Phóng sinh không đúng cách còn mang thêm tội
Theo nhà Phật, phóng sinh là cách nuôi dưỡng lòng nhân hậu, từ bi, nhưng gần đây nhiều người đã phát hiện ra những chiêu trò phóng sinh thành “phóng tử”, họ cho chim dùng thuốc để yếu rồi bán, phóng sinh xong chim chỉ bay được đoạn ngắn, rồi lại bị bắt về bán cho người khác. Trên mạng mới đây xôn xao clip một nhóm từ thiện phóng sinh lượng lớn rắn vào rừng, dù thả dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của kiểm lâm... Nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, phóng sinh là thả những loài động vật ít gây hại (như chim, cá, cua, lươn, ốc), không nên thả rắn độc, rắn hổ mang. Đạo Phật quan niệm, phóng sinh tức là người có thiện tâm nhìn thấy chúng sinh bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại thì phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc, giải thoát, phóng thích, cứu mạng sống của chúng sinh. Đại đức Thích Đức Thiện - Trụ trì chùa Phật Tích (Bắc Ninh) cho rằng, nếu phóng sinh đúng nghĩa công đức cũng rất lớn. Nhưng phóng sinh thực hiện không đúng cách không đem lại hiệu quả mà còn trở thành mê tín, thêm tội, nhất là hành động “mua danh phóng sinh” lấy việc phóng sinh để phô trương, khoe khoang, muốn được nhiều người biết đến việc làm của mình. Phóng sinh có thể làm quanh năm chứ không cứ dịp Rằm tháng Bảy. Ảnh: T.G
Nhà chùa không khuyến khích phóng sinh
Thượng tọa Thích Chơn Không (Trụ trì chùa Thiên Tôn, Quận 5, TP Hồ Chí Minh) – ngôi chùa từ lâu không khuyến khích phóng sinh cho biết: “Không nên phóng sinh trong điều kiện như hiện nay ở Việt Nam” trên web Hướng từ bi (Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng). Theo đó, nếu phóng sinh mà chúng sinh (chim, cá, ốc, hến, lươn, lạch…) được sinh tồn, thì rất nên làm. Nhưng thực tế phóng sinh là duyên cớ để người ta đi bẫy chim, bắt cá… có yếu tố làm tổn hại chúng sinh. Theo Thượng tọa Thích Chơn Không, các phật tử ở Mỹ không thể tìm mua được con vật để phóng sinh như ở Việt Nam vì không có ai bán chim, bán cá để phóng sinh cả! Còn ở Việt Nam vào ngày vía, lễ, sóc vọng, có nhiều người phóng sinh, nên chim, cá bị bắt cũng nhiều. Chính nhu cầu mua chim, cá phóng sinh đã tạo nên cái vòng luẩn quẩn và khiến bao nhiêu con chim được mua thả thì bấy nhiêu con chim bị vây bắt… và số chim bị giăng bẫy đánh bắt bị chết rất nhiều. Cá cũng vậy. Phóng sinh hiện nay vô tình đang thúc đẩy người khác làm ác, tạo ra tà mạng. Còn mắc tội thúc đẩy sát sinh, vì hành động tìm mua sinh vật gián tiếp làm hại sinh vật từ nhu cầu phóng sinh. Quá trình phóng sinh con vật bị bắt, bị thả nhiều lần cho đến khi chết: Trước khi phóng sinh thì con vật bị đánh bắt do nhu cầu phóng sinh; Con vật bị giam cầm, khủng hoảng, sợ hãi, bỏ ăn uống, kiệt sức, có nhiều con đã chết ngay trong lồng, trong chậu. Thực tế gần đây cho thấy, chim phóng sinh bị cắt cụt cánh, bị đánh thuốc nên không được tự do, bay vài mét lại rơi xuống, bị bắt lại bán tiếp cho đến chết. Cá thả xuống sông từ trên cao đổ xuống con thì giập mật, con thì hoảng loạn… lại tiếp tục bị chích điện, bủa lưới để bắt lại. Con vật bị thả là ảo, mà bắt là thật. Chưa kể một số loại cá nuôi khi thả ra môi trường tự nhiên rất khó sống, hay phóng sinh một số con vật có thể hủy hoại môi trường như rùa tai đỏ… Nhiều nhà sư giảng giải rằng, phóng sinh làm không đúng cách, chọn không đúng loài vật hoặc phóng sinh vào môi trường không phù hợp có thể vô tình giết hại sinh vật, tác động xấu đến môi trường sống. Nếu phóng sinh thực hiện do tính toán đầu tư để được phước báo, trường sinh, hay lợi ích thực dụng khác thì đều vô nghĩa. Quan điểm của nhà Phật là phóng sinh phải phát xuất từ lòng từ bi vô lượng, vì thương yêu, vì sự sống của chúng sinh, chứ không phải vì vụ lợi, đầu cơ công đức. Phóng sinh bằng cái tâm chứ đừng theo phong trào, không chạy theo số đông. Không có quy chuẩn về phóng sinh, nhưng các nhà sư đều hướng dẫn người dân phóng sinh sao để khơi lòng hiếu sinh, thương yêu của con người với vạn vật, chứ không phải tạo công đức thực dụng. Các nhà sư khuyên, không nên mua loài phóng sinh nhiều lần ở một cá nhân, địa điểm và không có tính chất định kỳ… để tránh chúng sinh bị đánh bắt lại. Gặp con gì thì mua con đó, không đặt trước, không phân biệt nhiều hay ít, lớn hay nhỏ mà tùy tâm, thành tâm. Dân gian còn kiêng phóng sinh loài nào thì không nên ăn ngay loài đó (thể hiện tâm từ bi không phân biệt chỗ cứu, chỗ ăn). Nhiều chùa thường gần tới giờ phóng sinh mới đưa các loài phóng sinh đến. Nghi lễ nhanh gọn, rồi nhanh chóng chở loài phóng sinh đi thả ngay. Việc này nhằm để chúng sinh giảm sợ hãi, ngột ngạt, tù túng và tránh cho chúng sinh không bị chết trước khi được phóng sinh. Cần hiểu việc phóng sinh chỉ có lợi ích duy nhất là tập cho chúng ta biết yêu thương muôn loài, góp phần giảm bớt cái ác do trục lợi từ việc làm hại chim, cá… phóng sinh. Việc phóng sinh nên thành tâm làm phúc, cứu khổ, cứu nạn và ngẫu nhiên chứ không nên định sẵn và có thể làm quanh năm chứ không cứ dịp Rằm tháng Bảy. Nếu phóng sinh ở nhà, người dân nên: Chọn nơi chúng sinh có thể sống ở đó lâu dài không bị bắt, hay do môi trường xấu quá mà chết. Không nên cầm cả xô, hay túi vứt ra ao, hồ, sông, suối. Hãy cứu vớt đến cùng bằng cách bốc từng nắm nhẹ nhàng thả xuống ở nhiều nơi, không tập trung một chỗ. Cá chờ nó bơi khuất hãy về. Thả các chim thú về với môi trường thiên nhiên cần làm đúng nơi đúng chỗ, đúng thời điểm để chúng sống được, không nhất thiết thả ở ao hồ quanh chùa (nhất là chùa đô thị sẽ làm người tham đánh bắt lại và thêm tội).