Đến nay, tuy đã gần 26 thế kỷ kể từ ngày Đức Phật nhập cõi Niết Bàn nhưng cứ Rằm tháng 2 hằng năm, Phật tử lại nô nức tụ họp để tưởng nhớ Ngài. Qua những nghi thức được diễn ra tại chùa, những người con Phật được giác ngộ và tinh thông tư tưởng, phấn đấu học theo tấm gương sáng ngời của Phật Thích Ca.
Theo Kinh Phật chép lại, sau hơn 49 năm đi khắp nơi truyền đạo, hoằng hóa cho chúng sinh, 1 ngày nọ Đức Phật nhận thấy Đạo nay đã viên mãn, bản thân cũng không còn gì luyến tiếc. Ngài tự nhận thấy mình chuẩn bị nhập cõi Niết bàn.
Trong vòng 3 tháng trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật vẫn không ngừng truyền đạo, song Ngài cũng đã chọn nơi nhập diệt cho mình chính là rừng Sa la ở thành Câu Thi Na.
Sau khi dặn dò cặn kẽ chư tăng môn đồ về con đường phía trước cần làm, Ngài nhập định rồi vào Niết Bàn.
Theo kinh sách ghi chép lại thì Phật nhập Niết bàn vào ngày rằm tháng 2 âm lịch năm 544 TCN.
Từ khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề cho đến ngày nhập diệt, trải qua một thời gian 49 năm, đức Phật đã đi khắp xứ Ấn Độ rộng lớn bao la, hết nước này đến nước khác. Hễ chỗ nào có chân Ngài giẫm đến là ánh Đạo vàng bừng tỏa huy hoàng.
Mỗi ngày, Ngài theo một thời dụng biểu, một chương trình nhất định, không bao giờ xao lãng, giải đãi, từ khi trẻ cho đến già, từ mùa mưa cho đến mùa nắng. Mỗi ngày, khi trời chưa sáng, Ngài đã lìa khỏi giường đi tắm rửa, thay đổi y phục rồi vào phòng quán cơ (thiền định) cho đến lúc mặt trời xuất hiện. Sau đó Ngài thuyết pháp cho chúng Tăng đến lúc trưa mới nghỉ để thụ trai.
Buổi chiều, Ngài thuyết pháp cho tín đồ ở các vùng lân cận đến nghe; rồi lại giảng giải những nghi vấn của các chúng Tăng về những vấn đề mà Ngài đã thuyết pháp buổi sáng.
Mỗi năm, Ngài đi chu du để thuyết pháp độ sanh trong chín tháng nắng ráo còn ba tháng về mùa hạ có mưa lớn (theo thời tiết Ấn Độ), thì Ngài lại ở luôn trong các tịnh xá để an cư kiết hạ.
Ròng rã 49 năm như thế, hạt giống từ bi được Ngài tinh tấn gieo khắp các xứ ở Ấn Độ. Từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ rừng núi đến đồng bằng, không nơi nào là Ngài không đặt chân đến, hay truyền đệ tử đến thay Ngài để hóa độ chúng sanh. Và ở đâu Ngài và các đệ tử cũng được nhân dân, từ vua đến dân, từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, từ phái nam đến phái nữ, đổ xô ra đón tiếp Ngài, vui thú được tắm gội trong ánh sáng Trí Tuệ và nước Từ Bi do Ngài tưới xuống. Ở đâu có ánh Đạo vàng đến, thì tà giáo và ngoại giáo lui xa dần, tan biến như những làn mây, như những bóng tối, tan biến trước bình minh đang lên. Giọng thuyết pháp của Ngài có cái oai lực như tiếng sư tử rống, làm cho cầm thú phải khiếp phục, như tiếng hải triều lên, lấn át tất cả bao nhiêu tiếng tỉ tê của côn trùng, chim chóc.
Đạo Bồ Đề từ đấy đã ăn sâu gốc rễ trên bán đảo Ấn Độ bao la, và trở thành một tôn giáo chính của các nước lớn nhỏ thời bấy giờ tại Ấn Độ. Đức Phật sau khi tự giác, đã giác tha và đến đây giác hạnh của Ngài đã viên mãn.
Khi giác hạnh của Ngài đã viên mãn thì Phật đã 80 tuổi. Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi, yếu già. Năm ấy Ngài vào hạ ở rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách thành Ba La Nại chừng 129 dặm.
Một hôm, Ngài gọi ông A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Ngài đến và phán bảo: – “A Nan ! Đạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ 4 hạng đệ tử: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe Pháp, và Đạo cũng đã truyền bá khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các người mà ra đi. Thân hình ta, theo luật vô thường, bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở Pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy ta còn mến tiếc làm gì trong cái thân tiều tụy này nữa? A Nan ! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết Bàn”.
Tin đức Phật sắp vào Niết Bàn, lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử Ngài đi truyền giáo ở các nơi xa, lục tục trở về để cùng đấng Giác Ngộ chia ly lần cuối.
Trong thời gian ba tháng cuối cùng của Ngài, đức Phật vẫn không nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục đi truyền đạo.
Một hôm, Ngài đi thuyết pháp ngang qua một khu rừng, gặp một người làm nghề đốt than, ông Thuần Đà, thỉnh Ngài về nhà để thọ trai. Ngài im lặng cùng các đệ tử đi theo ông. Đến nhà, ông Thuần Đà dọn ra cúng dường Ngài một bát cháo nấm, thường gọi là nấm heo rừng, vì thứ nấm này rất được giống heo rừng ưa thích.
Thụ trai xong, Phật cùng các đệ tử lại từ giã ông Thuần Đà ra đi. Được một khoảng đường, Ngài giao bình bát cho ông A Nan và truyền treo võng lên trong rừng cây Sa La để Ngài nằm nghỉ. Ngài nằm xuống võng giữa hai cây Sa La, đầu trở về hướng Bắc, mình nghiêng về phía tay phải, mặt xây về phía mặt trời lặn, hai chân tréo vào nhau.
Nghe tin Ngài sắp nhập Niết Bàn, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất đông, trong số ấy có một ông già ngoài tám mươi tuổi, tên Tu Bạt Đà La đến xin xuất gia thọ giới Sa Di với Ngài. Ngài hoan hỷ nhận lời. Đó là người đệ tử chót trong đời Ngài.
Lúc bấy giờ các đệ tử Ngài đều có mặt đông dủ, chỉ trừ ông Ca Diếp vì đi thuyết pháp xa, chưa kịp về. Ngài hội tất cả đệ tử và tín đồ đến quanh Ngài và dặn dò một lần cuối. Ngài phú chúc như sau:
Một phần cho thiên cung,
Một phần cho long cung,
Một phần chia cho tám vị Quốc vương ở Ấn Độ.
Sau đây là lời phú chúc của Ngài đã để lại trong giờ phút cuối cùng:
“Này! Các người phải tự thắp đuốc lên mà đi ! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát ! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!”
“Này! Các người đừng dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có đạo ta là quý báu. Chỉ có Chân lý của đạo ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta !”.
Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết Bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày rằm tháng hai âm lịch.
Rừng cây Sa La tuôn hoa xuống phủ lên thân Ngài, trời đất u ám, cây cỏ héo úa, chim chóc im bặt tiếng hót, vạn vật như chìm lặng trong những giây phút nặng nề của sự chia ly.
Các đệ tử tẩn liệm xác Ngài vào kim quan và bảy ngày sau, đưa kim quan Ngài vào thành Câu Thi để tại chùa Thiện Quang và làm lễ trà tỳ (hỏa thiêu).
Tám vị Quốc Vương lớn ở Ấn Độ kéo binh hùng tướng dũng đến toan tranh giành Xá Lợi. Nhưng ông Hương Tích y theo di chúc của Phật, đứng ra điều đình, và nhờ thể sự phân chia xá lợi đều được ổn thỏa.
Đức Phật đã nhập Niết Bàn, nhưng gương sáng của đời Ngài vẫn còn chiếu sáng rực trước mắt chúng ta. Suốt một đời, trong 80 năm trời, không một lúc nào Ngài xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ. Khi còn tại gia, Ngài là người ở trong địa vị có diễm phúc nhất, cao nhất của người đời, thế mà Ngài vẫn không màng tưởng đến; khi vào trong đạo, Ngài là người ở trong địa vị cao chót vót của Đạo, thế mà Ngài vẫn không chịu ở yên trong địa vị ấy, lại vất vả duỗi rong trên mọi nẻo đường bụi bặm, gai góc để đưa dắt chúng sanh lên con đường hạnh phúc an vui và giải thoát hoàn toàn. Lòng thương của Phật thật là vô lượng, ân đức của Phật thật vô biên.
Sự hy sinh cao cả, lòng từ bi rộng lớn, trí tuệ sáng suốt, ý chí dũng mãnh của Ngài không những là bao nhiêu gương sáng cho riêng hàng Phật tử, mà còn cho tất cả mọi người.
Đức Phật đã nhập Niết bàn gần 26 thế kỷ, nhưng dấu tích của Ngài vẫn còn in đậm trong tâm tư của tất cả những người con Phật nói riêng và toàn nhân loại trên thế giới nói chung bởi lẽ lợi ích mà Ngài đã mang lại cho chúng sanh quá lớn lao vĩ đại. Có thể nói rằng, sự hòa bình của thế giới có được không thể thiếu sự đóng góp của đạo Phật, sự hạnh phúc và an lạc của muôn loài trên vũ trụ không thể có được nếu như không có giáo pháp của Ngài. Mỗi năm đến ngày Rằm tháng Hai thì Phật tử ở khắp mọi nơi trên thế giới lại thành tâm làm lễ kỷ niệm ngày Nhập Diệt của Đức Từ Phụ. Việc cử hành lễ nhằm nhắc lại, tán thán công đức cũng như hạnh nguyện tu hành của Phật. Điều này giúp cho chúng ta noi theo gương sáng của Ngài, thực hiện lời phó chúc và nhận thức sâu sắc hơn các vấn đề sau đây:
Hễ có sanh là có diệt. Đó là quy luật vô thường tất yếu của cuộc sống mà ngay cả Kim thân ngũ uẩn của Đức Bổn Sư vẫn phải tuân theo quy luật này, huống chi là cái thân ngũ uẩn đầy bất tịnh của người bình thường. Nếu ai dính mắc vào cái thân ngũ uẩn sẽ bị cái ngã chấp làm đau khổ phiến não. Nếu buông xả chúng thì sẽ an vui tự tại như tinh thần của Tâm kinh đã dạy: “Ngũ uẩn giai không qua hết khổ ách”
Thật ra, nếu ai nhìn Phật qua hình dáng của Thái tử Tất Đạt Đa thì thấy Phật có sanh có diệt, có Đản sanh có Niết Bàn. Nếu ai nhìn thân Phật qua Pháp thân thì rõ ràng Ngài không có sanh diệt. Trong kinh Kim Cang, Phật dạy nếu ai nhìn Phật qua 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp thì sẽ không bao giờ thấy được Phật mà phải nhìn qua Pháp thân thì mới thấy được Phật. Trong các kinh Nikaya Phật cũng dạy rằng: “Ai thấy duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật” (Trung Bộ Kinh I, số 28; Tương Ưng III, tr. 144 và Tiểu Bộ I, tr. 48).
Dù thân mang bệnh nhưng Phật vẫn nhận lời xuất gia cho vị đệ tử cuối cùng là ông Tu Bạt Đà La. Sau đó, Phật lại nhiều lần hỏi các đệ tử rằng có còn vấn đề gì cần hỏi nữa không để Phật giải thích luôn. Điều này cho thấy lòng từ của Phật vô cùng vĩ đại, dù đau đớn bởi thân thể nhưng vẫn luôn lo lắng cho mọi người.
Nhìn vào điểm này chúng ta học được ở Phật hai điều. Một là phải khởi lòng từ bi đến các loài chúng sanh trong mọi hoàn cảnh. Thật vậy, lòng từ là điều không thể thiếu đối với người tu theo Phật. Cũng chính vì lòng từ mà suốt 49 năm hoằng pháp, không một lúc nào Phật xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ. Hai là phải biết kiểm soát giữa thân và tâm sao cho thân bệnh, thân đau đớn, nhưng tâm vẫn an lạc. Nếu thực hành thiền thì chúng ta sẽ thấy được danh (tâm) và sắc (thân) là hai phần rõ rệt. Nếu tách rời được danh và sắc thì khi thân bệnh nhưng tâm sẽ không bệnh. Đó là những thông điệp mà Đức Phật muốn gửi gâm cho người đời sau.
Bởi lẽ không có vị Giáo chủ nào lại từ bỏ thân mạng một cách êm dịu và đẹp đẽ như Phật. Ngài vào định Sơ thiền, rồi định Nhị thiền, định Tam thiền, định Tứ thiền, định Không Vô Biên Xứ, định Thức Vô Biên Xứ, định Vô sở Hữu Xứ, định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Sau đó, bắt đầu ngược lại, tức là từ định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xuống định Tứ thiền, xuống định Sơ thiền. Rồi Ngài lại từ định Sơ thiền lên đinh Tứ thiền rồi Đức Phật nhập Niết Bàn. Như vậy, dù sắp từ bỏ thân mạng nhưng Ngài vẫn tự tại ra vào trong Thiền định. Ngài không bị sanh tử nhận chìm mà Ngài đang cưỡi trên ngọn sóng sanh tử. Là người con Phật chúng ta phải hiểu điểm này. Tuy không ra vào trong Thiền định như Phật nhưng chúng ta phải cố gắng học Phật ở chỗ tự tại trong sanh tử, đừng để cho sanh tử nhận chìm.
Cho dù chúng ta nhìn Phật ở góc độ nào, Pháp thân hay Kim thân ngũ uẩn, có nhập diệt hay không nhập diệt thì suốt 49 năm hoằng pháp độ sanh không mệt mỏi, Ngài vẫn là tâm gương sáng về lòng từ bi và trí tuệ cho đời. Sự hy sinh cao cả, lòng từ bi rộng lớn, trí tuệ sáng suốt, ý chí dũng mãnh của Ngài không những là gương sáng cho đệ tử Phật mà còn cho tất cả mọi người. Những ai muốn có sự an lạc thật sự ở ngay trong đời này và giải thoát trong đời sau thì phải tu theo giáo pháp của Ngài. Đó là con đường Bát Chánh Đạo, con đường Giới Định Tuệ. Nếu tu giống Phật thì sẽ thành Phật. Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng mình tu giống Phật chưa? Phật từ bỏ tất cả, còn mình đã bỏ được chưa hay là dính mắc quá nhiều thứ trên đời. Phật từ bi vô lượng vô biên còn chúng ta từ bi được mấy phần?…Đó là những câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra để soi rọi nơi tự thân mình.
Ân đức sâu dày của Phật không dễ gì báo đáp được, chỉ có xuất gia đứng trong hàng ngũ Tăng đoàn, tinh tấn tu học y như lời phó chúc của Ngài thì mới mong báo đáp phần nào ân đức này.
Hãy luôn luôn ghi nhớ những lời dạy sau cùng của Phật là phải lấy giới luật làm thầy, tự thắp đuốc lên mà đi, hãy lấy Pháp của Phật làm đuốc, hãy theo Pháp của Phật mà tự giải thoát, đừng tìm sự giải thoát ở một ai khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài chính mình, mọi vật ở đời không có gì quý giá, thân thể rồi sẽ tan rã, chỉ có đạo Phật là quý báu, chỉ có chân lý của đạo Phật là bất di, bất dịch, hãy tinh tấn lên để giải thoát.
Nói tóm lại, ngày lễ kỷ niệm Đức Phật nhập Niết bàn nhằm tán thán công đức cao vời của Đấng Giác Ngộ. Qua đó khuyến khích những người con Phật hãy học theo gương sáng của Ngài, thực hiện những lời phó chúc của Ngài để tự độ và độ tha. Đức Phật tuy đã nhập diệt cách đây gần 26 thế kỷ, nhưng Giáo pháp và Tăng đoàn của Ngài vẫn còn đó. Nếu ai đi theo con đường của Ngài đã dạy, tinh tấn tu học theo đúng Chánh pháp của Phật thì cũng có thể thấy được Phật.
Nguyện đem lòng thành kính,
Gởi theo đám mây hương,
Phưởng phất khắp mười phương,
Cúng dường ngôi Tam Bảo.
Thề trọn đời giữ đạo,
Theo tự tánh làm lành,
Cùng pháp giới chúng sanh,
Cầu Phật từ gia hộ:
Tâm Bồ đề kiên cố,
Chí tu học vững bền,
Xa biển khổ mông mênh,
Chóng quay về bờ giác.
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát. (3 lần)
Đấng Pháp vương vô thượng,
Ba cõi chẳng ai bằng,
Thầy dạy khắp trời người,
Cha lành chung bốn loại.
Qui y tròn một niệm,
Dứt sạch nghiệp ba kỳ,
Xưng dương cùng tán thán,
Ức kiếp không cùng tận!
Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng,
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,
Lưới Đế châu ví đạo tràng,
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời .
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện,
Cúi đầu xin thệ nguyện qui y.
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tận Hư Không, Biến Pháp Giới, Quá Hiện Vị Lai Thập Phương Chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng Thường Trụ Tam Bảo. (1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Ta Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật; Đương Lai Hạ Sanh Di lặc Tôn Phật; Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát; Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát; Hộ Pháp Chư TônBồ Tát; Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật; Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát; Đại Thế Chí Bồ Tát; Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát; Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 lễ)
Hương xông đảnh báu,
Giới định tuệ hương,
Giải thoát tri kiến quí khôn lường,
Ngào ngạt khắp muôn phương,
Thanh tịnh tâm hương,
Đệ tử nguyện cúng dường.
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát. (3 lần)
Nam mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (3 lần)
Thiên thủ thiên nhãn, vô ngại đại bi tâm đà la ni.
Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da. Nam mô a lị gia bà lô kiết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tả. Nam mô tất kiết lật đỏa, y mông a lị gia bà lô kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đặt đậu đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê lị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà la đà là, địa rị ni, thất Phật ra da, giá ra gía ra. Mạ mạ phạt ra ma, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na ta bà ha, tất đà dạ ta bà ha. Ma ha tất đà dạ ta bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta bà ha. Na ra cẩn trì ta bà ha. Ma ra na ra ta bà ha. Tất ra tăng a mục khư gia, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ ta bà ha. Ma bà rị thắng kiết ra dạ ta bà ha.
Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a rị da bà lô kiết đế thước bàn ra dạ, ta bà ha.
Án tất điện đô mạn đà ra bạt đà dạ ta bà ha.
Trên trời dưới đất không bằng Phật,
Thế giới mười phương cũng khó bằng,
Thế gian có gì con đã thấy,
Tất cả không ai bằng Phật vậy!
Nam mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo. (3 lần)
- Tất cả ngồi xuống tụng bài Ý nghĩa Lễ Phật Niết bàn
(Tụng chậm, đậu câu thay vì bạch và sớ).
Nam mô Bổ Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần)
Chúng con cung kính nghe rằng:
Đức Bổn sư Từ phụ,
Ba đời đạo quả vuông tròn,
Giáo pháp lưu truyền vũ trụ.
Sáu độ tu nhơn đầy đủ,
Pháp vương nhập diệt Niết Bàn!
Tuy nhiên, chân tánh thường an,
Sao khỏi hóa thân biến dịch.
Nhớ xưa đấng cha lành họ Thích,
Khi hóa thân tuổi đã tám mươi.
Hóa du khắp cả trời, người,
Đại sự nhơn duyên đã mãn.
Người từng báo tin ba tháng:
"Rằng ta sẽ nhập Niết Bàn".
Một hôm cùng chúng lên đàng,
Đi về phía thành Song Thọ,
Giữa đêm trăng thanh sáng tỏ,
Trước mặt đông đủ Thánh Hiền,
Với cùng vô số nhơn thiên,
Tay phóng hào quang rực rỡ.
Mọi người thảy đều lo sợ,
Đợi chờ biến cố xảy ra ...
Với cả rừng cây Ta la, (1)
Lúc ấy biến thành sắc trắng.
Đấng Chánh giác Chánh đẳng,
Người tuyên bố như vầy:
"Ta nay sắp đến ngày,
Vào Niết Bàn tịch diệt.
Vậy những gì chưa biết,
Với những gì hoài nghi,
Bất luận một việc chi,
Các người cứ xin hỏi.
Ta Đạo sư ba cõi,
Sẽ giải thích rõ ràng,
Để mọi người tâm an, (ở lại)
Ta ra đi vui vẻ".
A Nan nghe cặn kẻ,
Lòng bối rối băn khoăn,
Liền quỳ xuống thưa rằng:
"Xin Thế Tôn từ mẫn,
Dạy các điều thỉnh vấn,
Xin bày tỏ sau đây:
Chư tăng lấy ai làm thầy?
Chư tăng nương đâu để sống?
Sau khi Thế Tôn vắng bóng,
Tại các hội xưa nay.
Và việc nữa thế này,
Các Tỳ kheo ác tánh,
Làm thế nào ở chung?
Việc quan trọng sau cùng,
Khi kết tập kinh điển,
Nên mở đầu mỗi quyển,
Bằng những câu thế nào,
Nên phải nói làm sao,
Trước khi vào phần chính?"
Đức Thế Tôn nghiêm chỉnh,
Dạy các việc thế này:
"Chư tăng lấy giới luật làm thầy,
Chư tăng lấy lục hòa để sống.
Sau khi ta vắng bóng,
Ở chung mà tu hành.
Còn những người chẳng lành,
Thì đồng tâm mặc tẫn. (2)
Việc kết tập cẩn thận,
Mở đầu kinh thế này:
Rằng "Tôi nghe như vầy
Một thuở nọ Đức Phật ..."
Lời lẽ phải thành thật,
Đúng lời dạy của thầy".
Nghe Phật dạy đến đây,
A Nan liền cúi lạy,
Xin tuân lời thầy dạy,
Lòng buồn bã ngại ngùng.
Trước lời dạy sau cùng,
Đầy lo âu xúc động,
Không biết thực hay mộng,
Nay nghe thầy tại đây.
Mai chỉ "Nghe như vầy" (3)
Vì không thấy thầy nữa!
Rồi giờ ăn đến bữa,
Ai ngồi trước chư tăng,
Ai dạy bảo khuyên răn,
Ai dìu dắt đại chúng.
Ai hóa duyên ứng cúng,
Ai phục hàng ngoại ma ...?
Ôi thôi! Còn đâu giáo chủ Ta Bà!
Hỡi ôi! Còn đâu Đạo sư vũ trụ!
Đêm ấy cỏ cây ủ rũ,
Cúi đầu lễ Phật Niết Bàn.
Đêm ấy Thánh chúng bàng hoàng,
Quỳ gối khóc thầy nhập diệt.
Biết bao nỗi niềm thương tiếc,
Chi xiết mất mát thiệt thòi.
Rồi từ đây:
Đường về Xá Vệ trăng soi,
Nào thấy bóng thầy La hán,
Nẻo đến Linh Sơn gió thoảng,
Đâu nghe tiếng Đức Giác Hoàng!
Và buồn hơn thế nữa:
Kỳ Viên tấc đất tấc vàng,
Tịnh xá giờ này mây che gió lạnh,
Ta la đôi cây đôi nhánh,
Nhục thân ngày đó lửa tắt củi tàn!
Vậy thì Người đi đâu?
Chẳng theo chân Tịnh Phạn phụ hoàng?
Không nối gót Ma Gia thánh mẫu?
Chúng sanh khó mà hiểu thấu,
Chư Phật hẳn đã cảm thông,
Và rồi, cũng từ đó:
Népal - Ấn Độ núi sông,
Vắng mặt Pháp vương cao cả.
Lộc Uyển, Trúc Lâm sơn dã,
Mờ hình Từ phụ nghiêm trang.
Nhưng giờ thì chỉ còn:
Nhục thân Xá lợi ngọc vàng,
Tháp miếu phụng thờ bốn biển!
Xá lợi Pháp thân kinh điển,
Thọ trì đọc tụng năm châu!
Và đạo Phật đã có mặt:
Mấy nghìn năm truyền bá Pháp mầu,
Xe Pháp biết bao vất vả!
Mấy nghìn năm lưu thông đạo cả,
Thuyền từ chi xiết gian nguy!
Gieo rắc từ bi,
Mở mang trí tuệ,
Cứu nhơn độ thế,
Hộ quốc an dân.
Nơi nơi mát mẻ Từ vân,
Xứ xứ thấm nhuần Pháp võ.
Ân ban cây cỏ,
Đức hóa càn khôn,
Điên đảo tỉnh mộng.
Lợi danh tan mộng.
Nghìn thu cửa thiền cao rông,
Muôn thuở nhà Phật thâm nghiêm!
Nhớ xưa cũng ngay đêm này:
Ta La trăng sáng trọn đêm, (rằm)
Đưa Phật đến tận thành Bất thoái!
Bản tự đèn chong suốt tối, (chùa)
Rước người về từ cõi Vô dư. (4)
Đến đây:
Hương giới hiến cúng một lư,
Hoa lòng kính dâng mấy đóa.
Trống chuông chuyển luân Bát Nhã,
Âm nhạc cử tác Thánh ca.
Tất cả hướng về thành cũ Thi na,
Tất cả vọng đến vườn xưa Song Thọ.
Gởi hồn xuôi theo chiều gió,
Dâng lòng đến với làn hương.
Cúng dường ngôi trí tuệ khôn lường,
Tôn vinh đấng từ bi vô lượng.
Bổn sư Hòa Thượng - Thích Ca Mâu Ni!
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam mô Đại Hạnh Phổ hiền Bồ Tát.
Nam mô Ca Diếp, A Nan Tôn Giả.
Nam mô Xá Lợi, Mục liên Tôn giả.
Nam mô Kỳ Viên, Lộc Uyển, Linh thứu,
Trúc Lâm Hội thượng chư đại A La Hán, Chư đại Bồ Tát. (mỗi hiệu 3 – 10 lần)
- Tán:
Song lâm nhập diệt,
Đại nguyện viên thành,
Còn đâu vang bóng đấng cha lành,
Thương tiếc khắp quần sanh,
Diệt độ sao đành,
Rẽ bước giữa đêm thanh!
A tỳ ngục tốt, mới phát lòng lành,
Nhiều kiếp tu hành, nhơn viên quả mãn.
Đồng hòa: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 lễ)
Một đời Bổ xứ, hiện ở Suất Đà,
Hóa độ Ta Bà, giáng sanh trần thế.
Đồng hòa: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 lễ)
Từ trời Đâu Suất, ứng mộng Ma Gia,
Cỡi voi sáu ngà, trong lòng mẹ.
Đồng hòa: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 lễ)
Dưới cây Vô Ưu, đản sanh thị hiện,
Chín rồng phun nước, bảy bước xưng tôn.
Đồng hòa: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 lễ)
Hiện hưởng dục lạc, chán cảnh vô thường,
Dạo chơi bốn phương, thương đời đau khổ.
đồng hòa: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 lễ)
Nửa đêm vượt thành, xuất gia tìm đạo,
Tóc xanh cắt bỏ, núi Tuyết tu hành.
đồng hòa: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 lễ)
Dưới cây Đạo thọ, hàng phục ma quân,
Thấy ánh sao Mai, thành Bồ đề đạo.
đồng hòa: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 lễ)
Bốn mươi chín năm, độ sanh thuyết pháp
Ba thừa giáo hóa, hạnh nguyện viên thành.
đồng hòa: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 lễ)
Dưới cây Ta La, Niết Bàn thị hiện,
Để lại Xá lợi, phước khắp trần gian.
đồng hòa: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 lễ)
Hiện tọa đạo tràng, Ta Bà giáo chủ,
Đạo sư ba cõi, Từ phụ bốn loài.
đồng hòa: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 lễ)
(Hiệu này lễ 3 lần thì đủ 12 lễ lịch sử Đức Phật. Chúng chỉ hòa: Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thôi).
Tụng Kinh Di Giáo hoặc Bát Nhã Tâm Kinh:
(Nếu tụng kinh Di Giáo thì chuẩn bị trước)
Vừa rồi, bao nhiêu công đức,
Bấy nhiêu hương hoa,
Thành kính thiết tha,
Nguyện xin cúng dưỡng.
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Hòa Thượng.
Trong ngày Song Lâm nhập diệt,
Thị hiện Niết Bàn,
Xin đại phóng hào quang,
Chứng minh công đức.
Tăng quang Phật nhật,
Thường chuyển pháp luân,
Mong hoa Đàm lại nở giữa mùa xuân.
Nguyện Đạo Thọ tái sinh đầu tháng hạ.
Để rồi:
Mở lại đạo tràng Pháp Hoa - Bát Nhã.
Dựng ra Pháp hội Phương Đẳng – A Hàm.
Vẻ vang dòng họ Cù Đàm,
Rạng rỡ Tông môn Ca Diếp. (5)
Nghìn thu vàng son Tổ nghiệp,
Muôn thuở trong sáng Tôn phong.
Tất cả một lòng,
Tán dương đạo cả,
Cộng đồng chung dạ,
Xây dựng cơ cao!
Tăng Ni đạo lực dồi dào,
Phật tử tín tâm kiên cố.
Hòa bình nước Tổ,
Trấn tịnh nhà Thiền.
Thế giới bình yên,
Nhơn sinh an lạc,
Nam mô A Di Đà Phật.
Niết Bàn kỷ niệm lễ viên hoàn,
Công đức vô biên nguyện cúng dàng,
Duy nguyện Phật từ thường gia hộ,
Chúng sanh pháp giới được bình an!
Tự qui Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng. (1 lễ)
Tự qui y Pháp, xin nguyện chúng sanh thấu rõ kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 lễ)
Tự qui y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại. (1 lễ)
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
- Chủ lễ xướng:
Thù ân kỷ niệm,
Phật nhập Niết Bàn.
Giờ đã viên hoàn,
Lễ thành ba lạy.
(Cử lại 3 hồi chuông trống Bát nhã).