Ngày xửa, ngày xưa có một Minh Quân cai trị một quốc gia thanh bình trù phú. Mọi việc đều xuôi chèo mát mái, ngoại trừ một điều là dù tuổi đã khá cao, nhà Vua hiền đức của chúng ta vẫn chưa có được Hoàng nam nối dõi.
Một bữa tốt trời đức Vua cho yết bảng, truyền lệnh cho vời các đồng tử lên 7 đến 12 vào sân rồng cho Ngài tuyển chọn người kế nghiệp.
Các thần dân của đức Vua trong số tuổi ấn định lũ lượt kéo nhau về kinh đăng ký. Bất kể gia tộc sang hèn, nghèo giàu mỗi cậu bé đều được nhận một hạt giống tí tẹo. Các thí sinh phải đem hạt giống về tự tay gieo trồng và chăm bón.
Đến bao giờ hạt giống nẩy mầm, nứt lộc, đâm chồi, ra nụ kết hoa thì sẽ mang đến Hoàng cung dự thí.
Ngày khảo thí được ấn định vào đêm rằm tháng tám, chậu hoa nào được đức Vua chấm giải nhất thì người gieo trồng đó sẽ được vào cung làm Hoàng tử. Người sẽ kế vị đức Vua sau này.
Cái ngày chờ đợi đó đã đến, vườn ngự uyển chất đày các lẳng hoa do thí sinh đem nộp, không chê vào đâu được, vì loài hoa nào cũng rực rỡ ngát hương. Nhưng đức Vua và Hoàng hậu xem chừng vẫn chưa chọn được thứ nào vừa mắt.
Cuối cùng một chú bé khoảng 8 tuổi, áo quần rách rưới nhưng mặt mũi dễ thương, xin được vào chầu đức Vua của chú. Mọi người cười ồ khi thấy chú khư khư ôm một cái chậu bằng đất nung chứa đày phân và rác bẩn.
Vị thần dân tí hon này quỳ trước bệ rồng, nước mắt chảy quanh, sụt sịt nói : – Muôn tâu, con đã làm hết sức mình, con đã chọn chiếc chậu lành lặn nhất, để vào đó thứ đất mịn nhất, trộn vào đất thứ phân đã hoai và tốt nhất… rồi mới đặt hạt giống của đức Vua ban cho con ào đó…
Con đã phơi sương ủ nắng và tưới nước cho nó… Vậy mà nó không chịu nứt cái mầm nào cả. Đức Vua nghe xong không dấu được sự xúc động, ôm chầm lấy cậu bé reo : – Ôi ! Con chính là vị Hoàng tử mà ta chờ đợi.
Mọi người kinh ngạc lẫn bất bình. Đức Vua vuốt râu mỉm cười giải thích : – Tất cả các hạt giống trao cho thí sinh đều đã được hấp chín…. Nó chỉ có thể nở hoa trung thực mà thôi…
Đưa tay chỉ chiếc chậu đầy đất bẩn của chú bé dân giả, đức Vua tiếp : – Đóa hoa trung thực ấy chỉ đâm chồi nẩy lộc trong mỗi một chiếc chậu này. Con người đã gieo trồng được loại hoa ấy, nhất định sẽ là vị anh quân mà đất nước ta chờ đợi. Đức Vua đã không lầm trong sự lựa chọn ấy.
Trung thực là thành thực với người và cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Tính trung thực giúp con người trở nên đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ, giao dịch, đó là sức mạnh lớn nhất giúp thuyết phục người khác. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kì việc gì. Trung thực làm nên nhân cách con người. Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân.
“Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, còn hiểu biết mà không trung thực thì thật là nguy hiểm và đáng sợ. Còn những người trung thực và hiểu biết sẽ là những người viết nên lịch sử của chính mình”
Tạp chí Bài Học Cuộc Sống - Lịch Vạn Niên 365