

    Bác Hồ kính yêu đã ra đi để lại muôn vàn thương tiếc cho đồng bào, đồng chí, nhân dân cả nước ta. Nhớ lại, ngay sau thời điểm Người ra đi, tại nhiều đình, đền, miếu, chùa và nhiều gia đình đã lập bàn thờ Cụ Hồ để tỏ lòng thành kính với Người.

    Mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh của Người, chúng ta lại nhớ tới công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu! Gọi Người là vị Thánh nhân của dân tộc! Bởi vì, cũng hiếm thấy trong lịch sử nhân loại, có quốc gia hay dân tộc nào lại có một Nguyên Thủ, Tổng Thống hay một Chủ tịch nước nào, ngày tuyên ngôn độc lập, khai sinh cho Quốc gia hay dân tộc mình công bố nền cộng hòa hay dân chủ cho đất nước mình - vào một thời khắc lịch sử nhất định lại trùng hợp với thời khắc, thời điểm ra đi vào cõi vĩnh hằng của chính mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa 9h45' ngày 02/9/1945 Ất Dậu, trùng hợp thời khắc ra đi của Người cũng vào 9h47' ngày 02/9/1969 Kỷ Dậu, 24 năm sau, ở tuổi 79 của Người. Duy vật biện chứng thì coi đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong lịch sử, còn các bậc hiền triết hay Triết gia phương Đông thì cho rằng, chỉ có những bậc vĩ nhân hay anh hùng dân tộc mới có những lá số tử vi khoa học dự đoán “Sinh một khắc, tử đồng khắc" như vậy!

    Minh chứng cho điều này, điểm lại những mốc sau lịch sử của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch với Cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20 cho thấy: Năm 1930 (Canh Ngọ) - Đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời. Năm 1945 (Ất Dậu) - Cách mạng Tháng Tám thành công, ra đời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (02/9/1945). Tháng 2/1951 (Tân Mão) Đảng Cộng Sản Đông Dương đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 7/5/1954 (Giáp Ngọ) - Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu; chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (một nửa đất nước được sống trong hòa bình, độc lập). Năm 1960 (Canh Tý) - Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam ra đời, bước ngoặt quan trọng tạo thế và lực cho Cách mạng để giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1972 (Nhâm Tý) - Chiến thắng lịch sử vĩ đại “Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm là Đại thắng mùa xuân - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 (Ất Mão). Đó là những mốc son kỳ diệu của Cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

    Theo quan điểm Hồ Chí Minh đó là “vận nước". “Đại sự muốn thành công phải nhờ vận nước" - Thánh nhân Hồ Chí Minh nói: “Vận nước" là lòng dân và tình thế trong nước, ngoài nước". Thời đại thánh nhân Hồ Chí Minh đã minh chứng cho luận điểm tâm linh của Người Việt. Quy luật vào thời khắc lịch sử, đột biến của “Thời thế" và “Vận nước" và những năm âm lịch Tý - Ngọ - Mão - Dậu thường diễn ra những biến cố lớn của đất nước chúng ta đó sao!

    Đâu chỉ có vậy! Tại những thời khắc quyết liệt đầy cam go của Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thánh nhân của dân tộc Việt đã tiên đoán trước mọi tình thế.

    Nhớ lại xuân Nhâm Ngọ 1942 trong trường ca “Lịch sử nước ta" với 236 lục bát của Hồ Chí Minh, cuối tác phẩm này có mục ghi những mốc lớn trong lịch sử dân tộc, Người đã có dòng chữ tiên đoán: “Năm Ất Dậu 1945 - Việt Nam độc lập". Ngay trong cuốn sách “Nam Đàn xưa và nay" đã phân tích về sự kiện lạ kỳ: “Tại cuốn Nghệ An ký của Hoàng Giáp Bùi Dương lịch, viết vào cuối thế kỷ 18 có nhắc đến câu truyền tụng... “Độn Sơn phân giới, Nam Đàn sinh Thánh".

    Học trò của cụ Phan Bội Châu lúc đó hỏi: “Nam Đàn sinh Thánh" có phải ứng vào Thầy không? Cụ Phan đã giải thích: “Câu sấm truyền này có ứng thì là Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này)".

    Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi đó là Phó Chủ tịch nước, có thời gian ngắn làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất khâm phục trí tuệ siêu phàm của Thánh nhân Hồ Chí Minh, hiểu thấu thiên cơ của Người: “Tầm con mắt trong cao tột bậc, nhận rõ đại cuộc, xét thấu thiên cơ". Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã đánh giá tầm nhìn đó trước thời cuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Người thường kể với chúng tôi, dự đoán tương lai. Người nói, chừng 4 hay 5 năm nữa, Cách mạng Việt Nam sẽ thành công".

    Cả thời điểm trước khi ra đi vào cõi vĩnh hằng, Người vẫn còn để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta những lời tiên tri trong những vần thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu 1969, để 6 năm sau, đúng năm Ất Mão 1975 đã trở thành hiện thực:

    Năm qua thắng lợi vẻ vang

    Năm nay, tiền tuyến chắc càng thắng to

    Vì độc lập, vì tự do

    Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào!".

    Quả là dự báo thật chính xác của Thánh nhân Hồ Chí Minh: Không đánh cho Mỹ cút năm 1973 thì Ngụy ắt phải nhào, phải sụp đổ hoàn toàn năm 1975! Đó cũng có khác gì, khi cuối tháng 7/1945 khi Người ốm nặng, tại lán Nà Lừa, sau một đêm tỉnh lại sau cơn sốt, Người đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp đang ngồi ở bên là: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy của dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập..." (Võ Nguyên Giáp - Từ Nhân dân mà ra - NXB QĐND).

    Tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong tâm trí của Người khi Cách mạng tháng Tám mới thành công, nhận rõ vai trò quan trọng của các di tích danh thắng cùng các vùng đất linh thiêng của đất nước.

    Ngày 23/11/1945, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 65 về “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá hủy đình, chùa, đền, miếu, các cổ vật, thành, quách, lăng mộ, chiếu sắc, văn bằng.... có ích cho lịch sử". Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự thảo được Quốc hội thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước ta (năm 1946) - Văn bản quan trọng nhất, thể chế hóa đường lối chính sách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

    Trong suốt cuộc đời cách mạng của Hồ Chủ tịch, tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn dành thời gian đến thăm những di tích thiêng liêng đất Việt như; Đền Hùng, Chùa Côn Sơn, Chùa Hương Tích, chùa Quán Sứ, Chùa Thầy, di tích Cổ Loa thành .... Người luôn trân trọng giá trị tâm linh.

    Sau khi hòa bình lập lại, năm 1958, đúng ngày sinh của Người (1915), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Chùa Hương thành tâm kính lễ Phật Bà Quan Thế Âm hay cùng Vùa Lào (sang thăm Việt Nam năm 1963) đến lễ Phật tại chùa Quán Sứ. Đó là sự kế tục dòng chảy văn hóa tâm linh đất Việt. Các đời Vua, các danh nhân, anh hùng dân tộc như: Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông... qua các Triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đều sớm tìm đến vùng đất thiêng nhằm khởi phát để nối mạch thông linh: Thiên - Địa - Nhân, tạo thế trường tồn cho đất nước, cho muôn đời con cháu mai sau.

    Cho nên, khi đất nước còn chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý tới khu linh thiêng K9 - Đá Chông. Theo Triết học phương Đông, bình địa rộng lớn của K9 - Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội là nơi tổng hòa các yếu tố linh thiêng quy tụ. Bởi, trước mặt K9 là sự giao thoa của 3 dòng: Sông Đà, sông Thao và sông Hồng; sau lưng dựa núi Tản Viên, hai bên tả, hữu triền núi thoai thoải, nước sông Đà “trường lưu thủy" chảy từ tả sang hữu (trái sang phải) hội hợp về biển lớn đúng như cái thế “Tiền Cận Giang - Hậu Tựa Sơn" (trước là sông, lưng tựa núi). Thế đất K9 là “thế tay ngai", hội tụ phát tích linh khí, nằm trong vùng đất địa linh tuyệt duyệt.

    Vì vậy, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, chiến sỹ bảo vệ K9 không được chặt cây, phá đá mà phải giữ nguyên các quần thể, từng khối đá trụ nơi đây.

    Tầm nhìn của Thánh nhân dân tộc Việt Nam - Hồ Chí Minh là tầm nhìn xuyên thế kỷ. Bởi ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công chưa đầy 2 tháng, ngày 01/11/1945, trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó là ông J.Bâyrix, Người đã đưa ra sáng kiến về ngoại giao nhân dân, mở đầu cho quan hệ hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, cho dù giữa hai nước lúc đó chưa có quan hệ ngoại giao chính thức.

    Hay, sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, trả lời phóng viên Hãng thông tấn Pháp là Becna Uynman: “Nếu Chính phủ hoặc tư nhân Pháp cho vay vốn thì Chủ tịch có nhận không? Nếu nhận thì với những điều kiện như thế nào?". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Những quan hệ kinh tế giữa hai nước phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi".

    Đó là tầm nhìn của Thánh nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh! Tầm nhìn đặt nền móng cho sự phát triển quan hệ nhiều mặt có hiệu quả giữa Việt Nam với Hoa Kỳ hay Pháp đã và đang diễn ra suốt nhiều năm qua.

    Mỗi dịp sinh nhật Bác Hồ, mỗi người dân đất Việt càng hiểu thấu và tự hào hơn về tầm nhìn của bậc vĩ nhân Hồ Chí Minh, tầm nhìn của Thánh nhân Hồ Chí Minh - Tầm nhìn của Anh hùng tạo nên thời thế, chứ không phải thời thế tạo anh hùng. Một tầm nhìn luôn đi trước thời thế - Tầm nhìn Thánh nhân Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam.

    ​2. Yếu tố tâm linh trong tư tưởng Hồ Chí Minh

    Vua Lý Thái Tổ thấu triệt nguyên lý triết học phương Đông nhận định sáng suốt mối quan hệ biện chứng thiên - địa - nhân, vừa lên ngôi, Người quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), bản Chiếu dời đô lịch sử ghi nhận: "Ở trung tâm bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi; vị trí ở giữa bốn phương đông, tây, nam, bắc; tiện hình thế núi sông sau trước…  xem khắp nước Việt ta, chỗ ấy là nơi hơn cả, thật là chỗ hội họp của bốn phương…"

    Kinh đô có vị thế vô cùng quan trọng đối với quốc gia. Xét tổng thể hình thế núi sông bao quanh kinh thành Thăng Long, theo hướng Bắc hoàn toàn dựa vào địa thế vùng núi vững vàng, trước mặt hướng Nam là đồng bằng thoáng rộng với nhiều hồ nước, hệ thống sông Hồng, sông Đà và nhiều sông khác chảy từ phải sang trái xuôi về biển lớn (tiền thuỷ - hậu thạch). Bên trái kinh thành (tả Thanh Long), trải dài dãy núi cánh cung Đông Triều với các ngọn núi cao Yên Tử, Vạn Kiếp, Côn Sơn… Bên phải kinh thành (hữu Bạch Hổ), gồm các dãy núi Tản Viên, núi chùa Hương, chùa Thầy, chùa Trầm… quy tụ thành tổng thể bền vững thế tay ngai.

    Tỉnh Hà Tây nằm ở hướng Tây, hướng đại phúc, linh diệu, có những vùng núi lớn linh thiêng: Núi chùa Hương Tích, núi Tản Viên, núi chùa Thầy, chùa Trầm… phù trợ, ngăn chặn tà khí, điều xấu cho Kinh đô, khai mở đất tốt, vận lành và sinh nhiều người mệnh lớn, tài giỏi.

    Chùa Hương Tích (Hà Tây) nơi thờ đức Phật Bà Quan Thế Âm đầy quyền năng, Ngài phát nguyện lắng nghe lời kêu cầu, cứu giúp chúng sinh thoát khỏi từng nỗi khổ đau và khuyên con người làm điều thiện không làm điều ác. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, văn bia, sử sách còn ghi lại nhiều sự tích, chuyện kể kỳ diệu, thiêng liêng của đức Thánh ở núi  Tản Viên (Hà Tây). Hơn hai ngàn năm nay, đức Tản Viên được suy tôn là vị thánh linh thiêng nhất trong bốn vị "Tứ bất tử" trường tồn trong những giá trị tâm linh. Một số vua, các quan và con dân nước Việt thường đến nơi thờ thánh Tản Viên thắp hương thành kính, Nhà nước và nhân dân thờ Ngài trong nhiều ngôi chùa, đền, đình, miếu…

    Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi viết: "Tản Viên là tên núi, núi có ba ngọn cao chót vót… núi ấy là núi tổ của nước ta đó… Thần núi Tản Viên gọi là Trụ Quốc Đại Vương linh hiển có tiếng…" (Nguyễn Trãi, toàn tập)

     Thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn dẫn dắt mọi thắng lợi "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của cách mạng Việt Nam, sự nghiệp hoạt động của Người có mối quan tâm hết sức đặc biệt với vùng đất linh thiêng Hà Tây...

    Người bảo vệ, cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Dương Đại Lâm kể lại: "Thời gian ở Khuổi Nậm (Pắc Bó)… đầu năm 1942, Người đã dời lán cũ lên lán trên ở sâu trong rừng… ở  một gốc cây to gần lán có đặt một phiến đá dán giấy đỏ viết chữ Nho, lại có bát hương lên khói y hệt một cái miếu thờ Thổ thần. Bên trong lán, có tranh Phật Bà Quan Âm và câu đối đỏ dán ở vách…". Nơi sống và làm việc, Hồ Chí Minh đặt bát hương thờ Phật Bà Quan Thế Âm và Thổ thần.

    Năm 1958, hoà bình lập lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành kính đến thắp hương Phật Bà Quan Thế Âm tại Chùa Hương Tích (Hà Tây). Vị Thổ thần được thờ, Ngài chính là đức thánh tổ Tản Viên cai quản khắp các ngọn núi, vùng đất trên toàn cõi nước Việt, phù trợ đánh giặc ngoại xâm, dạy cho muôn dân nghề làm ruộng, chăn nuôi, đan lát, dựng nhà, làm ăn sinh sống và chữa bệnh…

    Hàng năm, các ngôi chùa, đền, đình… thờ đức thánh Tản Viên đều tổ chức lễ hội, nhưng tiến hành qui mô trang trọng và lớn hơn vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu. Theo chu kỳ vận hội 12 năm, những năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu thời tiết nóng, lạnh, hạn hán, lũ lụt, mưa bão bất thường. Trong năm, có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, các tháng Tý - Ngọ - Mão - Dậu nằm vào chính giữa bốn mùa, là tháng nóng nhất, tháng lạnh nhất, hoặc tháng có khí hậu ôn hoà, mát mẻ. Trong ngày, giờ Tý (12 giờ đêm) chính âm, giờ Ngọ (12 giờ trưa) chính dương, giờ Mão (6 giờ sáng) âm chuyển dương, giờ Dậu (6 giờ chiều) dương chuyển âm là thời khắc âm thịnh, dương thịnh, âm dương, dương âm giao hòa, biến chuyển vạn vật thiên nhiên, con người dễ giao cảm, thu nhận linh khí đất trời.

    Thế kỷ XX, những trận chiến thắng vĩ đại mang tính quyết định của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên tri, dự báo trước đó vài năm, thậm chí hơn chục năm, đồng thời Người trực tiếp chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chuẩn bị thế trận đến từng chi tiết theo những thời kỳ cách mạng khác nhau nhằm giành thắng lợi hoàn toàn, giảm thiệt hại tổn thất cho nhân dân và tất cả đều nằm vào quy luật bốn năm lễ lớn theo chu kỳ Tý - Ngọ - Mão – Dậu của đức thánh Tản Viên.

    Năm 1930 (Canh Ngọ), Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập;  Năm 1945 (Ất Dậu), Cách mạng Tháng Tám thành công diệu kỳ; Năm 1954 (Giáp Ngọ) Chiến thắng Điện Biên phủ - "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; Năm 1960 (Canh Tý), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập và sự nghiệp cách mạng phát triển mạnh khắp miền Nam Việt Nam; Năm 1963 (Quý Mão) - Chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ; (Diệm tuổi Tý); Năm 1972 (Nhâm Tý) chiến thắng lịch sử "Điện Biên Phủ trên không", một trận chiến thắng kỳ lạ trong lịch sử; Năm 1975 (Ất Mão) giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sụp đổ (Thiệu tuổi Tý); Năm 1969 (Kỷ Dậu) Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về cõi thế giới người hiền.

    Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm nhìn thấu mọi cõi và tư tưởng vĩ đại "vì trong bốn biển đều là anh em", Người không muốn chiến tranh mang tính hủy diệt, tàn bạo, giết hại sinh linh, xảy ra trên đất Việt thân yêu. Người gửi nhiều lá thư đến Tổng thống Mỹ, các vị nguyên thủ quốc gia, muốn nước Mỹ giúp đỡ giải quyết cuộc chiến tranh Việt - Pháp, hơn nữa Hồ Chí Minh chân thành: "Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ… sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới".

    Mặc dù trong nước còn nhiều khó khăn, nguy hiểm, đe dọa Nhà nước non trẻ, nhưng hơn ba tháng, Hồ Chí Minh thân hành sang Pháp, tìm mọi cách vận động Chính phủ, Quốc hội, nhân sĩ và các đoàn thể ở Pháp mong tham gia khối Liên hiệp Pháp, Hồ Chí Minh đã "nhân nhượng" trên tinh thần độc lập, tự do và bình đẳng giữa hai dân tộc, tránh chiến tranh thảm khốc xảy ra giữa hai nước Việt - Pháp.

    Thời gian này, do chưa thấy hết, một số nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ bỏ lỡ cơ hội. Không còn con đường nào khác, Hồ Chí Minh buộc phải lãnh đạo toàn dân tiến hành chiến tranh giành độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ cho dân tộc.

    Năm 1949, Chính phủ tổ chức Đại hội Thi đua trên chiến khu kháng chiến, vào giờ nghỉ, Hồ Chí Minh hỏi nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy một suy tư ý nghĩa: "Đã quen rồi, cơm chiều xong… Một lần tôi thử xem rằng Cụ có thật ý "tìm hiểu" không… Cụ ngồi hòn đá bên hỏi:

    - Cụ đi nhiều nơi thế, có thấy chỗ nào độ 50 mẫu đất tốt và cảnh đẹp không?

    - Cụ tìm chỗ sau này, về nghỉ ư? Gần đây, ở Thủ Pháp, sau núi Tản, bên sông Đà, cảnh đẹp tuyệt trần, nhưng rồi ai để cho Cụ nghỉ đấy?

    - Rồi cũng phải nghỉ chứ…".

    Hoà bình lập lại, Hồ Chí Minh tìm đến địa thế  khu K9 - Đá Chông, Ba Vì, một hợp thể tổng hoà diện rộng các yếu tố linh thiêng, trước mặt nơi quy tụ ba dòng: Sông Hồng, sông Đà, sông Thao, sau lưng dựa núi Tản Viên, nước sông Đà chảy từ trái sang phải "trường lưu thủy" hội hợp về biển lớn "tiền thủy - hậu thạch". Nhìn toàn cục vùng đất "thế tay ngai", hội tụ phát tích linh khí, một trong năm vùng núi linh diệu bậc nhất của nước Việt.

    Vùng núi Yên Tử (Quảng Ninh) trở thành kinh đô Phật giáo một thời, nơi đức vua Trần Nhân Tông cùng thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang, các anh hùng giải phóng, đánh tan giặc Nguyên - Mông tàn bạo, đức Vua bỏ ngai vàng và mọi hư danh quyền lợi về tu hành, khai mở dòng tư tưởng lớn thiền phái Trúc Lâm thông dung thế thiên, địa, nhân, trụ vững vùng núi linh thiêng bậc nhất chống giặc ngoại xâm và các Ngài hoá Phật. Đức thánh Đại vương Trần Hưng Đạo sau khi đánh tan giặc tàn bạo về ở ẩn và hóa thánh ở vùng núi Kiếp Bạc (Hải Dương). Danh nhân văn hoá, nhà chính trị tư tưởng lỗi lạc Nguyễn Trãi về ở ẩn vùng núi Côn Sơn (Hải Dương) tạo thành dải núi vững vàng tả Thanh Long. Vùng núi hữu Bạch Hổ của kinh thành Thăng Long trải dài các dãy núi chùa Hương, núi Tản Viên, núi chùa Thầy, chùa Trầm… nơi đây, đức Phật Quan Thế Âm, đức thánh Tản Viên, đức thánh Từ Đạo Hạnh, danh nhân Hồ Chí Minh…, về trụ vững phát toả linh khí hồn thiêng nước Việt, tạo thế bền vững "nhân kiệt địa linh" bao quanh kinh thành Thăng Long - Hà Nội.

    Hồ Chí Minh ngay khi còn sống, Người cẩn trọng dặn dò các chiến sỹ bảo vệ khu K9, Đá Chông, Ba Vì không được chặt cây, giữ nguyên nhiều quần thể khối trụ đá và phải rải sỏi trong sân để dễ phát hiện kẻ xấu vào phá hoại. Trong quá khứ, biết bao kẻ thù xâm lược thâm hiểm định đồng hóa và yểm triệt nhiều vùng linh thiêng của đất Việt, nhưng đều thất bại thảm hại vì "nhân mưu sao bằng thiên định", mưu đồ của kẻ xấu sao thắng được “sách trời”.

    Hà Tây có Di tích Chùa Thầy, Chùa Trầm, nơi ba đức Thánh tổ tu hành đạt chính quả linh diệu, các ngài thiền sư Từ Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải cầu mưa, giải hạn, chữa bệnh cứu dân, giúp nước… Nhiều ngôi chùa Việt có ban thờ ba vị "tam thánh Phật" là danh phong linh ứng lạ kỳ, trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trong những năm kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc tại hai ngôi chùa thiêng này.

    Ngày 18/12/1946, tại hang chùa Trầm (Hà Tây), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và phát lệnh Lời Kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến chống Pháp. Sau buổi đó, vị sư cụ trụ trì đến chúc phúc, Người dặn sư cụ "cầu Phật phù hộ cho kháng chiến…"  và tặng nhà chùa đôi câu đối ý nghĩa cao sâu:

    "Cao sơn hữu ý, thiên niên bút

    Lưu thủy vô thanh, vạn cổ cầm"

    Dịch:

    Non cao có ý, bút (lưu) ngàn năm,

    Nước chảy không kêu, đàn (ca) muôn thuở.

    Tròn mươi năm sau, ngày 13/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa lặng lẽ đến hang chùa Trầm. Hồi ký của ông Vũ Kỳ cho biết: "Hôm đó Bác đi một mình không cho ai đi theo, Bác đến chùa Trầm…". Người sỹ quan cao cấp Quân đội Nhân dân Việt Nam đóng quân tại chùa Trầm kể lại: "Hôm ấy Bác ở lại và làm việc suốt một ngày ở trong chùa Trầm, Bác bảo chúng tôi, các chú cứ làm việc của các chú, Bác làm việc của Bác… sau này chúng tôi mới biết  là hôm đó Bác muốn chọn một nơi thật yên tĩnh để hoàn thành văn kiện lịch sử "Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước…". Chiều tối về, Bác dặn thêm: "Các chú phải tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân… giữ gìn, bảo quản để mai sau đất nước hòa bình làm nơi tham quan rất tốt…”.

    Đôi câu đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chùa trân trọng gắn trên tường tòa Phật điện, hiển hiện một chân lý, Hồ Chí Minh phải buộc lòng thao "bút (lưu) ngàn năm" và mãi mãi "đàn (ca) muôn thuở" lời kêu gọi hai cuộc kháng chiến thần kỳ của nhân dân Việt Nam  được viết và đọc tại "cao sơn hữu ý" chùa Trầm. Hai văn bản tuyệt bút, ghi nhận một giai đoạn lịch sử hào hùng, hiển hách, bổ sung những giá trị, mãi mãi ghi nhận trong dòng triết học, tư tưởng và văn hoá của nhân dân Việt Nam.

    Đầu năm 1941, sau ba mươi năm lưu lạc khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh về nước không có bất cứ thứ gì ngoài hai bàn tay trắng, không vũ khí, không quân đội, không tiền bạc, khu căn cứ hoạt động còn manh mỏng, cơ sở vật chất không có. Về cùng Người có 43 chàng thanh niên nghèo, trí tuệ một lòng một dạ sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp. Lúc này quân đội Pháp, Nhật và chính phủ Nam Triều có gần 15 vạn quân, trang bị đầy đủ và thiện chiến, sự tương quan lực lượng quân đội và vũ khí không thể so sánh theo phương pháp duy lý, sự cân bằng vật chất. Vậy mà, Hồ Chí Minh sớm khẳng định trong bài thơ đầu tiên khi vừa đặt chân về nước, với trọng trách cao cả đảm nhận vận nước, như lời phán truyền, trực cảm của bậc thánh nhân, người phán quyết tự hào: "Hai tay xây dựng một sơn hà".

    Năm 1943, nhân dân Việt Nam chịu bao cảnh khổ đau hàng trăm năm do chiến tranh đầy đọa, Hồ Chí Minh lần nữa mở rộng nhận thức, cảm khái vận trách không thể thoái thác trước muôn dân. Người viết Nhật ký trong tù hào khởi, tinh anh: "Nhà lao mở then cửa trúc, rồng thật sẽ bay ra", không phải rồng giả, rồng tre như vua Khải Định; "rồng thật" hiểu theo tâm thế cao minh: "Biết chăng trong ngục có người khách tiên", vị Phật, thánh nhân một lòng một dạ sẵn sàng vì nghiệp lớn, vĩ đại: "Người thoát khỏi tù ra dựng nước". Và, Hồ Chí Minh tính đúng thời cơ, vận nước, thoả tâm nguyện, Người thảo thơ hào sảng mà bao dung muôn cõi:

    "Non nước của ta ta lấy lại,

    Nghìn thu sự nghiệp nổi từ đây".

    Đầu năm 1949, trong Thư chúc Tết gửi đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh bộc bạch lòng thương cảm, mà vị thế: "Tôi rất đau lòng thương xót đồng bào… Tôi, người phụ trách số phận đồng bào, chưa lập tức… cứu vớt ngay đồng bào ra khỏi địa ngục thực dân"(10). Ngay sau khi ra tù, Hồ Chí Minh, Khách tiên, Rồng thật, Thiên tử, Người phụ trách số phận đồng bào, Cha già dân tộc… nhanh chóng về nước kịp nắm bắt thời cơ, lãnh đạo muôn dân "dựng nước" thật lạ kỳ và Người trở thành vị nguyên thủ quốc gia  huyền thoại.

    Trong bối cảnh toàn cầu, các dân tộc nhược tiểu vẫn đang tủi nhục, mất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Hồ Chí Minh, một Nhà nước dân chủ, nhân dân đầu tiên ra đời từ “Hai tay xây dựng một sơn hà”.

    Nhận thấy vai trò hết sức quan trọng đối với các di tích, danh lam thắng cảnh và vùng đất linh thiêng, ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập hai tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 65 ngày 23/11/1945, nội dung: "Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá huỷ đình, chùa, đền, miếu, các cổ vật, thành, quách, lăng, mộ, chiếu sắc, văn bằng … có ích cho lịch sử". Đồng thời, Hồ Chí Minh thảo và Quốc hội thông qua Hiến pháp (1946), văn bản quan trọng nhất, ghi nhận đường lối, thể chế, chính sách của Nhà nước Dân chủ Nhân dân, trong đó có quyền: "tự do tín ngưỡng …"(11) khác hẳn bản Hiến pháp thời kỳ này của một số nước cách mạng đã xóa bỏ quyền "tự do tín ngưỡng…" của nhân dân. Trọn đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với hàng chục di tích linh thiêng nhất của đất nước như đền Hùng, chùa Hương, chùa Côn Sơn, đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ, đền Cổ Loa, chùa Thầy, chùa Trầm … Đến với mọi di tích, Người không hề bài bác, hết sức trân trọng giá trị tâm linh, thắp hương khởi phát vị thế linh diệu của chư vị Phật, thánh, thần…

    Vài thế kỷ trước, nhân dân Việt Nam đau khổ bởi chiến tranh và ách áp bức, bóc lột của thực dân, nhiều trí thức, danh nhân viết sách, hồi ký, đàm luận về vận nước, họ mong mỏi bậc thánh nhân ra đời đảm trách, lãnh đạo dân tộc đấu tranh giành độc lập tự do. Cuốn sách "Nam Đàn xưa và nay" viết về một sự kiện kỳ lạ: "Trong cuốn Nghệ An ký của Hoàng Giáp Bùi Dương Lịch, viết vào cuối thế kỷ 18 có nhắc đến câu sấm… Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20…, có thể là một nhà Nho yêu nước nào đó, đã sửa câu sấm có mấy trăm năm trước thành câu sấm mới "Độn sơn phân giới, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh".

    Các bậc trí tuệ như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Phan Anh… đều ca ngợi trọng trách cao cả vĩ đại mà Hồ Chí Minh đã tiên tri và là linh hồn dẫn dắt, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học trò của Nhà chí sĩ Phan Bội Châu viết: "Sinh viên Trần Lê Hựu đã hỏi trực tiếp ông già Bến Ngự Phan Bội Châu câu sấm: "Nam Đàn sinh thánh" có phải ứng vào cụ không? Cụ Phan trả lời ngay "Câu sấm ấy nếu có ứng thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc ".

    Võ Nguyên Giáp hết lòng trân trọng tầm nhìn Hồ Chí Minh, Đại tướng tin tưởng: "Bác thường kể chuyện với chúng tôi… về tình hình thế giới, trong nước và dự đoán tương lai. Bác nói chừng bốn hay năm năm nữa, cách mạng Việt Nam sẽ thành công… Câu nói của Bác, mà mọi người đã biết, giống như lời sấm truyền".

    Phó Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng được làm việc bên cạnh Hồ Chí Minh, hết lời ca ngợi trí tuệ siêu việt thấu thiên cơ:

    "Tầm con mắt trông cao tột bậc

    Nhận rõ đại cuộc, xét thấu thiên cơ"

    Trong Điếu văn tiễn biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi người hiền, Tổng Bí Thư Lê Duẩn nhấn mạnh: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch… và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta… mỗi người Việt Nam ta mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Người.” (Tập 12, Điếu Văn).

    Trước đó 20 năm (1949), Hồ Chí Minh nhận thức vai trò, hiểu thấu những lời nói, ý nghĩa việc làm của mình trước muôn dân, Người viết:

    “Lời nói và ý nghĩa của Hồ Chủ Tịch đã thấu đến tai, động đến lòng của mỗi một người dân. Cho nên mỗi một người dân đều hiểu rõ, đều hăng hái hưởng ứng...” (Tập 5, trang 704)

    Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, hiểu sâu sắc ý nguyện của Người, nhằm liên tục trụ vững, phát toả linh khí hồn thiêng hàng nghìn năm trường tồn của dân tộc, Đảng, Nhà nước đã xây dựng khu K9 - Đá Chông ở chân núi Tản Viên trở thành khuôn viên đẹp đẽ, trang nghiêm, nhiều quần thể trụ đá giữ nguyên và sân rải sỏi. Đặc biệt,  trên đỉnh cao nhất trong ba ngọn núi Tản Viên, Ba Vì (Hà Tây) xây vững vàng đền thờ Hồ Chí Minh to đẹp, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và muôn dân chân tâm, thành kính lên thắp hương tưởng niệm, biết ơn Người…

    Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, từ đáy lòng chân thành, đồng loạt hàng vạn ngôi chùa, đền, đình, miếu, nhà dân… ở khắp bản làng, thôn xã lập bàn thờ, treo ảnh, tượng Người. Đảng và Nhà nước cho nhiều nơi xây dựng nhà Bảo tàng, nhà Lưu niệm, đền thờ Hồ Chí Minh, ghi nhận và biểu thị tấm lòng biết ơn vị Phật, thiên tử, Thánh nhân… đã cứu giúp muôn dân thoát khỏi hàng trăm năm chiến tranh đọa đầy và gần thế kỷ dưới ách nô lệ thực dân, Người đòi hỏi quyền bình đẳng giữa con người với con người và giữa các dân tộc. Trân trọng tôn thờ Hồ Chí Minh là Phật, Tiên, Thánh… trong lòng muôn dân, một hiện tượng độc đáo, bổ sung những giá trị tâm linh bền vững, cần ghi nhận trong lịch sử hào hùng dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh mong mỏi, dân tộc Việt Nam con rồng, cháu tiên hoà hợp với các nước trên hành tinh, kịp theo bước các cường quốc, hợp thời vận, ngày càng vinh hiển cùng cộng đồng nhân loại.

    3. Bác Hồ và số 9 đặc biệt

    • Bác sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 (ở thế kỷ 19)
    • Sau cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, thay mặt Chính phủ lâm thời cách mạng, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cũng từ ngày đó, Bác trở thành vị Chủ tịch nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

    • Ngày 19 tháng 12 năm 1946, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, Bác có một câu nói nổi tiếng và đã trở thành quyết tâm của cả dân tộc: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Câu nói này có 19 từ.
    • Trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tại Đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong và Trung đoàn 57: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói lịch sử này được Bác nói vào ngày 19 tháng 9 năm 1954.
    • Ngày 17 tháng 7 năm 1966, trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác Hồ đã nói một câu bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Câu nói này cũng chỉ có 9 từ và đã trở thành chân lý của thời đại.
    • Bác Hồ từ trần vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, thọ 79 tuổi. Đặc biệt, trong Di chúc, Bác đã viết một đoạn rất xúc động về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình như sau: “Về việc riêng, suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Đoạn viết này cũng chỉ vỏn vẹn có 79 từ.
    • Ngay cả tên Người - Hồ Chí Minh cũng được ghép lại bởi 9 âm tiết. Có một điều kỳ lạ và rất linh thiêng là ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1945 - ngày lịch sử trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam cũng là Ngày Bác Hồ về cõi vĩnh hằng 24 năm sau đó (ngày 2 tháng 9 năm 1969). Lấy ngày sinh, tháng sinh cộng lại (19+5) thì đúng bằng thời gian Bác Hồ trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    Chúng ta thường nói, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ rất giản dị nhưng vô cùng vĩ đại. Sự giản dị trong con người Bác hết sức tự nhiên và diễn ra một cách bình thường như những điều tự nhiên vốn có, song cái giản dị đó đã trở nên hoàn hảo, hoàn mỹ và thánh thiện. Chính vì sự hoàn hảo về tâm hồn, nhân cách đó nên Người đã tập hợp, đoàn kết, quy tụ được mọi tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc, lứa tuổi và mọi chính kiến, tư tưởng khác nhau trong xã hội Việt Nam để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nước nhà trong thế kỷ 20. Và Người đã thành công. Thần thái và sự vĩ đại cũng như sự ảnh hưởng, lan tỏa của Người có lẽ là ở chỗ đó. Nhà thơ Tố Hữu viết: “Bác sống như trời đất của ta”. Còn Chủ tịch Cuba Phidel Castro Ruz cho rằng: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc những lớp người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”.


     

    Tác giả: Tiểu Ngọc

    Bình luận

    Bài viết cùng chuyên mục

    Những điều bạn phải sau đây chứng tỏ gần đây bạn đang có khủng hoảng tài chính
    Tâm linh huyền bí - 2024-01-22 06:58:41.0
    ​Mọi việc đều có nhân quả, đôi khi gặp phải chuyện lạ có thể là điềm báo.
    Giấc mơ và ý nghĩa chiêm tinh của nó
    Tâm linh huyền bí - 2023-10-29 13:14:43.0
    Theo chiêm tinh học, những giấc mơ kiểu này có thể báo hiệu những tình huống tích cực cũng như tiêu cực sắp xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.
    7 Cách giải trừ âm khí cho người sinh vào tháng 7 âm lịch
    Tâm linh huyền bí - 2023-08-11 20:26:12.0
    Âm khí, theo quan niệm Đông Á, là một loại năng lượng tiêu cực, thường được liên kết với sự u ám, tiêu cực và không tốt lành. Đây là sự tương phản với dương khí, một loại năng lượng tích cực, mang lại sức sống và may mắn.
    Bóng đè là gì ? Phương pháp điều trị chứng bóng đè
    Tâm linh huyền bí - 2023-06-12 22:17:57.0
    Bóng đè là tình trạng mất kiểm soát cơ kết hợp với ảo giác trong thời gian ngắn, xảy ra ngay sau khi ngủ hoặc tỉnh dậy. Hiện tượng này được gọi là chứng tê liệt khi ngủ.
    Hướng dẫn cách tính trùng trang chính xác nhất cho gia chủ
    Tâm linh huyền bí - 2023-06-11 22:02:52.0
    Cách tính trùng tang thế nào để giúp gia chủ tránh được các vận xui rủi. Mời bạn xem bài viết dưới đây để hiểu thêm về cách tính này.
    Điềm báo tương lai khi nằm mơ thấy cá và nước
    Tâm linh huyền bí - 2023-05-27 15:41:06.0
    Nằm mơ thấy cá và nước là giấc mơ mang đến tài lộc cho gia chủ, bởi hình ảnh cá và nước được xuất hiện trong giấc mơ của bao người.
    Luân xa là gì ? Những vấn đề liên quan tới luân xa
    Tâm linh huyền bí - 2023-05-25 09:36:12.0
    Bạn đã bao giờ nghe khái niệm về luân xa hay biết luân xa là gì chưa. Đây là thuật ngữ khá phổ biến với những người quan tâm đến tâm linh, tôn giáo.
    Giải mã ong vào nhà tốt hay xấu chi tiết nhất
    Tâm linh huyền bí - 2023-05-25 07:00:00.0
    Ong vào nhà tốt hay xấu và báo hiệu điều gì? Nhiều người cho rằng khi thấy ong bay vào nhà sẽ có điều gì đó xảy ra trong thời gian tới.
    Kiến làm tổ trong nhà báo điềm gì ?
    Tâm linh huyền bí - 2023-05-23 11:08:08.0
    Kiến làm tổ trong nhà tưởng chừng như là một hiện tượng bình thường. Thế nhưng đằng sau nó luôn ẩn những nhiều bí ẩn và ý nghĩa đặc biệt.
    Bướm bay vào nhà là điềm báo gì và có đáng lo không?
    Tâm linh huyền bí - 2023-05-22 18:21:10.0
    Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp được hình ảnh những con bướm bay vào nhà và đậu vào một góc nào đó. Vậy đây là điềm báo gì, có tốt hay không?
    Chia sẻ