Tuổi Canh Thân
1./ Nguyễn Trãi (1380-1442): hiệu là Ức Trai là đại thần nhà Hậu Lê, một nhà văn chữ Nôm. Ông là một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ mang tầm cỡ kiệt xuất, vĩ đại
Năm 1980, Nguyễn Trãi được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới và tổ chức kỷ niệm 600 năm năm sinh của ông.
Nguyễn Trãi gốc làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sinh ra ở Thăng Long, sau dời về sống ở làng Ngọc Ổi, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây.
Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và có công lớn trong việc phò tá Lê Lợi đánh đuổi giặc ngoại xâm và lập lên triều Hậu Lê.
Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án oan Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử.
Tháng 7 năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng NguyễnTrãi tước Tán Trù Bá
Hiện nay, ở Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) có khu lưu niệm Nguyễn Trãi và gia tộc của ông. Các thế hệ giàu lòng ngưỡng mộ đối với tổ tiên, từ khắp mọi miền của đất nước, đã không ngớt kéo về Côn Sơn để tưởng nhớ Nguyễn Trãi - người con quang vinh của lịch sử nước nhà.
2./Lương Thế Vinh (1460–1497): Trạng nguyên, làm quan triều Lê Thánh Tông.
Danh sĩ Lương Thế Vinh tự Cảnh Nghị, hiệu Thụy Hiên, người quê xã Cao Hương, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Năm Quý Mùi 1463, ông đỗ trạng nguyên khi mới 23 tuổi.
Đền thờ Lương Thế Vinh xã Cao Hương, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Ông làm quan đến Thừa chỉ ở Viện Hàn lâm, có chân trong Tao đàn Nhị thập bát tú thời ấy. Bình sinh hiếu học, đọc rộng các sách, ông có soạn nhiều sách về đạo Phật và quyển Toán pháp đại thành. Các sĩ phu và nhân dân cảm phục tài đức ông, tục gọi ông là Trạng Lường (biểu dương ông về khoa toán pháp).
Lương Thế Vinh là một ông quan tài giỏi, thông thạo văn chương, giỏi giang âm nhạc, tinh tường toán pháp. Ông còn nổi tiếng về lòng mến dân và đức tính thẳng thắn, trung thực. Ngay đối với vua, ông cũng hay châm biếm khôi hài, không chịu câu thúc. Ông thường mượn việc để răn dạy từ vua đến quan.
Khi ông mất, được phong làm Phúc thần, nơi đình Cao Hương còn có bức vẽ chân dung ông.
3./ Phạm Vĩ Khiêm (1740-1787): Tên là Phạm Nguyễn Du, danh sĩ thời Lê Mạt.
4./Nguyễn Tri Phương (1800-1873): một đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn.
Nguyễn Tri Phương tên cũ là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu là Đồng Xuyên, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân 1800, quê làng Đường Long (Chí Long), xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Ông xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc. Nhà nghèo lại không xuất thân từ khoa bảng nhưng nhờ ý chí tự lập ông đã làm nên công nghiệp lớn.
Năm Quý Mùi (1823), ra làm quan cho triều Nguyễn. Ông từng giữ các vị trí quan trọng trong triều đình và được chép công trạng vào bia đá ở Võ miếu (Huế).
Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).
Trong trận chiến bảo vệ thành Hà Nội tháng 11 năm 1873, Nguyễn Tri Phương bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: "Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa"Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20 tháng 12 năm 1873 (1 tháng 11 Âm lịch), thọ 73 tuổi. Thi hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Đích thân vua Tự Đức soạn bài văn tế cho ba vị công thần (Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm, Nguyễn Tri Phương) và cho lập đền thờ Nguyễn Tri Phương tại quê nhà.
5./Mai Xuân Thưởng (1860-1887): Lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Bình Định.
Mai Xuân Thưởng lúc nhỏ tên là Phạm Văn Siêu, là sĩ phu và là lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định (Việt Nam).
Mai Xuân Thưởng là người thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Năm 1884, ông đỗ cử nhân ở trường thi Bình Định. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông đứng ra chiêu mộ nghĩa quân phối hợp với nghĩa quân của Tổng đốc Đào Doãn Địch ốm chết, Mai Xuân Thưởng được tôn làm nguyên soái.
Tháng 9 năm Aát Dậu (1885), ông làm lễ tế cờ tại Lộc Đổng, rồi xuất quân diệt giặc, thanh thế của nghĩa quân lan rộng, lừng lẫy. Những trận đánh ở Cẩm Vân, Thủ Thiện đã gây cho địch nhiều tổn thất.
Không bắt được Mai Xuân Thưởng, thực dân Pháp đã bắt giam mẹ ông. Vì chữ hiếu theo quan niệm của người xưa, ông đã ra nộp mình tại đình Phú Phong. Khi được khuyên ra hàng, ông khẳng khái trả lời: "Chỉ có đoạn đầu tướng quân, chứ không có hàng đầu tướng quân!"
Bọn giặc giải ông về thành Bình Định và xử chém vào ngày rằm tháng tư năm Đinh Hợi (1887). Năm đó, ông 27 tuổi.
>> Đã có TỬ VI 2016 mới nhất. Xem ngay!
>> Đã có LỊCH VẠN NIÊN 2016 mới nhất. Xem ngay!
Tuổi Giáp Thân
1./Đồng Kiên Cương (1284-1330): Vị tổ thứ hai trong Trúc Lâm tam tổ
Đồng Kiên Cương sinh ngày 7 tháng 5 niên hiệu Thiệu Bảo thứ 4, tức năm 1284, quê ở làng Cửu La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). sau này đi tu mới đổi pháp hiệu là Pháp Loa.
Là một người lãnh đạo sáng suốt, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Pháp Loa đã đưa Thiền phái Trúc Lâm phát triển tới một đỉnh cao mới. Ông cũng là người tổ chức ấn hành Đại Tạng Kinh, một cuốn sách quan trọng của Phật giáo tại Việt Nam…
Ông mất ngày 3 tháng 3 năm 1330, thọ 42 tuổi. Sau khi được tin Pháp Loa viên tịch, Thượng hoàng Trần Minh Tông ngự bút truy tặng ngài là Tịnh Trí Đại Tôn Giả.
Mặc dù qua đời khá sớm nhưng trong suốt 24 năm ròng rã, Pháp Loa đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà thầy mình là Trần Nhân Tông giao phó, trở thành vị tổ nổi tiếng của dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
2./Nguyễn Đức Đạt (1824 -1887): Tức Thám Đạt, vị thầy học danh tiếng, quê Nghệ An.
Nguyễn Đức Đạt, tự Khoát Như, sinh năm 1824 tại làng Hoành Sơn, xã Nam Hoa Thượng, tổng Trung Cần, nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng: cha là Nguyễn Đức Diện đỗ cử nhân năm 1824, con là Nguyễn Đức Hiển đỗ cử nhân năm 1912 và cháu là Nguyễn Đức Vân đỗ phó bảng năm 1906.
Từ thuở nhỏ Nguyễn Đức Đạt nổi tiếng thông minh, học giỏi và uyên bác về nhiều mặt. Ông đỗ cử nhân khoa Đinh Mùi (1847) đến khoa thi Quý Mão đời Tự Đức (1853), ông cùng Nguyễn Văn Giao, người làng Trung Cần đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh tức Thám hoa.
Buổi đầu Nguyễn Đức Đạt được bổ làm quan ở Viện Tập Hiện làm thị giảng rồi bổ làm Cấp sự trung. Được một thời gian ông xin triều đình về quê mở trường dạy học và phụng dưỡng cha mẹ già. Nghe tiếng về trình độ học vấn và đức độ của ông, sĩ tử gần xa đến xin học rất đông. Trường học không đủ chỗ ngồi, những buổi bình văn, thầy Đạt phải chuyển trường lên núi Nam Sơn, cách nhà khoảng 500m.
Thám Đạt, đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục, khoa cử triều Nguyễn
Nguyễn Đức Đạt đã có những phân tích, kiến giải khác thường, khá tích cực so với thời đại về Đạo Nho và có đóng gớp nhiều vào sự nghiệp giáo dục nước ta thời Nguyễn
3./Nguyễn Văn Tường (1824-1886): Phụ chính đại thần khi Tự Đức mất. Bị Pháp đày đi Tahiti.
Nguyễn Văn Tường là đại thần phụ chính của nhà Nguyễn. Ông xuất thân từ một gia đình lao động nghèo thuộc làng An Cư, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Năm 1850, ông đậu cử nhân, được nhận chức huấn đạo (phụ trách việc dạy và học) tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1853, huyện Thành Hóa, thuộc tỉnh Quảng Trị được thành lập. Ông được bổ làm tri huyện ở đó cho đến 9 năm sau. Tại đây, ông đã xây dựng được một căn cứ địa tốt cho Huế. Ông lại chứng tỏ là một người rất có tâm và tài trong việc đoàn kết người Thượng với người Kinh.
Ngày 23 tháng 5 âm lịch, Ất Dậu (ngày 4 tháng 7, bước sang ngày 5 tháng 7 năm 1885) ông cùng Tôn Thất Thuyết chỉ huy cuộc tấn công một cách bất ngờ vào Sứ quán Pháp bên kia sông Hương và doanh trại Pháp tại Mang Cá (Huế), nhưng thất bại. Sau một thời gian ngắn ông bị Pháp bắt và đưa đi lưu đày. Ngày 30 tháng 7 năm 1886, tại Papeete, một làng trên quần đảo thuộc địa Tahiti của Pháp, Nguyễn Văn Tường mất vì bệnh ung thư cổ họng.
4./Dương Bá Trạc (1884-1944): Tham gia phong trào Duy Tân, tác giả Nét mực tình.
Dương Bá Trạc, biệt hiệu Tuyết Huy, sinh ngày 22 tháng 4 năm 1884, quê làng Phú Thị, nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Ông là con Dương Trọng Phổ (1862-1927), một nhà Nho có tư tưởng tiến bộ, là anh ruột Dương Quảng Hàm (1898-1946) và Dương Tụ Quán (1902 -1969), cả hai đều là nhà giáo tiến bộ thời cận đại.
Là người rất thông minh, mới 16 tuổi, Trạc đã thi đỗ cử nhân (khoa năm Canh Tý 1900)
Đỗ đạt rồi, Trạc không ra làm quan như thói thường. Ông ôm khát vọng thức tỉnh quốc dân khỏi cơn mê nô lệ, chống sự đô hộ của thực dân đế quốc. Ông từng cùng Phan Châu Trinh đi diễn thuyết nhiều nơi, cổ động chủ nghĩa duy tâm tự cường, cùng Tăng Bạt Hổ lên thăm Đề Thám ở Nhã Nam, đi suốt từ Bắc vào Nam để gặp gỡ bạn bè, chiêu mộ đồng chí.
Cả đời bôn ba, trong lòng ôm mối hận chưa thỏa được chí cứu nước, Dương Bá Trạc sinh bệnh và mất ngày 11 tháng 12 năm 1944 tại Singapore,
5./ Hồ Biểu Chánh (1884-1958): là một nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20.
Hồ Biểu Chánh, tên thật là, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên, tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ. Ông là một công chức thanh liêm thời Pháp thuộc, làm Chủ quận (Quận trưởng) nhiều quận ở Nam Kỳ thuộc Pháp.
Với bút danh Hồ Biểu Chánh, ông viết nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, khảo luận, phê bình, kịch, và đã xuất bản hơn sáu mươi tiểu thuyết. Ông được xem là một trong những nhà văn góp phần khai phóng văn học miền Nam đầu thế kỷ 20.
Ông mất ngày 4 tháng 9 năm 1958 tại Phú Nhuận, Gia Định; thọ 74 tuổi.
>> Xem VẬN HẠN 2016 mới nhất!
>> Xem TUỔI XÔNG ĐẤT 2016 mới nhât!
Tuổi Bính Thân
1./Hứa Tam Tỉnh (1476-?): Tức Trạng Ngọt
Ông là văn thần đời vua Lê Uy Mục, quê làng Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Ông đẹp trai, nổi tiếng văn học, đi thi khoa Mậu thìn 1508, ông đỗ bảng nhãn, 32 tuổi. Bấy giờ, vị trạng nguyên khoa này là Nguyễn Giản Thanh, tướng mạo kém ông. Khi các vị tân khoa vào chầu, nhà vua khen tướng mạo ông và gọi đùa là "Mạo Trạng nguyên" (Trạng nguyên dáng đẹp).
Khi làm chức Thị thư, khoảng năm Quí dậu 1513, ông sung chức Phó sứ, sang nhà Minh. Về sau, ông lại làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư bộ Lại, tước Đôn giáo Hầu. Rồi cùng Nguyễn Văn Thái đi sứ nhà Minh, cầu phong cho họ Mạc. Lúc về, được tặng Thiếu bảo, lãnh việc dạy con vua Mạc.
2./Nguyễn Đôn Tiết (1836-?): Phó bảng, tham gia phong trào Cần Vương đánh Pháp.
Nguyễn Đôn Tiết là người làng Thọ Vực, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa.
Năm Kỷ Mão (1879), ông đỗ Phó bảng, làm Tri phủ một thời gian. Sau tháng 7 năm 1885, hưởng ứng dụ Cần vương, ông về quê chiêu mộ quân rồi tham gia chiến đấu trong cuộc khởi nghĩa ở Ba Đình (thuộc Nga Sơn, Thanh Hóa).
Tháng 3 năm 1886, ông bị quân Pháp bắt được, đày đi Côn Đảo, rồi mất tại đấy (1887), hưởng dương 51 tuổi.
3./Hoàng Ngọc Phách (1896-1973): Nhà giáo, tác giả cuốn Tố Tâm.
Quê ở làng Đông Thái xã Yên Đường (nay là xã Tùng Ảnh) tổng Việt Yên, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh, hiệu là Song An.
Suốt 20 năm dạy học dưới chế độ thực dân do có liên quan xa gần đến phong trào yêu nước trong các trường đại học ông luôn bị chuyển đến hết nơi này đến nơi khác.
Năm 1935 về dạy học tại Bắc Ninh nhiều lần giữ chức Giám đốc học khu Bắc Ninh cho đến tận Tổng khởi nghĩa. Cách mạng tháng Tám thành công ông giữ những trọng trách trong ngành giáo dục, sau ngày hoà bình lập lại ông công tác ở Ban tu thư Bộ giáo dục, tham gia sưu tầm biên soạn các công trình về văn học cổ điển, cận đại dân gian Việt Nam.
Lịch sử văn học Việt Nam đã chọn Hoàng Ngọc Phách làm người thể hiện những bước chuyển về chất ấy - người mở cánh cửa đầu tiên cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Với tác phẩm “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách đã tạo nên một cuộc cách tân lớn trong nghệ thuật.
Hoàng Ngọc Phách không chỉ là một nhà văn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của văn học và sự trưởng thành của khoa học xã hội mà ông còn là một nhà giáo thế hệ của những người khai sinh ra nền giáo dục của chế độ mới.
4./Hồ Tùng Mậu (1896-1951): Chiến sĩ yêu nước hoạt động cách mạng nhiệt thành.
Hồ Tùng Mậu tên khai sinh là Hồ Bá Cự, khi xuất dương sang Thái Lan hoạt động mới mang tên Hồ Tùng Mậu và trở thành tên gọi chính thức đến khi qua đời.
Ông người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa cử, truyền thống yêu nước.
Hoàn cảnh gia đình, quê hương, xã hội đã sớm hun đúc tinh thần yêu nước cách mạng, căm thù đế quốc. Cuối tháng 4/1920, Hồ Bá Cự từ giã vợ, con nhỏ sang Thái Lan, rồi 3 tháng sau được sang Trung Quốc tìm gặp các nhà cách mạng tìm gặp các nhà cách mạng Xứ Nghệ đang hoạt động ở đây là Phan Bội Châu, Hồ Ngọc Lãm v.v... Tại đây, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn lập ra Tâm Tâm xã, tập hợp số thanh niên hăng hái kiên quyết cùng chí hướng, hy sinh quyền lợi cá nhân, cùng nhau mưu đồ giải phóng dân tộc.
Sau khởi nghĩa ông được giao nhiều nhiệm vụ: Phụ trách trường quân chính Nhượng Bạn, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Liên khu IV, Uỷ viên thường vụ Liên khu uỷ, Tổng thanh tra Ban thanh tra Chính phủ, Hội trưởng Hội Việt Hoa hữu nghị. Ở bất kỳ địa vị công tác nào, ông đều hăng hái, nhiệt tình và phát động được cán bộ, nhân dân tham gia. Tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc tháng 2/1951, Hồ Tùng Mậu được bầu làm uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương và vẫn giữ các công tác cũ.
Ngày 23/7/1951 trên đường công tác , ông hy sinh do bị máy bay Pháp ném bom.
5./Phạm Hồng Thái (1896-1924): Tham gia hoạt động phong trào Đông Du và là người đặt bom ám sát toàn quyền Đông Dương.
Phạm Hồng Thái tên thật là Phạm Thành Tích, quê Nghệ An, là con quan Huấn đạo Phạm Thành Mỹ.
Là một người yêu nước, sớm tham gia các phong trào dân chủ, năm 1918 ông cùng với một nhóm thanh niên có tâm huyết theo Vương Thúc Oánh (thành viên Việt Nam Quang phục Hội) vượt biên qua Xiêm (Thái Lan) rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 4 năm 1924, ông gia nhập Tâm Tâm Xã do Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn thành lập.
Chiều tối ngày 19 tháng 6 năm 1924, Phạm Hồng Thái đặt bom ám sát toàn quyền Đông Dương Meclanh. Vụ đặt bom thành công, bom nổ nhưng Mec-lanh thoát chết, chỉ bị thương. Bị cảnh sát phát hiện và truy đuổi ráo riết, Phạm Hồng Thái nhanh chóng thoát ra ngoài, nhảy xuống sông Châu Giang định bơi sang bên kia bờ. Nhưng dòng nước xoáy làm Phạm Hồng Thái không đến được điểm hẹn, ông đã anh dũng hy sinh. Sự kiện này đã được báo chí Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đưa tin nhiều ngày liền với tên gọi “Tiếng bom Sa Điện”.
Nhân dân Quảng Châu cho đó là hành vi nghĩa liệt, đưa thi thể Phạm Hồng Thái mai táng ở chân đồi Bạch Vân. Sau này mộ Liệt sỹ Phạm Hồng Thái được chuyển về xây tại Nghĩa trang Trung ương Hoàng Hoa Cương, bên cạnh các Liệt sĩ Trung Quốc, mộ chí ghi “Việt Nam Phạm Hồng Thái Liệt sĩ chi mộ”
6./Khải Hưng (1896-1947): nhân vật trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn với nhiều cuốn tiểu thuyết xuất sắc.
Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư, bút hiệu khác Nhị Linh, sinh năm 1896 tại làng Cổ Am, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương.
Thuở nhỏ học chữ nho, rồi theo Tây học (lycée Albert Sarraut, có nơi ghi Paul Bert). Sau khi đậu tú tài Pháp, ban triết, Khái Hưng dậy ở tư thục Thăng Long, ở đây ông gặp Nhất Linh và thành lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn với nhiều cuốn tiểu thuyết xuất sắc mở ra cả một phong trào sau này.
7./Vũ Đình Long (1896-1960):
Ông Vũ Đình Long là người làng Mục Xá, xã Cao Dương,huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ông là người khai sinh ra nền kịch nói Việt Nam bằng vở kịch Chén thuốc độc (1921).
Ông là một người suốt đời phấn đấu cho một nền đạo đức trong sáng, giữ vững thuần phong mỹ tục của dân tộc. Ông là người có công lớn trong việc chấn hưng và phát triển nền văn học nước nhà. Ông mở Nhà xuất bản Tân Dân để tạo điều kiện cho các nhà văn phát triển tài năng. Dưới con mắt tinh đời của ông, nhiều nhà văn đã được khích lệ và trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Nhà xuất bản Tân Dân là một nhà xuất bản lớn vào loại nhất của Việt Nam trước Cách mạng Tháng 8.1945.
Ông là người sống trong sạch, không vụ tiền tài, tiền công diễn các vở kịch của ông thời ấy, ông không nhận mà là để góp phần công đức nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi.
>> Xem bói 12 CUNG HOÀNG ĐẠO 2016 mới nhất!
>> Xem bói 12 CON GIÁP 2016 mới nhất!
Tuổi Mậu Thân
1./ Nguyễn Ưng Lịch (1872-1943): Tức vua Hàm Nghi.
Hàm Nghi là vị vua thứ tám triều Nguyễn, con của Kiến thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, em ruột vua Kiến Phúc.
Năm 1883 và 1884, triều đình Huế kí các Hiệp ước Hacmăng (Harmand) và Patơnôt (Patenôtre) đầu hàng hoàn toàn thực dân Pháp, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chuyển sang một bước ngoặt.
Ngày 5.7.1885, Tôn Thất Thuyết thuộc phái chủ chiến bất ngờ tiến công quân Pháp ở Huế nhưng thất bại. Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi rút lên miền núi các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, ra chiếu Cần vương kêu gọi nhân dân ra sức giúp vua, cứu nước, được nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng.
Ngày 1.1.1888, Hàm Nghi bị Trương Quang Ngọc phản bội, bắt và giao cho Pháp. Hàm Nghi bị đưa đi an trí ở Angiêri. Hàm Nghi vẫn giữ lối sống truyền thống của đất nước và dân tộc Việt Nam.
2./Thiếu Sơn (1908-1978):
Thiếu Sơn tên thật là Lê Sĩ Quý. Ông là nhà văn, nhà báo, nhà phê bình văn học Việt Nam. Ông sinh tại Hải Dương trong một gia đình có truyền thống Nho học.
Cả cuộc đời ông tham gia nghệ thuật, bắt đầu viết cho Nam Phong tạp chí và sau này còn viết cho nhiều báo khác nữa, như: Tiểu thuyết thứ Bảy, Đại Việt tạp chí, Nam Kỳ tuần báo... Với ngòi bút của mình ông đấu tranh không mệt mỏi chống Pháp, chống Mỹ đến nỗi hai lần bị bắt giam và đày ra nhà tù Côn Đảo (1972)
Năm 1973, ông được tự do và trở ra Bắc rồi sang Pháp để vận động Việt kiều ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cuối năm 1975, ông trở về nước, đoàn tụ với gia đình.
Tuy đau yếu luôn, nhưng ông vẫn viết bài cho báo Đại đoàn kết và Sài Gòn giải phóng, cho đến khi ông bị tai biến mạch máu não rồi qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 70 tuổi.
3./ Ngô Gia Tự (1908-1935): Nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông sinh ra ở làng Tam Sơn, phủ Từ Sơn (nay là xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Ngô Gia Tự là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam.
Ngay từ trẻ ông đã tham gia hoạt động cách mạng và là một trong những người đặt nền móng, tham gia thành lập Đảng Cộng sản. Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngô Gia Tự làm bí thư Chấp uỷ Lâm thời Nam Kỳ.
Tháng 6.1930, ông bị bắt tại Sài Gòn, bị toà đại hình ở Sài Gòn kết án khổ sai chung thân (5.1933) và đày ra Côn Đảo (giữa 1933).
Đầu 1935, ông vượt ngục Côn Đảo để về đất liền nhưng thuyền bị đắm trên biển. Ngô Gia Tự cùng với tất cả các đồng chí vượt biển đã hi sinh.
4./ Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932): Một chiến sĩ, một nhà hoạt động cách mạng kiên trung của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại thôn Diêm Điền, xã Thái Hà, huyện Thuỵ Anh, tỉnh Thái Bình.
Cùng với Ngô Gia Tự, ông là một trong bảy người tham gia thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở nước ta. Ông là người trực tiếp tổ chức, thành lập và chỉ đạo các hoạt động của Đảng ở Hải Phòng trong những năm đầu tiên.
Cuối năm 1930 phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh phát triển rầm rộ rộng khắp, nhằm tăng cường đội ngũ lãnh đạo cho phong trào miền Trung, Nguyễn Đức Cảnh được điều vào Trung kỳ chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tháng 4/1931 trên đường đi công tác trở về cơ sở Nguyễn Đức Cảnh giặc bắt, tại làng Yên Dũng Hạ, cách thành Vinh chừng vài cây số.
Ngày 17/11/1931 Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân bị đưa xuống Hải Phòng thi hành án tử hình.
5./Đoàn Trần Nghiệp (1908-1930): bí danh Ký Con, là nhà cách mạng Việt Nam, đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng.
Đoàn Trần Nghiệp sinh năm 1908 tại phố Hàng Sơn, Hà Nội. Ông quê ở làng Khúc Thủy, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).
Đoàn Trần Nghiệp gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng từ rất sớm và hoạt đông rất năng nổ. Ông từng tham gia ám sát chuyên trừng trị các tên thực dân, kẻ phản bội. Sau khi cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam quốc dân đảng không thành, ông và các đồng chí của mình bị thực dân Pháp truy nã ráo riết.
Tháng 6 năm 1930, ông bị mật thám bắt ở Nam Định và bị đưa về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Khi được ký giả người Pháp Louis Roubaud phỏng vấn ông nói mục đích của ông là “ đánh đuổi người Pháp ra khỏi xứ An Nam”. Sau đó, Đoàn Trần Nghiệp bị kết án tử hình.
Cuối tháng 12 năm 1930, Đoàn Trần Nghiệp, tức Ký Con bình thản cùng 6 đồng chí bước lên máy chém tại cổng trước nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
6./Hải Triều (1908-1954): nhà văn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn chương Việt Nam.
Hải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh ở làng An Cựu ở ngoại thành Huế, quê ở xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng. Lớn lên, ông học ở trường Quốc Học Huế, sau đó bị đuổi khỏi trường do tham gia các phong trào thanh niên yêu nước.
Năm 1927, ông tham gia đảng Tân Việt sau đó vào hoạt động ở Sài Gòn. Ông bắt đầu tham gia viết báo với bút danh Nam Xích Tử. Ông hoạt động cách mạng rất hang hái và bị Pháp bắt năm 1930.
Đến năm 1932 ra tù, Nguyễn Khoa Văn mở hiệu sách báo Hương Giang ở Huế và đồng thời bắt đầu viết cho báo Đông Phương dưới bút danh mới - Hải Triều. Ông bắt đầu gây tiếng vang qua những cuộc tranh luận của Phan Khôi trên các báo Đông Phương, Phụ nữ tân tiến...: "Duy vật hay duy tâm", "Nước ta có chế độ phong kiến hay không". Ông hoạt động sôi nổi trong thời kì Mặt Trận Dân Chủ (1936-1939), viết bài cho các báo Nhành lúa, Dân, Đời mới, Kiến văn, Tiếng vang, Hồn trẻ, Tin tức, Tin mới... đặc biệt qua cuộc bút chiến về "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh" (kéo dài từ 1935 - 1939) với Hoài Thanh, Thiếu Sơn, Lưu Trọng Lư...
7./ Nguyễn Văn Huyên (1908-1975): một Giáo sư, tiến sỹ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông cũng là người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong suốt 28 năm.
Ông sinh ngày 16 tháng 11 năm 1905 tại Hà Nội, nguyên quán tại xã Kim Chung, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội).
Năm 18 tuổi, ông và người em trai là Nguyễn Văn Hưởng được gia đình cho đi Pháp du học. Năm 1934 ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Năm 1935 ông trở về nước, khước từ làm quan, dạy học tại Trường Bưởi (trường Bảo hộ).
Sau khi cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử giữ chức Giám đốc Đại học vụ, Bộ Quốc gia giáo dục kiêm Giám đốc Viện Bác cổ.
Tháng 11 năm 1946, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục) của Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giữ chức vụ này trong 29 năm cho đến khi mất vào tháng 10 năm 1975 dù không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khoá 2 đến khoá 7, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông qua đời ngày 19 tháng 10 năm 1975 tại Hà Nội.
Tuổi Nhâm Thân
1./Đàm Văn Lễ (1452-1505): Tiến sĩ làm quan triều Lê Thánh Tông.
Đàm Văn Lễ tự là Hoằng Kính, người xã Lam Sơn, huyện Quế Dương, nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng là thần đồng, thi Hương đỗ giải nguyên.
Năm 1469, mới 18 tuổi, ông đi thi lần đầu đã đỗ Đồng tiến sĩ. Sau đó ông ra làm quan cho triều Lê và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình.
Ông nổi tiếng là đại thần cương trực, trung trinh. Năm 1504, Lê Hiến Tông bệnh nặng. Nguyễn Kính phi là mẹ hoàng tử Lê Tuấn muốn con mình thay thái tử Thuần, nên mang vàng hối hộ ông. Đàm Văn Lễ không nhận rồi cùng Ngự sử Nguyễn Công Bật tuân theo di chiếu lập thái tử Thuần làm vua, tức là vua Lê Túc Tông sau này.
Ông mất năm 1502, thọ 53 tuổi.
2./Đào Duy Từ (1572-1639): nhà chính trị quân sự lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người thầy, bậc khai quốc công thần số một của chín đời chúa Nguyễn và 13 đời vua nhà Nguyễn.
Đào Duy Từ làm quan với chúa Nguyễn Phúc Nguyên từ năm 1627 đến năm 1634, trong vòng tám năm (từ năm ông 54 tuổi đến năm 62 tuổi) ông đã kịp làm được năm việc lớn: (1) Giữ vững cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chặn được quân Trịnh ở Đàng Ngoài;
(2) Mở đất phương Nam làm cho Nam Việt thời ấy trở nên phồn thịnh, nước lớn lên, người nhiều ra
(3) Xây dựng được một định chế chính quyền rất được lòng dân, đặt nền móng vững chắc cho triều Nguyễn lưu truyền chín chúa mười ba đời vua
(4) Tác phẩm "Hổ trướng khu cơ"; nhã nhạc cung đình Huế, vũ khúc tuồng Sơn Hậu là những kiệt tác và di sản văn hóa vô giá cùng với giai thoại, ca dao, thơ văn truyền đời trong tâm thức dân tộc
(5) Đào Duy Từ là người thầy đức độ, tài năng, bậc kỳ tài muôn thuở, người khai sinh một dòng họ lớn với nhiều hiền tài và di sản.
Năm 1932, vua Bảo Đại sắc phong Đào Duy Từ làm Thần Hoàng làng Lạc Giao, đất "Hoàng triều cương thổ" ở Buôn Ma Thuột, Dăk Lăk. Ông mất năm 1639 thọ 67 tuổi.
3./Nguyễn Tông Khuê (1692-1766): Tiến sĩ thời Lê, nổi tiếng là một trong Trường An tứ hổ.
Ông còn được gọi là Nguyễn Tông Quai, hiệu Thư Hiên, quê ở Phúc Khê, huyện Ngự Thiên, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Năm Tân sửu 1721 ông đỗ tiến sĩ lúc 29 tuổi. Thầy học là cụ Thám hoa Vũ Thạch vẫn thường khen ngợi tài ông. Quả nhiên về sau ông nổi tiếng văn chương, vượt xa đồng bạn, làm quan đến Thị lang bộ Hộ, tước Ngọ Đình Hầu. Ông hai lần đi sứ nhà Thanh. Lần đầu làm Phó sứ (1742), lần sau làm Chánh sứ (1748).
Tính ông khảng khái, cương trực, nên về sau bị Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc bức hại, giáng xuống chức Thị giảng rồi truất về làng.
Ông cùng với Đoàn Trác Luân, Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Lân là bốn danh sĩ được đương thời xưng tặng là "Trường An tứ hổ" (Bốn con cọp ở kinh đô).
Năm Bính tuất 1766 ông mất, thọ 74 tuổi.
4./Phan Chu Trinh (1872-1926): Ông là nhà thơ, nhà văn, và là chí sĩ thời cận đại trong lịch sử Việt Nam và là người chủ trì vận động Duy Tân dân chủ.
Phan Châu Trinh còn được gọi Phan Chu Trinh, hiệu là Tây Hồ, Hy Mã, tự là Tử Cán, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam.
Ông nổi tiếng học giỏi, năm 27 tuổi, được tuyển vào trường tỉnh và học chung với Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang, và Phạm Liệu.
Năm sau 1901, triều đình mở ân khoa, ông đỗ phó bảng, đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khoảng thời gian này ông ở nhà dạy học đến năm 1903 thì được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ.
Là một người yêu nước nồng nàn, nhìn đất nước lầm than, ông bôn ba khắp đất nước tổ chức các buổi diễn thuyết dân chủ và là người chủ trì vận động phong trào Duy Tân với mong muốn thay đổi suy nghĩ, thay đổi tình trạng đất nước.
Tiếc thay đại cuộc chưa thành, bệnh tình của Phan Chu Trinh mỗi ngày một thêm trầm trọng. Ngày 24 tháng 3 năm 1926 (nhằm ngày 12 tháng 2 âm lịch) nhà cách mạng ái quốc Phan Chu Trinh đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ được 55 tuổi.
Ngày 4-4-1926 khắp từ Nam chí Bắc đều tự động làm lễ bãi khóa và làm lễ quốc táng nhà chí sĩ Phan Chu Trinh rất trọng thể để chứng tọ tấm lòng ngưỡng mộ và mến tiếc nhà cách mạng đã suốt đời vì dân vì nước.