Một mùa Vu Lan nữa lại sắp đến. Đây là dịp để mỗi người con chúng ta hướng lòng thành kính về cha mẹ, những người đã có công sinh thành và dưỡng dục. Theo truyền thống văn hoá người Việt, lễ Vu Lan có phong tục bông hồng cài áo như một cách để bày tỏ hiếu kính với cha mẹ, dù đấng sinh thành vẫn còn hay đã khuất. Cùng Lịch Vạn Niên 365 tìm hiểu Nguồn gốc, ý nghĩa của bông hồng cài trên ngực áo ngày Vu Lan, Ngày Vu Lan nên và không làm gì để báo hiếu cho đúng lễ nghĩa nhé
Nguồn gốc của ngày rằm tháng 7, lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ bằng cách nghe lời Phật dạy: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng có thể làm theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Từ đó ngoài ý nghĩa "mùa hiếu hạnh", tháng 7 Âm lịch còn gọi là tháng "xá tội vong nhân", tức là thời gian các vong hồn được thả tự do.
Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí (bố thí) thức ăn cho các cô hồn (tức là vong hồn không có người thân) để mong họ phù hộ cho mình.
Từ đó về sau theo lời Phật dạy, các phật tử muốn báo hiếu cha mẹ cũng cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn.
Nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan do thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa vào Việt Nam gần 60 năm trước nhằm tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ.
Vào ngày lễ Vu Lan, nhiều chùa ngoài việc làm lễ tự tứ cho chư tăng kết thúc 3 tháng an cư cũng hay tổ chức nghi thức bông hồng cài áo cho phật tử. Hòa thượng Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm (Thừa Thiên Huế), Phó ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã lý giải nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức này.
Đại lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những nghi lễ quan trọng của những người con theo đạo Phật. Ngày rằm tháng 7 đánh dấu chư tăng kết thúc 3 tháng an cư tỏa sáng công hạnh. Trước đây, vào ngày Vu Lan, các chùa chỉ tổ chức lễ cầu siêu, tụng kinh Vu Lan cho phật tử và nói về câu chuyện hiếu lễ của Mục Kiền Liên tôn giả, không có nghi thức bông hồng cài áo.
Nghi thức bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan do thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa vào sau này. Năm 1962, thiền sư xuất bản tùy bút "bông hồng cài áo", nói về việc ngài được một sinh viên Nhật cài bông hoa cẩm chướng màu trắng vào khuy áo tràng trong ngày mẹ của phương Tây. Thiền sư mất mẹ nên được cài hoa cẩm chướng màu trắng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh thấy việc cài hoa trên ngực áo để tưởng nhớ mẹ mang ý nghĩa rất hay nên đã áp dụng nghi thức bông hồng cài áo vào ngày lễ Vu Lan. Sau đó, nhiều chùa ở Việt Nam tổ chức nghi thức này cho phật tử trong ngày Vu Lan báo hiếu. Đến nay, nghi thức đã trở thành truyền thống tốt đẹp của phật tử Việt Nam.
Một trong nghi thức quan trọng của ngày lễ Vu Lan đó là cài bông hồng bên ngực trái. Bông hồng này cũng mang ý nghĩa đặc biệt trong dịp trọng đại này.
Nghi thức bông hồng cài áo dành để tưởng nhớ những người mẹ đã tạ thế và tôn vinh những người mẹ còn lại trên thế gian này. Trong lễ Vu Lan, các Phật tử với hai giỏ hoa hồng bên người, một giỏ màu đỏ và một giỏ là màu trắng, sẽ được cài lên áo của những người đến chùa tham dự lễ.
Hoa hồng là loài hoa đẹp, có hương, có sắc. Chúng là biểu tượng của sự cao quý, thể hiện tình cảm chân thành mà con cái dành cho bậc cha mẹ của mình. Hoa hồng đỏ cài lên ngực áo của người vẫn còn đủ cả cha và mẹ trên đời. Đó là một sự nhắc nhở về may mắn và tự hào vì vẫn còn cha mẹ.
Trong trường hợp người chỉ còn cha hoặc mẹ thì sẽ không cài bông hồng đỏ tươi. Thay vào đó, họ sẽ được cài bông hồng màu nhạt hơn một chút như màu hồng.
Hoa hồng trắng cài trên ngực áo vào lễ Vu Lan dành cho những người đã mất cả cha và mẹ. Màu trắng tượng trưng cho sự tưởng nhớ và sự chia lìa âm dương. Hoa hồng trắng như nhắc nhở rằng con người đã mất đi những thứ quý giá nhất trên cõi đời này, do đó cần phải sống thật tốt để người yêu thương đã lìa khuất được an tâm.
Hoa hồng vàng trong lễ Vu Lan là một sự xuất hiện đặc biệt. Nó dành cho những người xuất gia. Các tu sĩ mượn thân do cha mẹ sinh ra để tu hành, cứu độ chúng sinh. Sự cứu độ nhân sinh đạt tới sự giác ngộ là một cách báo đáp ân nghĩa tuyệt nhất. Đó là cách để báo hiếu cho cha mẹ ở hiện tại và ở nhiều đời khác.
Những người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn là tất cả chúng sinh. Do đó, cài hoa hồng vàng thể hiện tâm hồn cao cả, tấm lòng cao quý. Màu vàng là màu của đạo Phật. Nó thể hiện sự giải thoát, cưu mang, tuệ giác. Do đó, trong ngày lễ Vu Lan, người tu hành cũng muốn mượn màu hoa hồng để thể hiện tinh thần đúng của ngày lễ này là sự giải thoát.
Ngày lễ Vu Lan xuất phát từ tích Mục Kiền Liên cứu mẹ trong kinh Phật, bạn hãy dành thời gian cùng gia đình đi lễ Chùa cầu an, cầu siêu, niệm kinh, làm công quả, cúng dường hay thả đèn hoa đăng. Đi chùa vừa để cầu an cho gia đình, gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình thêm gần gũi, vừa là cách để tâm hồn bạn lắng lại giữa bộn bề cuộc sống và lan tỏa tình yêu thương, nhân ái đến mọi người nhiều hơn.
Khi đi lễ Chùa bạn nhớ giữ các qui tắc như ăn mặc giản dị, kín đáo với tinh thần kính cẩn để giữ tôn nghiêm nơi linh thiêng bạn nhé.
Ngày lễ Vu Lan là ngày để bạn tri ân, kính nhớ tổ tiên, hướng về nguồn cội. Bạn nên thăm viếng, chăm sóc phần mộ ông bà tổ tiên, những người đã khuất. Đem những việc tốt trong năm để dâng lên ông bà, cầu nguyện cho gia đình được bình an cũng như điểm lại những việc chưa tốt để khắc phục sửa chữa trong thời gian sắp đến.
Mâm cơm cúng ông bà tổ tiên là nghi lễ cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong ngày lễ Vu Lan. Mâm cơm cúng thể hiện lòng thành kính và mong muốn tổ tiên được an nghỉ dưới suối vàng.
Trong ngày lễ Vu Lan, tại các hội đoàn hay pháp hội thường thực hiện nghi lễ bông hồng cài áo. Đây là một nghi lễ rất đẹp, ý nghĩa. Một bông hồng đỏ cho những ai may mắn còn ba, mẹ trên đời và một bông hồng trắng nếu như ba, mẹ không còn bên cạnh mình nữa mà đã đi về cõi vĩnh hằng.
Nghi lễ đầy nhân văn này nhắc nhở ta rằng hãy quí trọng thời gian tươi đẹp như bông hồng đỏ thơm ngát lúc ba mẹ còn bên cạnh để không phải hối tiếc khi Người rời xa ta, như bông hồng trắng buồn bã nơi ngực áo.
Thật tuyệt vời khi bạn cụ thể hóa những lời nói yêu thương cha mẹ thành hành động cụ thể hay những món quà ý nghĩa. Bạn hãy lưu ý đến sở thích và thói quen của ông bà, cha mẹ để lựa chọn được những món quà ý nghĩa nhất nhé.
Món quà thực sự có ý nghĩa là món quà xuất phát từ tình yêu thương của con cái chứ không thể hiện ở giá trị vật chất của món quà. Chẳng có món quà đắt tiền nào có ý nghĩa bằng việc nhìn con cái mạnh khỏe, anh chị em trong gia đình hòa thuận, con cháu.
Nếu bạn đang bận rộn với công việc và cuộc sống riêng mà không thể trở về bên cạnh cha mẹ vào ngày lễ Vu Lan, hãy dành ra một ít thời gian để gọi điện hỏi thăm cha mẹ, ông bà nhé.
Không có món quà nào ý nghĩa bằng tấm lòng chân thành, hiếu thảo của con cái cả. Được con cháu quan tâm, hỏi thăm vào ngày này chính là điều ý nghĩa nhất đối với cha mẹ, ông bà.
Dân gian Việt Nam quan niệm tháng 7 chính là tháng cô hồn, là lúc các vong hồn dưới địa ngục lang thang ở cõi trần và quậy phá. Vì vậy, trong tháng 7 nói chung và vào ngày lễ Vu Lan nói riêng, bạn nên kiêng kị những việc trọng đại như tổ chức tiệc cưới hỏi, hay khai trương kinh doanh.
Theo phong tục dân gian nếu sát sinh trong tháng 7 sẽ khiến các thành viên trong gia đình gặp hạn như đau ốm, mất tiền hay ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Do đó, trong ngày lễ Vu Lan, thay vì sát sinh, bạn hãy phóng sinh và làm nhiều điều tốt để tích đức cho bản thân và gia đình nhé!
Đạo Phật cho rằng làm nhiều việc xấu rồi sẽ nhận về những quả báo tương đương, nên tránh làm điều xấu như gây gổ hay đánh nhau với người khác, để tâm hồn được thanh thản, an yên. Đặc biệt trong ngày lễ Vu Lan, đừng quên làm nhiều việc thiện, lan tỏa yêu thương và thành tâm cầu nguyện cho gia đình, cha mẹ, ông bà được bình an, hạnh phúc bạn nhé!