Nhiều câu chuyện huyền bí được truyền tai nhau, những người sinh đôi đều có giấc mơ lạ, thần linh báo trước việc có thai song sinh. Những ngôi làng từ lâu được mệnh danh là "Làng sinh đôi". Mặc dù, đã có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu về sự kỳ lạ này nhưng đến nay đó vẫn còn là một bí ẩn chưa ai lý giải được. Chúng ta cùng lịch vạn niên 365 xem nhé.
Chỉ trong vòng 20 năm, tại ấp Hưng Hiệp (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã có hơn 70 cặp sinh đôi, từ lâu được mệnh danh là "Làng sinh đôi". Mặc dù, đã có nhiều nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu về sự kỳ lạ này nhưng đến nay đó vẫn còn là một bí ẩn chưa ai lý giải được.
Chúng tôi dễ dàng tìm ra “làng sinh đôi” nằm dọc phía bên phải của Quốc lộ 1A đoạn hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai. Tuy nằm gần quốc lộ nhưng cuộc sống của người dân ở khu làng này vẫn khá êm đềm, dân dã. Những ngôi nhà thấp với hàng rào gỗ là kiểu dáng của hầu hết các nhà ở khu này.
Song sinh là vì nguồn nước?
Ghé vào một ngôi nhà ở ấp Hưng Hiệp, chúng tôi hỏi thăm nhà ông Trần Đình Danh, Trưởng ấp để tìm hiểu rõ hơn về ngôi làng kỳ lạ này. Như đã quen thuộc với những người đến đây tìm nhà ông Danh, sau khi chỉ đường, người chủ nhà hỏi với theo “đi xin nước phải không?”. Tôi ngần ngại gật đầu dù chẳng hiểu “xin nước là sao?”, trong lòng bỗng hoài nghi “chắc có chuyện mê tín gì đang diễn ra ở vùng này”. Ông chủ nhà cười nói thêm “dòm là biết liền!”. Tôi cảm ơn, rồi theo lời chỉ đường để tìm đến nhà ông Danh.
Nhà ông Danh cũng cách ngôi nhà chúng tôi hỏi đường chừng vài trăm mét. Lúc chúng tôi đến ông Danh đi vắng, trong lúc ngồi chờ ông Danh chúng tôi trò chuyện với bà Nguyễn Thị Liên vợ ông. Nghe bà Liên kể chuyện nhiều người từ khắp nơi đến đây xin nước giếng về uống chúng tôi mới hiểu vì sao người chủ nhà lúc nãy bảo chúng tôi “đi xin nước”. Thì ra do mọi người nghĩ rằng ở đây có nhiều cặp song sinh là do nguồn nước nên tìm đến đây để xin nước giếng về uống với hy vọng sẽ có được con song sinh. Vì vậy, người dân ở đây cũng quen với việc người từ xa đến xin nước về uống.
Nhà ông trưởng ấp cũng là nơi đã tiếp không ít người hiếu kỳ đến tìm hiểu về ngôi làng này và cả những người đến xin nước về uống. Ông bà có hai người con trai út song sinh là Trần Duy Khang và Trần An Khang, năm nay đã 14 tuổi. Vợ ông Danh kể lại, trước đó vợ chồng bà đã có 4 cô con gái, hai vợ chồng mong ước có con trai nhưng không được. Một hôm bà nằm mơ thấy hai đứa con trai sinh đôi chơi đùa trong nhà. Xuất hiện giấc mơ lạ, bà chỉ nghĩ do quá mong muốn có con trai nên việc mơ thấy như vậy là chuyện bình thường. Song không ngờ sau đó bà đã mang thai song sinh hai cậu con trai.
Bà Liên chỉ tay nói: Nhà kế bên, nhà đằng kia, rồi ở đầu chợ… cũng có con song sinh, bà kể tên một loạt các cặp song sinh ở đây: Nguyễn Hoàng Phi, Nguyễn Anh Phi; Văn Thị Kim Thoa, Văn Thị Kim Nguyên; Lê Khánh Trình, Lê Khánh Toàn; Trần Phúc Tam, Trần Lộc Thiện;… cặp song sinh cao tuổi nhất ở ấp năm nay đã ngoài 60 tuổi là bà Trương Hoàng Mai và bà Trương Hoàng Yến, cặp song sinh nhỏ tuổi nhất hiện đang học ở Trường mầm non Hoa Cúc.
Do các cặp song sinh ở đây đều cùng giới tính và giống nhau như đúc nên việc nhầm lẫn những đứa trẻ với nhau là chuyện thường gặp ở trường học và cả đối với những người hàng xóm ở đây.
Bà Út Tư (81 tuổi) kể: "Nghe những người già kể lại rằng, trước đây có một cặp vợ chồng người dân tộc Chít đến đây sinh sống, họ mang theo cả phong tục của họ, rằng khi một người phụ nữ sinh đôi là có nghĩa họ bị ma nhập vì tâm của họ không tốt. Phong tục này đã có tầm ảnh hưởng rất lớn đến những người dân sống ở đây. Vì thế, trong một thời gian dài ai cũng sợ sinh đôi, đến nay liên tục các cặp song sinh ra đời, từ đó mọi việc trở nên bình thường, chẳng ai nói gì nữa. Không chỉ thế, nhiều người trong làng còn mong muốn được sinh đôi cho may mắn".
Ông Trần Văn Danh, trưởng ấp Hưng Hiệp cho biết: "Theo tôi nghĩ việc sinh đôi là bình thường, từ xưa do có nhiều người hiểu sai về vấn đề, lại mê tín nên mới có chuyện kỳ thị những gia đình sinh đôi như thế. Sinh đôi có lẽ do nguồn nước, tôi cũng không tin các giếng nước có điều kì bí hay nguồn nước đã được thần linh ban phước như nhiều người không hiểu bịa chuyện. Ai đến xin nước tôi cũng cho, tôi cũng khuyến khích mọi người cho, xin thì cho để họ toại nguyện chứ có con hay không thì tôi không chắc”.
Ông Trần Đình Danh cho biết: Cả xã Hưng Lộc hiện có khoảng 100 cặp song sinh nhưng có đến gần 70 cặp song sinh thuộc ấp Hưng Hiệp. Do chưa có kết luận khoa học nào về hiện tượng này nên mọi người cứ đoán và tin rằng đó là do nguồn nước. Đã có nhiều người đến làng xin nước về uống và cũng một vài người báo lại là đã có được con, không biết nguyên nhân có phải do nguồn nước thật hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ông Danh kể ra 3 trường hợp đã có con sau khi đem nước ở đây về uống gồm: 1 trường hợp ở TP HCM là sinh đôi, còn 2 trường hợp khác ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) và tỉnh Tây Ninh chỉ sinh một.
Theo lời giới thiệu của ông Danh chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Kim Ly cũng ở gần đó để tìm hiểu về một cặp song sinh khác ở đây. Vợ chồng ông bà Quỳnh, Ly có 2 người con gái song sinh là Hoàng Thị Cẩm Vân và Hoàng Thị Cẩm Vy. Bà Ly cho biết: “Đối với người ở xa đến thì đây là chuyện lạ, chứ ở ấp này có con song sinh là chuyện bình thường, chỉ cách vài nhà lại có nhà có con song sinh. Trước đây còn có cả người nước ngoài đến xin ở để tìm hiểu và chụp ảnh các cặp song sinh ở đây. Đoàn bác sĩ ở Sài Gòn cũng đã đến nghiên cứu nhưng sau đó không thấy thông báo là hiện tượng song sinh nhiều như vậy là do đâu”. Lúc chúng tôi xin phép ra về, bà Ly không quên giới thiệu thêm cho chúng tôi: “Ở đầu chợ có một đôi song sinh nam rất đẹp, cứ đến chợ hỏi thì ai cũng biết”.
Theo người dân địa phương, họ vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường không có bất kỳ một thực phẩm nào khác biệt. Do đó, họ nghĩ chỉ do nguồn nước sinh hoạt chứ không tìm được nguyên nhân nào khác.
Đến nay, giới khoa học cũng chưa lý giải được về những bí ẩn đã và đang diễn ra ở ngôi “làng sinh đôi” này nhưng cũng có không ít người hiếm muộn ở tứ xứ tìm đến để xin con cái, có người ở TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nha Trang, thậm chí ở các tỉnh Tây Nguyên và cả ở miền Bắc cũng tìm đến đây xin nước uống. Họ còn gửi các can nước theo xe ôtô chở về nhà uống với hy vọng dễ dàng sinh con hơn. Một số người đến tận đây ở trọ trong vòng vài tháng để có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn nước.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết: Để tìm hiểu nguyên nhân về tình trạng sinh đôi ở ấp Hưng Hiệp, Bệnh viện Từ Dũ đã cử đoàn bác sĩ chuyên ngành đến xem xét và nghiên cứu. Tuy nhiên, kết quả khám phụ khoa cho hàng trăm phụ nữ vẫn không rõ nguyên nhân vì cơ địa họ cũng bình thường như bao phụ nữ khác. Riêng về việc xét nghiệm nguồn nước ở đây, các bác sĩ vẫn chưa phát hiện những bất thường trong nguồn nước. Chính vì lẽ đó, đến thời điểm này nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sinh đôi hàng loạt tại ấp Hưng Hiệp vẫn còn là một điều bí ẩn.
Ngôi làng Kodinhi tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ vẫn luôn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học khi ở đây có tới 250 cặp sinh đôi trên tổng số 2.000 hộ gia đình.
Được biết, tỷ lệ này cao gấp 6 lần so với mức trung bình trên thế giới. Năm 2008, trong số 300 trẻ sơ sinh tại Kodinhi đã có 15 cặp sinh đôi, đây cũng là năm có tỷ lệ song sinh cao nhất từ trước tới nay. Trong suốt 5 năm qua, có tổng cộng 60 cặp sinh đôi ra đời và con số này ngày càng tăng lên một cách đáng kể.
Trước hiện tượng bí ẩn kỳ thú này, tiến sỹ Krishnan Sribiju, một chuyên gia y tế nổi tiếng tại Ấn Độ đã dành 2 năm để nghiên cứu về ngôi làng Kodinhi.
Mặc dù theo thống kê của các nhà chức trách địa phương, tổng số cặp sinh đôi tại ngôi làng này là 250 nhưng theo tiến sỹ Krishnan Sribiju thực tế con số này còn cao hơn nhiều. Ông cho biết: "Dựa trên góc độ y học, số cặp sinh đôi tại làng Kodinhi phải lên tới 300-350 cặp. Điều ngạc nhiên hơn, tỷ lệ song sinh ngày một tăng cao, nếu hiện tượng này kéo dài 10 năm thì ngôi làng này sẽ thực sự trở thành làng sinh đôi thực sự".
Tuy nhiên, Sribiju cho rằng hiện tượng này có liên quan tới nguồn nước và thực phẩm mà dân làng sử dụng, nếu như có thể làm rõ nguyên nhân thì có thể áp dụng vào y học và mang tới hy vọng cho các cặp vợ chồng vô sinh. Hiện Sribiju đã loại trừ khả năng do di truyền và yếu tố môi trường dẫn tới hiện tượng song sinh tăng cao.
Trung bình tại Kodinhi, cứ 1000 trẻ sơ sinh lại có 45 cặp sinh đôi. Tại Ấn Độ cũng như các quốc gia châu Á khác, tỷ lệ song sinh thường rất thấp, chỉ khoảng 4/1000. Trong khi đó tại các nước châu Âu, do nhiều cặp vợ chồng lựa chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo để sinh đôi theo ý muốn nên tỷ lệ song sinh cao hơn rất nhiều.
Làng Thanh Viễn, Trung Quốc có 367 hộ gia đình nhưng có đến 39 cặp sinh đôi.
Thanh Viễn là một ngôi làng nông thôn nhỏ ở Trùng Khánh đã trở nên nổi tiếng khi nơi đây chỉ có 367 hộ dân nhưng có đến 39 cặp sinh đôi. Hầu như bất kỳ lớp học nào ở trường tiểu học địa phương đều có ít nhất một cặp song sinh cùng lớp.
Thanh Viễn nằm ở độ cao 1100 mét, với ánh nắng mặt trời chiếu sáng khoảng 867 giờ mỗi năm và nhiệt độ trung bình là 13,7 độ C. Người dân trong làng rất bối rối về việc có quá nhiều các cặp sinh đôi ở đây. Họ đã tổ chức đón tiếp nhiều đoàn chuyên gia địa phương đến nghiên cứu về vấn đề này.
Nhiều người thấy khó để tin rằng cách làng có rất nhiều cặp song sinh.Tuy nhiên, Thanh Viễn không phải là một trường hợp cá biệt. Năm 2009, Kodinhi, một ngôi làng ở Ấn độ cũng lên báo về tình huống tương tự. Với mật độ dân số chỉ có 2.000 người, nhưng làng Kodinhi đã có đến 200 ca sinh đôi.