Chư tăng, ni các chùa truyền thống đến ngày mồng một, rằm âm lịch mỗi nửa tháng trong lễ lạy thù ân đều xướng danh hiệu: "Nam mô Khải giáo A Nan Đa tôn giả". Ngài là vị đệ tử số một của đức Phật trong số mười vị có biệt tài xuất chúng, và là một bậc đại thánh tăng. Lễ vía đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn Rằm tháng Hai âm lịch.
Tôn-giả A-nan-Đà, là dòng dõi hoàng tộc, con người chú ruột của Thái-tử Sĩ-Đạt-Ta, tức là em họ của đức Phật. Tôn-giả A-nan-Đà là bậc kỳ tài hiếm có trên thế-gian này, vì Ngài có một bộ óc siêu phàm tuyệt vời. Ngài nhớ được tất cả những lời đức Phật giảng dạy hàng ngày mà Ngài đã được nghe trong suốt thời gian hai mươi lăm năm làm Thị-giả cho đức Phật.
Đức Phật xếp Tôn-giả A-Nan-Đà vào hàng các đại đệ-tử vì các điểm đặc biệt, đó là: “Sức học uyên thâm, trí nhớ vô cùng đúng, kiên trì chuyên chú cần mẫn, và khéo biết ý Phật”. Những bộ Kinh ngày nay chúng ta được đọc là do sự đóng góp của Ngài và năm trăm vị Thánh Tăng thời ấy đọc lại thành Kinh sau khi đức Phật nhập Niết-bàn chừng ba bốn tháng.
Ngài là vị tỳ kheo đệ nhất về 5 phương diện: Đa văn, cảnh giác, sức khỏe đi bộ, lòng kiên trì và hầu hạ chu đáo. Được thánh chúng đề nghị làm thị giả Đức Phật khi Đức Phật được 56 tuổi.
Ngoài ra, có một số nhận định khác biệt về cuộc đời Tôn Giả Ananda. Theo một số truyền thống, Đức Phật tương lai và đệ tử Ananda của ông được sinh ra cùng ngày và chính xác bằng tuổi nhau. Các truyền thống khác nói rằng Ananda vẫn còn là một đứa trẻ, có lẽ bảy tuổi, khi anh ta bước vào Tăng đoàn , điều đó sẽ khiến anh ta trẻ hơn Đức Phật ít nhất ba mươi tuổi. Ananda nhập niết bàn sau Đức Phật và hầu hết các đệ tử chính khác, điều đó cho thấy rằng phiên bản sau của câu chuyện có nhiều khả năng hơn.
Ananda được cho là một vị hành giả khiêm tốn, ít nói, hoàn toàn phù hợp làm thị giả cho Đức Phật. Tôn giả cũng được cho là có một trí nhớ phi thường; Ngài có thể đọc lại từng bài giảng của từ Phật sau khi nghe bài giảng đó chỉ một lần. Ananda được cho là đã thuyết phục Đức Phật cho phép phụ nữ được xuất gia và gia nhập vào Tăng đoàn, theo một câu chuyện nổi tiếng. Tuy nhiên, Tôn giả chứng thánh quả Arahant chậm hơn các đệ tử khác và Ngài nhận ra sự giác ngộ hoặc chỉ chứng thánh quả sau khi Đức Phật qua đời, có giả thuyết Ngài thị hiện như vậy là vì muốn dành hết tâm huyết của mình để phụng sự và chăm sóc Đức Thế Tôn cách chu toàn nhất.
Với những đức tính đặc biệt, tôn giả A Nan được đại chúng thời bấy giờ đề cử làm thị giả cho đức Phật và được đức Phật hoan hỷ chấp thuận. Tôn giả A Nan đã luôn theo sát đức Thế Tôn trong suốt hơn 25 năm cuối, luôn tận tụy trong việc chăm sóc đức Phật; ghi nhớ tất cả những gì mà đức Phật dạy bảo; luôn đem đến niềm an lạc cho mọi người, như chính ý nghĩa của tên Ngài -- Ananda: an lành và hạnh phúc.
A Nan sinh trưởng trong một gia đình truyền thống Kshatriya (chiến sĩ giai cấp nắm quyền hành thống trị đất nước Ấn Ðộ thời bấy giờ), con của vua Amitodana. Vua Amitodana là em ruột của vua Suddhodana (Tịnh Phạn Vương - phụ thân của đức Phật). Trong quan hệ dòng họ, A Nan là em chú bác ruột với đức Phật. Ngày đức Phật trở về Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) để thăm vua cha và thân quyến lần đầu tiên sau khi thành đạo, trong số vương tôn công tử ra nghinh đón Ngài có chàng trai trẻ thuộc dòng họ vua chúa -- Ananda, lập tức A Nan bị thu hút bởi cốt cách uy nghi và thanh cao của đức Phật. Sau đó, A Nan cùng với sáu vương tử khác đã đến xin đức Phật cho phép được gia nhập Tăng đoàn, đi theo con đường mà đức Thế Tôn đang đi.
Với trí thông minh có sẵn, sau khi trở thành một tu sĩ, Tôn giả A Nan đã tiếp thu giáo lý của đức Phật trọn vẹn như nước thấm vào cát. Nhân một hôm nghe Trưởng lão Punna thuyết pháp, Ngài chứng đắc được quả thánh Dự Lưu (Sotàpatti - Tu đà hoàn) -- cấp độ đầu tiên trong 4 cấp độ giải thoát (Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán).
Khi được đề cử làm thị giả của đức Phật, để tránh những dư luận không tốt có thể xảy ra, Tôn giả A Nan đã đệ trình lên tám điều kiện và được đức Thế Tôn chấp nhận:
1. Không mặc áo mà đức Phật cho, dù mới hay cũ;
2. Không dùng thực phẩm mà thiện tín dâng cúng đến đức Phật, dù đó là thức ăn thừa;
3. Không ở chung tịnh thất với đức Phật;
4. Không đi theo Phật đến bất luận nơi nào mà thiện tín chỉ cung thỉnh Phật;
5. Ðức Phật hoan hỷ cùng đi với Tôn giả đến nơi mà Tôn giả được mời;
6. Ðược quyền sắp xếp, tiến cử những vị khách đến muốn gặp đức Phật;
7. Ðược phép hỏi đức Phật mỗi khi có hoài nghi phát sinh;
8. Ðức Phật hoan hỷ nói lại những bài pháp mà Ngài đã giảng khi không có mặt Tôn giả.
Và kể từ khi trở thành một thị giả trong suốt hơn hai mươi lăm năm, Tôn giả A Nan đã tận tụy, trung tín, cần mẫn với lòng kính mộ không hề suy suyển việc chăm sóc đức Thế Tôn, đặc biệt là trong những lúc thân thể đức Phật có bệnh và những năm đức Phật cao tuổi mà bước chân không ngừng du hóa bốn phương.
Là một thị giả của đức Phật và là một người uyên bác, có trí nhớ siêu phàm, ngoại hình khôi ngô tuấn tú, được rất nhiều người, đặc biệt là phái nữ ái mộ, song Tôn giả A Nam đã không lấy điều đó làm kiêu hãnh, Ngài luôn khiêm cung, sống phạm hạnh và tận tụy với đức Phật trong vai trò của một thị giả. Câu chuyện cô gái Pakati của dòng họ Matànga (Ma Ðăng Già) và nhiều chi tiết sinh động được ghi lại trong kinh điển đã nói lên điều đó.
A-nan dần dần lớn lên trong Tăng đoàn. Với thiên tánh ôn hòa, từ bi, dung mạo truyền cảm, tôn giả là nhân vật được phái nữ bên trong và bên ngoài Tăng đoàn tôn kính. Đối với các Tỳ-kheo ni, Tôn giả hết lòng lo lắng, với các tín nữ tại gia, Tôn giả thường ban cho họ niềm an ổn. Ở một chốn lạnh lùng nghiêm túc, chỉ dùng toàn lý trí như Tăng đoàn thì A-nan với dung mạo dễ mến và tình cảm phong phú, như vầng thái dương một sớm mùa đông làm ấm áp tâm tình của các cô.
Nếu như không có A-nan, ngày nay trong Tăng đoàn cho phép hay không cho phép người nữ xuất gia làm Tỳ-kheo ni? Điều ấy thật khó biết.
Nói về duyên khởi của nữ giới được hứa khả xuất gia theo chánh pháp, hoàn toàn do công lao của tôn giả A-nan-đà.
Số là hoàng hậu Kiều-đàm-di, em gái của Thánh mẫu Ma-da phu nhân, là dưỡng mẫu của Phật. Bà thấy sau khi Phật thành đạo trong vòng năm năm, trong dòng họ Thích có các vương tử Bạt-đề, A-na-luật… đầu tiên quy y Phật và xuất gia, vương tôn La-hầu-la cũng đã là Sa-di, vua Tịnh Phạn đã băng hà. Bà nghĩ trước, nghĩ sau, muôn phần cảm khái. Do thiện căn bắt đầu nẩy mầm, bà bèn đến xin đức Phật cho phép được ở trong Tăng đoàn xuất gia như pháp.
Bà yêu cầu lần thứ nhất, Phật liền từ chối. Bà lại yêu cầu đôi ba phen, cũng bị Phật không chấp thuận. Sau Phật sợ bị Di mẫu kèo nài phiền phức, bèn dẫn đồ chúng đi sang nước Tỳ-xá-ly, ngụ tại tinh xá Na-ma-đề-ni.
Di mẫu vẫn không nản lòng, bà tập hợïp năm trăm người nữ dòng họ Thích cũng đồng ý nguyện, cắt bỏ tóc tai, đi chân đất rời thành Ca-tỳ-la đuổi theo đến thành Tỳ-xá-ly. Ca-tỳ-la cách Tỳ-xá-ly khoảng hai ngàn dặm đường. Các vị phu nhân, tiểu thư này từ trước đến giờ chỉ quen ở thâm cung, lên xe xuống lầu, không hề động đến móng tay. Hôm nay, lại biến thành các vị ni cô, ba y một bát, đầu trần chân đất, lội bộ suốt hai mươi ngày đường. Dân chúng hai bên đường phần cảm động, phần hiếu kỳ, họ rủ nhau đi xem chật ních, có người còn dự bị thức ăn đem cho đoàn người cầu pháp. Và rốt cuộc các bà, các cô cũng đến được tinh xá Na-ma-đề-ni.
Lúc ấy trời đã về chiều. Vì không quen đi đường ai nấy đều thở không ra hơi, hình dung tiều tụy, mệt nhọc, cả đoàn cứ lẩn quẩn trước cửa tinh xá, chẳng dám bước vào. Thời may, A-nan trong tinh xá đi ra, thấy Di mẫu và năm trăm người nữ dòng họ Thích, đều mặc y phục Tỳ-kheo ni, bụi bặm lấm lem, nước mắt đầm đìa,
A-nan vốn giàu tình cảm, đã ngạc nhiên kêu lên:
- Các vị làm gì ở đây?
Di mẫu đáp:
- Chúng tôi vì muốn cầu đạo, cắt ái từ thân, bỏ nhà đến đây cầu xin được thế độ. Nếu như lần này Phật không cho phép, chúng tôi liều chết tại đây chớ không về.
A-nan nghe Di mẫu nói, cảm động rơi nước mắt, bèn an ủi:
- Các vị hãy yên tâm! Tôi thấy tình cảnh các vị như thế này trong lòng đã hết sức áy náy. Các vị hãy chờ ở đây một lát, tôi sẽ vào xin đức Thế Tôn giùm cho.
Nhà thầy A-nan trẻ tuổi lại đa cảm, vội trở vào tinh xá, đem hết nguyện vọng của Di mẫu và bọn người nữ thưa lên đức Phật, khẩn cầu Phật thương xót họ, cho phép được xuất gia.
Phật từ chối:
- Ta cũng thương cho bọn họ đấy, nhưng vì sự truyền thừa chánh pháp không thể chấp thuận được. Ông ra bảo họ rằng ta không bằng lòng.
A-nan không chịu đi ra, còn nài nỉ với Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu là ai khác thì con có thể từ chối được, nhưng đằng này là Di mẫu, nếu nói thẳng chắc là sẽ có chuyện không hay. Họ đã nói chẳng thà chết chứ không chịu về.
- Này A-nan! Hứa khả cho người nữ xuất gia trong Tăng đoàn thiệt chẳng tiện chút nào!
- Bạch Thế Tôn! Chẳng lẽ Phật pháp lại phân biệt nam nữ hay sao? – A-nan cố xin giùm cho phái nữ, nên ở trước Phật ra sức vận động.
- Này A-nan! Pháp của ta dù ở cõi trời hay cõi người, đều một vị, ta không lựa riêng nam hay nữ, tất cả đều là chúng sanh đáng thương, ta đều đối xử bình đẳng. Người nữ có thể tin theo pháp của ta như bên nam giới, tu hành như nhau, chứng quả như nhau, chỉ không nhất định họ phải xuất gia. Đây là vấn đề pháp chế, không phải vấn đề nam nữ bình đẳng. Người nữ xuất gia như đám ruộng tốt sanh sản nhiều cỏ dại, không gặt hái được bao nhiêu.
Đức Thế Tôn nhìn xa thấy rộng nên lời nói của Ngài hàm chứa ý nghĩa đặc biệt. Đương nhiên nếu chiếu theo tình người thì nên cho phép nữ giới xuất gia, nhưng nếu đứng về mặt pháp lý, thì nam nữ cùng tu học trong một trụ xứ là một việc rất khó giải quyết. Trí tuệ và tình cảm là hai đường đối nghịch nhau, Phật không cho phép người nữ xuất gia chính vì điểm đó. Người nữ rất nặng tình cảm, họ có thể vì tình mà bỏ đạo, thôi tu. Đó là điều không thể chấp thuận. Hoặc có thể vì nữ nhân tâm ngã mạn, ham danh nặng hơn nam giới, nên Ngài không hứa khả cho xuất gia là muốn dạy cho họ một bài học.
Thiệt là Phật từ chối cứng rắn đến mấy, A-nan bản tính vốn ôn hòa chưa từng cãi đức Phật một câu, mà phen này cũng rơi lệ, sụt sùi đảnh lễ Phật, thưa:
- Bạch Thế Tôn! Chẳng lẽ Ngài nhẫn tâm để họ chết, mà không đưa tay từ bi cứu độ?
Phật thấy rằng trên đời này, pháp lý và tình cảm cũng có khi không thể vẹn toàn. Ngài cũng biết rõ mối quan hệ nhân duyên, không thể có một pháp nào trên đời này thanh tịnh, thường trụ bất biến mãi mãi được. Ngài trầm mặc giây lâu, rồi mới bất đắc dĩ bảo A-nan:
- Chẳng còn cách nào khác hơn. Thôi! Ông ra kêu họ vào đây.
Từ mệnh Phật vừa ban ra A-nan vui mừng vội vàng chạy ra báo tin vui, Di mẫu và năm trăm người nữ nghe tin cũng mừng rỡ đến rớt nước mắt.
Họ theo nhau vào diện kiến Phật. Ngài thản nhiên như không quan tâm đến, ôn hòa cho phép họ xuất gia làm Tỳ-kheo ni, nhưng yêu cầu phải giữ gìn Bát kỉnh pháp.
Với sự hỗ trợ của A-nan, rốt cuộc giáo đoàn Ni bộ được thành lập. Di mẫu rất cảm kích đối với ơn của A-nan, bà thành khẩn nói lên vui mừng của mình:
- A-nan! Chúng tôi vâng giữ Bát kỉnh pháp, cũng như người đẹp mà được mặc y phục mỹ lệ vậy.
Ngày nay, trong Tăng đoàn cho phép nữ giới xuất gia, đều là nhờ sự ủng hộ đầu tiên của A-nan. Do nhân duyên ấy, phái nữ đối với Tôn giả có duyên đặc biệt, Tôn giả là người rất được họ kính ngưỡng.
Về sau, một hôm, Tôn-giả A-Nan-Đà nhớ lại lời thỉnh cầu của Vua A-xà-Thế rằng: “Khi nào Tôn-giả nhập Niết-Bàn thì cho Vua hay trước”, nên Tôn-giả đi đến gặp người Thủ môn canh giữ cổng thành Hoàng-cung mà nói rằng:
- Ta là A-Nan-Đà sắp nhập Niết-Bàn, nên tới đây báo cho Vua A-xà-Thế biết.
Quan Thủ-môn thưa rằng:
- Bây giờ Thánh-Thượng còn đang an giấc, nên chưa dám thưa trình.
Tôn-giả bảo vị quan ấy:
- Thôi được, khi nào đức Vua thức dậy ông thưa trình cũng được.
Nói xong, Tôn-giả từ biệt nước Ma-kiệt-Đà, rồi ngồi thuyền ra sông Hằng mà qua xứ Phệ-xá-Ly; trong khi ấy, Vua A-xà-Thế ngủ trên Long-Sàng, và Ngài đang trong giấc mộng chiêm bao. Vua mơ thấy một Bảo-Cái có treo bảy món báu vật, xem rất trang nghiêm rực rỡ, Vua còn mơ thấy có vô số người đang ngưỡng mộ lễ bái Bảo-Cái; thình lình một trận mưa gió bão đùng đùng nổi lên rất là dữ tợn, làm cho các món trân-bảo, anh-lạc đều rơi rớt tứ tung cả; Vua thấy vậy thì trong lòng kinh sợ, vì kinh sợ nên giật mình thức dậy, và lúc ấy mới biết là chiêm bao.
Trong lúc Vua còn đang ngồi suy nghĩ điềm mộng ấy hung kiết thế nào, thì bỗng có quan Thủ-môn đến tâu trình sự việc Tôn-giả A-Nan-Đà đến cáo biệt, và đã đi đến xứ Phệ-xá-Ly để nhập Niết-Bàn rồi. Vua nghe xong liền khóc rống lên một cách thảm thiết, và Vua lập tức truyền lệnh cho ngựa xe cấp tốc thân hành đi mà yêu cầu Tôn-giả trở lại.
Khi tới bờ sông Hằng, Vua trông thấy Tôn-giả A-Nan-Đà đang ngồi Kiết-già trong một chiếc thuyền ở giữa dòng sông, Ngài đứng nơi mé bờ sông mà đảnh lễ Tôn-giả, và kêu lớn lên rằng:
- Xin: Tôn-giả thương tình xứ Ma-kiệt-Đà mà trở lại, và xin đừng vội nhập diệt.
Còn về Vua xứ Phệ-xá-Ly, vì một nhân duyên được nghe tin Tôn-giả A-Nan-Đà đến nước mình, nên đem binh tới bờ sông Hằng mà chực rước, nhà Vua ở nơi bờ sông bên kia, ngó qua mà lễ lạy Tôn-giả, và kêu lớn lên rằng:
- Thỉnh cầu Tôn-giả ghé qua bờ sông nước Phệ-xá-Ly chúng tôi, để tạm thọ lễ cúng dường xong Ngài hãy nhập Niết-Bàn.
Khi thấy hai Vua đều có lòng buồn rầu quyến luyến, Tôn-giả A-Nan-Đà an ủi:
- Niết-Bàn là một cảnh an-tịnh, cứu-cánh, xin hai vi Đại-Vương đừng lấy sự sống chết thường tình mà sầu thảm. Chốc lát nữa đây, tôi sẽ độ cho năm trăm vị Tiên, và truyền trao Chính-Pháp, sau đó tôi sẽ nhập diệt tại giữa dòng sông này, để lấy lòng bình đẳng mà hóa độ.
Tôn-giả vừa nói dứt, thì năm trăm vị Tiên ở núi Tuyết-sơn (Hy-Mã-Lạp-Sơn) dùng thần-thông mà đi trên không đến đảnh lễ Tôn-giả và thưa:
- Chúng tôi tu Tiên ở núi Tuyết-sơn đến đây, nguyện nhờ Tôn-giả A-Nan-Đà mà chứng Phật qủa, xin Ngài từ-bi độ thoát cho chúng tôi.
Tôn-giả A-Nan-Đà nói:
- Ta đang đợi các ông đây.
Nói xong, Tôn-giả thị hiện thần-thông làm mặt nước sông Hằng biến hóa ra một giải đất liền, mặt toàn là vàng ròng rực rỡ; Ngài bảo các vị Tiên hạ xuống mà ngồi, rồi Ngài thuyết pháp Đại-thừa cho Tiên chúng nghe, thuyết pháp xong, Tôn-giả nói:
- Các đệ-tử trước kia của ta chắc cũng sắp đến đây.
Tôn-giả vừa nói xong, thì năm trăm vị A-La-Hán dùng thần-thông đi trên không đến đảnh lễ; Ngài liền yêu cầu các vị A-La-Hán độ cho các vị Tiên xuất gia, và thọ Cụ-túc giới; xong việc truyền Giới, Tôn-giả chọn một vị Tiên là Thương-Na Hòa-Tư đã đắc A-LA-Hán mà bảo rằng :
- Xưa đức Thế-Tôn đem Chính-Pháp Nhãn-Tạng mà phú chúc cho Tôn-giả Đại Ca-Diếp Sư huynh ta, rồi sau truyền lại cho ta. Nay ta phó chúc cho ông, vậy ông phải hết lòng trân trọng lãnh ( lĩnh ) thọ mà hộ trì, hầu ngày sau siển dương Phật-Pháp mà hóa độ cho chúng sanh; hãy nghe ta nói kệ mà ấn tâm:
Lâu nay phú có pháp,Sau đó Tôn-giả kêu vị Tiên tên Mạt-Điền Để-Ca cũng đã đắc A-La-Hán mà dặn rằng:
- Lời thụ ký trước của đức Thế-Tôn có nói: “Sau khi Như-Lai nhập-diệt năm trăm năm, thì ông phải đến nước Kỳ-Tân mà truyền Đại-Pháp, để độ thoát cho loài hữu tình”.
Xong việc truyền Pháp và dặn dò, Tôn-giả bảo một nghìn đệ-tử trở về, rồi Ngài thu hồi thần-thông để mặt sông trở lại mặt nước như cũ.
Vì cả hai nước đều hết lòng kính phụng và mong muốn được giữ Xá-Lợi của Tôn-giả, nên Ngài bảo các đệ tử sau khi Ngài nhập diệt rồi thì trà-tỳ, lấy Xá-lợi chia cho hai nước, cõi Trời Đạo-Lợi và Long cung; rồi Ngài ngồi kiết già trong thuyền ngay giữa dòng sông mà tịch. Khi ấy chư Thiên và Long-Vương tới lễ bái trên không, và rải hoa cúng dường; Vua hai nước và Thần-Dân hai bên bờ thấy thế thì tất cả đều qùy lễ và chảy nước mắt; các đệ tử sắp đặt việc trà tỳ và phân xá lợi để xây dựng Bảo-Tháp cúng dường đời đời. Khi ấy tôn-giả A-nan-Đà đã 120 tuổi thọ..,