Hầu Đồng là một nghi lễ tam linh. Hầu bóng là một phong tục gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt. Đây là một lễ thức đặc trưng mà tiêu biểu nhất là tín ngưỡng Tứ Phủ. Tín ngưỡng Tứ Phủ là tín ngưỡng đặc thù của người Việt. Tín ngưỡng này có rất nhiều nghi lễ đầy mầu sắc và là mấu chốt đã tạo ra nhiều lễ hội rất phong phú, đa dạng đến phức tạp.
Khăn đỏ phủ diện
Mầu sắc của trang phục phải phù hợp với mầu sắc của từng phủ. Mầu đỏ Thiên Phủ, mầu vàng Địa Phủ, mầu xanh Nhạc Phủ và mầu trắng Thoái Phủ.
Có tài sản quý nhất là khăn, áo bản mệnh màu đỏ. Vậy khăn phủ diện và áo bản mệnh là gì? Ý nghĩa của chúng như nào? Cùng Lịch Vạn Niên 365 tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Các cụ có câu "Đầu trọc là sư, ba thước đỏ lắc lư là đồng" hay câu "Sạch sành sanh mới được manh áo đỏ". Từ hai câu trên ta thấy rằng một người con của Mẫu có điểm nhận dạng đặc trưng là tấm khăn phủ diện màu đỏ.
Khăn phủ diện là một mảnh vải đỏ hình chữ nhật. Dùng để phủ lên trên đầu người ngồi Đồng khi Thánh giáng và xe giá. Việc phủ khăn như vậy thể hiện sự tôn kính đối với Thánh. Việc ngài nhập, xuất là một việc bí ẩn và thiêng liêng nên việc để cho người trần thấy là bất kính, giảm đi tính thiêng và sự huyền bí của nghi lễ.
Việc trùm đầu như vậy cũng giúp người ngồi đồng dễ nhiếp tâm, tránh phân tâm bởi các sự kiện bên ngoài. Màu đỏ của khăn phủ diện cũng giúp người ngồi đồng dễ thăng hoa hơn. Khăn này cũng thể hiện sự chuyển đổi giữa người trần và Thánh. Trước khi đội khăn là người trần và sau khi mở khăn là Thánh hoặc ngược lại. Ở đây thể hiện cho sự tái sinh.
Áo bản mệnh là một chiếc áo dài màu đỏ. Xưa kia do điều kiện khó khăn nên người hầu đồng chỉ mặc chiếc áo bản mệnh màu đỏ cho hầu tất cả các giá. Các giá phân biệt nhau bằng khăn, đai, mạn và đồ trang sức.
Áo bản mệnh là chiếc áo khi mà tân đồng mở phủ phải sắm, khi các quan về mở phủ thì ngài chứng áo và lấy nén hương chấm vào áo để chứng tỏ ngài đã nhận đồng. Xưa kia khi hầu Mẫu thì chỉ có mặc áo bản mệnh ngồi hầu tráng bóng.
Khăn phủ diện, áo bản mệnh có 1 điểm chung là màu đỏ. Màu đỏ theo dân gian là màu để thờ Thánh. Màu của máu, màu của lửa và màu của sự sống. Thủa hồng hoang con người lấy lửa để xua đuổi cái tối tăm, xua đuổi tà ma thú dữ. Nên việc lấy màu đỏ để thờ Thánh mang ý nghĩa của sự chở che, bao bọc. Màu đỏ cũng là màu máu, màu của sinh khí, của sự vận chuyển sinh khí đất trời.
Chiếc áo bản mệnh và khăn phủ diện luôn đồng hành cùng người con Mẫu từ khi ra đồng đến khi mất đi. Nó được Thánh về chứng giám và chứng nhận làm con Thánh.
Chiếc áo đó tượng trưng cho sự trong sạch của người ngồi đồng và tấm lòng thủy chung như nhất của người con đồng đối với Thánh. Những thứ này luôn được giữ sạch sẽ, cẩn thận. Chỉ dùng khi hầu thánh.
Những khăn áo này không bao giờ cho ai hoặc cho ai mượn. Chiếc áo đó cứ như vậy cho đến khi chết đi, sang thế giới bên kia họ vẫn là con Thánh.
Vì vậy mà ta sẽ thấy, những ông/bà đồng khi mất đi họ vẫn mặc chiếc áo bản mệnh, đầu gối lên chiếc khăn phủ diện để sang thế giới bên kia họ vẫn một lòng phụng sự Thánh.
Người ra đồng, đến với Thánh với một chiếc khăn phủ diện và chiếc áo bản mệnh. Cùng với tâm thành kính đã đủ để hầu hạ nhà Ngài. Đủ để theo Thánh đến mãn chiều xế bóng.