Kinh tụng không chỉ là đọc tụng suông mà còn có giá trị thực tế là phải thực hành thì mới đem đến lợi ích thiết thực. Phật giáo không chủ trương việc cầu nguyện hay van xin tha lực nào đó ban phước hay cứu rỗi mà “tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác”. Ngoài những bài kinh như kinh Châu báu, kinh Khổng tước, kinh Chim cút, kinh A-sá-năng-chi, kinh Angulimāla, kinh Ban mai chỉ để trì tụng thì những kinh còn lại như kinh Điềm lành, kinh Lòng từ, kinh Uẩn, kinh Đầu ngọn cờ đều có giá trị trì tụng và còn thực hành.
Ở các nước Thái Lan, Campuchia, Myanmar việc trì tụng những bài Kinh hộ trì đều có ý nghĩa với người trì tụng và người lắng nghe. Từ duyên sự của bài kinh mà chư vị trưởng lão đã phân loại ý nghĩa và lợi ích của việc tụng đọc những bài kinh như sau :
1. Kinh Điềm lành: cầu mong sự an lạc, hạnh phúc.
2. Kinh Châu báu: tránh khỏi sự bệnh tật, đói khát và phi nhân quấy phá.
3. Kinh Lòng từ: rải tâm từ đến mọi chúng sanh, phi nhân.
4. Kinh Uẩn: rải tâm từ đến các loài côn trùng, bò sát,… không bị xâm hại.
5. Kinh Khổng tước: tránh xa những cạm bẫy, được sự an toàn.
6. Kinh Chim cút: tránh khỏi hỏa hoạn.
7. Kinh Đầu ngọn cờ: tránh khỏi sự kinh sợ, khiếp đảm.
8. Kinh A-sa-năng-chi: tránh sự quấy phá của phi nhân, được an lành.
9. Kinh Angulimāla: mong sản phụ được mẹ tròn con vuông.
10. Kinh Giác chi: tránh khỏi bệnh tật, ốm đau.
11. Kinh Ban mai: tránh khỏi những điều xấu, mong sự an lành cả ngày đêm.
Tóm tắt ý nghĩa của 11 Bài Kinh Hộ Trì
1. Kinh Điềm lành (Mangalasutta)
Được Thế Tôn thuyết tại Tự viện Jetavana gần thành Sāvatthī đến vị Thiên tử, là sứ giả của Thiên chủ Sakka. Trước thời gian này mười hai năm, trong dân gian có sự tranh luận rộng rãi về vấn đề: Cái gì là điềm lành của nhân loại? Việc tranh cãi xôn xao từ cõi người cho đến cõi Phạm thiên, và không ai có thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng. Và rồi, Thiên chủ Sakka sai một vị Thiên tử xuống đảnh lễ Thế Tôn và bạch hỏi Ngài về vấn đề này. Do nhân duyên đó, Thế Tôn đã thuyết giảng về ba mươi tám điều thiết thực được gọi là điềm lành ở thế gian này [10]. Ba mươi tám điềm lành này chính là những nguyên tắc thực hành trong đời sống như là không gần kẻ ngu (asevanā ca bālānam), thân cận người hiền trí (panditānam ca sevanā), cúng dường bậc đáng cúng dường (pūjā ca pūjanīyānam)… Những điềm lành này được Thế Tôn thuyết giảng cho nhân loại trong xã hội để phát triển tâm từ sơ cơ đến khi nào chứng đắc Thánh quả cao quý, tâm không còn sầu não (asoka), vô nhiễm (viraja) và an tịnh (khema), chính là điềm lành tối thượng nhất.
2. Kinh Châu báu (Ratanasutta)
Được thuyết tại thành Vesāli trong chuyến du hành của Ngài theo lời thỉnh cầu của các Licchavī để giải trừ tai ương đang giáng xuống kinh thành này. Theo Chú giải, lúc bấy giờ thành Vesāli bị thất mùa, nạn đói phát sanh khiến dân chúng chết đói, bệnh dịch tràn lan và phi nhân quấy phá. Do lời thỉnh mời của các Licchavī, khi Thế Tôn ngự đến Vesāli, một cơn mưa lớn đổ xuống, nước dâng cao và cuốn trôi đi các tử thi, khiến cho toàn kinh thành không còn ô uế nữa. Sau đó, Đức Thế Tôn đã thuyết kinh Châu báu cho Đại đức Ānanda nghe và bảo Đại đức đi quanh ba vòng thành Vesāli, đọc tụng là bài kinh này. Đại đức Ānanda lấy bình bát bằng đá của Thế Tôn, đổ nước và suy niệm những công hạnh của Đức Thế Tôn từ khi Ngài bắt đầu thực hành mười pháp Ba-la-mật bờ kia (pāramī), mười pháp Ba-la-mật bờ trên (upapāramī), mười pháp Ba-la-mật bờ cao thượng (paramatthapāramī) [12], năm pháp đại thí [13], ba pháp hành [14], Bồ-tát giáng sanh vào lòng mẹ trong kiếp chót, Bồ-tát đản sanh, Bồ-tát xuất gia, Bồ-tát tu khổ hạnh, Bồ-tát cảm thắng Ma vương, chứng quả Chánh Biến Tri, chín pháp Thánh [15]. Suy tưởng như thế, Đại đức Ānanda đi vòng quanh ba vòng thành Vesāli và đọc tụng lại kinh Châu báu. Vừa đi vừa rải nước, những giọt nước vừa chạm vào các loài phi nhân, chúng đều biến mất; những người bệnh đều được thoát khỏi bệnh tật. Rồi, các vương tử dòng Licchavī cùng vô số chư thiên đã vân tập xung quanh Thế Tôn, Ngài đã thuyết lại kinh Châu báu một lần nữa. Bảy ngày tiếp theo, Thế Tôn cũng thuyết lại bài kinh này. Sau khi nhận thấy những tai ương tại thành Vesāli đã được giải trừ, Thế Tôn đã rời kinh thành Vesāli [16]. Kinh Châu báu gồm có mười bảy bài kệ: hai kệ đầu là lời thỉnh chư Thiên thọ hưởng vật thực cúng dường và hộ trì chúng sanh thoát khỏi mọi tai ương; mười hai kệ tiếp theo là lời tán thán ân đức Tam bảo; ba kệ cuối là lời của Thiên chủ Sakka thay mặt chư Thiên tán dương Tam bảo [17].
3. Kinh Lòng từ (Mettasutta hoặc Karanīyamettasutta)
Đức Thế Tôn thuyết tại Sāvatthī, đến năm trăm vị Tỳ kheo. Khi ấy, có năm trăm vị Tỳ kheo nhận được đề mục thiền quán và đi vào một khu rừng nọ để tu tập. Chư thiên ngự ở trong rừng ấy không dám ở trên cao hơn các vị Tỳ kheo nên xuống dưới đất cư ngụ hết. Chư thiên nghĩ: các vị Tỳ kheo chắc chỉ ở qua đêm rồi sẽ đi nơi khác. Nhưng rồi, ngày này qua ngày nọ, chư Tỳ kheo vẫn ngụ tại đấy hành thiền khiến chư thiên cảm thấy không được an vui. Do đó, chư thiên hiện ra những hình ảnh ma quái để hù nhát các vị Tỳ kheo, khiến cho các vị mất ăn mất ngủ, tinh thần sa sút và không thể an trú trong đề mục của mình. Chư Tỳ kheo quay về đảnh lễ Đức Thế Tôn và trình bày sự kiện trên. Rồi Thế Tôn giảng kinh Lòng từ đến chư Tỳ kheo ấy và bảo chư vị Tỳ kheo hãy niệm tụng thường xuyên, từ lúc đến khu rừng đến lúc về tự viện sẽ được an lạc. Chư Tỳ kheo vâng lời, đi đến bìa rừng, đồng loạt tụng lại bài kinh và đi vào chỗ cư ngụ. Chư thiên tại khu rừng đều có cảm tình thân thiện với chư Tỳ kheo ấy nên họ đến nhận y bát, dâng nước rửa tay chân, bố trí canh gác bảo vệ khắp nơi. Do đó, năm trăm vị Tỳ kheo tiến tu trên đề mục của mình và chẳng bao lâu chứng đắc được Thánh quả A-la-hán cao thượng [19].
Nội dung kinh Lòng từ gồm mười bài kệ, và nhắc lại những đức tính cao quý của người sống với lòng từ (metta) như là: tinh cần, trực tánh, nhu hòa, không cao mạn, không tham ái, không nhỏ nhen vụn vặt, mong mọi chúng sanh an lạc, mong không ai lừa dối ai, mong không có ai giận hờn nhau, làm khổ cho nhau, mong làm như mẹ trọn đời lo che chở… Đức Thế Tôn đã giảng dạy cho chúng ta những lời khuyên rõ ràng để thanh tịnh hóa thân tâm, chỉ cho ta cách xếp đặt cuộc đời mình trong ngoài vẹn toàn. Nội dung bài kinh là những điều chúng ta cần làm để mang đến bình an cho chính bản thân mình. Và khi có được lòng từ, sự an lạc nơi tự thân thì mọi người xung quanh sẽ được hưởng phúc lợi từ lòng từ của chúng ta.
4. Kinh Uẩn (Khandhasutta)
Đức Thế Tôn thuyết tại Tự viện Jetavana do nhân duyên có một vị Tỳ kheo bị rắn cắn. Do đó, Đức Thế Tôn cho phép chư Tỳ kheo hướng tâm từ đến bốn dòng tộc rắn chúa là Virūpakkha, Erāpatha, Chabyāputta và Kanhāgotamaka để hộ trì và bảo vệ bản thân. Nội dung kinh ngoài việc hướng tâm từ đến bốn dòng rắn chúa thì còn hướng tâm từ đến các loài chúng sanh từ không chân, hai chân, bốn chân và nhiều chân.
5. Kinh Khổng tước (Morasutta)
Trích từ chuyện tiền thân Con công vàng (Morajātaka) [21]. Thuở xưa, khi Bồ-tát sanh làm con công sắc vàng sống trên đồi vàng ở Dandaka. Con công thường đọc bài kệ tán thán mặt trời và chư Phật để hộ trì mình. Khi ấy, Hoàng hậu Khemā của vua trị vì Bārānasī nằm mộng thấy con công vàng thuyết pháp, nên muốn có được con công vàng ấy. Nhà vua ra lệnh cho người đi săn và bắt con công vàng nhưng không được. Hoàng hậu héo mòn và qua đời. Nhà vua cho khắc bảng vàng: ai ăn thịt công vàng sẽ bất tử. Sáu vị vua kế nghiệp về sau cũng ra lệnh săn con công vàng nhưng cũng đều thất bại. Vị vua thứ bảy thuê một người thợ săn biết được chỗ công vàng đang sống. Người thợ săn nghĩ: con công vàng này chắc phải có bùa chú chi đó nên đi qua bẫy mà bẫy không sập. Ông bắt một con công mái làm mồi nhử. Sáng ngày nọ, nghe tiếng con công mái kêu, con công vàng khởi lên dục vọng, không đọc bài kệ tán dương thường ngày, và cuối cùng bị sập bẫy. Công vàng bị bắt và đem trình đến đức vua. Con công ấy đã nói: ăn thịt công vàng không thể bất tử vì chính công vàng cũng không thể trường sanh; còn sắc vàng của công là do công đức giữ giới đã tạo trong tiền kiếp làm một Chuyển luân vương. Đức vua nghe vậy, khởi tâm tịnh tín và hoan hỷ đưa công vàng trở về Dandaka. Con công vàng chính là tiền thân của Đức Thế Tôn.
6. Kinh Chim cút (Vattasutta)
Trích từ bài kệ trong chuyện tiền thân Con chim cút (Vattakajātaka) [22]. Thuở xưa, khi Bồ-tát sanh làm con chim cút con. Một hôm, khu rừng nơi bị cháy, chim cút con không thể tự thoát thân nên đã phát nguyện lời chân thật và niệm tưởng các công đức đã được chư Phật quá khứ chứng đắc. Do đó, ngọn lửa lụi dần và tắt hẳn.
7. Kinh Đầu ngọn cờ (Dhajaggasutta)
Đức Thế Tôn thuyết tại Jetavana. Nội dung bài kinh được Thế Tôn nhắc lại trận chiến giữa Thiên chủ Sakka và chúng Asūra. Thiên chủ Sakka đã bảo các thân hữu rằng: khi lâm chiến, nếu sợ hãi, hoảng hốt, hãy nhìn nơi đầu ngọn cờ của Thiên chủ thì sợ hãi, hoảng hốt sẽ tiêu tan. Hay là hãy nhìn nơi đầu ngọn cờ của các Thiên vương Pajāpati hay Varuna hay Īsāna cũng được. Sau đó, Thế Tôn dạy các Tỳ kheo rằng: khi các Tỳ kheo đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hãy niệm nhớ đến ân đức Tam bảo thì sợ hãi hoảng hốt không bao giờ khởi lên.
8. Kinh A-sá-năng-chi (Ātānātiyasutta)
Thuyết tại núi Gijjhakūta. Khi ấy, sau khi sắp đặt trấn giữ bốn phương, bốn vị Thiên vương đã đến đảnh lễ Thế Tôn. Thiên vương Vessavana bạch Thế Tôn cho rằng có nhiều dạ-xoa không tin tưởng lời Phật dạy phải giữ ngũ giới, và thỉnh Thế Tôn cho phép chư Tỳ kheo, Tỳ kheo ni và hàng cư sĩ tại gia học thuộc bài Hộ kinh Ātānātiya để tạo tín tâm cho các dạ-xoa chưa có tín tâm mong họ trở thành những người hộ trì, không làm hại các đệ tử Phật và che chở cho những ai hành trì Phật Pháp. Đức Thế Tôn cho phép: “Này các Tỳ kheo, hãy học Ātānātiya hộ kinh này, hãy thuộc lòng Ātānātiya hộ kinh này. Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ được che chở, được hộ trì, được ngăn khỏi ai làm hại, được sống thoải mái hạnh phúc” [25]. Phần đầu bài hộ kinh Ātānātiya tán thán và kính lễ bảy vị Phật quá khứ và hiện tại, bắt đầu bằng Đức Phật Vipassī, Đức Phật Sikhī, Đức Phật Vessabhū, Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Konāgamana, Đức Phật Kassapa, Đức Phật Angirasa (tên tộc của Đức Phật Gotama). Phần kế đề cập đến các Thiên tử với bốn vị Đại Thiên vương đứng hàng đầu; phần sau cùng mô tả các vị Thiên tử khác bằng những vần kệ ngôn.
9. Kinh Angulimāla (Angulimālasutta)
Trích từ lời chân ngôn của Tôn giả Angulimāla trong kinh Angulimāla. Một buổi sáng nọ, Tôn giả Angulimāla đi vào Sāvatthi để khất thực. Trong khi đi khất thực, Tôn giả nhìn thấy một thai phụ đang đau đớn quằn quại vì không sanh con ra được khởi tâm thương xót. Tôn giả trình bạch với Đức Thế Tôn và được Ngài dạy rằng: hãy đi đến người thai phụ đó và nói như sau: “Thưa bà chị, vì rằng tôi từ khi được Thánh sanh đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn, và sanh đẻ được an toàn”. Do lời chân ngôn của Tôn giả, người thai phụ ấy được sanh nở an toàn. Vì nhân duyên này, lời nói của Tôn giả Angulimāla cũng được xem là một bài kinh Paritta hộ trì cho người đọc tụng và người lắng nghe.
Kinh Phật và những điều Phật tử cần lưu ý
Những ai tụng đọc hoặc lắng nghe kinh Hộ trì (Paritta) thì sẽ tránh xa những điều nguy hại, không bị đói khát…
10. Kinh Giác chi (Bojjhangasutta)
Gồm ba bài kinh thuyết cho người bệnh nghe, trường hợp này là Tôn giả Mahākassapa, Tôn giả Mahāmoggallāna và Đức Thế Tôn. Sau khi hai vị trưởng lão nghe đọc bảy pháp giác chi thì các Ngài liền sanh tâm hoan hỷ, căn bệnh cũng được dứt trừ, không còn tái phát nữa.
11. Kinh Ban mai (Pubbanhasutta)
Đức Thế Tôn dạy chúng sanh nào vào buổi sáng, buổi trưa hay buổi chiều, sống với tâm niệm lành, làm lành, nói lành thì được an lạc, tốt đẹp.
( Đây là mười một bài hộ kinh Paritta thường được chư Tăng và cư sĩ tụng đọc thường xuyên tại các nước theo truyền thống Theravāda. Tuy chỉ là những đoạn kinh ngắn, những bài kinh trích ra từ những bộ kinh nhưng những bài kinh hộ trì này có oai lực hộ trì nếu như người tụng đọc hoặc lắng nghe một cách đúng đắn.)