Chuyện cười ra nước mắt
Như hai số báo trước, đường dây nóng báo PL&XH đã phản ánh về ngôi làng bí ẩn có rất nhiều phụ nữ góa chồng, chúng tôi đã gặp ông Trịnh Xuân Tuyết, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lạc và nhiều bậc cao niên ở đây, tất cả họ đều khẳng định hiện tượng trên là có thật và đưa ra nhiều lý giải mang tính cá nhân. Trong số những ý kiến đó, số đông người đều đưa ra quan điểm mang hơi hướng tâm linh.
Đến bây giờ, người dân Phú Lạc vẫn kể về “thời vang bóng” của vị lãnh đạo xã tên L.V.H. Đằng sau những thành tích trong việc xây dựng địa phương, ông cũng là người tiên phong trong phong trào bài trừ mê tín dị đoan của những thập niên trước. Ông đã chết vì chứng suy thận cấp. Điều đáng lưu tâm là hiện nay nhiều thế hệ con cháu ông vẫn đang sống trong cảnh “sống dở chết dở”. Vợ ông thì nằm liệt giường, con cái thì người tâm thần người thì li biệt. Nhìn cảnh tượng đó không ai là không thương cảm. Những câu chuyện đau thương kia chỉ phần nào được hé mở khi tôi được sự chia sẻ của ông Tuyết và nhiều cao niên bô lão trong làng. Trong đó có ông Lê Kim Ngân là người cao tuổi nhất xã. Ông Ngân năm nay đã 95 tuổi nhưng đầu óc còn tinh thông, dáng vẻ quắc thước. Ông kể một cách tường tận về lịch sử hình thành và phát triển của những ngôi đình chùa vang bóng một thời ở nơi “đất dữ” này. Ông Ngân là con nhà dòng dõi ở xã Phú Lạc nên khi nghĩ đến việc tôn tạo lại những ngôi chùa, mái đình người ta đều phải tìm đến ông và coi ông như một kho sử sống.
Khi được hỏi về những ngôi đình, chùa ở Phú Lạc ông không trả lời mà đi vào gian nhà trong lấy ra một tệp tài liệu đã nhầu nát. Do đây là tài liệu cổ được in bằng chữ Hán nên chỉ ông là người duy nhất trong làng dịch được. Theo ông Ngân, ở Phú Lạc có ba ngôi đình chùa đều nằm trên địa bàn thôn Tây Tiến. Ngôi chùa nằm ngay ở bên phải trái con đường vào xã trên một quả đồi cao và rộng nhất làng. Còn hai ngôi đình khác nằm cách UBND xã không xa. Tất cả đình chùa đều nổi tiếng là rất thiêng.
Nay khi tuổi đã xế chiều, nhìn lại những mất mát mà chình bà con, thậm chí con cháu mình đang phải gánh chịu ông Ngân càng thấy được giá trị của lịch sử. Ông kể lại: “Trước đây, xã tôi có một ngôi chùa nằm trên quả đồi cao thuộc khu 3, một ngôi miếu ở khu 4 và ngôi đình cổ vững chãi giữa làng hiện nay thuộc khu 7 cách xóm đàn bà góa không xa. Chùa nằm trên quả đồi cao nhất làng được xây dựng chạm trổ với những đường nét rất tinh xảo, cột chùa được làm bằng gỗ mít. Ngôi miếu thì được xây dựng uy nghiêm ven một dòng kênh. Miếu rất thiêng nên cứ ngày rằm, mùng một rất đông người vào hương lễ. Ngôi đình thì được xây dựng rộng lớn hơn. Đình rộng năm gian lát đá hoa, tường xây bằng đá ong oai phong cổ kính.
Thời ấy, phong trào tín ngưỡng của xã phát triển hầu như nhất nhì huyện, nhưng khi có phong trào bài trừ mê tín dị đoan thì việc “san phẳng” đình chùa ở Phú Lạc cũng đi tiên phong.
Để minh chứng cho những hệ lụy của việc báng bổ thần thánh ông kể: “Thời đó có một người tên là Côn, làm cán bộ ở nhà xử lý giống. Sau khi phá đình chùa, một số thứ được chuyển về bếp ăn tập thể, trong đó có đầu của một pho tượng. Ông Côn vốn tính hay nghịch ngợm nên cho đầu của pho tượng vào bếp đun. Về sau ông Côn đã chết tắc tử. Hiện thế hệ con ông còn sống cũng chịu nhiều chuyện đắng cay. Người thì tâm thần, người khuyết tật, gia đình thì lưu lạc.
Một câu chuyện khác được ông Trịnh Xuân Tuyết kể lại: “Thời đó, tôi đang là cán bộ nên nghe người dân nói về việc bị một người đàn ông tên Túc thường bê một pho tượng Phật đi đến nhà trong xóm để trêu. Ông thường bê một pho tượng đi đến dựng ở cửa nhà và gõ cửa, gọi gia chủ. Khi người ra mở cửa pho tượng ấy đổ ập vào nhà khiến người mở cửa hú hồn. Ông Túc chỉ làm vậy cho vui nhưng có lần người ra mở cửa là phụ nữ và họ đã ngất lịm. Việc trên chỉ là trêu đùa nhưng rất nguy hiểm. Tôi đang định gọi anh này ra Ủy ban xã để nhắc nhở nhưng chưa kịp làm thì anh ta hóa điên. Cũng từ đó vợ anh ta bỏ đi bặt tăm, được đứa con ở lại một mình vì lý do gì đó đã thắt cổ chết. Dần dần người ta cũng chẳng biết ông Túc điên đi đâu và sống chết thế nào”, ông Tuyết thở dài.
Bà Cam và những giọt nước mắt khi nghĩ về cảnh ba mẹ con đều góa chồng. Ảnh: Đức Thuận
“Dù thương dân nhưng tôi bất lực”
Ông Trịnh Xuân Tuyết, một người đã mấy chục năm làm cán bộ ở xã Phú Lạc. Sau hai khóa làm Chủ tịch UBND xã hiện được chuyển sang làm Bí thư nhưng trong lòng ông vẫn đau đáu một nỗi niềm là đi tìm lời giải cho những chuyện kỳ lạ của người dân đang điêu đứng bao năm qua. Đích thân ông Tuyết là người đã nhiều lần đề cập trong cuộc họp ở huyện, tỉnh về những chuyện ai oán ở Phú Lạc. Ông đã đi nhiều nơi, mời nhiều chuyên gia, những người có kinh nghiệm để giải bài toán này nhưng vẫn vô vọng. Ông kể: “Tôi chỉ tính xung quanh chùa Phú Lạc nay là chùa Cam Khổ đã có tới gần hai chục người chết trẻ, chết gấp. Ông Tuyết gọi đây là xóm chết nghịch, ông rất mong có một nhà ngoại cảm hay chuyên gia nghiên cứu về tâm linh về xã để tìm hiểu và lý giải hiện tượng trên nhằm cứu những người dân. Bản thân ông mấy chục năm công tác đã cống hiến rất nhiều cho địa phương nhưng nếu về hưu mà không giúp dân thoát khỏi những khổ đau ai oán thì như có tội với họ” – ông Tuyết bộc bạch.
Đã có lần ông đề nghị với phòng Tài nguyên – Môi trường về việc kiểm tra nguồn nước ở khu vực Tây Tiến, nhưng xét ra thì không phải. Những người đàn ông ở Tây Tiến chết vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau và họ chết vì những căn bệnh liên quan đến yếu tố môi trường rất ít. Ông Tuyết phân trần: “Nếu yếu tố môi trường chủ yếu chỉ liên quan đến các bệnh về hệ hô hấp và ung thư nhưng trong khu vực lại chủ yếu là mắc tâm thần, góa chồng, và chết trẻ. Ba hiện tượng trên diễn ra cùng một thời điểm, cùng thời gian và cùng một vị trí địa lý nên tôi thấy rất lạ”.
Các thế hệ cán bộ sau này chắc hẳn không thể bàng quan trước những cái chết của đàn ông ở Tây Tiến. Nếu không làm cán bộ chắc họ cũng không để ý đến chuyện xóm Tây Tiến có hơn trăm nóc nhà thì có tới gần trăm nóc có đàn bà phụ nữ không chồng, người tâm thần hoặc tật nguyền. Thêm vào đấy có tới vài chục người điên, người điên chỉ là cách gọi thông thường của người dân để chỉ những người mang biểu hiện của người tâm thần.
Nhiều người dân xã Phú Lạc chẳng ngần ngại khi liên hệ việc phá đình chùa của làng với những cái chết kì lạ của những người đàn ông trong xã đặc biệt là ở xóm Tây Tiến. Quả thật, nếu đem mốc thời gian diễn ra việc phá đình chùa ở Phú Lạc với mốc thời gian Phú Lạc có nhiều người bị chết có cái gì đó rất trùng hợp về thời gian và không gian. Những lời luận bàn được coi là “miệng dân gáo giếng” về những hệ lụy khi san phẳng đình chùa ở Phú Lạc đang gây hoang mang cho người dân nơi đây. Các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ cần nhanh chóng vào cuộc để có một lý giải khoa học, thuyết phục nhằm xóa tan những lời bàn tán mang tính chất mê tín di đoan nơi đây.
Xem phần 1: Sự thật về ngôi làng bị thánh vật - sát đàn ông -Phần 1