Hàn Tín, vị tướng nổi tiếng tài giỏi thời nhà Hán không chỉ được biết đến là người có tâm đại nhẫn phi thường lớn, ông còn được người đời ca ngợi là một người “nhận ơn mà không quên ơn”.
Trong cuốn sách về những lời dạy của Chu Tử có dạy rằng: “Thi huệ vô niệm, thụ ân mạc vong” (Tạm dịch: Làm điều tốt không cần suy tính, mang ơn người đừng bao giờ quên.). Hàn Tín quả thực đã làm được đạo lý này! Hãy cùng tìm hiểu về đức tính này của ông qua điển tích sau:
Thuở thiếu niên, vị tướng nổi tiếng thời nhà Hán là Hàn Tín sống một cuộc sống vô cùng nghèo khổ cơ cực. Một ngày nọ, Hàn Tín không còn gì để ăn, ông không còn cách nào khác là ngồi ở bờ sông ngoại thành Hoài Dương và câu cá. Lúc ấy, có nhiều phụ nữ đang giặt giũ bên bờ sông. Trong số ấy, có một người phụ nữ để ý thấy rằng Hàn Tín trông có vẻ đói và xanh xao, dường như đã lâu lắm rồi không được ăn gì.
Bà liền chủ động mang thức ăn của mình tặng cho Hàn Tín. Cứ như thế, Hàn Tín đã được người phụ nữ kia tặng cho thức ăn trong suốt hơn 10 ngày liền. Lòng tốt của người phụ nữ ấy đã khiến Hàn Tín vô cùng cảm kích và xúc động sâu sắc. Cảm thấy ân huệ của người phụ nữ kia đối với mình nặng như ngọn núi, vì vậy Hàn Tín đã nói với người phụ nữ đã tặng cơm cho mình rằng: “Trong tương lai tôi nhất định sẽ tận tâm báo đáp ân huệ của bà!”.
Không ngờ, người phụ nữ kia trả lời thật với một giọng rất bình dị: “Một người đàn ông đích thực phải tự chăm lo được cho cuộc sống của bản thân. Tôi là vì thấy cậu đáng thương nên đã cho cậu thức ăn. Nếu tôi gặp người khác đang chịu khổ vì đói khát, tôi cũng sẽ làm như thế. Vì vậy tôi không cần cậu phải báo đáp gì cho tôi cả”.
Nhiều năm trôi qua, người phụ nữ kia đã không còn nhớ gì về việc mình đã tặng thức ăn cho Hàn Tín. Bà từ lâu đã quên bẵng đi chuyện nhỏ nhặt ấy rồi. Nhưng Hàn Tín thì không lúc nào quên ân huệ của bà.
Sau khi đã công thành danh toại, Hàn Tín trở lại quê hương. Việc đầu tiên mà ông làm là đi tìm người phụ nữ mà ông đã gặp trong thời trai trẻ và báo ơn bà bằng một lượng tiền vàng rất lớn.
Vạn lượng không so được với lòng từ tâm
Trên gian này, chỉ những người đại trí đại huệ mới hiểu được đạo lý “không cầu mà tự đắc”. Nếu một người nào đó có thể làm ơn mà không cầu được báo đáp thì người ấy đã vượt xa cảnh giới tư tưởng của một người bình thường.
Trong cuộc sống đời thường, nếu bạn có thể giữ vững được nguyên tắc làm người “làm ơn mà không cần đáp trả, nhận được ơn huệ mà không bao giờ quên” thì bạn nhất định sẽ tích được đại đức cho tương lai.
Có một số người mặc dù cũng biết được rằng làm việc thiện là tốt, nhưng một khi làm việc thiện không nhận được sự báo đáp đã nhanh chóng trở nên nản chí, ngã lòng. Thậm chí họ còn nghi ngờ rằng, thế gian liệu có thực sự tồn tại thiên lý “thiện ác có báo”? Điều này đơn giản là bởi vì lòng nhân từ của họ không đủ trong sáng, thuần túy gây ra.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, thử nãi khiêm hạ chi đức dã; cố giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả, dĩ kỳ thiện nhập vu vô chi gian, do thử khả tri bất ngôn chi giáo, vô vi chi ích dã”. Ý nói rằng, một người thực sự lương thiện thì giống như là nước.
Nước nuôi dưỡng tất cả các sinh linh, tưới tắm cho vạn vật, nó không tranh đấu vì quyền lợi, và cũng không cần sự báo đáp. Đây chính là sự khiêm nhường lớn nhất và đức hạnh cao cả nhất!
Làm ơn mà không cầu báo đáp quý giá nhất ở chỗ vô tư, không cầu lợi. Nếu mỗi người khi làm ơn đều có thể suy nghĩ được ở cảnh giới này: khẳng khái giúp tiền khi thấy người gặp nạn, gặp người đang bị khốn cùng thì sẵn sàng ra tay cứu giúp và sau đó không quan tâm rằng liệu người mà họ giúp có thể hoàn trả lại cho họ hay không, trong lòng hoàn toàn bảo trì được tâm thái thanh thản, không oán giận, không hối tiếc. Nếu có thể làm được như vậy, thì người ấy đã tích được đại đức và trong tương lai người ấy chắc chắn sẽ nhận được phúc báo vô cùng to lớn.
Theo Bài Học Cuộc Sống -Lịch Vạn Niên 365