Chuyện về tập tục kỳ lạ của tộc người ngủ ngồi ở Nghệ An

2021-08-10 15:34:52.0
Trải qua hàng trăm năm tồn tại trong rừng sâu, người Đan Lai giữ nguyên những nét riêng của đồng bào mình. Một trong số đó là tục tắm nước lạnh cho trẻ con mới sinh.

MỤC LỤC

    Nằm cách biệt trong lõi rừng Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An), người dân tộc Đan Lai có những tập tục kỳ lạ như ngủ ngồi, trẻ em sinh ra phải nhúng nước suối lạnh. Cùng Lịch Vạn Niên 365 tìm hiểu những tập tục kỳ lạ của tộc người ngủ ngồi ở Nghệ An qua bài viết dưới đây nhé.

    1. Gian nan vào tộc người ngủ ngồi

    Đan Lai là một tộc người sinh sống ở vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát, tập trung chủ yếu bên cạnh dòng sông Giăng, thuộc xã miền núi Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Để vào được nơi đây có 2 cách là đi thuyền men theo dòng nước sông hoặc đi xe máy xuyên rừng. Với mục đích chủ động cho chuyến đi và cũng để di chuyển được nhiều nơi hơn nên chúng tôi chọn cách thứ 2.

    Vào báo cáo với đồn biên phòng Môn Sơn, phóng viên được người chiến sĩ trực ban cho hay: “Từ trung tâm xã vào đến bản chỉ khoảng 20km thôi nhưng các anh phải chuẩn bị tinh thần đấy, đường khó đi lắm. May mà mấy hôm nay trời nắng nên đường không trơn trượt, đi dần dần cũng sẽ vào thôi, người không quen tay lái có thể mất đến 2 – 3 tiếng mới vào đến nơi”.

    Được khuyến cáo từ trước nên chúng tôi lên giây cót tinh thần từ trước. Qua khỏi cầu treo sông Giăng 1, tôi bắt đầu hành trình để vào với đồng bào Đan Lai. Ngay từ chặng đường đầu tiên, chiếc xe máy đã luôn luôn ở số 2, thậm chí phải vào 1 để leo dốc và đổ đèo liên tục. Con đường khá rộng, thế nhưng vô cùng khó đi bởi toàn đá lởm chởm, vô cùng trơn trượt, nếu không cẩn thận thì có thể ngã hoặc thậm chí trật ra khỏi đường lúc nào không hay.

    Con đường ngoằn ngoèo, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu càng khiến cho tôi toát hết mồ hôi. Đặc biệt, nhìn phía trước, con đường vắt từ quả núi này sang quả núi khác cảm giác như không có điểm dừng khiến bất cứ ai cũng có cảm giác đi mãi không đến. Chỉ đi khoảng 15 phút, cả hai cánh tay tôi mỏi nhừ bởi phải liên tục gồng lên trong những đợt lên xuống con dốc. Chiếc áo ướt đẫm mồ hôi dù không khí núi rừng vô cùng trong lành.

    Đúng như người chiến sĩ biên phòng đã nói, may mắn hôm nay trời nắng, chứ nếu trời mưa thì không thể nào di chuyển bằng xe máy được. Tôi đồ rằng, nếu được đầu tư thì con đường này sẽ là một địa điểm vô cùng lý tưởng để những tay lái công thức 1 thi tài.

    Gặp những con dốc cao quá, người bạn đồng hành phải xuống cuốc bộ để tôi đi xe một mình. Thế nhưng việc leo núi còn khá dễ dàng hơn xuống núi, nhìn con dốc hun hút khiến cho bất cứ ai lần đầu đi con đường này cũng cảm giác ớn lạnh.

    Sau gần 2 tiếng di chuyển, bụng tôi quặn lên vì những cú xóc, cả người mệt mỏi chỉ ước có một chiếc giường ở đây để ngả lưng dù chốc lát. Bộ phận giảm xóc của chiếc xe kêu kẹt kẹt như phản đối chuyến đi, mùi cao su của lốp khét lẹt khi xuống những con dốc thẳng đứng. Vừa đi tôi vừa thầm cầu khấn, xin đừng xảy ra sự cố, bởi chỉ cần thủng săm ở đây thì chỉ biết đứng khóc chịu thua. May mắn điều đó đã không xảy ra, những căn nhà trong núi dần hiện ra báo hiệu nơi đây có người ở.

    2. Chuyện ở tộc người không có giường

    Đi thuyền vượt sông Giăng hơn 4h đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Cọ Phạt. Nơi này, núi non trùng điệp, sương trắng giăng đầy, những mái nhà tranh mốc thếch như những tổ chim treo lưng chừng núi. Bà con Đan Lai thật hiếu khách, những chóe rượu được đưa ra như một màn chào hỏi. Trong men rượu liêng biêng, già bản La Văn Quýt đã kể về những câu chuyện kỳ lạ của tộc người mình.

    Già Quýt kể chuyện rằng, bạo chúa miền Hoa Quân xưa bắt dòng họ La (tộc Đan Lai) phải tìm cho ra “100 cây nứa bằng vàng”, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ. Làm gì có cây nứa bằng vàng, vậy là cả họ La trốn vào rừng sâu.

    Một điều mà ai đến nơi đây cũng thấy kỳ lạ là người Đan Lai không có giường vì cả bộ tộc ai cũng... ngủ ngồi. Nói về tục ngủ ngồi già Quýt cho biết: “Ngủ ngồi là cái nếp có từ xa xưa. Ngủ ngồi là để phòng thú dữ và có thể vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu khi bị quan quân bạo chúa truy đuổi. Đến nay, không còn các mối đe dọa nhưng người Đan Lai vẫn có thói quen ngủ ngồi”.

    Khuya, chúng tôi xin phép đi ngủ, nhưng không có giường chiếu. Già Quýt bảo: " Cán bộ cứ nằm xuống sàn mà ngủ không có giường đâu. Nếu sợ muỗi thì mần thêm một bát rượu nữa…". Còn già thì chống thanh củi vào trán ngồi ngủ. Nhìn già Quýt, tôi hình dung người Đan Lai từng ngủ ngồi như thế tự bao năm giữa rừng sâu để chống rét và sẵn sàng chống trả thú dữ...

    Có lẽ sự trốn chạy và lối sống khép kín đã khiến tộc người Đan Lai tách biệt với thế giới bên ngoài. Cái đói, cái nghèo đeo đẳng cả bản.

    Sáng ra bên bờ sông Giăng, chúng tôi thấy một tốp bé gái 13 - 14 tuổi đang địu trẻ, thoắt cái đã thấy vạch áo cho con bú. Anh Hải, cán bộ xã Môn Sơn cho biết: “Ở đây, con gái, con trai cứ 13 - 14 tuổi là dựng vợ gả chồng. Đã đói, nghèo, người Đan Lai còn đẻ nhiều. Phụ nữ 20- 25 tuổi đã có 4- 5 đứa con rồi”.

    Người Đan Lai sống biệt lập, không giao lưu với người ngoài nên trai gái trong làng lấy nhau. Hôn nhân cận huyết ngày càng làm cho nòi giống tộc người Đan Lai mai một. Tuổi thọ trung bình của người Đan Lai chỉ khoảng 50, dáng người ai cũng thấp bé.

    Tộc người này có những tập tục rất “kinh dị” như: Trẻ sau khi sinh, dù là nắng hay mưa, dù cho rét đến buốt da thịt vẫn được người nhà đem xuống suối tắm, nếu đứa trẻ vẫn còn sống sót thì mới đưa về nhà. Chị em khi sinh con đều sinh trên sàn nhà chứ không đi ra trạm y tế, nên đã có một số thai phụ tử vong do băng huyết. Ông Lương Viết Tùng, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: “Chính quyền các cấp cũng đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động, nhưng giao thông khó khăn, cách trở nên những hủ tục của tộc người này vẫn chưa thể xóa bỏ hoàn toàn”.

    3. Xác chết đóng khố 

    Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Trần Vương, thì cuộc chạy trốn bất đắc dĩ và đầy bi thương này đã đẩy tộc người này cách ly với đời sống xã hội đương đại của dân tộc khiến họ rơi vào cảnh bần cùng, khốn khó giữa chốn rừng thiêng, nước độc. Để tồn tại và duy trì nói giống của mình, những con người thậm khổ này bắt buộc phải quay trở lại kiếp sống hái lượm của thời hồng hoang và phải chấp nhận hôn nhân cận huyết. Hằng ngày họ phải vạt cây gỗ để làm dụng cụ săn bắt, hái lượm, lấy vỏ cây rừng làm khố, đào củ mài, tìm củ nâu trong rừng để sống qua ngày.
    Cả chiều dài lịch sử đằng đẵng lánh nạn giữa nơi thâm sơn cùng cốc, dòng họ La dần dần giao tiếp được với một số dân tộc thiểu số bản địa như người Thái, người Thổ, họ chấp nhận lai tạp thêm vào tiếng mẹ đẻ của mình các từ ngữ của các dân tộc khác để che giấu thân phận và nguồn gốc của mình.

    Họ tự đặt tên tên cho dòng họ của mình là Đan Lai. Đan là ý muốn chỉ tộc người của mình xuất phát ở làng Đan Nhiệm, còn Lai ý nói là mọi thứ kể cả con người, tiếng nói, phong tục đều đã bị “lai tạp”. Đây là lý do giải thích vì sao tiếng nói của tộc người này là một thứ thổ âm lai tạp giữa Mường - Việt ngữ cổ. Bị cách biệt với thế giới bên ngoài hàng trăm năm nên dần dần họ quên cả tiếng nói mẹ đẻ, quên cả chữ viết, phương thức canh tác nông nghiệp và cả nét văn hoá của dân tộc mình... Đây là những nguyên nhân hình thành những phong tục, lối sống rất khác lạ với đời sống hiện đại.

    Thầy giáo La Đình Thám giải thích thêm: Cả tộc người Đan Lai sinh sống chủ yếu bằng hái lượm giống như thời hồng hoang nguyên sơ của loài người nên họ đã duy trì nhiều tập tục xa lạ với các dân tộc khác. Khi chết người Đan Lai không được mặc quần áo, chỉ đóng khố, không dùng hòm vỏ để chôn cất, ngủ ngồi, con cháu trong cùng dòng họ lấy nhau, sinh con đẻ cái là chuyện quá bình thường...

    Ông Thám kể câu chuyện về người bác ruột tên là La Văn Khằm. Năm 1960, khi đang làm cán bộ HĐND huyện Con Cuông, ngày nghỉ ông Khằm về thăm gia đình và bị ngã bệnh qua đời đột ngột. Dịp đó, lãnh đạo huyện đưa hòm gỗ về bản để làm thủ tục khâm liệm cho người quá cố, nhưng từ người nhà đến già làng, dân bản đều nhất quyết cự tuyệt. Họ quan niệm rằng chôn cất ông Khằm bằng hòm gỗ là sai lệ làng và khi xuống cõi âm người chết sẽ không được tổ tiên chấp nhận.
    Trước sức ép của chính quyền, ông Khằm đã được nhập quan, nhưng khi chôn cất xong, cán bộ huyện vừa ra khỏi bản thì dân bản đào huyệt đưa lên xác ông Khằm lên để làm thủ tục chôn trần theo phong tục của dân bản...

    Thượng tá, Nguyễn Văn Vượng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Môn Sơn (Đồn 555), cho biết: Hiện số người Đan Lai tại huyện Con Cuông có khoảng 708 hộ với 3.277 nhân khẩu. Trong đó riêng xã Môn Sơn có 217 hộ với 1.075 nhân khẩu sống tập trung chủ yếu ở 3 bản: Cò Phạt, Khe Cồn và bản Búng thuộc của xã Môn Sơn (217 hộ), số còn lại sống ở 2 xã Lục Dạ (55 hộ) và Yên Khê (36 hộ). Từ năm 2008 đến nay, tộc người Đan Lai được Nhà nước quan tâm giúp đỡ rất nhiều.

    Do quan niệm “trời sinh voi trời sinh cỏ” nên người Đan Lai sống phóng khoáng như núi rừng, cỏ cây, mỗi cặp vợ chồng cưới nhau từ khi mới 13-14 tuổi nên bình quân họ từ 4 đến 6 người con, cá biệt có cặp vợ chồng sinh tới 13 đứa con.

    Phụ nữ Đan Lai mới 13-14 tuổi đầu đã lấy chồng. Một mình vào rừng “vượt cạn” đẻ ngồi trong cái chòi dựng tạm giữa rừng. Đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, dù là nắng hay mưa, dù cho rét căm căm đến ghê người vẫn mẹ đem xuống suối để tắm 3 lần. Đến khi da dẻ bị tím tái, nếu đứa trẻ vẫn còn sống sót thì mới đưa về nhà nuôi.

    Những đứa trẻ Đan Lai đứa nào cũng có đôi mắt rất đẹp, xanh trong như dòng nước sông Giăng nhưng hễ gặp người lạ là chúng đều cúi gằm mặt xuống. Dường như sự mặc cảm về thân phận của cả tộc người đã ăn sâu trong tâm hồn của bọn trẻ giữa chốn thâm sơn cùng cốc này.

    4. Chuyện về tộc người ngủ ngồi duy nhất ở Việt Nam

    Đón những vị khách lạ vào nhà, ông La Văn Hồng (SN 1964) cho biết người Đan Lai chủ yếu sống ở hai bản Cò Phạt và bản Bủng. Tại bản Cò Phạt lại chia thành 4 nhóm dân cư nhỏ sống gần với sông Giăng và nơi đây được gọi là nhóm Khe Lẻ, cũng là nơi gần với trung tâm xã nhất, còn đi vào trung tâm bản phải mất khoảng 5 – 6km nữa.

    Theo ông Hồng, từ xưa các vị già làng đã kể rằng người Đan Lai không phải gốc gác ở đây. Hàng trăm năm trước, họ bị bạo chúa miền Hoa Quận (nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) yêu cầu 100 cây nứa bằng vàng thật và một chiếc thuyền liền mái chèo. Không biết tìm đâu, sợ bị thảm sát, họ cùng nhau nửa đêm chạy vào rừng, chạy mãi đến tận thượng nguồn sông Giăng mới dừng lại.

    “Hồi xưa sống du canh du cư, cứ dựng lán bằng lá cây, khi nào lá chuyển qua màu vàng lại dời đi nơi khác. Sống trong rừng nhiều thú dữ, lại sợ quan quân truy đuổi nên tổ tiên chúng tôi phải ngủ ngồi. Cả bộ tộc mỗi tối tụ tập quanh bếp lửa rồi lấy khúc gỗ có ngàm dựa vào cằm ngủ”, ông Hồng kể.

    Khi ngủ ngồi họ có thể gục mặt xuống đầu gối hoặc có thể dùng một hoặc hai chiếc gậy, nắm tay trên đầu gậy và gục mặt xuống ngủ. Trước mặt luôn là đống lửa vừa để sưởi ấm vừa soi rọi ánh sáng. Cũng từ những đêm ngồi mải miết bên đống lửa, những người thuộc bộ tộc Đan Lai còn sáng chế ra một bài cúng dành cho tổ tiên của mình với tên “Xin Lộ Ma Nha” - nghĩa là an nghỉ muôn đời.

    Bài cúng có đoạn: “Hỡi những âm hồn xấu xa của tên bạo chúa đừng bao giờ đến bên linh hồn ông cha ta/ Góc rừng và những bước chân trên mảnh đất này sẽ bám lại mãi không thôi/ Hỡi dấu chân nai, đi gieo hạt lúa/ Theo dấu chân hổ, đi trồng hạt ngô/ Lang thang đầu suối, bâng khuâng lưng đèo/ Sống đời nghèo khổ/ Như dòng suối nhỏ/ Như gió rừng chiều/ Như những giấc mơ/ Người về bến đổ, suối reo hát ca/ Hỡi những cánh chim hãy về làm bạn…”.

    Theo ông Hồng, trước đây hễ nghe tiếng động của con thú là tháo chạy thoát thân. Do quá sợ, có người còn trèo lên ngủ trên cành cây. Dần dần, hình thức đó ăn sâu vào tâm trí của người dân nên dù có dựng nhà gỗ to thì mọi người vẫn ngủ như vậy. Cho đến gần đây, người dân Đan Lai mới thay đổi tập tục này. “Giờ thì nhà nào cũng có giường, chiếu, chăn màn như đồng bào các dân tộc khác. Riêng nhà tôi có đến 2 cái giường bằng gỗ”, ông Hồng hào hứng khoe.

    Mặc dù ở vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát, sống giữa thiên nhiên giàu có nhưng người Đan Lai vẫn nghèo. Cái nghèo, cái đói cứ như sợi dây vô hình, nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nguyên nhân là do cảnh sống nguyên thủy của tộc người này. Đến vào đầu năm 1980, Bộ đội Biên phòng phát hiện nhóm người Đan Lai sinh sống như người rừng ở đầu nguồn. Phải rất khó khăn, bộ đội mới có thể tiếp cận được nhóm người này và cũng từ đó cuộc sống người dân mới dần thay đổi.

    Ông cho hay, giờ người dân Đan Lai đã biết cày ruộng, cấy lúa, trồng rau, chăn nuôi giỏi lắm rồi, không vào rừng săn bắn, hái lượm như trước nữa. Các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cắm bản cũng chăm chút dạy cái chữ cho các cháu, không để cái bản mù chữ nữa. Chỉ vào ngôi nhà mới dựng còn thơm mùi gỗ, ông Hồng khoe mới dựng được căn nhà từ hồi đầu năm như sự thay đổi của tộc người Đan Lai.

    Ông Lương Văn Hoa, Chủ tịch xã Môn Sơn, huyện Con Cuông cho hay, để thay đổi được tập quán của người Đan Lai là một hành trình vô cùng khó khăn, vất vả. “Ý thức vươn lên của người Đan Lai thấp, hàng năm chính quyền cấp rất nhiều lúa gạo nhưng họ lại đổi lấy rượu để uống. May mà có sự vào cuộc của nhiều ngành, đặc biệt là lực lượng biên phòng, nên cuộc sống của họ giờ thay đổi rất nhiều so với trước đây”, ông Hoa cho hay.

    5. Nhúng trẻ sơ sinh xuống nước lạnh

    Trải qua hàng trăm năm tồn tại trong rừng sâu, người Đan Lai giữ nguyên những nét riêng của đồng bào mình. Một trong số đó là tục tắm nước lạnh cho trẻ con mới sinh. Bất kỳ đứa trẻ Đan Lai nào mới được sinh ra, nghi lễ đầu tiên phải trải qua là thử thách dưới dòng nước Khe Khặng. Dù đó là ngày hè nóng nực hay ngày mùa đông rét thấu da, đứa trẻ sau khi lọt lòng mẹ sẽ được bế thẳng ra sông và được nhúng xuống dòng nước.

    “Đứa trẻ nào không vượt qua được thử thách này thì phải chịu thôi. Còn đứa trẻ nào vượt qua được thì sẽ có sức khỏe tốt, ít ốm đau. Nhưng mà trẻ con Đan Lai ít đứa không vượt qua được thử thách này lắm”, cụ La Thị Mếnh (SN 1943, bản Khe Búng, xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) tự hào nói.

    Tôi không rõ lời cụ Mếnh nói có đúng không nhưng những đứa trẻ Đan Lai mà tôi gặp, giữa trưa hè nắng chói chang, đầu trần chân đất, chạy nhảy, lê la khắp nơi, được nắng “hun” cho màu da đen giòn,...

    “Giờ phụ nữ Đan Lai đã biết đến Trạm y tế của xã để sinh con nhưng người nào sinh tại nhà đều bắt buộc phải cho con trải qua nghi thức tắm nước lạnh. Mùa đông, không cần phải đưa trẻ ra suối nữa mà có thể múc nước về nhà để tắm nhưng lần tắm đầu tiên trong đời vẫn bắt buộc phải tắm nước lạnh. Những lần sau đó có thể đun nước ấm lên để tắm”, cụ Mếnh cho biết thêm.

    Tác giả: Lisa Jung

    Bình luận

    Bài viết cùng chuyên mục

    Những điều bạn phải sau đây chứng tỏ gần đây bạn đang có khủng hoảng tài chính
    Tâm linh huyền bí - 2024-01-22 06:58:41.0
    ​Mọi việc đều có nhân quả, đôi khi gặp phải chuyện lạ có thể là điềm báo.
    Giấc mơ và ý nghĩa chiêm tinh của nó
    Tâm linh huyền bí - 2023-10-29 13:14:43.0
    Theo chiêm tinh học, những giấc mơ kiểu này có thể báo hiệu những tình huống tích cực cũng như tiêu cực sắp xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.
    7 Cách giải trừ âm khí cho người sinh vào tháng 7 âm lịch
    Tâm linh huyền bí - 2023-08-11 20:26:12.0
    Âm khí, theo quan niệm Đông Á, là một loại năng lượng tiêu cực, thường được liên kết với sự u ám, tiêu cực và không tốt lành. Đây là sự tương phản với dương khí, một loại năng lượng tích cực, mang lại sức sống và may mắn.
    Bóng đè là gì ? Phương pháp điều trị chứng bóng đè
    Tâm linh huyền bí - 2023-06-12 22:17:57.0
    Bóng đè là tình trạng mất kiểm soát cơ kết hợp với ảo giác trong thời gian ngắn, xảy ra ngay sau khi ngủ hoặc tỉnh dậy. Hiện tượng này được gọi là chứng tê liệt khi ngủ.
    Hướng dẫn cách tính trùng trang chính xác nhất cho gia chủ
    Tâm linh huyền bí - 2023-06-11 22:02:52.0
    Cách tính trùng tang thế nào để giúp gia chủ tránh được các vận xui rủi. Mời bạn xem bài viết dưới đây để hiểu thêm về cách tính này.
    Điềm báo tương lai khi nằm mơ thấy cá và nước
    Tâm linh huyền bí - 2023-05-27 15:41:06.0
    Nằm mơ thấy cá và nước là giấc mơ mang đến tài lộc cho gia chủ, bởi hình ảnh cá và nước được xuất hiện trong giấc mơ của bao người.
    Luân xa là gì ? Những vấn đề liên quan tới luân xa
    Tâm linh huyền bí - 2023-05-25 09:36:12.0
    Bạn đã bao giờ nghe khái niệm về luân xa hay biết luân xa là gì chưa. Đây là thuật ngữ khá phổ biến với những người quan tâm đến tâm linh, tôn giáo.
    Giải mã ong vào nhà tốt hay xấu chi tiết nhất
    Tâm linh huyền bí - 2023-05-25 07:00:00.0
    Ong vào nhà tốt hay xấu và báo hiệu điều gì? Nhiều người cho rằng khi thấy ong bay vào nhà sẽ có điều gì đó xảy ra trong thời gian tới.
    Kiến làm tổ trong nhà báo điềm gì ?
    Tâm linh huyền bí - 2023-05-23 11:08:08.0
    Kiến làm tổ trong nhà tưởng chừng như là một hiện tượng bình thường. Thế nhưng đằng sau nó luôn ẩn những nhiều bí ẩn và ý nghĩa đặc biệt.
    Bướm bay vào nhà là điềm báo gì và có đáng lo không?
    Tâm linh huyền bí - 2023-05-22 18:21:10.0
    Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp được hình ảnh những con bướm bay vào nhà và đậu vào một góc nào đó. Vậy đây là điềm báo gì, có tốt hay không?
    Chia sẻ