Hàng ngày chúng ta vẫn lên khóa lễ, thỉnh chuông, gõ mõ, niệm danh hiệu Phật nhưng nhiều năm tháng vẫn không có được chuyển biến là do đâu. LichVanNien365 xin trích đoạn Tụng Kinh Để Làm Gì trong buổi thuyết giảng của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh ( Sư Ông Làng Mai), mong với sự chia sẻ này sẽ giúp bạn đọc có được cái nhìn đúng đắn hơn về việc tụng kinh niệm Phật.
Có nhiều người tụng Chú Lăng Nghiêm và nghĩ rằng tụng Chú Lăng Nghiêm thì không bị những người như cô Ma Đăng Già kéo đi, nhưng mà tụng 20-30 năm vẫn bị cô ta kéo đi như thường là vì tụng chú mà trong khi đó không có Niệm, Định và Tuệ, tụng như những con vẹt vì vậy cho nên vấn đề tụng kinh là vấn đề lớn và đặt ra
Trong khi tụng kinh chúng ta để ý nhiều âm điệu của sự tụng niệm mà chúng ta không có thực tập được niệm định và tuệ. Chúng ta chỉ sợ tụng sai, tụng quên, sợ thầy rầy, hoặc là người ta cười. Tâm Kinh ( Bát Nhã Tâm Kinh) chẳng hạn chúng ta tụng mỗi ngày 1 lần, 2 lần ngày nào cũng tụng nhưng chúng ta phải nói sự thật chúng ta tụng như những con vẹt
Tâm Kinh tuy ngắn nhưng vẫn dài như thường, vì trong Tâm Kinh chỉ có 2-3 câu tinh túy "...Nhất thiết chiếu kiến ngũ uẩn giai không, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị, Thị Chư pháp không tướng bất sanh bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, Thị cố không trung vô sắc , vô thọ, tưởng hành thức". Từ đoạn "Bồ đề tát đỏa y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố viễn ly...."mấy cái đó không quan trọng nữa, mấy cái đó ca ngợi mấy câu ở trên thôi. Trong khi chúng ta đọc mấy dòng trên đó, tâm chúng ta có quán chiếu, có thấy được "Sắc Tức Thị Không, Không Tức Thị Sắc không". Có thấu được nghĩa lý của "Không có Đắc vì không có Sở Đắc không"
Chúng ta phải công nhận sự thật chúng ta tụng như những con vẹt, vì vậy cho nên không có thành công, tại vì nguyên tắc của mật giáo là mỗi câu linh chú chỉ được nói lên khi thân tâm hoàn toàn hợp nhất, có niệm có định và khi trong trạng thái thân tâm nhất như vững chãi, mà thốt ra câu linh chú đó có một năng lực rất lớn có thể chuyển hóa cả thân tâm và cả thế giới, đó là giáo lý căn bản của mật giáo. Thân, Khẩu, Ý là một thì lúc đó linh chú mới hiệu nghiệm
Có một bà cụ đó bà ấy niệm Bụt (niệm Phật) nhưng bà rất là dữ , bà Nam Mô A Di Đà Phật suốt ngày, thỉnh chuông mõ đốt nhang rất nhiều nhưng tánh nào vẫn tật đó, rất dữ, chửi người ta thì chửi động tới cả tổ tiên dòng họ người ta nữa cho nên có ông nói bữa nay mình phải cho bà đó một bài học. Đợi lúc bà đó lên chuông mõ để tụng thì lúc đó ông ta gọi "bà ơi, bà ơi...", bà đó rất bực mình vì đến giờ bà tụng kinh niệm Phật mà tới mà réo như vậy thì không có dễ thương, thì bà đó mới đánh mõ to hơn, lớn hơn để chứng tỏ ta đang tụng kinh đừng có làm ồn. Nhưng ông này càng réo to hơn, cuối cùng bà đó chịu không nổi, bà bỏ chuông mõ xuống rồi ra réo tên anh ta, chửi anh ta, nổi sân si, bà chửi mặt đỏ tía tai. Lúc đó ông này mới vào nói với bà đó
" Bà ơi, tôi mới kêu bà 20 tiếng mà bà đã giận dữ như vậy mà đêm nào bà cũng kêu Bụt, ngày nào cũng kêu Bụt ngày nào cũng ngàn tiếng chắc Bụt giận lắm" Mình niệm Bụt (niệm Phật) cũng vậy, mình có thể làm như con Vẹt, mình cứ nghĩ rằng niệm Bụt như vậy sẽ có sự chuyển hóa nhưng nó không có sự chuyển hóa, tại cái thân và cái tâm của mình không có ở đó.