Đến với Đạo Phật, trước tiên chúng ta cần phải học những gì? Đó trước hết chính là mỗi chúng ta phải học cách sống Tỉnh Thức của Đức Phật. Thức Tỉnh lại chính thân tâm mình để tỉa nhánh, rồi dần mé cành và cuối cùng đi đến đốn đổ tận gốc rễ ba cây : Si (Si mê), Tham (Tham lam) và Sân (Sân hận) vốn dĩ đã ăn sâu, bén rễ trong chúng ta đã từ lâu lắm rồi.
Hãy thức tỉnh lại chính mình: Tất cả những gì thuộc về Thân, Khẩu, Ý mà chúng ta đã, đang và sẽ làm để rồi điều chỉnh lại sao cho hợp với đạo lý. Như từ ý nghĩ ác thành ý nghĩ lành; Từ lời nói ác thành lời nói lành; Từ việc làm ác thành việc làm lành và vượt lên trên cả hai thái cực ấy. Đó chính là ý nghĩa của hai chữ Tu Hành mà Đức Phật muốn dạy chúng ta từ gần 2.600 năm trước:
“Từ bỏ các việc ác,
Vâng làm các việc lành.
Giữ tâm ý thanh tịnh
Là lời chư Phật dạy.”
Tu theo Phật là những gì Phật dạy nên làm chúng ta cố gắng làm theo, những gì Phật dạy không nên làm thì nhất định chúng ta không được làm. Nghiệp nào ác, bất thiện thì chúng ta cần phải từ bỏ ngay, nghiệp nào thiện thì chúng ta nên duy trì. Và cũng đừng nên chê việc thiện nhỏ mà không làm và khinh việc ác nhỏ lại làm.
Phật dạy: “Như nước nhỏ từng giọt, rồi bình cũng đầy tràn”. Phải luôn luôn Thức Tỉnh lại mình từ thân, khẩu, ý. Đoạn bỏ tham, sân, si. Đạo Phật coi trọng Ý hơn vì ý là gốc, hành động chỉ là cái ngọn. Nếu ý nghĩ sai mới dẫn đến lời nói sai hay hành động sai. Diệt ý ác tức là đã diệt tận gốc của mọi điều ác. Trong Kinh Pháp Cú (HT Thích Minh Châu dịch), Đức Phật dạy:
“Ý dẫn đầu các pháp.
Ý làm chủ, ý tạo.
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động.
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình”.
Và cũng như thế, nhưng: “Nếu với ý nhiễm ô, nói lên hay hành động” thì : “Khổ não bước theo sau, như xe chân vật kéo”…
Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng gặp phải những khó khăn về đời sống gia đình, bạn bè, tình yêu, hôn nhân hoặc về công ăn việc làm, danh vọng địa vị, giáo dục con cái, sức khỏe, bệnh tật,... Ai cũng phải đối diện với những bài toán khó trong cuộc đời. Người đời thì thường vừa mong thành đạt vừa muốn làm sao được sống bình an, vừa cầu ít gian nan lại vừa cao danh vọng! Người tu hành thì vừa mong đạt sở tri sở đắc lại vừa muốn làm sao thường an vui giải thoát, vừa muốn làm sao mau chứng ngộ Niết bàn vừa nỗ lực tích luỹ phước báu nhân thiên,… Những bài toán "làm thế nào để...?" như thế càng nhiều thì càng loay hoay trăn trở với hết giải pháp này đến phương pháp nọ, tìm nơi nương tựa, ô dù vào tha lực… để rồi gánh lấy hậu quả khó lường, làm sao trở về an lạc nơi chính mình được!
Những gì đang xảy ra hiện nay trên thế giới đều là kết quả của ý muốn được tốt hơn, dễ dàng hơn, tiện nghi hơn của biết bao thế hệ, nhưng kết quả của những nỗ lực ấy lại không mấy khả quan. Cuộc sống vật chất ngày càng phong phú hơn, nhưng tại sao cuộc sống tinh thần lại ngày một tàn lụi? Tại sao công nghệ ngày càng phát triển thì môi trường ngày càng bị nhiễm độc? Cuộc sống của con người ngày càng thịnh vượng hơn, nhưng tại sao họ ngày càng bất an xáo trộn hơn?... Xem ra không mấy ai tìm được giải đáp chính xác, tối hậu cho các bài toán của đời mình. Qua biết bao thế hệ, chúng ta cứ loay hoay giải quyết được cái này thì lại hỏng cái khác, chữa sai xong chỗ này thì lại phát sinh lỗi chỗ kia, không bao giờ chấm dứt.
Sự sống là đa chiều, với sự gắn kết chặt chẽ với nhau và luôn biến động không ngừng. Vì vậy không thể tìm giải đáp hoàn hảo cho một vấn đề, khi chưa khám phá ra được nguyên nhân rốt ráo của tất cả các vấn đề trong cuộc sống. Thật may mắn cho nhân loại, Đức Phật là người đã thấy ra toàn bộ sự thật và Ngài chỉ ra rằng đáp án cho cuộc đời không thể tìm thấy ở bên ngoài, vì nó chỉ có trong lòng mỗi người. Khi trở về nhìn lại chính mình, sẽ phát hiện ra tuy mỗi chúng ta đều muốn cuộc sống được tốt hơn, hoàn hảo hơn, nhưng phải tốt hơn hoàn hảo hơn theo ý mình mới được, vì vậy làm sao tránh khỏi phát sinh xung đột với quan niệm hoàn hảo của người khác. Nhìn lại mình, chúng ta sẽ phát hiện ra những bài toán khó mà mỗi người đang tự đặt ra cho mình dường như chỉ là một trò chơi, chúng ta tự trói buộc mình vào hệ thống giá trị quy ước của xã hội, tự đặt cho mình một chướng ngại rồi lại tìm cách vượt qua. Nhìn lại mình, rồi chúng ta cũng sẽ phát hiện ra tu tập chỉ là quá trình tự điều chỉnh nhận thức và hành vi, chúng xảy ra một cách tự động chứ không có một cái Ta nào cả, giống như khi ngủ thì mũi vẫn tự thở, tim vẫn tự đập mà thậm chí khả năng tự động điều chỉnh còn tốt hơn nhiều.
Học Đạo là như thế, là trở về không ngừng khám phá chính mình cho đến khi mỗi người tự thấy ra nguyên nhân duy nhất phát sinh ra mọi vấn đề, mọi khổ đau và phiền não mà họ đã phải gánh chịu qua biết bao kiếp sống, và lập tức phát hiện Sự Thật tối hậu, thấy ra hạnh phúc viên mãn đang ngay đó nơi thực tại hiện tiền.
Nhìn Đức Thế Tôn, mình thấy Chân, Thiện, Mỹ rõ ràng. Và khi mình soi gương vào Đức Thế Tôn để thực tập, mình cũng thấy trong mình có Chân, Thiện và Mỹ. Vì vậy thương Đức Thế Tôn tức là mình tạo một cơ hội để trở về thương lấy chính mình. Trong giáo lý đạo Phật, trước khi mình có thể thương ai mình phải thương được mình trước. Điều này rất quan trọng. Self-love is the foundation for the love of others. Điều này quan trọng nhưng ít người nói tới là vì ai cũng nghĩ “cái đó” không có trong mình, cho nên mình mới đi tìm ở ngoài. Và khi mình đi tìm như vậy, ít khi mình tìm ra được đối tượng chân thật mà lại bị vướng mắc vào những hình tướng ngụy trang bên ngoài. Vì thế đã khổ rồi, mình lại khổ thêm nhiều tầng nữa.
Mình thương Đức Thế Tôn là vì Đức Thế Tôn có sự vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc, không có gì lay chuyển nổi. Còn mình thì thiếu cái vững chãi đó. Mình có cảm tưởng là mình rất dễ bị tan vỡ, rất dễ bị lung lay, cho nên mình mới đi kiếm sự vững chãi ở một chỗ khác, đi kiếm ở Đức Thế Tôn. Thương là vì thiếu cho nên đi tìm. Cái “vững chãi” ấy trong Kinh gọi là bất động. “Diệu trạm tổng trì bất động tôn”. Lúc đầu mình nghĩ là mình không có, nhưng sau khi mình tin vào Đức Thế Tôn và nhận Đức Thế Tôn làm Thầy, thì mình được nghe Ngài nói: “’Con cũng có cái đó. Con phải về tìm cho được cái đó.” Đức Thế Tôn có sự giải thoát, có sự tự do, có sự thảnh thơi và mình cần những cái đó quá. Mình thấy là mình hệ lụy, mình vướng mắc, mình không có tự do gì cả. Đối với các phiền não, mình dễ trở thành con mồi. Mình không có tự do đối với các phiền não tham, sân, si, mạn, nghi và kiến, thành thử mình đi tìm tự do ở chỗ khác. Cố nhiên là mình đi tìm ở các bậc đạo sư. May mắn là mình gặp một con người như Đức Thế Tôn. Con người đó có chất liệu đích thực của sự vững chãi và sự thảnh thơi. Như thế, mình có cơ hội trở về với chính mình và tìm ra các chất liệu đó trong mình.