Kênh đào Suez tắc nghẽn, 2 xe lửa đâm nhau, một nhà máy dệt may bị cháy và một tòa nhà sụp đổ, tất cả đều xảy ra nối tiếp nhau ở Ai Cập, làm dấy lên đồn đãi về lời nguyền của các pharaoh.
Cuộc diễu hành chưa từng có, đó là lễ rước xác ướp của 22 vị pharaoh và các nữ hoàng quyền lực nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại đã xuất hiện trên đường phố thủ đô Cairo của Ai Cập vào thứ Bảy (3.4). Giới chức Ai Cập đã đóng cửa các con đường dọc theo sông Nile để tổ chức lễ rước hoàng gia công phu được gọi là "Lễ diễu hành vàng".
Trong vòng vây an ninh chặt chẽ, các xác ướp đã được đưa qua quãng đường 7 km, bắt đầu từ Bảo tàng Ai Cập đến Bảo tàng Quốc gia Các nền văn minh Ai Cập. Sự kiện rước hàng chục xác ướp Ai Cập cổ đại được thiết kế để thu hút sự quan tâm đến bộ sưu tập cổ vật phong phú của đất nước Bắc Phi. Lễ diễu hành xác ướp Ai Cập vận chuyển 18 xác ướp của các vị vua và 4 nữ hoàng, theo thứ tự niên đại cổ nhất đến gần đây. Hầu hết các xác ướp trong "Lễ diễu hành vàng" từ thời kỳ cổ đại của Tân Vương quốc. Các xác ướp được đặt trên các phương tiện giảm xóc và quan tài được thiết kế đặc biệt chứa đầy nitơ để bảo vệ.
Lời nguyền của các pharaoh’ đã trở lại Ai Cập?
Tuy nhiên, có những thông tin lan truyền kết nối giữa lễ diễu hành xác ướp với huyền thoại về "lời nguyền của các pharaoh" và một số sự cố đáng tiếc ở Ai Cập trong những tuần gần đây.
những người mê tín lại tỏ ra lo sợ sau khi xâu chuỗi một loạt các sự cố xảy ra ở Ai Cập trước thềm lễ rước, từ vụ nhà máy dệt may cháy hôm 11.3 khiến ít nhất 20 người thiệt mạng; hai xe lửa đâm nhau hôm 26.3 làm 8 người chết; tòa nhà dân cư sập hôm 27.3 khiến ít nhất 18 người chết ở Cairo, đến vụ tắc nghẽn kênh đào Suez làm gián đoạn các thị trường trên toàn cầu (23-29.3).
Nguồn gốc của cái gọi là “lời nguyền các pharaoh” xuất phát từ một dòng chữ được cảnh báo từ trước khi nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter mở cửa lăng mộ năm 1922 tìm thấy tại mồ của pharaoh Tutankhamun với nội dung “cái chết sẽ ập đến nhanh chóng cho những kẻ dám quấy rầy nơi yên nghỉ của vị vua”.
Các thành viên trong đoàn thám hiểm của nhà khảo cổ Howard Carter sau đó đã phải đối mặt với những tai nạn và cái chết kỳ lạ, làm dấy lên huyền thoại về lời nguyền mặc dù các nhà khảo cổ và nhà khoa học ngày nay cho biết họ có thể qua đời vì các lý do liên quan tới tiếp xúc với bụi và vi trùng trong các hang động kín.
“Ai Cập di chuyển một số xác ướp vua chúa đến bảo tàng mới với lễ rước và mọi thứ liên quan…nghe đồn những gì xảy ra vừa qua đều bắt nguồn từ lời nguyền của các pharaoh”.
Cũng như vụ mắc cạn của Ever Given và vụ va chạm của hai đoàn tàu ở Sohag, mới đây đã xảy ra một vụ sập tòa nhà 10 tầng ở Cairo, hỏa hoạn trong đường hầm ga Zagazig, sập giàn giáo bê tông cột từ một cây cầu đang xây dựng ở Mariotya, một vụ cháy nhà tại Samalout ở Minya và cháy ở Tháp Maadi.
Một người viết "Điểm đến cuối cùng năm 2021: Lời nguyền của Pharaoh", trong khi người khác nói "Ba vụ tai nạn lớn trong vòng chưa đầy một tuần. Lời nguyền của Pharaoh là lời nguyền dành cho bất kỳ ai dám làm phiền xác ướp của một người Ai Cập cổ đại - đặc biệt là một Pharaoh. "
Một số người kêu gọi Ai Cập “hãy để cho xác ướp ngủ yên”, trong khi những người khác tỏ ra hoài nghi liệu những sự cố gần đây phải chăng là bằng chứng cho thấy lời nguyền đã sống lại.
Một trong những nhà tổ chức lễ rước là nhà Ai Cập học Zahi Hawass đã bác bỏ những tin đồn trên, khẳng định chẳng có cái gọi là “lời nguyền của các pharaoh”.
“Đây không phải lần đầu tiên các xác ướp được di chuyển. Năm 1881, các xác ướp pharaoh được đưa khỏi Luxor lên tàu và trải qua cuộc hành trình suốt 3 ngày trước khi đến Cairo”, theo cựu bộ trưởng cổ vật Ai Cập.
“Cảnh tượng hoành tráng trên một lần nữa là minh chứng cho sự vĩ đại của một nền văn minh độc nhất vô nhị kéo dài xuyên suốt lịch sử loài người” và đó là một cách thể hiện sự kính trọng.