Hồ Loch Ness là một hồ nước ngọt sâu và cực kỳ rộng lớn của Scotland, với diện tích lên tới... 56 km2. Lượng nước bên trong hồ thậm chí còn nhiều hơn tổng tất cả các hồ tại Anh và Xứ Wales cộng lại. Nhưng quan trọng hơn, nơi đây lưu truyền một trong những huyền thoại thủy quái gây tranh cãi nhất trong lịch sử: Quái vật hồ Loch Ness.
Tại sao gây tranh cãi? Vì trong nhiều năm, dù không có bằng chứng cụ thể, nhưng có tới cả ngàn người cho rằng đã nhìn thấy Nessie (tên con người đặt cho nó). Vậy rốt cục, nó có tồn tại hay không?
Quái vật hồ Loch Ness, thường còn được gọi là "Nessie" hay "Ness" (tiếng Gaelic: Niseag), là một động vật hoặc nhóm sinh vật bí ẩn và chưa thể xác định được, sống ở hồ Ness (Loch Ness - một hồ nước ngọt nằm gần thành phố Inverness tại Scotland với điểm sâu nhất lên tới 230 m. Nhiều người cho rằng con quái vật này chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng hoặc chỉ có trong các câu truyện truyền thuyết. Trong khi đó, một số người khác lại tin tưởng vào sự tồn tại của nó.
Những ghi chép đầu tiên về Nessie đã xuất hiện từ năm 565, trong một cuốn sách viết về thánh Saint Columba. Cuốn sách có đề cập đến một con "thủy quái" đã lôi một người đàn ông xuống nước tại Sông Ness của Scotland. Nhưng phải mãi đến năm 1933, nhờ một con đường được xây bao quanh hồ giúp nó trở nên bớt cô lập, những câu chuyện về con thủy quái này mới bắt đầu rộ lên.
Năm 1888, người thợ hồ Alexander Macdonald ở làng Abriachan đã nhìn một con vật có kích thước cực lớn trồi lên từ mặt hồ và bơi cách vị trí nơi Macdonald đứng khoảng 50m. Macdonald sau đó đã báo cáo việc nhìn thấy của mình với Alex Campbell, người phụ trách an ninh của hồ Loch Ness và mô tả sinh vật này trông giống như một con kỳ nhông.
Những câu chuyện về quái vật hồ Loch Ness tưởng chừng đi vào quên lãng trong suốt 45 năm, trước khi được khơi dậy một lần nữa vào ngày 22/7/1933, khi khi George Spicer và vợ nhìn thấy "một loại động vật kỳ lạ nhất" băng qua đường phía trước xe của họ. Họ mô tả sinh vật này có thân hình to lớn (cao 1,2 m và dài 8 m), với một chiếc cổ dài, lượn sóng, hẹp, hơi dày hơn vòi voi và dài 3 - 4 m.
Trong cùng năm 1933, hình ảnh đầu tiên của quái vật Loch Ness đã chính thức chụp lại. Hugh Gray, một nhân viên của công ty nhôm Vương quốc Anh, đang đi bộ từ nhà thờ về nhà vào ngày 12/11/1933, thì bất ngờ phát hiện một điều gì đó bất thường ở ven bờ hồ Loch Ness.
Hugh Gray đã nhanh chóng sử dụng chiếc máy ảnh mà mình đang mang theo để chụp lại hình ảnh ở trên. Hình ảnh sau đó được xuất bản lần đầu tiên trên tờ báo Daily Record của Anh, gây nên những tranh cãi về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness.
Năm 1934, bác sĩ Robert Kenneth Wilson người Anh trong lúc đi nghỉ mát tại hồ Loch Ness đã chụp được hình ảnh về quái vật hồ Loch Ness. Hình ảnh sau này trở thành hình ảnh nổi tiếng nhất về quái vật hồ Loch Ness cho thấy một quái vật cổ dài nhô lên từ mặt nước.
Tuy nhiên, nó cũng tiếp tục gây nên những tranh cãi về mức độ thực tế. Nhiều người cho rằng đây chỉ là hình ảnh giả mạo hoặc chỉ là hình ảnh một vật thông thường trên mặt hồ, nhưng nhiều người khác lại cho rằng đây là bằng chứng xác thực cho sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness.
Cho tới nay, đã có hơn 1.000 người tuyên bố họ đã nhìn thấy con quái vật bí ẩn này. Vào năm 2003, Đài BBC đã tiến hành một nghiên cứu sử dụng đến 600 tia sonar (dùng để phát hiện tàu ngầm) và theo dõi vệ tinh để rà quét toàn bộ chiều dài của hồ. Kết quả, họ không hề tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sự tồn tại của một con quái vật ở dưới hồ Loch Ness. Mặc dù vậy, vẫn rất nhiều người vẫn luôn rất tin tưởng vào sự tồn tại của con quái vật kỳ bí này.
Với riêng giới khoa học, nhiều nhà nghiên cứu nêu ra một số giả thuyết khác nhau về quái vật hồ Loch Ness. Một số giả thuyết cho rằng, quái vật hồ Loch Ness là hậu duệ của loài bò sát Cryptoclididae thuộc nhóm bò sát sống dưới nước Plesiosaurus. Tuy nhiên, giả thuyết này sau đó đã bị bác bỏ, sau khi các nhà nghiên cứu đến từ Trường ĐH Otago vào năm 2019 xác nhận hồ Loch Ness không chứa mẫu DNA của khủng long. Một số nhà khoa học thậm chí còn không loại trừ khả năng, quái vật hồ Loch Ness thực chất chính là một con lươn khổng lồ.
Theo thống kê, từ khi được phát hiện cho tới nay đã có tới hơn 1.000 trường hợp kể về sự tồn tại của Nessie, thậm chí có đi kèm ảnh tư liệu. Nhưng hầu hết đó đều là giả mạo.
Nổi tiếng nhất có lẽ là bức hình của George Edwards - một người lái thuyền. Năm 2012, ông chụp được một tấm hình và khẳng định đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness. Nhưng một năm sau, chính ông đã thú nhận rằng đã sử dụng hình mẫu Nessie từ tài liệu của National Geographic để tạo dưng lên hình ảnh đó.
Năm 2014, ứng dụng bản đồ của Apple đã ghi lại được hình ảnh về một thứ gì đó dài cả chục mét, đang bơi trên mặt hồ Loch Ness. Nhưng các chuyên gia cho rằng đó chỉ là một con thuyền đang rẽ sóng mà thôi.
Có bao giờ bạn tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu quái vật hồ Loch Ness thực sự tồn tại? Loài người sẽ phải làm gì sau khi chúng ta phát hiện ra con quái vật bí ẩn này? Liệu chúng ta sẽ cố gắng bảo tồn nghiêm ngặt quái vật hồ Loch Ness, hay sẽ tiêu diệt nó ngay lập tức để làm mẫu vật nghiên cứu?