Ý nghĩa ngày rằm tháng 6 âm lịch trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada

2023-07-31 11:50:45.0
1 - Đức Bồ-Tát giáng trần vào lòng mẹ kiếp chót 2 - Đức Bồ-Tát xuất gia 3 - Ðức Phật Chuyển Pháp Luân lần đầu 4 - Ðức Phật thị hiện song thông nhiếp phục ngoại đạo , cũng là ngày mà Đức Phật thuyết tạng Abhidhamma (Vi diệu pháp) để trả ơn mẫu thân trên cung trời Đao lợi 5 - Ngày khởi điểm mùa an cư kiết hạ của chư Tăng Phật giáo nguyên thủy Theravāda

MỤC LỤC

    Căn cứ theo kinh điển Pāḷi thì ngày Rằm tháng Āsāḷha đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp đạo pháp của Đấng Đạo Sư. Tuy nhiên ở Việt Nam, ngày Rằm tháng Sáu âm lịch cũng vẫn còn xa lạ đối với đối với đa số Phật tử. Theo Tam Tạng kinh điển Pāḷi, ngày trăng tròn tháng sáu âm lịch là ngày kỷ niệm lịch sử trọng đại những sự kiện sau đây:
    1 - Đức Bồ-Tát giáng trần vào lòng mẹ kiếp chót
    2 - Đức Bồ-Tát xuất gia
    3 - Ðức Phật Chuyển Pháp Luân lần đầu
    4 - Ðức Phật thị hiện song thông nhiếp phục ngoại đạo , cũng là ngày mà Đức Phật thuyết tạng Abhidhamma (Vi diệu pháp) để trả ơn mẫu thân trên cung trời Đao lợi
    5 - Ngày khởi điểm mùa an cư kiết hạ của chư Tăng Phật giáo nguyên thủy Theravāda
    Những sự kiện tuần tự như sau:

    I - ĐỨC BỒ TÁT GIÁNG TRẦN KIẾP CHÓT

    Theo bộ Phật Sử, đức Bồ tát tu hạnh Trí tuệ phải thực hành pháp độ khoảng 20 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Bồ Tát Vessantara thực hành đại thí Ba-la-mật thành tựu. Sau đó hết tuổi thọ, Ngài tái sinh vào cõi Trời Ðẩu Xuất (Tusita) làm thiên nam có tên là Setaketu. Ở cõi trời này lúc nào cũng trang nghiêm và thanh tịnh, ngoài trừ những ngày trai giới: mồng 5, 8, 14, 15, 20, 23, 29 và 30. Trong những ngày này, chư Thiên các nơi vân tập về đây để nghe đức Bồ tát Setaketu thuyết pháp. Thường thường Ngài giảng về Bố thí, trì giới, tham thiền, tội ngũ trần, đề cao hạnh xuất gia, ba tướng của vũ trụ...
    Riêng đức Bồ tát lúc nào cũng trầm tư mặc tưởng về chí nguyện độ đời của mình. Vì thế Ngài lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng giáng phàm để thành đạo. Thông lệ các vị Bồ tát mặc dù tu hạnh nào trước khi thành Phật Chánh Đẳng Giác cũng phải ngụ trên cõi trời này để chờ thời gian thích hợp giáng phàm. Đức Bồ tát Setasetu sống trên cõi Trời Ðẩu Suất khoảng 4000 tuổi. Lúc đó, vua trời Ðế Thích và chư Thiên nhận thấy ở cõi Jampudīpa đã vắng bóng Đức Phật Chánh Giác từ lâu nên đồng nhau cung thỉnh Ngài giáng phàm để sau này cứu độ chúng sinh.
    Lắng nghe lời thỉnh cầu của chư thiên, phạm thiên, Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu quán xét trong thời quá khứ: “Chư Bồ Tát kiếp chót tái sinh xuống làm người, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, đã quán xét như thế nào?
    Theo lệ thường, Chư Bồ Tát kiếp chót tái sinh xuống làm người, thì phải quán xét đầy đủ 5 điều như sau:
    - Quán xét thời kỳ tuổi thọ con người.
    - Quán xét châu đến tái sinh.
    - Quán xét xứ sở đến tái sinh.
    - Quán xét dòng họ nơi tái sinh.
    - Quán xét tuổi thọ của mẫu thân, để đầu thai.
    Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu quán xét từng điều:

    1.1 - Đức Bồ Tát quán xét thời kỳ tuổi thọ con người:

    Chư Phật Chánh Đẳng Giác thường xuất hiện trên thế gian, trong thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 ngàn năm đến 100 năm. Khi ấy, con người có trí tuệ sáng suốt, nếu lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, thì có thể hiểu rõ được chánh pháp, rồi thực hành theo chánh pháp dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
    Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu quán xét thấy rằng: Khi ấy, thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 năm, đó là thời kỳ thích hợp cho Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian.

    1.2 - Đức Bồ Tát quán xét các châu đến tái sinh:

    Loài người có trong 4 châu (padīpa):
    - Đông Thắng Thần châu (Pubbavidehadīpa),
    - Tây Ngưu Hóa châu (Aparagoyānīdīpa),
    - Nam Thiện Bộ châu (Jampudīpa)
    - Bắc Câu Lưu châu (Uttarakuradīpa).
    Ðức Bồ Tát chọn Nam thiện bộ châu vì tại châu này chúng sinh không quá văn minh kiêu kỳ mà cũng không quá lạc hậu đần độn. Nhờ vậy, khi gặp Đức Phật, họ sẽ dễ lãnh hội giáo lý, tu hành mau đắc đạo. Trong quá khứ, Chư Phật chỉ xuất hiện trong cõi Nam Thiện Bộ châu mà thôi, không xuất hiện ở ba châu khác. Do đó Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu quyết định tái sinh trong cõi Nam Thiện Bộ châu.

    1.3 - Đức Bồ Tát quán xét xứ sở đến tái sinh:

    Trong cõi Nam Thiện Bộ châu rộng lớn mênh mông, trong quá khứ, Đức Phật chỉ xuất hiện trong Trung xứ (Majjhimapadesa) mà thôi, không xuất hiện ở nơi xứ biên địa. Do đó Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu quyết định tái sinh nơi Trung xứ vùng Sakka kinh thành Kapilavatthu.

    1.4 - Đức Bồ Tát quán xét dòng họ nơi tái sinh:

    Trong quá khứ, chư Bồ Tát kiếp chót trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác không sinh trong dòng họ hạ tiện, nghèo khổ, mà chỉ sinh một trong hai dòng dõi là dòng dõi vua chúa hoặc dòng dõi Bàlamôn.
    Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu quán xét thấy thời kỳ ấy, tất cả mọi người đều kính trọng dòng dõi Vua chúa hơn dòng dõi Bàlamôn, nên Ngài quyết định sinh vào dòng dõi Vua Sakya. Đức vua Suddhodana trải qua nhiều đời vua tinh khiết (không lẫn lộn với dòng khác).

    1.5 - Đức Bồ Tát quán xét mẫu thân và tuổi thọ của bà

    Mẫu thân của Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác trong kiếp chót phải là người đã từng tạo 10 pháp hạnh balamật suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất và được Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong quá khứ thọ ký rằng: Bà sẽ là mẫu thân của Đức Phật trong thời vị lai.
    Mẫu thân của Đức Bồ Tát ấy phải là người có ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, không hề bị phạm giới nào; ngoài ngũ giới ra, bà còn phải thọ trì 8 giới (uposathasīla) trong những ngày giới hằng tháng. Đức Bồ Tát quán xét thấy bà Mahāmayādevī, chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Suddhodana, có đầy đủ những tiêu chuẩn trên và tuổi thọ của bà Mahāmayādevī còn đúng 10 tháng lẻ 7 ngày, nên Đức Bồ Tát chọn bà Mahāmayādevī làm mẫu thân của Ngài.
    Sau khi quán xét đầy đủ 5 điều rồi, Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu quyết định tái sinh xuống làm người, để trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
    Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu truyền dạy rằng:
    “Này chư thiên, chư phạm thiên, ta đồng ý nhận lời thỉnh cầu của các ngươi. Ta sẽ tái sinh xuống làm người trong cõi Nam Thiện Bộ châu, Trung xứ, kinh thành Kapilavatthu, trong dòng vua Sakya, Đức vua Suddhodana là phụ thân và bà Mahāmayādevī, chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Suddhodana, làm mẫu thân của ta”.
    Sau khi lắng nghe lời truyền dạy của Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu, tất cả chư thiên, và chư phạm thiên vô cùng hoan hỷ loan báo cho khắp toàn thế giới chúng sinh biết rằng:
    “Đức Phật sẽ xuất hiện trên thế gian!”
    Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu quyết định từ bỏ kiếp thiên nam ở cõi trời Tusita, tái sinh đầu thai vào lòng mẫu thân Mahāmayādevī chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Suddhodana, kinh thành Kapilavatthu vào ngày thứ năm, nhằm ngày rằm tháng Āsālha (tháng sáu) lúc canh chót. Vào ngày rằm tháng Āsālha, Chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī của Đức vua Suddhodana đến hầu vị Đạo sư Kāladevila xin thọ trì uposathasīla (bát giới). Canh chót đêm ấy, trước khi Đức Bồ Tát tái sinh đầu thai vào lòng, bà Mahāmayādevī nằm mộng thấy Tứ Đại Thiên Vương cung nghinh bà lên núi Himavanta, đặt bà nằm trên một tảng đá lớn gần hồ Anotatta. Sau đó, có 4 chánh cung Hoàng hậu của Tứ Đại Thiên Vương cùng chư thiên nữ đến tắm sạch sẽ cho bà, xoa các thứ vật thơm của cõi trời, dâng những đóa hoa trời xinh đẹp, rồi cung nghinh bà đến một ngọn núi bằng bạc, có một lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, và đặt bà nằm nghiêng bên phải nghỉ ngơi nơi đó. Khi ấy, một con bạch tượng cao thượng hiện đến lâu đài bằng vàng nơi bà đang nằm nghỉ ngơi. Con bạch tượng ấy đi vòng quanh nơi bà nằm 3 vòng, rồi chui vào hông phía bên phải của bà.
    Khi bà Mahāmayādevī đang nằm mộng, đó cũng là lúc Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu từ bỏ kiếp thiên nam ở cõi trời Tusita, đồng thời với đệ nhất đại quả tâm (đại quả tâm thứ nhất, hợp với trí đồng sinh với hỷ không cần động viên) làm phận sự tái sinh đầu thai vào lòng mẫu thân Mahāmayādevī, nhằm vào ngày thứ năm canh chót đêm rằm tháng sáu (âm lịch). Khi ấy, bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī có tuổi thọ được 55 năm 6 tháng 20 ngày. Ngay lúc ấy, trái đất rùng mình rung chuyển và có 32 hiện tượng xảy ra chưa từng thấy bao giờ; chư thiên, phạm thiên trong 10 ngàn thế giới chúng sinh vô cùng hoan hỷ loan báo tin lành rằng:
    “Đức Bồ Tát đã tái sinh rồi!”
    Chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī đã trải qua giấc mộng lành và sau khi tỉnh dậy, bà đến chầu Đức vua Suddhodana và tâu trình lên Đức vua về giấc mộng vừa qua. Sáng sớm hôm sau, Đức vua Suddhodana bèn truyền lệnh cho mời nhóm Bàlamôn quân sư vào triều yết kiến. Sau khi thiết đãi và ban thưởng xong, Đức vua bèn tường thuật lại giấc mộng canh chót đêm qua của Hoàng hậu Mahāmayādevī cho nhóm quân sư Bàlamôn nghe để họ cùng nhau suy đoán Hoàng hậu sẽ hạ sinh ra Thái tử - Bậc cao thượng nhất. Nếu Thái tử sống trong triều, thì sẽ là Đức Chuyển Luân Thánh Vương trị vì thiên hạ có 4 biển làm ranh giới.
    Nếu Thái tử bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ là Đức Phật Chánh Đẳng Giác cao thượng nhất trong toàn cõi thế giới chúng sinh.

    II - ĐỨC BỒ TÁT XUẤT GIA:

    Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đản sinh ra đời đến ngày thứ bảy, chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī quy thiên, bởi vì, bà đã hết tuổi thọ. Bà chánh cung Hoàng hậu Mahāmayādevī hưởng thọ được 56 năm 4 tháng 27 ngày ở cõi người. Sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sinh làm vị thiên nam tên Santussita trong cõi trời Tusita, tầng trời thứ tư trong 6 cõi trời dục giới.
    Đức vua Suddhodana tấn phong bà Mahāpajāpatigotamī (em của bà Mahāmayādevī) lên ngôi vị chánh cung Hoàng hậu. Bà tự đảm đương địa vị nhũ mẫu nuôi dưỡng Thái tử Siddhattha. Năm Thái tử Siddhattha được 16 tuổi thì Đức vua Suddhodana truyền ngôi báu cho Thái tử. cùng với lễ thành hôn với Công chúa Yasodharā, Đức vua Siddhattha tấn phong Công chúa Yasodharā lên ngôi vị chánh cung Hoàng hậu. Đức vua cha Suddhodana muốn vua Siddhattha trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, không muốn Đức Bồ Tát đi xuất gia để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác; cho nên, Đức vua cha truyền lệnh giữ vua Siddhattha trong cung cấm hưởng ngũ dục an lạc.
    *Nguyên nhân Đức Bồ Tát đi xuất gia
    Những sự kiện xảy ra theo tuần tự thời gian, khiến Đức Bồ Tát quyết định đi xuất gia.
    * Lần đầu tiên, vào ngày rằm tháng 6, Đức vua Bồ Tát đi du lãm vườn thượng uyển. Trên đường đi, bỗng nhiên Ngài nhìn thấy một người già, do chư thiên biến hóa, để làm cho Ngài phát sinh động tâm (samvega). Thật vậy, Ngài chưa từng nhìn thấy người già như thế bao giờ, cho nên Ngài suy tư: “Chắn chắn ta cũng có sự già như thế, không thể tránh khỏi sự già được”. Nỗi ưu tư tràn ngập trong lòng, không còn muốn đi du lãm nữa, Ngài truyền bảo người đánh xe đưa Ngài hồi cung.
    * Lần thứ nhì, cách 4 tháng sau, vào ngày rằm tháng 10, Đức vua lại đi du lãm vườn thượng uyển. Trên đường đi, lần này Ngài nhìn thấy một người bệnh, cũng do chư thiên biến hóa. Như lần trước, Ngài suy tư: “Chắc chắn ta cũng có sự bệnh như thế, không thể tránh khỏi sự bệnh được”. Tâm trạng u buồn, Ngài truyền lệnh bảo người đánh xe đưa Ngài hồi cung.
    * Lần thứ ba, cũng cách 4 tháng sau, vào ngày rằm tháng 2, để vơi bớt nỗi buồn, Đức vua lại muốn đi du lãm vườn thượng uyển. Trên đường đi, bất chợt Ngài nhìn thấy một người chết, cũng do chư thiên biến hoá. Như hai lần trước, Ngài suy tư: “Chắc chắn ta cũng có sự chết như thế, không thể tránh khỏi sự chết được”. Nỗi lo sợ phát sinh trong lòng, Ngài truyền lệnh bảo người đánh xe đưa Ngài hồi cung.
    Từ đó, Đức Bồ Tát lúc nào cũng suy tư về sự già, sự bệnh, sự chết. Ngài tự hỏi, có con đường nào giải thoát sự già, sự bệnh, sự chết hay không? Sở dĩ có sự già, sự bệnh, sự chết là vì có sự tái sinh. Ôi! Sự tái sinh đáng kinh sợ thật!
    * Lần thứ tư, 4 tháng sau, vào ngày rằm tháng 6, để khuây khỏa nỗi u buồn, lo sợ trong lòng, một lần nữa, Đức vua đi du lãm vườn thượng uyển. Trên đường đi, Ngài nhìn thấy một bậc xuất gia đang tĩnh tọa dưới cội cây, tỏ vẻ an nhiên tự tại, cũng do chư thiên biến hóa, để làm cho Ngài nghĩ đến việc xuất gia. Thật vậy, khi Đức Bồ Tát nhìn thấy bậc xuất gia Ngài liền trút bỏ được mọi nỗi ưu tư nặng trĩu trong lòng về sự già, sự bệnh, sự chết. Ngài quyết định xuất gia ngay đêm ấy, để tìm con đường giải thoát khỏi sự tái sinh, là giải thoát khổ già, khổ bệnh, khổ chết...
    Khi Đức Bồ Tát hồi cung, ngay trong đêm ấy Ngài nghe tin Hoàng hậu Yasodharā đã hạ sinh Hoàng tử, tình thương con trỗi dậy trong lòng, Ngài than rằng: “Sự ràng buộc lớn!”. Do đó, Hoàng tử được đặt tên là “Rāhula”. Mặc dù vậy, chí nguyện xuất gia của Đức Bồ Tát vẫn không thay đổi; đêm ấy, Ngài đến tìm Channa, báo là sẽ rời hoàng cung đi xuất gia. Đêm đó, Ngài đã trốn khỏi hoàng cung đi xuất gia.
    Đức Bồ Tát đi qua khỏi ba xứ: xứ Sakya, xứ Koliya và xứ Malla khoảng 30 do tuần chỉ trong một đêm.
    Đức Bồ Tát lấy thanh gươm bén cắt tóc, chừa lại khoảng 2 lóng tay. Tất cả những sợi tóc còn lại tự xoắn vòng xoáy theo khu ốc sang bên phải nằm sát trên da đầu và Ngài cạo sạch râu. Chỉ một lần ấy thôi, từ đó về sau suốt cả cuộc đời, Ngài không phải cắt tóc, cạo râu nữa.
    Sau khi cắt tóc xong, Đức Bồ Tát cầm nắm tóc trên tay phát nguyện rằng:
    - Nếu ta trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thì xin cho nắm tóc này ở trên hư không, còn nếu ta không chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thì nắm tóc này sẽ rơi xuống đất.
    Đức Bồ Tát ném nắm tóc lên hư không. Thật phi thường thay! Nắm tóc bay bỗng lên trên hư không khoảng một do tuần rồi đứng yên một chỗ. Lúc ấy, Đức vua trời Sakka nhìn thấy bèn đem cái hôp bằng ngọc, cung kính đặt nắm tóc của Đức Bồ Tát vào hộp, đem về tôn thờ ở ngôi tháp Culamanī tại cung Tam Thập Tam Thiên.
    Khi ấy, vị đại phạm thiên Ghaṭikāra, là bạn thân cũ từ tiền kiếp của Đức Bồ Tát trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, biết Đức Bồ Tát hôm nay xuất gia, nên mang 8 thứ vật dụng của bậc Samôn là tam y, bình bát, dao cạo, kim chỉ, dây thắt lưng và đồ lọc nước đến dâng cúng Ngài.
    Đức Bồ Tát mặc y vàng màu lõi mít, tượng trưng như lá cờ chiến thắng của bậc Thánh Arahán, trở thành bậc xuất gia, lúc Đức Bồ Tát được 29 tuổi.

    III - ĐỨC PHẬT CHUYỂN PHÁP LUÂN

    Khi suy xét nên thuyết pháp tế độ cho ai đầu tiên, Đức Phật nghĩ đến nhóm 5 Tỳ khưu đã từng phụng sự, hộ độ cho Ngài trong thời gian còn là Bồ Tát hành khổ hạnh và quyết định sẽ thuyết pháp tế độ nhóm 5 Tỳ khưu lúc đó đang ở tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần thành Bārāṇasī. Nhóm 5 Tỳ khưu gồm: Ngài Kondanna trưởng nhóm, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji.Đức Phật dạy rằng:
    - Bậc xuất gia không nên hành hai pháp cực đoan thuộc hai biên kiến.
    Một là: Hưởng khoái lạc trong ngũ dục do tâm tham ái hợp với tà kiến, là pháp thấp hèn của hạng phàm nhân trong đời, không phải của bậc Thánh Nhân cao thượng, không đem lại sự lợi ích giải thoát khổ sinh.
    Hai là: Tự ép xác, hành khổ mình do tâm sân và có đoạn kiến, thuộc pháp hành khổ hạnh của ngoại đạo, không phải của bậc Thánh Nhân cao thượng, không đem lại sự lợi ích giải thoát khổ sinh.
    Không thiên về hai biên kiến ấy, Đức Phật đã hành theo pháp hành Trung Đạo (Majjhimappaṭipadā) đó chính là Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh cao thượng là:
    1 - Chánh kiến: Trí tuệ thiền tuệ chân chánh thấy rõ, biết rõ chân lý Tứ Thánh Đế
    - Khổ Thánh Đế.
    - Nhân sinh Khổ Thánh Đế (Tập Thánh Đế).
    - Diệt Khổ Thánh Đế (Diệt Thánh Đế).
    - Pháp hành Diệt Khổ Thánh Đế (Đạo Thánh Đế).
    2 - Chánh tư duy: Tư duy chân chánh
    - Tư duy thoát ra khỏi ngũ dục (xuất gia), không làm khổ mình, khổ người (hợp với tâm từ), không làm hại mình, hại người (hợp với tâm bi).
    3 - Chánh ngữ: Lời nói chân chánh
    - Tránh xa lời nói dối, chia rẽ, thô tục, vô ích.
    4 - Chánh nghiệp: Hành nghề chân chánh
    - Tránh xa sự sát sinh, trộm cắp và tà dâm.
    5 - Chánh mạng: Nuôi mạng chân chánh
    - Tránh xa thân hành ác, khẩu nói ác liên quan đến việc nuôi mạng.
    6 - Chánh tinh tấn: Tinh tấn chân chánh
    - Tinh tấn diệt ác pháp đã sinh, ngăn không cho ác pháp phát sinh, làm cho thiện pháp phát sinh, làm tăng trưởng thiện pháp đã sinh.
    7- Chánh niệm: Niệm chân chánh
    - Niệm thân: Thân là đối tượng của chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác.
    - Niệm thọ: Thọ là đối tượng của chánh niệm, tỉnh giác.
    - Niệm tâm: Tâm là đối tượng của chánh niệm, tỉnh giác.
    - Niệm pháp: Pháp là đối tượng của chánh niệm, tỉnh giác.
    8 - Chánh định: Định chân chánh
    - Định trong đệ nhất thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
    - Định trong đệ nhị thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
    - Định trong đệ tam thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
    - Định trong đệ tứ thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
    - Định trong đệ ngũ thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
    Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
    Pháp hành Trung Đạo đó là Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh này chỉ đồng sinh với 4 Thánh Đạo Tâm và 4 Thánh Quả Tâm, chắc chắn có Niết Bàn là đối tượng.
    Bằng những pháp hành Trung Đạo này, Đức Phật đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế theo Tam Tuệ Luân:
    - Trí tuệ học Tứ Thánh Đế.
    - Trí tuệ hành Tứ Thánh Đế.
    - Trí tuệ thành Tứ Thánh Đế.
    Tứ diệu đế là pháp môn tu tập bao gồm toàn bộ giáo lý của đức Phật. Giáo pháp mặc dù nhiều nhưng đức Phật chỉ dạy có hai điều: khổ và diệt khổ. Lại nữa trong phần đạo đế, đức Phật trình bày xuyên suốt 37 phẩm trợ đạo bồ đề dành cho những chúng sinh nào hữu duyên tu tập theo từng pháp môn. Ðó là: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo. Cho nên bài pháp đầu tiên là bài giảng tổng thể và từ đó suốt 45 năm thuyết pháp Ngài chỉ triển khai đề tài này dưới nhiều gốc độ khác nhau để giáo hóa chúng sinh.
    Kinh ghi lại trước khi Ngài bắt đầu thuyết pháp Tứ diệu đế, Ngài giảng hai điều mà các vị xuất gia cần phải tránh xa, đó là khổ hạnh và lợi dưỡng. Khổ hạnh ép xác thái quá và sống lợi dưỡng thái quá cũng không đưa đến giải thoát. Tránh xa hai con đường này đó là con đường Trung đạo.
    Đức Phật thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân xong, nhóm 5 Tỳ khưu vô cùng hoan hỷ thực hành theo lời giáo huấn của Ngài. Trong đó, Ngài Koṇḍanna đã phát sinh Pháp Nhãn chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
    Khi ấy, Đức Phật đã cho phép Ngài Koṇḍanna thọ Tỳ khưu theo cách Ehi bhikkhūpasampadā như sau:
    “Ehi bhikkhū!” ti Bhavagā avoca. Svākkhāto dhammo cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya...”.
    Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:
    “Con hãy lại đây! Con trở thành Tỳ khưu theo ý nguyện. Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên cố gắng tinh tấn hành phạm hạnh cao thượng, để chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, để chấm dứt khổ tử sinh luân hồi”.
    Ngay khi Đức Phật truyền dạy vừa dứt câu, Ngài Koṇḍanna liền trở thành vị Tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Tỳ khưu, phát sinh do phước thiện, cũng đồng thời Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo hoàn toàn đầy đủ trọn vẹn trên thế gian này, vào đúng ngày rằm tháng 6 (âm lịch). Bốn vị Tỳ khưu còn lại cũng sẽ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu như sau:
    Ngày 16 tháng 6, Ngài Vappa chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập lưu và được phép thọ Tỳ khưu bằng cách Ehi bhikkhu.
    Ngày 17 tháng 6, Ngài Bhaddiya chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ khưu bằng cách Ehi bhikkhu.
    Ngày 18 tháng 6, Ngài Mahānāma chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ khưu bằng cách Ehi bhikkhu.
    Ngày 19 tháng 6, Ngài Assaji chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ khưu bằng cách Ehi bhikkhu.
    Trong Phật giáo có 4 loại bậc Thánh Nhân:
    Bậc Thánh Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai và Arahán.
    Nhóm 5 Tỳ khưu đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, chỉ mới là bậc Thánh thứ nhất trong Phật giáo và mới có khả năng diệt đoạn tuyệt được hai loại phiền não là tà kiến và hoài nghi nhưng chưa có khả năng diệt đoạn tuyệt 8 loại phiền não còn lại và các tham ái, các ác pháp, nên chưa có thể giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới được. Cho nên, Đức Phật giảng bài Kinh Anattalakkhaṇasutta: Kinh Vô Ngã Tướng để tế độ nhóm 5 Tỳ khưu tiếp tục chứng đắc thành bậc Thánh Arahán là bậc Thánh Nhân thứ tư cao thượng trong Phật giáo.
    Nhóm 5 Tỳ khưu trở thành bậc Thánh Arahán vào ngày 20 tháng 6 là những ngày đầu hạ thứ nhất của Đức Phật.
    Như vậy, ngoài Đức Phật ra, còn có thêm 5 vị Thánh Arahán xuất hiện trên thế gian.

    IV - ĐỨC PHẬT THỊ HIÊN SONG THÔNG NHIẾP PHỤC NGOẠI ĐẠO

    Dùng thần thông để nhiếp phục ngoại đạo là một trong 30 tục lệ của chư Phật. Ðã là tục lệ thì vị Phật nào cũng phải thực thi đúng như vậy. Tục lệ ở đây có nghĩa là những điều chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều thể hiện một cách đồng nhất mà không có ai quy định cả.
    Trong thời đức Phật có tổng cộng sáu nhóm ngoại đạo. Những vị này đều có tuổi đời rất thâm niên và tín đồ vô cùng đông đảo. Tên của các vị này là:
    - Purānakassapa
    - Makkhaligosana
    - Ajitakesakambala
    - Sanjayavelatthaputta
    - Pakuddhakaccayana
    - Niganthanātaputta
    Từ khi Đức Phật đắc đạo dưới cội Bồ đề và Ngài thuyết pháp hóa đạo, có rất nhiều người hữu duyên tìm đến với Ngài. Pháp của Ngài giảng có hệ thống, tâm lý, triết học, toàn hảo đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, chúng sinh nào có duyên chắc chắn giác ngộ ngay trong kiếp hiện tiền. Do đó nhiều đệ tử của Đức Phật xuất gia, đắc đạo mặc dù họ đã có nhiều năm tu hành theo 6 vị lãnh đạo tinh thần trên. Các vị lãnh đạo đó nhìn thấy đệ tử của mình mỗi ngày mỗi ít nên căm phẫn Đức Phật.
    Sở dĩ có chuyện Đức Phật dùng thần thông chiến thắng ngoại đạo là vì Ðại đức Pindolabhāradvāja vâng lời ngài Mogallāna đi dùng thần thông bay lên không trung để thu bát trầm của một vị trưởng giả. Ðức Phật hay biết chuyện này nên cấm chế chư Tăng không được tự tiện dùng thần thông trước đại chúng.
    Khi đức Phật cấm chế điều luật đó, nhóm lục sư ngoại đạo hay biết được và họ quyết định loan tin sẽ thi thố thần thông với Ngài.
    Đức Phật quán xét và chấp thuận lời thách đấu. Ngài báo rõ địa điểm và thời gian để so tài thần thông với nhóm Lục sư ngoại đạo. Ngày đó là Rằm tháng Sáu tại Savatthī.
    Khi ngoại đạo hay tin đức Phật đồng ý so tài thần thông với họ, nên họ rất sợ và hoang mang. Nhóm Lục sư ngoại đạo cùng nhau kéo về Savatthī và họ kêu gọi tín đồ hùn tiền để xây tháp đài để so tài thần lực với Sa môn Gotama. Nhưng Đức Phật báo là sẽ hiện thần thông dưới gốc cây xoài.
    Nhóm ngoại đạo liền cho đệ tử chặt hết những cây xoài trong thành Savatthī. Ðã đến ngày giờ so tài với ngoại đạo, đức Phật ngự vào thành nhưng chưa đến thành thì có một người giữ vườn Thượng Uyển thấy xoài chín hái dâng lên Đức Phật. Ngài chấp thuận vật thí và nói đại đức Ānanda tước vỏ xoài rồi thọ nhận, sau khi Đức Phật dùng xong, còn hạt xoài thì Ngài bảo người giữ vườn đào lỗ trồng và Ngài tưới nước rửa tay lên đó. Chẳng bao lâu hạt xoài mọc lên một cây xoài xanh tươi nhiều hoa lá và có nhiều trái thơm ngon. Sắp đến giờ so tài, nhóm lục sư ngoại đạo khủng hoảng tinh thần trước đại chúng. Liền sau đó Đức Phật hóa một con đường bằng ngọc báu, rồi Ngài đi thiền hành trên con đường đó. Tiếp theo, Ngài hóa thân, từ một thân thành nhiều thân, lúc đó đại chúng thấy nhiều Đức Phật trong tư thế khác nhau, có vị Phật ngồi, nằm hoặc hai vị thuyết pháp với nhau... Cuối cùng, Ngài hiện song thông (Yamakāpātihāriya), với năng lực này chỉ có đức Phật Chánh Đẳng Giác mới có thể thực hiện được. Thần thông này cùng một lúc hiện ra hai điều kỳ diệu: từ thân vừa phún tia nước, vừa phún tia lửa; từ thân phát hào quang xanh và đỏ... Trước uy lực của một vị Phật như vậy, bọn ngoại đạo kiếp sợ và rút lui chạy tán loạn chỉ còn lại dân chúng đang hướng về Đức Phật thành kính lễ bái. Sau đó Ngài thuyết một bài pháp đúng vào tâm lý của từng chúng sinh, nên hôm đó chư Thiên và tứ chúng đắc đạo chứng quả nhiều vô số kể.

    V - Sự kiện quan trọng cuối cùng của ngày Rằm tháng Āsālha là mốc đánh dấu mùa an cư kiết hạ mới của chư Tăng. Thường thì nếu chư Tăng nhập hạ từ ngày Rằm tháng 6 thì ngày mãn hạ sẽ là Rằm tháng 9; hoặc nhập hạ Rằm tháng 7 thì mãn hạ sẽ là Rằm tháng 10.

    Căn cứ vào những điểm lịch sử trên, chúng ta không thể nào lãng quên ngày trăng tròn tháng Āsālha (tháng sáu âm lịch) của Phật giáo.
    Ðể kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại này, chư Tăng PG Nguyên thủy Theravāda thường tổ chức lễ Rằm tháng Āsālha bằng nhiều hình thức nghi lễ khác nhau: như lễ hội đặt bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ thọ đầu đà... nhằm giúp người Phật tử có cơ hội gieo duyên lành trong chánh pháp.
    Ðặc biệt là lễ hội Ðầu đà (Dhutanga): thức một đêm không ngủ để tưởng nhớ Đức Phật - một Đấng vĩ đại, với một lý tưởng phi thường, suốt cuộc đời tận tụy hy sinh vì quyền lợi của tha nhân. Thông thường trong đêm đầu đà có nhiều phần để Phật tử tham gia học và thực hành thêm về giáo lý như: chư Tăng thuyết pháp, chiêm bái Xá-Lợi, hành thiền, vấn đáp Phật pháp, luận đạo v.v.
    Thông qua việc chia sẻ Phật Pháp trên, ta hiểu rằng nếu muốn cầu an và cầu siêu để mang lại an vui, là Phật tử, ta phải răn mình luôn sống chánh niệm tỉnh giác, hướng tâm tới Tam Bảo, thu thúc thân khẩu ý không làm điều ác, không phóng dật, dễ duôi, vô ích, gắng sống chan hòa, từ ái, lành thiện với chúng sinh hữu tình quanh ta thì đó mới chính là phép giải hạn, phép cầu an tốt nhất mà Đấng Đạo Sư dạy ta nên hành theo.
    Người nào có cơ hội tham dự một đêm đầu đà, qua những mục đó, chắc chắn sẽ được hiểu biết giáo lý căn của đức Phật và sẽ có thêm niềm tin vững chắc ở Tam Bảo.

    Nguồn: FB Vu Dinh Lam

    Tác giả: Tiểu Ngọc

    Tags:
    Bình luận

    Bài viết cùng chuyên mục

    Tổng hợp những điều cần biết về phật giáo nguyên thủy
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-06-26 08:00:00.0
    Đạo Phật Nguyên Thủy tin rằng giáo pháp của họ là những lời dạy ban đầu của Đức Phật. Họ không tập trung quá nhiều vào niềm tin đo lường và các giáo lý cực đoan, mà coi chúng như công cụ để giúp mọi người hiểu chân lý thông qua trải nghiệm cá nhân.
    Tìm hiểu về Tội Sát Sanh - Quả Báo của Tội Sát Sanh - Tỳ khưu Hộ Pháp
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-06-12 15:54:13.0
    Người nào phạm điều-giới sát-sinh như giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, người ấy đã tạo ác-nghiệp trọng-tội thuộc về loại nghiệp ānantariyakamma: ác-nghiệp vô-gián trọng-tội. Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế- tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci,
    Nghiệp Tà Dâm là thế nào - Quả báo của Tà Dâm
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-06-09 11:35:00.0
    "Tà-dâm là sự quan hệ tình dục với người khác mà không phải là vợ, là chồng của nhau. Tà-dâm là một hành vi xấu xa, bất chính, thấp hèn mà chư thiện-trí chê trách. Vì vậy, tà-dâm gọi là ác-nghiệp tà-dâm."
    Rằm Tháng 4 âm lịch Ngày Bồ Tát Thành Đạo
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-31 17:32:36.0
    Ngày Rằm tháng 4 âm lịch hay còn gọi là ngày Đại lễ tam hợp Vesak vì nó kỷ niệm 3 Sự kiện lớn - Bồ tát đản sanh - Bồ tát thành đạo - Đức Phật Niết Bàn
    Thần chú Om Mani Padme Hum có nhiều lợi lạc không thể nghĩ bàn
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-29 17:47:46.0
    Tác dụng của chú Om Mani Padme Hum còn giúp cho những người thân trong gia đình được nhiều thuận lợi trong cuộc sống, giải trừ nạn ách, hóa giải phiền não, tránh được bệnh tật tai ương, những người quá cố sớm được siêu sinh, đầu thai.
    Văn khấn đền phủ cho gia chủ khi đi đền, chùa
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-26 15:01:14.0
    Văn khấn đền phủ là một văn bản không thể thiếu cho người đi lễ chùa. Cùng tham khảo bài viết dưới để biết thêm về văn chuẩn đi lễ chùa.
    Bật mí một số ý nghĩa thả đèn hoa đăng có thể bạn chưa biết
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-24 13:00:00.0
    Thả đèn hoa đăng luôn được nhiều người lựa chọn để cầu bình an và may mắn. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa thả đèn hoa đăng.
    Nguồn gốc , ý nghĩ và ngày cử hành lễ Phật Đản 2023
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-23 11:20:38.0
    Ngày lễ Phật đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật, cùng với lễ Vu Lan và lễ Thành đạo. Trước năm 1959, các nước thường tổ chức lễ Phật đản vào ngày 8/4 âm lịch.
    Bổn Phận của người Cư Sĩ với các mối quan hệ trong Đạo Phật
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-19 09:54:43.0
    Trong kinh Sigàlovàda Sutta, Đức Phật Gotama hướng dẫn về đạo làm cha mẹ, làm con, làm vợ, làm chồng, làm trò, làm thầy, làm bạn, bổn phận đối với các bậc tu sĩ,
    Tổng hợp các vị Phật trong chùa có thể bạn chưa biết
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-12 07:00:00.0
    Bạn biết được bao nhiêu tên vị phật trong chùa? Ai là vị phật đầu tiên? Liệu có bao nhiêu vị phật và bồ tát? Cách nhận biết các vị phật trong chùa như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay.
    Chia sẻ