Tại sao khi quí Phật tử đến một tang lễ nào đó, cái quan tài để đó, người nào đến đảnh lễ một cái là gia đình tang quyến đảnh lễ lại mình? Tại sao lạy qua lạy lại hoài vậy? Sư đến dự nhiều tang lễ, thấy bên tang quyến sắp một hàng dọc, còn người đến viếng tang họ cúi xuống đảnh lễ. Sư hỏi, bên kia lạy 3 lạy bên đây lạy 3 lạy, bên kia 6 lạy bên đây 6 lạy, lạy hoài như vậy là sao vậy. Họ nói, con không biết, xưa ông bà nói, người ta tới đảnh lễ là con cứ lạy à, người ta lạy bao nhiêu con lạy bấy nhiêu chứ con sợ mắc nợ; gọi là trả lễ.
Nhưng thật sự ai mà trả lễ cái đó. Không có!
Khi sư đến một đám tang nào cũng vậy, nhìn quan tài để đó là Sư phải tìm trong túi ra một hình Đức Phật. Trong túi của Sư phải có. Sư để Đức Phật đó trên quan tài. Từ đó tất cả mọi người tới đảnh lễ. Đảnh lễ như vậy là đảnh lễ Đức Phật. Phước do đảnh lễ Đức Phật đó hồi hướng cho người quá vãng. Người quá vãng đó hưởng cái quả phước đó chớ không có đảnh lễ qua đảnh lễ lại, mà mình cũng không có hiểu rằng cái đảnh lễ qua lại đó đâu có phước báo gì trong đó.
Mình phải làm việc có ý nghĩa, có chánh tín, có đức tin trong sạch. Còn mình làm việc không có ý nghĩa là không có chánh tín, là mê tín, niềm tin không trong sạch, không có được phước báo cho người quá vãng. Chính do đó, lúc nào cũng vậy, sư tới những nơi đó là sư tổ chức liền. Sư bận ghê lắm, nhưng mỗi lần đưa sư đến một cái đám tang là sư phải hỏi, có đủ Phật chưa, không có là sư phải lo. Tất cả những dụng cụ là sư phải bỏ trong cái dèm, Sư đến và bố trí giúp cho họ.
Một nhà sư chết rồi mà quí Phật tử quỳ xuống đảnh lễ, là cái xác của vị đó mang tội. Đức Phật nói, khi chúng ta còn sống, chúng ta còn giữ tam quy, khi chúng ta chết rồi thì chúng ta đứt liền ngay khi hơi thở vừa dứt. Thế là mất tam quy. Không có giới nữa. Tam quy không có nữa. Mình đảnh lễ là đảnh lễ củi khô, một xác chết chứ không phải là một người đang sống có Tam quy và có giới. Do đó mình không đảnh lễ. Mình chỉ đảnh lễ Đức Phật. Cúi đầu đảnh lễ Đức Phật và hồi hướng cho người quá vãng, cho ông sư đó, cho thân bằng quyến thuộc, hay cho ông bà quá vãng đó được hưởng quả phước con đảnh lễ Phật. Mong rằng đảnh lễ cúng dường này hồi hướng phước báo cho người quá vãng. Làm như vậy thì việc đi đám tang mới có ý nghĩa. Chứ còn làm theo quy tắc bên đây mấy lạy bên kia mấy lạy, họ tới một đoàn ngàn người họ lạy, mình lạy trả mình xỉu luôn mà không có phước báo gì hết.
Cho nên, Đức Phật dạy: “Cúng dường bậc đáng cúng dường, đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ.” Người đó đứt tam quy, không còn tam quy nữa, không còn giới, chỉ là cái xác chết, đảnh lễ không có ý nghĩa gì cả. Ân đức của mình giữ được là khi mình còn sống. Còn khi đã chết thì phải mau mau làm việc thiện đức có phước báo mà hồi hướng, chớ không phải lạy cái xác chết đó. Do đó mình nghĩ, mình phải tập trung đảnh lễ Đức Phật ở trên cái quan tài.
Khổ nỗi hôm nay người ta không dám để Đức Phật trên quan tài. Họ để qua một bên. Họ không dám đảnh lễ. Khi sư còn sống, quí Phật tử đảnh lễ sư được. Sư chết rồi thì quí vị không đảnh lễ, tại vì sư mất tam quy. Sư đâu còn giữ tam quy, đâu còn giữ giới. 227 giới ra đi một cách mau lẹ. Khi tâm tử nó tới, tâm tục sinh đi. Đây chỉ còn là khúc củi khô. Đức Phật nói xác đã chết như khúc củi khô nằm trên mặt đất, không tìm cầu được sự lợi ích gì cả. Do đó, mình đảnh lễ ở đây là đảnh lễ Phật, đảnh lễ Pháp, đảnh lễ Tăng, và mong rằng việc đảnh lễ cung kính Tam bảo này hồi hướng phước báo cho người quá vãng đó, cho ông sư đó, được hưởng siêu thoát, được như nguyện, đi trong cảnh giới nào cũng được an vui như ý nguyện. Đó là tác ý quả phước báo, chứ mình không có đảnh lễ người đã chết.
Trong kinh nói như vậy, nhưng xưa nay chúng ta cứ làm theo cảm tính, làm theo cái gì xưa bày nay theo mà không hiểu cái nghĩa đó, tội nghiệp lắm. Còn người chết, như tuần trước sư nói, có hai điều kiện: thương, họ cũng phải lạy; oan trái, họ cũng phải lạy. Họ với cái trạng thái luẩn quẩn trong nhà, mình cúi đảnh lễ cái xác của họ, họ đau khổ lắm. Họ đâu có cái gì để mà trả lễ đâu. Hoặc bắt con cháu họ đảnh lễ, con cháu họ thương thì cúi đầu đảnh lễ một cách chân tình. Còn như con cháu của họ không thương, đảnh lễ một cách mù quáng, hoặc sân. Má chết mà bắt con lạy, họ không hoan hỉ. Thế là người phi nhân đó phải lãnh cái khổ đó. Cho nên, mình phải ngừa những trường hợp mình không làm được mà để con cháu mình phải làm những điều đó. Nó vui thì mình mang ơn nó. Mình nuôi nó mình không kể công, nhưng khi nó lạy trả ơn trả hiếu cho mình, mình phải mang ơn nó. Nhiều khi mình cũng khó xử.
Quí Phật tử đến Ấn Độ sẽ thấy, người vừa chết là họ đem đi thiêu liền. Họ nói giữ lại cái xác đâu có lợi ích gì đâu. Nhưng với người châu Á như Trung Hoa hay VN mình thì quàn lâu, 3 ngày, 5 ngày, tuần lễ để bà con thân bằng quyến thuộc đến chia buồn. Bên Ấn Độ đất Phật thì chết hôm đó ngày hôm đó thiêu liền. Khi quí Phật tử đến hỏi họ bộ ghét lắm sao mà chết thiêu liền. Họ nói họ giải quyết xong thì tới chùa, tới chư tăng cầu nguyện rồi hồi hướng.
Đó là cách nhìn khác nhau. Nhưng cách nhìn đó, mình coi cái nào thích hợp và đúng thì chúng ta nên thực hiện. Từ nay về sau, quí Phật tử đến nơi tang quyến, mình nên mang theo cái gì cần thiết để hỗ trợ cho họ, phước báo có được thì mình hồi hướng cho hương linh quá vãng.
Đây là sư trình bày theo lời dạy của Đức Phật. Sư đem kinh điển nói ra để ngừa tránh xảy ra cho những người trong gia đình không biết mà ghi nhận trường hợp đó. Chứ sư không có một tư tưởng là đúng hay sai hay công kích. Sư chắp tay đảnh lễ tất cả những ý kiến của Phật tử nhưng sư phải nói sự thật như vậy. Bây giờ sư thấy nhiều nơi để tượng Phật lên quan tài, một là để tiếp dẫn cho người quá vãng, hai là đón nhận đảnh lễ của họ, để có được phước báo. Linh tại ngã bất linh tại ngã. Tin hay không là do quí Phật tử. Sư nói theo trong kinh điển mà Đức Phật dạy bảo, quí Phật tử nếu thấy đúng thì cứ hoan hỷ làm theo.
Trích nguồn từ Sư Sán Nhiên (giảng) - Dhamma Reader