“Này các Tỷ-kheo, có năm đau khổ riêng biệt mà người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người đàn bà lúc trẻ tuổi đi đến nhà chồng, không có bà con. Ðây là đau khổ riêng biệt thứ nhất, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu điều đó khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người đàn bà có kinh nguyệt.
Ðây là đau khổ riêng biệt thứ hai, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải mang thai.
Ðây là sự đau khổ riêng biệt thứ ba, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một người đàn bà phải sanh con.
Ðây là đau khổ riêng biệt thứ tư, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người đàn bà hầu hạ đàn ông.
Ðây là đau khổ riêng biệt thứ năm, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Này các Tỷ-kheo, đây là năm đau khổ riêng biệt, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông."
(Kinh Đặc Thù)
Bài kinh này nói năm nỗi khổ chỉ có ở đàn bà:
1. Làm dâu xứ lạ, chim đa đa đậu nhánh đa đa
2. Rắc rối mỗi tháng.
3. Bầu bì nặng nhọc.
4. Sinh sản đau đớn nguy hiểm.
5. Phải chịu lép vế trước đàn ông.
Yêu ai sống gần người mình thương là hạnh phúc, nhưng một trong những nỗi đau của người đàn bà đó là khi yêu ai đó, lấy được ai đó chưa chắc hạnh phúc, vì họ phải sống với cả họ hàng bên chồng, phải gồng gánh giang sơn nhà chồng.
Rồi mỗi tháng người phụ nữ phải gặp rắc rối. Đi xa tiệc tùng khó khăn. Rồi phải mang thai.
Vui là vui chung mà nặng nề gánh vác có một mình mình thôi. Người ta hay nói đau như đau đẻ.
Ngay cả những hành giả lần đầu ngồi thiền tứ niệm xứ, ngồi xếp kiết già cùng với thiền sư không dám nhúc nhích, nghe họ nói gồng mà đau như lúc sanh con.
Dân Đài Loan gọi ngày Vu Lan là Mẫu thân nạn.
Đối với Phật Giáo Nguyên Thủy thì ngày nào con cũng phải có hiếu với cha mẹ chớ không phải chỉ có ngày Vu Lan.
Mẫu thân nạn là ngày ghi nhớ sự đau đớn nặng nhọc của bà mẹ gồng gánh đứa con, cái tên gọi là thấm đẫm ân tình.
Bài kinh này đâu phải Ngài nói nỗi khổ đàn bà. Người học đạo phải biết là khi Thế Tôn nói như vậy là có ẩn ý gì:
- Con có đời sống tâm tư thế nào con mới sinh ra làm đàn bà để chịu hết những khổ nạn này.
Muốn nói ân đức của mẹ thì chỉ cần nói, không ai vĩ đại bằng người mẹ VN, giàu thì khổ theo giàu mà nghèo thì khổ theo nghèo.
Chồng đi học tập cải tạo, thân cò lặn lội nuôi con thăm chồng, ở phố thì buôn gánh bán bưng ở quê thì một nắng hai sương... Chỉ nói vậy là mình nhớ ngay bà già mình.
Ở đây Ngài nói năm đặc thù thì mình phải nhớ rằng vì đâu có kẻ sanh ra đời này phải mang thân nữ giới, vì đâu có kẻ sanh ra được làm nam nhân.
NhậtKýChépBằngKinh_T5
Sư Giác Nguyên Giảng Giải