Sự tích tiền thân Bồ Tát Phổ Hiền, ngày vía, Bồ tát Phổ Hiền là ai? Kinh Hạnh Nguyện Phổ Hiền

2021-02-28 09:32:03.0
Bồ tát Phổ Hiền được xem là một trong tứ đại Bồ tát của Phật giáo. Ngài và Bồ tát Văn Thù là thị giả của Phật Thích Ca Mâu Ni. Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử đứng thị giả ở bên trái và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng đứng thị giả ở bên phải.

MỤC LỤC

    Bồ tát Phổ Hiền được xem là một trong tứ đại Bồ tát của Phật giáo. Ngài và Bồ tát Văn Thù là thị giả của Phật Thích Ca Mâu Ni. Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử đứng thị giả ở bên trái và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng đứng thị giả ở bên phải.

    1. Sự tích tiền thân Bồ Tát Phổ Hiền

    Khi Đức Phổ Hiền Bồ Tát chưa xuất gia học đạo, còn làm con thứ tư của vua vô Tránh Niệm, tên là Năng Đà Nô.

    Phổ Hiền Bồ Tát là ai


    Nhờ Phụ Vương khuyên bảo, nên Thái Tử mới phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và chúng sanh trong ba tháng.

    Lúc ấy có quan Đại thần Bảo Hải thấy vậy, khuyên rằng: “Nay Điện hạ có lòng làm đặng món công đức rất tốt như thế, xin hãy hồi hướng về Đạo Vô Thượng Bồ Đề, mà cầu đặng thành Phật, hơn là cầu sự phước báu hữu lậu nơi cõi nhơn Thiên, vì cõi ấy còn ở trong vòng sinh tử”.

    Năng Đà Nô Thái Tử nghe quan Đại thần khuyên bảo như vậy, liền thưa với Phật Bảo Tạng rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi có món công đức cúng dường Ngài và đại chúng trong ba tháng, xin hồi hướng về đạo vô thượng Chánh Giác, nguyện phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bồ tát mà giáo hóa mọi loài chúng sanh, đặng thành Phật đạo, và nguyện đặng cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm, bao nhiêu những sự tốt đẹp và sự giáo hóa chúng sanh đều y như thế giới của Đức Phổ Hiền Như Lai vậy”.

    Đức Bảo Tạng Như Lai nghe Năng Đà Nô Thái Tử phát nguyện như thế, liền thọ ký rằng: Hay thay! hay thay! Ngươi phát thệ nguyện rộng lớn, muốn độ hết thảy chúng sanh đều thành Phật Đạo. Trong khi tu Bồ tát đạo, dùng trí kim cang mà phá nát các núi phiền não của mọi loài chúng sanh, vì vậy nên ta đặt hiệu ngươi là: Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức, trãi hằng sa kiếp làm nhiều công việc Phật sự rất lớn, rồi đến thế giới Bất Huyến ở phương Đông mà thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai, chừng đó những sự tốt đẹp trang nghiêm của ngươi đã cầu nguyện thảy đều thỏa mãn”.

    Khi Đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký rồi, tự nhiên giữa hư không có nhiều vị Thiên tử ở các cõi Trời đem đủ thứ bông thơm đẹp đến mà cúng dường và đồng thinh khen ngợi.

    Năng Đà Nô Thái Tử thưa với Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu những sự ao ước của tôi ngày sau quả nhiên đặng như lời Ngài thọ ký, nay tôi kính lễ Ngài và chư Phật mà xin làm sao hằng sa thế giới có đủ món hương rất tốt rất thơm, mùi bay khắp trong các cõi, và mọi chúng sanh, hoặc ở trong địa ngục, ngạ quỷ cùng súc sanh, cho đến các người ở cõi Thiên Thượng Nhơn gian, đương mắc phải nghiệp báo gì, nếu ngửi đặng món hương thơm ấy, tức thì đều đặng rảnh khổ và lại hưởng sự an vui”.


    Năng Đà Nô Thái Tử thưa rồi, đương cúi đầu mà lễ Phật, thì trong các thế giới mười phương tự nhiên có mùi hương thơm bay khắp cả. Lúc đó mọi loài chúng sanh ngửi đặng mùi hương ấy, lòng dạ hớn hở, các bệnh phiền não thảy đều tiêu trừ. Năng Đà Nô Thái Tử nhờ Phật thọ ký như vậy, thân tâm vui mừng, bèn đảnh lễ Phật, rồi ngồi xuống nghe Ngài thuyết Pháp.

    Năng Đà Nô Thái Tử nhờ công đức đó, nên sau khi mạng chung, sanh ra các thân khác và các đời khác, kiếp nào cũng nhờ lời thệ nguyện mà chăm làm các việc Phật sự và hóa độ chúng sanh, đặng cầu cho mau viên mãn những sự của mình đã ao ước.

    Bởi Ngài có lòng tu hành tinh tấn như vậy, nên nay đã thành Phật, ở cõi Bất Huyến, và hóa thân vô số ở trong các thế giới mà giáo hóa chúng sanh.

    2. Bồ tát Phổ Hiền là ai?

    Ngài được xem là một trong tứ đại Bồ tát của Phật giáo (tứ đại Bồ tát là Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Địa Tạng và Bồ tát Phổ Hiền). Ngài và Bồ tát Văn Thù là thị giả của Phật Thích Ca Mâu Ni. Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử đứng thị giả ở bên trái và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng đứng thị giả ở bên phải.

    Nếu như Bồ tát Văn Thù đại biểu cho trí, tuệ, chứng, nắm giữ trí tuệ và chứng đức của chư Phật. Bồ tát Phổ Hiền đại biểu cho lý, định, hạnh, nắm giữ lý đức, định đức và hạnh đức của chư Phật.

    Các ngài cũng diễn giải sự hoàn bị viên mãn của lý trí, định tuệ và hạnh chứng của Như Lai. Cả hai vị bản tôn cùng với Phật Tỳ Lô Giá Na được gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh. Mật Tông xưng tụng Bồ tát Phổ Hiền là Thiện Nhiếp Kim Cương, Chân Như Kim Cương, Như Ý Kim Cương. Ngài còn được xem là đồng thể với Kim Cương Tát Đỏa.

    Khi Đức Phổ Hiền chưa xuất gia học đạo, Ngài làm con thứ tư của vua Vô Tránh Niệm, tên là Năng-đà-nô. Danh hiệu Phổ Hiền xuất hiện trước tiên trong kinh Mạn Ðà La Bồ Tát, về sau xuất hiện ở nhiều kinh khác như kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa nên trở thành phổ biến.

    Phổ Hiền Bồ Tát tượng trưng cho Lý, Ðịnh, Hành; cỡi voi trắng 6 ngà, hầu bên tay phải của đức Như Lai. Voi trắng tượng trưng cho trí tuệ vượt chướng ngại, 6 ngà tượng trưng cho sự chiến thắng sáu căn (6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

    Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm thứ 28 – Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát – ngài Phổ Hiền có nguyện với Phật về 500 năm sau có ai thọ trì Kinh Pháp Hoa, ngài sẽ cỡi voi trắng đến hộ trì, không cho ma, quỷ đến não hại.

    Ngài dạy rằng nếu chúng sinh nào nghe danh hiệu ngài; thấy và chạm đến thân ngài; hay nằm mộng thấy ngài; hoặc tưởng niệm đến ngài trong một ngày đêm hay nhiều hơn thì không còn thối chuyển. Chúng sinh nào nghe thấy thân ngài thanh tịnh thì tất được sinh trong thân thanh tịnh.

    3. Ngày Vía Đức Phổ Hiền Bồ Tát

    Tại Việt Nam, hằng năm tín đồ Phật Giáo cử hành lễ vía ngài đản sanh vào ngày 21 tháng hai âm lịch và lễ vía ngài thành đạo vào ngày 23 tháng tư âm lịch.

    4. Ý nghĩa danh hiệu

    Phổ Hiền dịch âm là Tam-mạn-đà Bạt-đà-la, hoặc Tam-mạn-đà Bạt-đà (Samntabhadra). Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng Giác Bồ-tát, Phổ Hiền là vị Bồ Tát Đẳng Giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ.

    Ngài là một trong những vị Bồ Tát quan trọng theo Phật Giáo Đại Thừa. Theo kinh Pháp Hoa, ngài là vị Bồ Tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta Bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo 500 vị Đại Bồ Tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì chánh pháp của Đức Phật Thích Ca.

    Phổ Hiền Bồ Tát được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho “Bình đẳng tính trí” tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt.

    5. 10 Hạnh Nguyện Của Bồ Tát Phổ Hiền

                                            Nhứt giả Lễ kính chư Phật.
                                            Nhị giả Xưng tán Như Lai.
                                            Tam giả Quảng tu cúng dường.
                                            Tứ giả Sám hối nghiệp chướng.
                                            Ngủ giả Tùy hỷ công đức.
                                            Lục giả Thỉnh chuyển pháp luân.
                                            Thất giả Thỉnh Phật trụ thế.
                                            Bát giả Thường tùy Phật học.
                                            Cửu giả Hằng thuận chúng sanh.
                                            Thập giả Phổ giai hồi hướng.  

    1. Nhứt giả Lễ kính chư Phật

    Thường lễ kính các đức Phật

    Các đức Như Lai là những bậc toàn giác, là những vị đã viên mãn hai phần Tự Lợi và Lợi Tha. Sự lễ kính mười phương ba đời tất cả Phật tức là bày tỏ niềm tôn kính về nhân cách, công đức và hạnh nguyện viên mãn của những bậc đã Giác Ngộ. Song, muốn đạt được năng lượng an lạc trong lễ bái, hành giả cần phải giữ 3 nghiệp (thân, miệng, ý) thanh tịnh; mỗi lễ thân và tâm hằng nhiếp sâu vào tánh pháp giới. Khi thân tâm chúng ta và đối tượng lễ đã đồng một thể vắng lặng, thì sự cảm ứng sẽ viên dung, vô ngại, không thể nghĩ bàn. Sự lễ kính này không phải đồng nghĩa với khái niệm cầu xin để được ban ơn, giáng phước mà chính là sự trở về cội nguồn tuệ giác, phát triển vô lượng hạnh nguyện, công đức vốn có nơi bản tâm. Điều này, trong luận Khởi tín, tổ Mã Minh cho đây là hai điều kiện cần thiết của lộ trình khai mở tri kiến Phật, đó là sự trỗi dậy, phát huy của bản thể chân như (nội huân chân như), sự tác động mạnh mẽ của phần tướng, dụng chân như (ngoại duyên chân như).

    2. Nhị giả Xưng tán Như Lai

    Thường xưng tụng công đức của Như Lai

    Công đức Như Lai hội tụ từ vô lượng kiếp tu Bồ tát hạnh. Xưng tụng công đức đó cũng tức là khen ngợi, bày tỏ lòng tôn kính các đức Phật. Công đức Như Lai vô lượng nên lòng tôn kính và ca ngợi của Bồ Tát cũng không cùng tận. Sự ca ngợi này còn có nghĩa học hỏi, noi gương, trở về nhận ra những công đức tiềm ẩn nơi Như Lai Tạng tâm của hành giả, để khai thị, hiển bày, làm điểm tựa và chuyển hóa những ý niệm nhiễm ô, ác dục thành thanh tịnh, trong sáng.

    3. Tam giả Quảng tu cúng dường

    Thường thờ phụng và cúng dường tất cả chư Phật
    Thờ phụng cúng dường các đức Phật là làm tăng trưởng công đức tự tâm, trong đó bao hàm cả ý nghĩa học hỏi, noi gương đức tính của bậc giác ngộ. Đây là lý tưởng tôn thờ cái đẹp, cái toàn thiện, với mục đích gieo trồng các hạnh lành để trang nghiêm nguồn sống vĩnh cữu. Như trong tất cả pháp cúng dường, Bồ Tát thường cúng dường bằng cách thực tập theo giáo pháp. Do đó, kinh Hoa Nghiêm, phẩm nhập pháp giới, Bồ Tát Phổ Hiền kêu Thiện Tài bảo: "Thiện nam tử ! Trong những cách cúng dường, pháp cúng dường là giá trị hơn hết". Bồ tát cúng dường pháp tức sống theo lời Phật dạy, phát triển các điều lành, siêng làm lợi ích chúng sanh. Đồng thời, trong lộ trình hành đạo luôn thực hành các hạnh nghiệp của Bồ Tát và mọi hành động đều chẳng bỏ mất tâm Bồ đề. Sự cúng dường pháp như thế, Bồ tát từng bước thành tựu nhân cách của Như Lai.

    4. Tứ giả Sám hối nghiệp chướng

    Thường sám hối các nghiệp từ vô thủy đế nay và tuân giữ tịnh giới

    Sám hối là ăn năn và ngừa lỗi. Nghiệp là chỉ cho sự tạo tác của ý nghĩ, lời nói và hành động. Bồ tát thường hay sám hối các nghiệp nhiễm ô nhiều đời. Và bên cạnh đó còn tuân giữ tịnh giới để phát huy định và huẹâ. Vì bản chất của giới là ngăn ngừa các ác, lậu, Bồ tát tuân giữ tịnh giới sẽ không bị các sự lỗi lầm phát sinh, ngự trị trên mảnh đất tâm. Và một khi, không còn sinh khởi các ác, dục, ái là tâm đã thanh tịnh. Hơn nữa, hành giả tu tập, sám hối các nghiệp, giữ gìn tịnh giới là để tự hoàn thiện nhân cách, cũng như tính hiệu quả trong lộ trình thực hiện hạnh nguyện độ sanh. Song, pháp sám hối của Bồ tát là luôn quán nghiệp chướng vốn không hình tướng, không có chủ thể, thần linh quyết định. Đã tự gây tạo tội, phước thì tự thọ nhận kết quả khổ đau hoặc an vui. Vì thế, nếu không tạo tác thì sẽ không có kết quả thọ báo. Đó là phương pháp quán tội tánh vốn không để đạt vô sanh.

    5. Ngủ giả Tùy hỷ công đức

    Thường tùy hỉ công đức của tất cả Phật, Bồ tát cho đến 6 loài (Trời, Người, A Tu La, Địa, Ngục, Ngạ quỉ, Súc Sanh) và 4 sanh (Noãn, Thai, Thấp, Hóa)
    Trong con đường thực hành Bồ Tát Hạnh, Bồ tát thường tùy hỉ, nghĩa là tâm thường hoan hỉ với vô lượng công đức của các đức Phật, Bồ Tát và các loài chúng sanh. Đây là hạnh nguyện dẫn tâm đến thánh thiện, bình đẳng, không còn phân biệt, vướng chấp theo 4 tướng (tôi, người, các loài và mọi cảm thọ).

    6. Lục giả Thỉnh chuyển pháp luân

    Thường lễ thỉnh tất cả Phật giảng nói giáo pháp
    Giáo pháp là kim chỉ nam cho người tu hành, là thuyền bè đưa người qua bể khổ. Vì hạnh nguyện lợi tha, Bồ tát thường thỉnh Phật giảng nói giáo pháp để chúng sanh nương theo tu hành. Do đó, trong các kinh Đại Thừa, Bồ tát Phổ Hiền thường đại diện chúng hội thưa, thỉnh Phật chuyển pháp luân.

    7. Thất giả Thỉnh Phật trụ thế 

    Thỉnh cầu Phật, Bồ tát chớ nhập Niết Bàn, mà trụ ở thế gian để nói pháp
    Niết Bàn là chỉ cho cảnh giới tịch diệt, tức tâm thức đã chuyển hóa tham, sân, si trở về vô lậu, thể nhập bản thể, đưa đến trạng thái vắng lặng hoàn toàn. Thường khi hóa duyên đã mãn, các đức Phật và Bồ tát đều nhập Niết bàn. Nhưng vì lợi ích chúng sanh, Bồ tát luôn thỉnh Phật trụ thế để nói pháp. Sự thỉnh cầu như thế, không ngoài ý nghĩa là "Thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ" mà kinh Duy Ma Cật đã khai mở cho hàng Bồ tát cầu Phật đạo.

    8. Bát giả Thường tùy Phật học

    Thường theo Phật Tỳ Lô Giá Na học giáo pháp

    Phật Tỳ Lô Giá Na là pháp thân của tất cả các đức Như Lai, là bản thể tịch diệt, trong sáng của muôn loài. Giáo pháp từ pháp thân này lưu xuất nên Bồ tát phải theo Phật để học pháp. Hơn nữa, các đức Phật và Bồ Tát đều lấy tánh giác làm nhân tu để đạt quả chứng, do đó theo đức Phật Tỳ Lô Giá Na học pháp còn có nghĩa là hành giả nội hướng, trở về sống với nguồn tuệ giác để thành tựu hạnh nguyện tam muội (chánh định).

    9. Cửu giả Hằng thuận chúng sanh  

    Ứng theo sự khác biệt của các loài chúng sanh mà làm các việc cúng dường

    Đây là con đường mở bày phương tiện độ sanh, thực hiện 4 nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) giữa lòng cuộc đời. Sự tùy thuận các loài, tức Bồ tát quán sát căn cơ các nghiệp cảm thọ của từng loại chúng sanh, từng cá nhân để giáo hóa và đưa chúng sanh tướng, chúng sanh tâm trở về thể nhập bản giác.

    10. Thập giả Phổ giai hồi hướng

    Hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh để thành tựu quả Phật

    Mục đích của Bồ Tát là phát nguyện độ sanh, đem công đức hồi hướng về quả vô thượng Bồ Đề cầu thành Phật. Và tất cả những hạnh nguyện trên đều hướng đến mục tiêu chung đó. Vì thế, đây là hạnh nguyện phổ biến, và cũng là nền tảng của tất cả hạnh nguyện.

    Như vậy 10 hạnh nguyện trên là bản thể hạnh nguyện của Bồ Tát trong lộ trình thực hiện độ sanh, thành tựu quả Phật. Hay nói cách khác, đó là hạnh nguyện nhiếp tất cả hạnh nguyện.

    Kinh Mười Nguyện Phổ Hiền - Thiền Sư Nhất Hạnh:

    Con xin đem ba nghiệp thanh tịnh

    Kính lạy tất cả hằng sa Bụt

    Trong các thế giới khắp mười phương

    Quá khứ, vị lai và hiện tại.

    Thần lực của hạnh nguyện Phổ Hiền

    Giúp con có mặt khắp mọi nơi

    Nơi đâu có Bụt là có con

    Bụt là vô lượng, con vô lượng.

    Trong hạt bụi có vô số Bụt

    Mỗi vị an trú chúng hội mình

    Đức tin của con vẫn tràn đầy

    Trong mọi hạt bụi của pháp giới.

    Con đang sử dụng biển âm thanh

    Phát ra ngôn từ rất vi diệu

    Tán dương biển công đức của Bụt

    Cho đến vô số kiếp về sau.

    Lấy những tràng hoa vi diệu nhất

    Hương thơm, âm nhạc và tàng lọng

    Sử dụng mọi thứ trang nghiêm ấy

    Con đem cúng dường các Như Lai.

    Các thức y phục và hoa hương

    Đèn đuốc, trầm hương và tọa cụ

    Mỗi thứ đều thành ra sung mãn

    Con xin cúng dường các Như Lai.

    Con đem tâm hiểu biết rộng sâu

    Tin tưởng chư Bụt trong ba đời

    Con nương sức hạnh nguyện Phổ Hiền

    Cúng dường khắp hết các Như Lai.

    Từ xưa con đã tạo nghiệp xấu

    Vì tham, sân, si từ vô thỉ

    Do thân, miệng, ý mà phát sinh

    Nay con đều sám hối tất cả.

    Con xin tùy hỷ mọi công đức

    Của các chúng sinh trong mười phương

    Các bậc hữu học và vô học

    Các bậc Như Lai và Bồ Tát.

    Những ngọn đèn sáng soi thế gian

    Hoặc mới thành tựu đạo giải thoát

    Con xin tất cả đều thương tưởng

    Chuyển bánh xe pháp để độ đời.

    Các Bụt đang thị hiện Niết Bàn

    Con cũng chí thành cầu như thế

    Xin hãy ở lại đời mãi mãi

    Để làm lợi lạc cho chúng sanh.

    Con xin tán lễ cúng dường Bụt

    Thỉnh Bụt ở lại độ chúng sanh

    Căn lành tùy hỷ và sám hối

    Xin đem hồi hướng cho đạo Bụt.

    Con xin đem hết công đức này

    Hồi hướng tất cả cho Tam Bảo

    Cả tánh và tướng trong pháp giới

    Hai Đế dung thông ấn tam muội.

    Biển công đức vô lượng như thế

    Con xin hồi hướng không giữ lại

    Nếu có chúng sanh nào dại dột

    Bằng thân, bằng ý hoặc bằng lời

    Bài báng phá hoại đạo giải thoát

    Xin cho nghiệp chướng được tiêu trừ.

    Mỗi giây, trí tuệ trùm pháp giới

    Độ khắp mọi loài lên bất thối

    Hư không, chúng sanh không cùng tận

    Phiền não, nghiệp báo không cùng tận

    Bốn thứ kể trên thật vô biên

    Hồi hướng của con cũng như thế. 

    Thích Nhất Hạnh dịch, (279, tạng Kinh Đại Chánh)

    6. Kinh Hạnh Nguyện Phổ Hiền

    Pháp sư tam tạng Bát Nhã dịch từ Phạn văn ra Hán văn

    Lúc bấy giờ Bồ-tát Phổ Hiền, sau khi khen ngợi công đức thù thắng của đức Như Lai, bèn nói với chư vị Bồ-tát và Thiện Tài rằng: Này thiện nam tử! Công đức của đức Như Lai, giả sử tất cả các đức Phật ở mười phương, trải qua số kiếp nhiều như vi trần, ở các cõi Phật nhiều không thể nói hết, diễn nói không ngừng về công đức ấy, cũng không thể nào nói hết được. Nếu muốn thành tựu được công đức ấy, cần phải tu tập mười hạnh nguyện rộng lớn. Mười hạnh nguyện ấy là gì?

    Một là kính lễ chư Phật;
    Hai là khen ngợi Như Lai;
    Ba là cúng dường rộng khắp;
    Bốn là sám hối nghiệp chướng;
    Năm là tùy hỉ công đức;
    Sáu là thỉnh Phật thuyết pháp;
    Bảy là thỉnh Phật thường trụ ở đời;
    Tám là tinh tấn tu học theo Phật;
    Chín là hằng thuận chúng sinh;
    Mười là hồi hướng đến khắp tất cả.

    Thiện Tài thưa rằng: Bạch Đại Thánh! Từ hạnh nguyện “kính lễ” cho đến hạnh nguyện “hồi hướng”, ý nghĩa thế nào?

    Bồ-tát Phổ Hiền bảo Thiện Tài rằng:

    Này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Kính lễ chư Phật” có nghĩa như thế này: Đối với chư Phật Thế Tôn nhiều như vi trần trong tất cả cõi Phật ở khắp mười phương ba đời, tận cùng hư không pháp giới, tôi nhờ vào sức hạnh nguyện Phổ Hiền, tin hiểu sâu xa, thấy chư Phật như đều đang ở trước mắt; tôi sẽ đem ba nghiệp thân miệng ý hoàn toàn thanh tịnh, thường cung kính lễ bái. Nơi chỗ ở của mỗi đức Phật đều hóa hiện vô số cõi Phật không thể nói hết, trong đó lại hóa hiện số thân tôi nhiều như vi trần; mỗi thân đó tôi đều kính lễ khắp các đức Phật nhiều như vi trần trong khắp các cõi Phật không thể nói hết. Khi nào cõi hư không hết thì hạnh kính lễ của tôi mới chấm dứt. Nhưng vì cõi hư không không bao giờ hết, nên sự kính lễ của tôi cũng không bao giờ chấm dứt. Cũng như vậy, cho đến khi nào cõi chúng sinh hết, nghiệp của chúng sinh hết, phiền não của chúng sinh hết, thì hạnh kính lễ của tôi mới chấm dứt; nhưng cõi chúng sinh, nghiệp chúng sinh và phiền não chúng sinh không bao giờ hết, cho nên hạnh kính lễ của tôi cũng không bao giờ chấm dứt. Niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

    Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Khen ngợi Như Lai” có nghĩa như thế này: Trong mỗi một vi trần ở tất cả quốc độ trong khắp mười phương ba đời, tận cùng hư không pháp giới, đều có vô số chư Phật nhiều như vi trần trong tất cả thế gian, nơi chỗ ở của mỗi đức Phật đều có vô số Bồ-tát tụ hội vây quanh, tôi sẽ đem hết những kiến giải sâu xa hiện có, trước mỗi vị tôi đều dùng cái lưỡi vi diệu hơn cả thiên nữ Biện Tài, mỗi cái lưỡi đều phát ra biển âm thanh vô tận, mỗi âm thanh lại phát ra tất cả biển ngôn từ, để xưng dương tán thán tất cả biển công đức của Như Lai, trùm khắp tận cùng pháp giới, nối tiếp mãi cho đến tận cùng đời vị lai, không bao giờ gián đoạn. Cứ như thế, cho đến khi nào cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, thì hạnh khen ngợi của tôi mới chấm dứt. Nhưng vì cõi hư không, cõi chúng sinh, nghiệp chúng sinh, và phiền não chúng sinh không bao giờ hết, cho nên hạnh khen ngợi của tôi cũng không bao giờ chấm dứt. Niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

    Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Cúng dường rộng khắp” có nghĩa như thế này: Trong tất cả các cõi Phật ở khắp mười phương ba đời, cùng tận hư không pháp giới, có bao nhiêu số vi trần cực nhỏ, trong mỗi vi trần đó lại có chư Phật nhiều như số vi trần trong tất cả thế giới, nơi chỗ ở của mỗi đức Phật đều có vô số Bồ-tát tụ hội vây quanh, tôi nhờ vào sức hạnh nguyện Phổ Hiền, phát khởi lòng tin hiểu sâu xa, thấy chư Phật như hiện đang trước mặt, đem hết những phẩm vật cúng dường thượng diệu để cúng dường chư Phật. Các phẩm vật như mây hoa, mây tràng hoa, mây âm nhạc cõi trời, mây tàn lọng cõi trời, mây y phục cõi trời, các đám mây trên đây đều lớn như núi Tu-di; lại có nhiều loại hương thơm cõi trời như hương xoa, hương đốt, hương bột; lại thắp nhiều thứ đèn như đèn mỡ, đèn dầu, các thứ đèn dầu thơm, mỗi tim đèn đều lớn như núi Tu-di, dầu trong mỗi cây đèn đều nhiều như nước trong biển lớn; tôi thường đem các phẩm vật như trên để cúng dường. Này thiện nam tử! Trong các thứ cúng dường thì “cúng dường pháp” là hơn hết; như: nói việc tu hành là cúng dường, làm lợi ích cho chúng sinh là cúng dường, nhiếp thọ chúng sinh là cúng dường, chịu đau khổ thay cho chúng sinh là cúng dường, siêng tu dưỡng căn lành là cúng dường, không bỏ sự nghiệp Bồ-tát là cúng dường, không xa rời tâm bồ đề là cúng dường. Này thiện nam tử! Nếu đem vô lượng công đức của sự cúng dường trên kia mà so sánh với chỉ một niệm công đức của sự cúng dường pháp này thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, một phần trăm ngàn câu-chi na-do-tha, một phần ca-la, một phần toán, một phần số, một phần dụ, cũng không bằng một phần ưu-ba-ni-sa-đà. Vì sao thế? Vì các đức Như Lai rất tôn trọng chánh pháp. Nếu y theo giáo pháp mà tu hành thì sẽ sinh ra các đức Phật. Nếu chư Bồ-tát thực hành các cách cúng dường pháp thì sẽ thành tựu được công đức cúng dường Như Lai. Tu hành như thế mới thật là cúng dường chân chính, và đó cũng là thứ cúng dường rộng lớn và thù thắng hơn hết. Khi nào cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, thì hạnh cúng dường của tôi mới chấm dứt; nhưng cõi hư không, cõi chúng sinh, nghiệp chúng sinh, và phiền não chúng sinh không bao giờ hết, cho nên hạnh cúng dường của tôi cũng không bao giờ chấm dứt. Niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

    Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Sám hối nghiệp chướng” có nghĩa như thế này: Bồ-tát tự nghĩ: Tôi từ vô thỉ kiếp trong quá khứ, do tham sân si nên thân miệng ý đã tạo ra vô lượng vô biên nghiệp ác. Nếu những nghiệp ác này mà có hình tướng thì khắp cõi hư không cũng không thể chứa hết được. Hôm nay, đối trước tất cả chư Phật và chúng Bồ-tát ở các cõi nước nhiều như vi trần trong khắp pháp giới, tôi xin đem ba nghiệp thanh tịnh thành tâm sám hối, sau này thề không tái phạm, mà luôn luôn an trụ trong công đức của giới pháp thanh tịnh. Sám hối như thế, khi nào cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, thì hạnh sám hối của tôi mới chấm dứt; nhưng cõi hư không, cõi chúng sinh, nghiệp chúng sinh, và phiền não chúng sinh không bao giờ hết, cho nên hạnh sám hối của tôi cũng không bao giờ chấm dứt. Niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

    Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Tùy hỉ công đức” có nghĩa như thế này: Chư Phật Như Lai nhiều như vi trần trong tất cả các cõi Phật ở khắp mười phương ba đời, tận cùng hư không pháp giới, từ khi mới phát tâm, vì muốn thành tựu nhất thiết trí mà các Ngài chuyên cần tu phước, chẳng tiếc thân mạng; trải qua số kiếp như vi trần ở các cõi Phật nhiều không thể nói hết, trong mỗi kiếp ấy các Ngài đều thí xả đầu mắt tay chân như số vi trần ở các cõi Phật nhiều không thể nói hết. Cứ như thế các Ngài chịu cực khổ để làm tất cả những việc khó làm, viên mãn mọi pháp môn giải thoát, chứng nhập các trí địa của Bồ-tát, thành tựu đạo quả Bồ-đề Vô-thượng, cho đến khi nhập niết bàn và phân chia xá lợi. Tất cả căn lành ấy của chư Phật, tôi đều xin tùy hỉ. Chẳng những thế, đối với tất cả chúng sinh trong bốn loài, sáu nẻo ở khắp cả mười phương thế giới, nếu họ có công đức, dù chỉ nhỏ như hạt bụi, tôi cũng đều tùy hỉ. Tất cả các bậc hữu học và vô học trong hàng Thanh-văn, Phật Bích-chi, có bao nhiêu công đức tôi đều xin tùy hỉ. Tất cả chư vị Bồ-tát tu hành siêng năng khó nhọc, từng làm vô lượng việc khó làm, quyết chí cầu đạo Bồ-đề Vô-thượng, tích tụ công đức rộng lớn, tôi đều xin tùy hỉ. Cứ tùy hỉ như thế đó, dù cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, nhưng hạnh tùy hỉ của tôi vẫn không chấm dứt; niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

    Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Thỉnh Phật thuyết pháp” có nghĩa như thế này: Trong số vi trần ở tất cả các cõi Phật khắp mười phương ba đời, tận cùng hư không pháp giới, mỗi vi trần đều có các cõi Phật rộng lớn nhiều không thể nói hết, trong mỗi cõi Phật đó, mỗi niệm mỗi niệm đều có chư Phật thành Đẳng-chánh-giác nhiều như số vi trần ở các cõi Phật không thể nói hết, với chúng Bồ-tát đông như biển nhóm họp vây quanh; đối trước chư Phật nhiều như thế, tôi xin đem ba nghiệp thân miệng ý, dùng mọi phương tiện, ân cần thỉnh cầu chư Phật tuyên thuyết chánh pháp nhiệm mầu. Cứ thỉnh cầu như thế đó, dù cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, nhưng hạnh thỉnh cầu tất cả chư Phật thuyết pháp của tôi không bao giờ chấm dứt; niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

    Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Thỉnh Phật thường trụ ở đời” có nghĩa như thế này: Có bao nhiêu chư Phật Như Lai nhiều như số vi trần trong tất cả cõi Phật ở mười phương ba đời, tận cùng hư không pháp giới, sắp thị hiện nhập niết bàn, và các bậc hữu học, vô học trong hàng Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, cho đến tất cả các bậc thiện tri thức, tôi đều thỉnh cầu đừng nhập niết bàn, xin hãy trụ thế trải qua số kiếp nhiều như vi trần tại tất cả các cõi Phật, để làm lợi lạc cho chúng sinh. Tôi cứ thỉnh cầu như thế, dù cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, nhưng hạnh thỉnh Phật thường trụ ở đời của tôi không bao giờ chấm dứt; niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

    Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Tinh tấn tu học theo Phật” có nghĩa như thế này: Như đức Phật Tì Lô Giá Na ở thế giới Ta-bà này, từ khi mới phát tâm đã tinh tấn không lùi, từng đem vô số thân mạng thực hành hạnh bố thí; từng lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, chích máu làm mực, để biên chép kinh điển, chất cao như núi Tu-di. Vì tôn trọng chánh pháp mà thân mạng cũng còn không tiếc, huống chi là ngôi vua, cùng những thứ tùy thuộc khác như cung điện, vườn rừng, hay thành ấp, xóm làng! Đã thế, Ngài còn chịu đựng khó nhọc để làm những việc khó làm, cho đến thành đạo ở cội cây bồ đề, thị hiện nhiều thứ thần thông, nhiều sự biến hóa, nhiều thân Phật, ở nhiều chúng hội như ở đạo tràng của chúng hội gồm tất cả chư vị Bồ-tát lớn, hoặc ở đạo tràng của chúng hội gồm hàng Thanh-văn và Duyên-giác, hoặc ở đạo tràng của chúng hội gồm Chuyển luân thánh vương, các tiểu vương và quyến thuộc, hoặc ở đạo tràng của chúng hội gồm sát đế lợi, bà la môn, trưởng giả và cư sĩ, cho đến ở đạo tràng của chúng hội gồm tám bộ chúng, người và chẳng phải người, vân vân. Ở nơi nhiều chúng hội như thế, đức Phật dùng âm thanh viên mãn như sấm vang, tùy theo chúng sinh vui thích pháp gì, Ngài đều làm cho họ đều được thành thục, cho đến khi Ngài thị hiện nhập niết bàn. Ở tất cả những đạo tràng như thế, tôi đều xin theo Phật tu học. Trước đức Thế Tôn Tì Lô Giá Na hôm nay như vậy, mà trước tất cả các đức Như Lai nhiều như số vi trần trong tất cả các cõi Phật ở khắp mười phương ba đời, tận cùng hư không pháp giới cũng đều như vậy, trong mỗi niệm tôi đều xin theo chư Phật tu học; dù cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, nhưng hạnh tinh tấn tu học theo Phật của tôi không bao giờ chấm dứt, niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

    Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Hằng thuận chúng sinh” có nghĩa như thế này: Trong tất cả các cõi ở khắp mười phương, tận cùng hư không pháp giới, có các loài chúng sinh sai khác nhau như noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, và hóa sinh; hoặc có các loài nương nơi đất nước gió lửa mà sinh sống, hoặc có các loài nương nơi hư không và cây cỏ mà sinh sống; rất nhiều chủng loại, rất nhiều sắc thân, rất nhiều hình trạng, rất nhiều tướng mạo, rất nhiều thọ lượng, rất nhiều tộc loại, rất nhiều danh hiệu, rất nhiều tâm tính, rất nhiều tri kiến, rất nhiều ham thích, rất nhiều tư tưởng, rất nhiều oai nghi, rất nhiều thứ y phục, rất nhiều thức ăn uống; cư trú ở rất nhiều xóm làng, thành ấp, cung điện, cho đến tám bộ chúng, người và chẳng phải người; hoặc không có chân, hoặc có hai chân, bốn chân, nhiều chân; có hình sắc hay không có hình sắc, có tư tưởng hay không có tư tưởng, chẳng phải có tư tưởng hay chẳng phải không có tư tưởng; đối với tất cả các loài khác nhau như thế tôi đều uyển chuyển tùy thuận để phụng sự và cung dưỡng, như kính cha mẹ, như thờ sư trưởng, cho đến các bậc A-la-hán hay các đức Như Lai, không có gì khác biệt. Đối với người bệnh tôi sẽ là lương y, người bị lạc lối tôi sẽ chỉ cho con đường ngay chính, ở trong đêm tối tôi sẽ là ánh sáng, người nghèo khổ tôi sẽ giúp cho được của báu. Bồ-tát làm lợi ích cho chúng sinh một cách bình đẳng như thế đó. Vì sao? Vì Bồ-tát nếu tùy thuận chúng sinh thì tức là tùy thuận cúng dường chư Phật, nếu tôn trọng và phụng sự chúng sinh thì tức là tôn trọng và phụng sự chư Phật, nếu làm cho chúng sinh hoan hỉ tức là làm cho chư Phật hoan hỉ. Vì sao? Vì chư Phật lấy tâm đại bi làm thể tánh, bởi có chúng sinh mà phát khởi tâm đại bi, bởi có tâm đại bi mà phát sinh tâm bồ đề, bởi có tâm bồ đề mà thành bậc Đẳng-chánh-giác. Ví như giữa vùng sa mạc mênh mông có một cây đại thọ, nếu rễ hút được nước thì cành lá hoa trái sẽ tươi tốt sum sê. Cây bồ đề ở trong biển sinh tử mênh mông cũng giống như vậy. Tất cả chúng sinh là rễ của cây; chư Phật và chư Bồ-tát là hoa trái của cây. Lấy nước đại bi làm lợi ích cho chúng sinh thì sẽ thành tựu được hoa trái trí tuệ của chư Phật và Bồ-tát. Vì sao? Vì Bồ-tát dùng nước đại bi làm lợi ích cho chúng sinh thì sẽ thành tựu quả vị Bồ-đề Vô-thượng. Bởi vậy, Bồ-đề là thuộc về chúng sinh. Nếu không có chúng sinh thì tất cả Bồ-tát đều không thể thành tựu quả vị Bồ-đề Vô-thượng. Này thiện nam tử! Về ý nghĩa của hạnh “Hằng thuận chúng sinh” này, ông nên hiểu như vầy: Đem tâm bình đẳng đối với chúng sinh thì thành tựu được tâm đại bi một cách viên mãn; đem tâm đại bi tùy thuận chúng sinh thì thành tựu được công đức cúng dường chư Phật. Cứ như thế đó mà Bồ-tát tùy thuận chúng sinh, dù cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, nhưng hạnh tùy thuận của tôi không bao giờ chấm dứt, niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

    Lại nữa, này thiện nam tử! Hạnh nguyện “Hồi hướng đến khắp tất cả” có nghĩa như thế này: Từ hạnh nguyện đầu tiên là “kính lễ chư Phật”, cho đến hạnh nguyện thứ chín là “tùy thuận chúng sinh”, có được bao nhiêu công đức, thảy đều đem hồi hướng cho tất cả chúng sinh trong khắp cõi hư không pháp giới. Xin nguyện cho chúng sinh thường được an vui, không bị các bệnh khổ; muốn làm việc ác thì không thành, làm việc thiện thì thành tựu nhanh chóng; đóng chặt tất cả các cánh cửa đi vào nẻo ác, mở bày con đường chân chính dẫn đến trời, người và niết bàn. Nếu các chúng sinh vì chứa nhiều nghiệp ác nên phải chiêu cảm quả báo đau khổ nặng nề, tôi đều xin chịu thay, khiến cho họ đều được giải thoát, cho đến lúc cuối cùng thành tựu đạo quả Bồ-đề Vô-thượng. Cứ như thế Bồ-tát tu hạnh hồi hướng, dù cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, nhưng hạnh hồi hướng của tôi không bao giờ chấm dứt, niệm niệm nối nhau không gián đoạn, ba nghiệp thân miệng ý không nhàm chán mệt mỏi.

    Này thiện nam tử! Đó là mười hạnh nguyện lớn, đầy đủ, trọn vẹn của các vị Bồ-tát lớn. Nếu các vị Bồ-tát khéo tu tập theo mười hạnh nguyện ấy thì có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, mà cũng là thuận theo đạo quả Bồ-đề Vô-thượng, thành tựu viên mãn các hạnh nguyện rộng lớn như biển của Bồ-tát Phổ Hiền.

    Vì vậy cho nên, này thiện nam tử! Ông nên hiểu rõ ý nghĩa của việc tu tập mười hạnh nguyện ấy như thế này: Nếu có người thiện nam hay thiện nữ nào dùng bảy thứ trân bảo kì diệu nhất, và các thứ vui sướng thù thắng nhất của các cõi trời và người trong tất cả thế giới nhiều như vi trần ở vô lượng vô biên cõi Phật khắp mười phương, đem bố thí cho chúng sinh cũng ở ngần ấy thế giới, cúng dường lên chư Phật và Bồ-tát cũng ở ngần ấy thế giới, trải qua số kiếp nhiều như vi trần ở ngần ấy cõi Phật, cứ liên tục bố thí cúng dường như thế, không gián đoạn, được bao nhiêu công đức; nếu đem so sánh với công đức của một người chỉ được nghe qua một lần mười hạnh nguyện rộng lớn này, thì công đức của người thiện nam hay thiện nữ ở trước không bằng một phần trăm, một phần ngàn công đức của người sau, cho đến một phần ưu-ba-ni-sa-đà cũng không bằng. Lại nếu có một người đem lòng tin sâu xa mà thọ trì đọc tụng mười hạnh nguyện rộng lớn ấy, thậm chí chỉ biên chép một bài kệ bốn câu, tức khắc có thể diệt trừ năm nghiệp vô gián; bao nhiêu khổ não cũng như bệnh hoạn thuộc về thân, tâm trong thế gian, cho đến tất cả nghiệp ác nhiều như số vi trần ở cõi Phật, đều được tiêu trừ; tất cả các loài ma quân, quỉ dạ-xoa, quỉ la-sát, hoặc các loài quỉ thần hung dữ chuyên ăn thịt uống máu như cưu-bàn-trà, tì-xá-xà, bộ-đa, vân vân, thảy đều phải tránh xa, hoặc nếu gần gũi thì phát tâm bảo hộ.

    Vì vậy cho nên, người đọc tụng mười hạnh nguyện này, nếu đem thực hành trong thế gian, sẽ không bị chướng ngại, như mặt trăng ra khỏi đám mây mù, được chư Phật và Bồ-tát khen ngợi, tất cả trời người đều nên kính lễ, tất cả chúng sinh đều nên cúng dường. Người thiện nam ấy sẽ có được thân người với đầy đủ công đức của Bồ-tát Phổ Hiền, và chẳng bao lâu sẽ đồng như Bồ-tát Phổ Hiền, nhanh chóng thành tựu sắc thân vi diệu, đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu. Nếu người ấy sinh trong cõi Người hoặc cõi Trời, sẽ ở vào dòng tộc cao quí nhất, có thể phá trừ tất cả việc ác, xa lánh tất cả bạn ác, chế ngự tất cả ngoại đạo, giải thoát tất cả phiền não, như sư tử chúa xua đuổi muôn thú. Người ấy sẽ thọ nhận tất cả sự cúng dường của chúng sinh. Lại nữa, người này đến phút lâm chung, trong sát na cuối cùng, tất cả các căn đều hư rã, tất cả quyến thuộc đều xa lìa, tất cả uy thế đều tiêu mất, tất cả đại thần, quan tướng, cung điện, thành quách trong ngoài, xe cộ voi ngựa, kho tàng châu báu, vân vân đều không đem theo; chỉ có mười hạnh nguyện rộng lớn này là chẳng xa rời, luôn luôn ở trước dẫn đường, trong khoảnh khắc người ấy liền được vãng sinh về thế giới Cực-lạc. Đến đó rồi, liền được thấy đức Phật A Di Đà, đức Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi, đức Bồ-tát Phổ Hiền, đức Bồ-tát Quán Tự Tại, đức Bồ-tát Di Lặc, vân vân. Các vị Bồ-tát này sắc tướng đoan nghiêm, công đức đầy đủ, cùng đứng vây quanh. Người ấy tự thấy mình sinh trong hoa sen, được Phật thọ kí. Sau khi đã được Phật thọ kí, trải qua trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp, ở khắp vô số thế giới trong mười phương, người ấy dùng sức trí tuệ, thuận theo tâm chúng sinh mà làm lợi ích cho tất cả, rồi chẳng bao lâu, sẽ ngồi nơi đạo tràng bồ đề, hàng phục ma quân, thành bậc Đẳng-chánh-giác, chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu, khiến cho chúng sinh trong số thế giới nhiều như vi trần thuộc cõi Phật ấy, đều phát tâm bồ đề, tùy theo căn tánh của họ mà giáo hóa thuần thục; cho đến vô số kiếp ở đời vị lai, đức Phật ấy cũng đều làm lợi ích rộng lớn cho tất cả chúng sinh như vậy.

    Này thiện nam tử! Các chúng sinh kia hoặc được nghe, hoặc tin chắc vào mười hạnh nguyện rộng lớn này mà thọ trì đọc tụng, và giảng nói rộng rãi cho mọi người được nghe biết, thì công đức ấy, ngoài đức Phật Thế Tôn ra, không ai có thể biết hết được.

    Vì vậy cho nên, khi quí vị nghe được mười hạnh nguyện rộng lớn này rồi thì không nên sinh lòng ngờ vực, mà hãy chí thành thọ nhận, thọ nhận rồi thì nên đọc, đọc rồi thì nên thuộc, thuộc rồi thì nên thường xuyên hành trì, cho đến biên chép, giảng nói. Những người làm được như vậy thì chỉ trong một niệm, các hạnh nguyện đều thành tựu, được phước đức vô lượng vô biên, có thể cứu vớt chúng sinh ra khỏi biển khổ lớn đầy phiền não, và đều được vãng sinh về thế giới Cực-lạc của đức Phật A Di Đà.

    Lúc bấy giờ, đức Bồ-tát lớn Phổ Hiền muốn tuyên thuyết lại ý nghĩa của mười hạnh nguyện rông lớn này, bèn quan sát khắp mười phương, rồi nói kệ rằng:

    Đối trước chư Phật cả ba đời,

    Trong các thế giới khắp mười phương,

    Tôi đem thân miệng ý thanh tịnh,

    Kính lễ cùng khắp không bỏ sót;

    Nhờ sức oai thần hạnh Phổ Hiền,

    Hiện thân khắp trước các Như Lai,

    Một thân lại hiện vô số thân,

    Mỗi thân kính lễ vô số Phật.

    Vô số Phật trong một vi trần,

    Đều ngự giữa chúng hội Bồ-tát;

    Cùng khắp pháp giới cũng như vậy,

    Lòng tin chư Phật đều đầy đủ,

    Tôi dùng tất cả biển âm thanh,

    Nói lời hay đẹp dâng cùng khắp,

    Khen ngợi Phật công đức sâu dày,

    Mãi đến đời vị lai vô tận.

    Tôi dùng các thứ trang nghiêm nhất:

    Như các loại tràng hoa mĩ diệu,

    Âm nhạc, tàn lọng cùng đèn đuốc,

    Y phục tốt đẹp, hương thơm nhất,

    Hương xoa, hương bột và hương xông,

    Tất cả vật phẩm đều trân quí,

    Đều chất cao như núi Tu-di,

    Thảy đều dâng cúng dường chư Phật.

    Do nơi trí hiểu biết rộng lớn,

    Tin sâu sắc chư Phật ba đời,

    Và nhờ sức hạnh nguyện Phổ Hiền,

    Tôi cúng dường cùng khắp chư Phật.

    Đã lâu tôi tạo nhiều nghiệp ác,

    Đều từ thân miệng ý phát sinh,

    Do tham sân si từ vô thỉ,

    Hôm nay tôi đều xin sám hối.

    Tất cả công đức của chúng sinh,

    Hữu học, vô học thuộc hai thừa[37],

    Và chư Phật, Bồ-tát mười phương,

    Bao nhiêu tôi đều xin tùy hỉ.

    Các bậc Đạo Sư khắp mười phương,

    Ngay từ lúc mới thành Chánh-giác,

    Tôi đều đem lòng thành kính thỉnh,

    Xin chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu.

    Chư Phật muốn thị hiện niết bàn,

    Tôi đều đem lòng thành kính thỉnh,

    Xin trụ thế mãi vô số kiếp,

    Hóa độ cho tất cả chúng sinh.

    Phước đức, thiện căn do ngợi khen,

    Kính lễ, cúng dường, và tùy hỉ,

    Sám hối, thỉnh trụ thế, thuyết pháp,

    Hồi hướng chúng sinh cùng Phật đạo.

    Tôi theo chư Phật xin tu học,

    Thực hành trọn vẹn hạnh Phổ Hiền,

    Cúng dường chư Phật đời quá khứ,

    Chư Phật hiện tại khắp mười phương,

    Cùng khắp chư Phật đời vị lai,

    Tất cả chí nguyện đều viên mãn.

    Tôi nguyện theo Phật cả ba đời,

    Mau chóng thành tựu quả Chánh-giác.

    Tất cả thế giới khắp mười phương,

    Rộng lớn, thanh tịnh và trang nghiêm,

    Chư Phật ngồi nơi cội bồ đề,

    Chúng hội đều vây quanh đông đủ.

    Xin cho chúng sinh khắp mười phương,

    Tiêu trừ lo khổ, thường an vui,

    Được nhiều lợi lạc nhờ chánh pháp,

    Dứt sạch phiền não không còn thừa.

    Khi tôi tu tập đạo bồ đề,

    Biết được kiếp trước trong các nẻo,

    thường được xuất gia tu tịnh giới,

    Không dơ, không lỗi, không rơi lọt[38].

    Chúng sinh có bao nhiêu ngôn ngữ:

    Trời, rồng, dạ-xoa, cưu-bàn-trà,

    Cho đến người và chẳng phải người,

    Tùy từng ngôn ngữ tôi nói pháp.

    Siêng tu hạnh thanh tịnh rốt ráo,

    Gìn giữ không mất tâm bồ đề,

    Diệt trừ sạch cấu uế, tội chướng,

    Thành tựu tất cả mọi hạnh lành.

    Ngay trong thế gian được giải thoát

    Phiền não, nghiệp chướng và cảnh ma,

    Giống như hoa sen không dính nước,

    Trời, trăng không đứng ở hư không.

    Diệt trừ khổ đau nơi đường dữ,

    Cho vui bình đẳng khắp chúng sinh,

    Như thế trải qua vô số kiếp,

    Lợi ích mười phương không tận cùng.

    Tôi thường tùy thuận các chúng sinh,

    Cùng tận vị lai vô số kiếp,

    Tu tập hạnh Phổ Hiền rộng lớn,

    Viên mãn quả Vô-thượng Bồ-đề.

    Nguyện cầu tất cả bạn đồng tu,

    Ở khắp mọi nơi đều tụ hội,

    Nghiệp thân miệng ý đều như nhau,

    Tất cả hạnh nguyện cùng tu học.

    Các thiện tri thức từng giúp tôi,

    Dạy bảo cho tôi hạnh Phổ Hiền,

    Xin cùng tôi thường xuyên tụ hội,

    Đối với tôi tâm luôn hoan hỉ.

    Xin thường được diện kiến chư Phật,

    Cùng bao Phật tử vây quanh Phật,

    Tôi đều xin cúng dường mọi thứ,

    Tận cùng vị lai không mệt mỏi.

    Nguyện giữ gìn Phật pháp nhiệm mầu,

    Tuyên dương tất cả hạnh giác ngộ,

    Tu tập suốt các kiếp vị lai,

    Rốt ráo hạnh Phổ Hiền thanh tịnh.

    Tôi ở trong tất cả các cõi,

    Phước, trí cùng tu không ngừng nghỉ,

    Định, tuệ, phương tiện và giải thoát,

    Được kho tàng công đức vô biên.

    Một vi trần có vô số cõi,

    Trong mỗi cõi có vô số Phật,

    Mỗi đức Phật ở giữa chúng hội,

    Thường hằng diễn giảng hạnh bồ đề.

    Các quốc độ cùng khắp mười phương,

    Mỗi đầu sợi lông đủ ba đời,

    Phật cùng quốc độ nhiều vố số,

    Trải vô số kiếp tôi tu hành.

    Lời nói chư Phật đều thanh tịnh,

    Một lời gồm đủ mọi âm thanh,

    Tùy theo tiếng nói của chúng sinh,

    Đều nghe hiểu pháp âm của Phật.

    Tất cả chư Phật trong ba đời,

    Đều dùng biển ngữ ngôn vô tận,

    Hằng chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu,

    Nhờ trí tuệ tôi đều hiểu rõ.

    Tôi vào sâu suốt đời vị lai,

    Vô số kiếp thu vào một niệm,

    Có bao nhiêu kiếp trong ba đời,

    Trong khoảng một niệm tôi vào khắp.

    Tất cả chư Phật trong ba đời,

    Trong một niệm tôi liền thấy rõ,

    Lại thường vào trong cảnh giới Phật,

    Như huyễn, giải thoát, và uy lực.

    Vô số sợi lông trong mười phương,

    Nơi một đầu sợi lông nhỏ ấy,

    Xuất hiện nước Phật cả ba đời,

    Tôi đều vào chuyên tu nghiêm tịnh.

    Có bao nhiêu Phật đời vị lai,

    Thành đạo, thuyết pháp, độ chúng sinh,

    Phật sự viên mãn, nhập niết bàn,

    Tôi đều thân cận siêng tu học.

    Sức thần thông biến khắp mau chóng,

    Sức đại thừa vào khắp pháp môn,

    Sức công đức khắp tu trí, hạnh,

    Sức đại từ oai thần che khắp,

    Sức phước báo nghiêm tịnh khắp nơi,

    Sức trí tuệ không còn chấp trước,

    Sức định, tuệ, phương tiện, oai thần,

    Sức hay tích tụ giống bồ đề,

    Sức làm thanh tịnh các nghiệp lành,

    Sức phá trừ tất cả phiền não,

    Sức hàng phục tất cả chướng ma,

    Sức viên mãn các hạnh Phổ Hiền.

    Làm nghiêm tịnh khắp các quốc độ,

    Giải thoát cho tất cả chúng sinh,

    Thấu suốt nghĩa sâu xa giáo pháp,

    Vào tận cùng biển sâu trí tuệ,

    Tu mọi công hạnh đều thanh tịnh,

    Tất cả chí nguyện đều viên mãn,

    Thân cận cúng dường khắp chư Phật,

    Vô số kiếp tu hành không mỏi.

    Tất cả chư Phật trong ba đời,

    Từng tu các hạnh nguyện tối thượng,

    Tôi đều cúng dường, tu viên mãn

    Theo hạnh Phổ Hiền đến Giác-ngộ.

    Tất cả chư Phật có trưởng tử[40],

    Danh hiệu ngài xưng gọi Phổ Hiền,

    Nay tôi hồi hướng các căn lành,

    Nguyện trí, hạnh như ngài không khác.

    Nguyện thân ngữ ý luôn thanh tịnh,

    Các hạnh, quốc độ, cũng như vậy,

    Trí tuệ như thế xưng Phổ Hiền,

    Tôi nguyện giống như ngài không khác.

    Tôi tu hạnh Phổ Hiền thanh tịnh,

    Cùng nguyện lớn của đức Văn Thù,

    Sự nghiệp ấy trọn thành không sót,

    Hết kiếp vị lai không mệt mỏi.

    Tôi tu hành pháp môn vô lượng,

    Có được công đức nhiều vô lượng,

    An trú trong hành nghiệp[41] vô lượng,

    Thấu suốt tất cả sức thần thông.

    Trí tuệ đức Văn Thù dũng mãnh,

    Tuệ, hạnh đức Phổ Hiền cũng vậy,

    Tôi nay hồi hướng các căn lành,

    Nguyện luôn theo các ngài tu học.

    Chư Phật ba đời đều khen ngợi,

    Đó là nguyện lớn không gì hơn,

    Tôi nay hồi hướng các căn lành,

    Nguyện được hạnh Phổ Hiền thù thắng.

    Tôi nguyện khi đến phút lâm chung,

    Trừ sạch tất cả các chướng ngại,

    Trước mắt thấy Phật A Di Đà,

    Liền được vãng sinh cõi Cực-lạc.

    Khi đã vãng sinh về cõi ấy,

    Tôi liền thành tựu nguyện lớn này,

    Hoàn toàn đầy đủ, không thiếu sót,

    Làm lợi lạc tất cả chúng sinh.

    Chúng hội Cực-lạc đều thanh tịnh,

    Tôi từ hoa sen báu sinh ra,

    Liền thấy đức Phật Vô Lượng Quang[42],

    Thọ kí cho tôi quả Bồ-đề.

    Mong nhờ ơn Phật thọ kí rồi,

    Tôi hóa thân nhiều vô số kể,

    Trí tuệ rộng lớn khắp mười phương,

    Lợi ích chúng sinh khắp các cõi.

    Cõi hư không và cõi chúng sinh,

    Nghiệp và phiền não có thể hết,

    Nhưng bốn thứ ấy không cùng tận,

    Hạnh nguyện của tôi cũng vô tận.

    Có người đem châu báu trang nghiêm,

    Cúng dường Phật ở khắp mười phương,

    Phẩm vật thắng diệu thí trời người,

    Như thế trải qua vô số kiếp;

    Có người được nghe nguyện vương này,

    Một lần qua tai, sinh chánh tín,

    Lòng khao khát cầu quả Bồ-đề,

    Được công đức trội hơn người trước.

    Người đó rời xa ác tri thức,

    Thoát khỏi tất cả các đường dữ,

    Mau chóng thấy Phật Vô Lượng Quang,

    Đầy đủ nguyện Phổ Hiền tối thắng.

    Người đó được thọ mạng lâu dài,

    Sinh vào loài người được tự tại,

    Thời gian không lâu sẽ thành tựu

    Hạnh nguyện rộng lớn như Phổ Hiền.

    Từ vô thỉ do không trí tuệ,

    Từng tạo năm tội nặng Vô-gián,

    Trì tụng nguyện lớn Phổ Hiền này,

    Một niệm tội nghiệp đều tiêu diệt;

    Giống nòi dòng họ cùng dung mạo,

    Hình tướng, trí tuệ, đều viên mãn,

    Ác ma, ngoại đạo không phá hoại,

    Nhận sự cúng dường trong ba cõi;

    Liền đến ngồi cội cây bồ đề,

    Hàng phục hết tất cả chúng ma,

    Thành bậc Chánh-giác, nói diệu pháp,

    Lợi lạc khắp tất cả quần sinh.

    Nếu đọc tụng, thọ trì, diễn nói

    Mười hạnh nguyện lớn Phổ Hiền này,

    Quả báo chỉ có Phật chứng biết,

    Quyết định thành tựu đạo Bồ-đề.

    Nếu trì tụng nguyện Phổ Hiền này,

    Tôi nói: Chỉ phần nhỏ căn lành,

    Trong một niệm trọn đầy công đức,

    Hoàn thành nguyện thanh tịnh chúng    sinh.

    Hạnh Phổ Hiền thù thắng của tôi,

    Phước báo vô biên đều hồi hướng,

    Cho khắp chúng sinh đang chìm đắm,

    Nguyện mau vãng sinh về Cực-lạc.

     

    Lúc đức Bồ-tát lớn Phổ Hiền ở trước Phật nói bài kệ hạnh nguyện Phổ Hiền rộng lớn thanh tịnh này xong, Thiện Tài đồng tử vui mừng không xiết; tất cả chúng Bồ-tát cũng đều hoan hỉ. Đức Phật khen rằng: “Lành thay! Lành thay!”

    Bấy giờ, khi đức Thế Tôn cùng các bậc thánh Bồ-tát lớn diễn nói pháp môn thù thắng về cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn như vậy, đức Bồ-tát Văn Thù là thượng thủ trong chúng Bồ-tát lớn và sáu ngàn vị tì kheo do ngài giáo hóa, đức Bồ-tát Di Lặc là thượng thủ trong hàng Bồ-tát lớn ở Hiền kiếp, đức Bồ-tát Vô Cấu Phổ Hiền là thượng thủ trong hàng Bồ-tát lớn một đời thành Phật đang trú ở địa vị Quán-đảnh[44], và tất cả chúng Bồ-tát lớn nhiều như số vi trần ở tất cả các quốc độ trong các thế giới khắp mười phương đến tụ hội; các vị tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên vân vân là thượng thủ trong chúng Thanh-văn, các bậc chúa tể trong hàng Trời Người, cùng các hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Người, chẳng phải người, vân vân, tất cả đại chúng, nghe Phật dạy xong đều rất vui mừng, đồng tin nhận và nguyện hành trì.

    Tác giả: Tiểu Ngọc

    Bình luận

    Bài viết cùng chuyên mục

    Ý nghĩa ngày rằm tháng 6 âm lịch trong Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-07-31 11:50:45.0
    1 - Đức Bồ-Tát giáng trần vào lòng mẹ kiếp chót 2 - Đức Bồ-Tát xuất gia 3 - Ðức Phật Chuyển Pháp Luân lần đầu 4 - Ðức Phật thị hiện song thông nhiếp phục ngoại đạo , cũng là ngày mà Đức Phật thuyết tạng Abhidhamma (Vi diệu pháp) để trả ơn mẫu thân trên cung trời Đao lợi 5 - Ngày khởi điểm mùa an cư kiết hạ của chư Tăng Phật giáo nguyên thủy Theravāda
    Tổng hợp những điều cần biết về phật giáo nguyên thủy
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-06-26 08:00:00.0
    Đạo Phật Nguyên Thủy tin rằng giáo pháp của họ là những lời dạy ban đầu của Đức Phật. Họ không tập trung quá nhiều vào niềm tin đo lường và các giáo lý cực đoan, mà coi chúng như công cụ để giúp mọi người hiểu chân lý thông qua trải nghiệm cá nhân.
    Tìm hiểu về Tội Sát Sanh - Quả Báo của Tội Sát Sanh - Tỳ khưu Hộ Pháp
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-06-12 15:54:13.0
    Người nào phạm điều-giới sát-sinh như giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, người ấy đã tạo ác-nghiệp trọng-tội thuộc về loại nghiệp ānantariyakamma: ác-nghiệp vô-gián trọng-tội. Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế- tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci,
    Nghiệp Tà Dâm là thế nào - Quả báo của Tà Dâm
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-06-09 11:35:00.0
    "Tà-dâm là sự quan hệ tình dục với người khác mà không phải là vợ, là chồng của nhau. Tà-dâm là một hành vi xấu xa, bất chính, thấp hèn mà chư thiện-trí chê trách. Vì vậy, tà-dâm gọi là ác-nghiệp tà-dâm."
    Rằm Tháng 4 âm lịch Ngày Bồ Tát Thành Đạo
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-31 17:32:36.0
    Ngày Rằm tháng 4 âm lịch hay còn gọi là ngày Đại lễ tam hợp Vesak vì nó kỷ niệm 3 Sự kiện lớn - Bồ tát đản sanh - Bồ tát thành đạo - Đức Phật Niết Bàn
    Thần chú Om Mani Padme Hum có nhiều lợi lạc không thể nghĩ bàn
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-29 17:47:46.0
    Tác dụng của chú Om Mani Padme Hum còn giúp cho những người thân trong gia đình được nhiều thuận lợi trong cuộc sống, giải trừ nạn ách, hóa giải phiền não, tránh được bệnh tật tai ương, những người quá cố sớm được siêu sinh, đầu thai.
    Văn khấn đền phủ cho gia chủ khi đi đền, chùa
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-26 15:01:14.0
    Văn khấn đền phủ là một văn bản không thể thiếu cho người đi lễ chùa. Cùng tham khảo bài viết dưới để biết thêm về văn chuẩn đi lễ chùa.
    Bật mí một số ý nghĩa thả đèn hoa đăng có thể bạn chưa biết
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-24 13:00:00.0
    Thả đèn hoa đăng luôn được nhiều người lựa chọn để cầu bình an và may mắn. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa thả đèn hoa đăng.
    Nguồn gốc , ý nghĩ và ngày cử hành lễ Phật Đản 2023
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-23 11:20:38.0
    Ngày lễ Phật đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật, cùng với lễ Vu Lan và lễ Thành đạo. Trước năm 1959, các nước thường tổ chức lễ Phật đản vào ngày 8/4 âm lịch.
    Bổn Phận của người Cư Sĩ với các mối quan hệ trong Đạo Phật
    Phật Pháp Nhiệm Màu - 2023-05-19 09:54:43.0
    Trong kinh Sigàlovàda Sutta, Đức Phật Gotama hướng dẫn về đạo làm cha mẹ, làm con, làm vợ, làm chồng, làm trò, làm thầy, làm bạn, bổn phận đối với các bậc tu sĩ,
    Chia sẻ