Dân gian vẫn có câu “49 chưa qua, 53 đã tới” với hàm ý đó là hai tuổi hạn nặng nhất trong đời người. Vậy tuổi hạn là gì? Tại sao có quan niệm này? Có thật sự hai tuổi 49, 53 mang hạn nặng nhất? có cách nào để hoá giải không?
Trong thực tế, bất cứ thời gian nào trong cuộc đời đều có thể gặp vận hạn xấu, nhưng thường thì tỷ lệ thấp hơn tuổi 49, 53.
Cư sĩ Lương Gia Tĩnh, viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam cho biết, trong Kinh điển Phật giáo không bàn đến và cũng không trực tiếp phủ định vấn đề phong thủy số mệnh như "tuổi hạn". "Mọi biểu hiện giàu - nghèo, thọ - yểu, rủi - may... ở đời này đều bị chi phối bởi 2 loại nghiệp lực do chính con người tạo ra.
Thứ nhất là "nghiệp bản hữu", là thứ nghiệp do kiếp trước mình tạo ra, nó như hạt giống (chủng tử), gen, nhân... tốt hay xấu mà mình nhận ở đời này. Thứ hai là "nghiệp tân huân", là thứ nghiệp do chính mình tạo ra trong cuộc sống hiện tại thông qua việc làm (thân), lời nói (khẩu), suy nghĩ (ý)".
Tuy nhiên, ông Tĩnh cũng nhấn mạnh: "Từ xa xưa, các nước phương Đông coi vấn đề phong thủy số mệnh là một môn khoa học dự báo, là sự tổng kết kinh nghiệm từ trong thực tiễn lâu dài và là nét văn hoá đặc trưng. Vì thế, khi Phật giáo du nhập vào đã chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Nhiều nhà sư tinh thông tướng số và phong thủy, vận dụng kiến thức trên chỉ như là phương tiện, là biện pháp tối ưu để cải tạo hoặc bồi đắp thêm cái "nghiệp bản hữu" và tăng trưởng "nghiệp tân huân", tạo nên nghiệp tốt cho đời sau chứ không phải là cứu cánh. Xấu tốt đều do chính mình tạo ra và chịu trách nhiệm chứ không hoàn toàn do "tuổi hạn" quyết định"
Cách thứ nhất, khi cộng dồn số 49 và 53 ta thấy: 4 + 9 = 13, 1 + 3 = 4, tương ứng với nam gặp sao Thái Bạch, nữ gặp sao Thái Âm; 5 + 3 = 8, tương ứng nữ gặp sao Thái Bạch, nam gặp sao Thái Âm. Mà “Thái” là quá, Bạch là trắng (chủ về tang chế, tai nạn, xương cốt). “Âm” là tối, đen, nước, hiểm trở (chủ về ốm đau, dao kéo, xe cộ, sông nước).
Cách thứ hai chòm sao Thái Tuế quản 12 năm hàng Chi, khởi điểm (1 tuổi) mang sao Thái Tuế, cứ 12 năm lặp lại một lần. Vào những năm có số tuổi chia cho 12 dư 1 như sau: 13, 25, 37, 49, 61, 73, 85 sẽ mang sao Thái Tuế Mà Thái Tuế chủ về quan sự, khẩu thiệt, hao tốn, ốm đau, tang chế... Trước Thái Tuế có Thiên Không, sau Thái Tuế có Quán Sách, đôi sao này thuộc “Hỏa” và không có lợi.
Cách tính thứ ba, theo quy luật của tạo hóa thì từ khi thai nghén, con người đã theo chu kỳ 7 x 7. Theo đó, các mốc có số 7 như 7 giờ,7 ngày, 7 tuần, 7 tháng 7 năm đều đánh dấu sự thay đổi quan trọng. Cụ thể, 7 năm thứ nhất phát triển chiều ngang, 7 năm thứ hai phát triển chiều cao, 7 năm thứ ba phát dục, 7 năm thứ tư phát triển Cơ bắp, 7 năm thứ năm phát triển trí tuệ, 7 năm thứ sáu phát triển toàn diện, 7 năm thứ bảy dừng lại, ổn định, dần suy giảm. Mà 7 x 7 = 49 sẽ hết một chu kỳ, có thể sẽ bị diệt vong, cũng có thể sẽ phát triển chu kỳ tiếp theo.
Đó là sự sinh, còn xét ở sự tử thì khi con người mất đi cũng theo luật tạo hóa, cái gì sinh trước sẽ mất trước, sinh sau mất sau. Do đó, người ta mới có lễ Tứ Cửu (49 ngày). Cũng theo quy luật đó thì hết vòng 49, 53 thì mọi sự lại tốt đẹp, hồi xuân.
49 là năm “hạn” Tam tai, còn 53 là tuổi Kim lâu. Hai “hạn” này đều nặng, tránh làm việc lớn.
Có ý kiến lại cho rằng, câu “49 chưa qua, 53 đã tới” mang ý nghĩa phiểm chỉ một loạt tuổi từ 49 - 53 chứ không hoàn toàn gói gọn trong hai tuổi ấy. “Xét về mặt khoa học, ở vào khoảng tuổi này đồng nghĩa với việc người ta đã bước sang nửa kia của đời người. Sức khỏe bắt đầu giảm sút, sức đề kháng kém hơn, nguy cơ ngã bệnh cao hơn, xương cốt yếu hơn... Do đó mà nhiều người bị bệnh, thậm chí là thiệt mạng.
Về mặt tâm linh, từ tuổi 49 - 53 ứng vào con số 5 (là số Ngũ hành, gồm sinh – lão - bệnh - tử - sinh). Nếu ai đó vượt qua được nghĩa là họ đã thay đổi nhịp sinh học để bước vào một chu kỳ phát triển mới trong đời.
Thực tế, ở vào “tuổi hạn”, mức độ nặng - nhẹ lại tùy thuộc vào mỗi người. Xuất phát từ quan điểm của Phật giáo xét trong mối quan hệ “nhân - quả”, thì “nghiệp bản hữu” (tạo từ kiếp trước) và “nghiệp tân huân” (những việc làm, lời nói, suy nghĩ trong hiện tại) của mỗi người khác nhau. Do đó, mức độ của “hạn” đối với mỗi người cũng khác nhau.
Có thể, những sự việc không hay xảy ra vào “năm tuổi” của người ta chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên song lại được nhìn nhận đó là “hạn", là cái tất yếu sẽ xảy đến. Để tránh, giảm mức độ của “hạn”, nếu năm đó là “năm hạn” thì không nên làm những việc đại sự, nên chú ý hơn trong việc ăn, uống, nghỉ ngơi, cẩn thận hơn trong mọi hành xử. Nếu là bất khả kháng thì hãy vận dụng tối đa mọi phương cách hạn chế với tâm thái an nhiên tự tin trong công việc. Không được hoảng loạn dẫn tới sai lầm khi có một sự cố nào đó xảy ra. Sống hoà nhập thiên nhiên, tuân thủ quy luật tạo hoá. Không tham, sân, si. Năng làm việc thiện, giúp đỡ người tàn tật, khó khăn.
Lê Thái Bình