Có một câu chuyện rất phổ thông ở Việt Nam, câu chuyện đó giống như để vui đùa nhưng mà thật ra rất thật. Có một ông cụ thấy con trai mình đánh cháu nội mình. Con trai vì giận hờn bực bội đã trút tất cả những cái đó lên đầu con trai của nó–là cháu của mình. Mình rất đau xót rất không muốn con mình hành hạ cháu mình. Nhưng mình không có quyền. Nó là cha. Nó nói: “Con của con thì con phải dạy, con của con thì con phải đánh”. Ông nội rất tức. Nó đánh cháu mình thì cũng như nó đánh mình, cháu mình đau là mình đau.
Nhưng mình cảm thấy bất lực và mình không ngăn được, tại vì nó nói lý rằng đó là con của nó, nó phải dạy. Kỳ thực nó chỉ đang trút tất cả những bực bội và thất bại của nó trên đầu cháu mình mà thôi. Không biết làm gì để mà tiết hận ông cụ mới lấy tay tự đánh vào mặt mình đánh vào ngực mình. Vừa đánh ông cụ vừa khóc: “Mày đánh cháu tao thì tao đánh cha mày. Mày đánh cháu tao thì tao sợ gì mà không đánh cha mày?”
Khi ta bất lực khi ta không trả lời được bạo động bằng bạo động, thì những bạo động đó sẽ lạm vào trong ta và ta sẽ tự làm khổ ta. Dù ta có đi tự tử đi nữa thì hành động tự tử đó cũng chỉ là để trả thù những người kia. Khi một người đi tự tử, người ấy tự nói: “Ta làm như vậy để cho ngươi biết, để cho ngươi khổ, để cho ngươi hối hận, để cho ngươi biết lỗi của ngươi”, ngươi đây có thể là cha mình, mẹ mình, chồng mình, vợ mình hay con mình.
Trong hai kinh ta vừa học Bụt có dạy rằng nếu mình biết mình là kẻ thân thương nhất đối với mình thì mình đừng có đối xử như một kẻ thù đối với bản thân mình. Đó là một lời dạy vàng ngọc. Ai cũng coi tự ngã của mình là thân thương nhất của mình, vì vậy mình đừng làm hại tự ngã của người ta. đừng làm hại mình và làm hại người đó là chủ đích của Bi quán. Bi quán là để làm tiêu tan cái ý chí muốn làm hại mình và làm hại người, Không phải ai cũng muốn làm lợi cho mình đâu, trong chúng ta ai cũng đều có những lực lượng ma quái có khuynh hướng làm hại cho chính bản thân của mình.
Đó là những tập khí. Những tập khí ấy đã trở thành ra nặng nề, và ngày nào chúng cũng làm hại mình mà mình không biết. Phương pháp quán chiếu là để thấy được những nhu yếu đích thực và những tập khí kia để mình có thể chấm dứt hành động tự làm hại mình. Khi ta có thể chấm dứt tập khí làm hại ta, thì ta cũng có thể chấm dứt được tập khí làm hại người.
Thích Nhất Hạnh