Theo quan niệm nhà Phật, phóng sinh là việc hành thiện tích đức cứu các loài sinh vật khỏi bị giết hại hay giam cầm, trao cho chúng thêm một cơ hội sống tự do.
Hỏi: Mỗi lần chúng tôi phóng sinh, thường phải đến tiệm bán chim để mua chim. Vì tiệm bán chim chỉ có mấy tiệm cố định, nên mua lâu rồi thì chủ tiệm chim đều biết trước là chúng tôi sẽ đến mua chim để phóng sinh. Vì thế, họ cố ý thu gom, tồn trữ, chuẩn bị rất nhiều chim chờ chúng tôi đến mua. Phóng sinh như vậy thì sớm đã bị người ta đoán biết, nên cũng như gián tiếp khuyến khích họ đi bắt chim về để bán cho chúng tôi thả. Như vậy thì việc phóng sinh vô tình lại tạo điều kiện giúp người khác tạo sát nghiệp. Vì thế, rất nhiều người phê phán chúng tôi, chê cười chúng tôi là ngu si. Ngay cả trong lòng chúng tôi cũng có chỗ nghi hoặc, nên thật chẳng dám đi mua chim để phóng sinh nữa. Có thể giải thích mối nghi này như thế nào?
Đáp: Chúng ta thả chim, đến tiệm bán chim không nỡ nhìn thấy chúng bị bắt, bị giam, sắp bị giết, nên phát lòng từ bi cứu lấy chúng nó, đem chúng nó đi phóng sinh. Đó là một công đức đơn thuần, chỉ trong một ngày thì có thể hoàn thành. Nhờ đó mà vô số chim có được cơ hội sống còn trong tự nhiên, khác nào như được tái sinh lần nữa!
Chủ nhân tiệm chim biết được chúng ta sẽ mua chim phóng sinh, vì thế mà trước đó đã thu gom, tồn trữ, tìm khắp các nơi để mua sỉ, mua lẻ, mang về một chỗ chờ đợi chúng ta đến mua. Như vậy thì lại càng phải cố gắng mua cho thật nhiều, điều này có gì mà phải phân vân, do dự? Chỉ cần khả năng cho phép, họ thu gom được càng nhiều chim thì ta càng nên mua chim để phóng sinh.
Ông hãy suy nghĩ cho kỹ việc này. Vì biết chúng ta phóng sinh nên chủ nhân tiệm chim mới tìm mọi cách, nghĩ ra mọi biện pháp để thu gom những con chim bị bắt được ở khắp nơi, toàn bộ đều mang về một chỗ để chờ chúng ta giải cứu phóng sinh. Tất cả những con chim khổ nạn kia được giải cứu ắt phải mừng đến rơi lệ; tất cả thiên long hộ pháp phải hết lòng tán thán việc lành này; chư Phật, Bồ Tát đều hết lòng hoan hỷ khen ngợi; tất cả oán thân trái chủ của chúng ta phải cúi đầu thất vọng; Ma vương, tà chúng phải tức giận đến dựng mày trợn mắt!
Chúng ta hãy thử đặt câu hỏi: Nếu như ngày nay chúng ta không phóng sinh nữa, không thả chim nữa, thì những thợ săn bắt chim kia sẽ thôi không bắt chim nữa chăng? Các tiệm bán chim kia sẽ đóng cửa không buôn bán được nữa chăng? Câu trả lời chắc chắn là không. Chim vẫn bị người ta tung lưới ra bắt. Tiệm bán chim vẫn mở cửa buôn bán như trước. Nhưng khi ấy, những con chim xinh đẹp, quý giá thì bị bán cho người ta nhốt vào lồng để thưởng ngoạn, còn những con chim xấu xí, giá trị không cao có thể bị bán cho người đem đi tiềm, nướng, làm thành từng xâu chim nướng rao bán bên lề đường... Lại có những con quá xấu xí, gầy ốm, không thể bán được nhưng rủi ro sa vào lưới, khi ấy thợ săn chỉ chọn một số chim có giá trị đem bán, còn những con chim tội nghiệp ấy thì đưa tay bẻ cổ một cái rồi quăng thây trong rừng núi hoang vắng.
Vì thế, nếu như thật có tiệm bán chim chỉ chuyên bán chim để phóng sinh thì cũng chẳng sao cả. Cứ mặc tình chúng ta đến mua, mặc tình mang đi thả. Phóng sinh là phóng sinh. Phóng sinh tuyệt đối là một việc tốt đẹp. Tiệm bán chim để phóng sinh thì cũng chẳng khác nào một trại tập trung tù giam để chờ đợi đại ân xá. Những con chim kia, hoặc là mừng vui, mừng vui vì có cơ hội gặp người thiện tâm phóng sinh cứu mạng; hoặc là lo sợ, lo sợ rằng chúng ta đánh mất tâm niệm phóng sinh. Nếu chúng ta nhụt tâm thối chí, nghe theo những kẻ năm lần bảy lượt đẩy đưa cản trở, thì chúng nó dù một mảy may cơ hội sống còn đều chẳng có!
Một cuộc đối thoại: Phóng sinh hay phóng tử?
Một thanh niên nhìn thấy bà cụ già đang thả cá phóng sinh. Chàng chú ý quan sát rồi đến gần bà cụ thắc mắc thưa hỏi.
Chàng thanh niên: Thưa cụ, cụ hãy xem kìa! Số cá vừa thả ra đã chết đi rất nhiều, thi thể nổi lên mặt nước. Phóng sinh như vậy chắc hẳn phải gọi là phóng tử, như vậy thì có ý nghĩa gì đâu?
Bà cụ: Này cậu thanh niên, cậu hãy nhìn lại cho thật kỹ, lẽ nào không thấy được sao? Vẫn còn một số cá lớn sống trên mặt nước, vui mừng tung tăng bơi lội đó. Trong quá trình phóng sinh giải cứu vật mạng, khó lòng tránh khỏi có một phần nhỏ cá bị chết. Điều này không thể tránh được Cũng như trong chiến tranh, quân nhân giải cứu đồng bào bị vây. Trong quá trình giải cứu cũng khó tránh khỏi có một vài người không may tử vong. Tuy nhiên, cũng không phải vì thiểu số bị tử vong mà bỏ đi hành động giải cứu. Lại cũng như trong khi cấp cứu, bác sĩ cứu chữa bệnh nhân đang lâm nguy. Trong quá trình cấp cứu cũng khó tránh khỏi một số bịnh nhân không may tử vong. Vẫn không thể vì thiểu số bệnh nhân tử vong mà bác sĩ bỏ đi hành động cứu chữa.
Chàng thanh niên: Thưa cụ, lời cụ thật có đạo lý. Nếu chúng ta không làm việc phóng sinh thì tất cả những con cá kia chỉ duy nhất có một đường chết mà thôi. Toàn bộ đều sẽ bị bán đi, bị giết chết, bị ăn thịt! Nhờ có chúng ta làm việc phóng sinh nên ít nhất những con cá kia vẫn còn một tia hy vọng, một cơ hội sống sót, tối thiểu cũng có một phần cá được lấy lại tự do, được cơ hội sống còn. Còn những con cá không may chết đi thì ít nhất cũng tránh được cực hình cắt xẻo, lửa đốt, nước sôi... Không có người phóng sinh thì những con vật bị bắt chỉ có duy nhất một con đường chết, vả lại còn phải chết một cách vô cùng thê thảm. Nhờ có người phóng sinh, ít nhất cũng có thể cho những con vật tội nghiệp kia một cơ hội sống sót. Vạn nhất chẳng may chết đi thì cũng được chết trong lòng tự nhiên, chết được toàn thây, giảm được sự đau khổ rất nhiều.
Bà cụ: Cậu thanh niên này! Xem ra cậu rất có căn lành, vừa nói qua thì cậu đã hiểu được ngay. Kỳ thật, còn có ý nghĩa sâu xa hơn nữa của việc phóng sinh là quy y Tam bảo và niệm Phật. Chúng ta được biết, quy y Phật không đọa địa ngục, quy y Pháp không đọa ngạ quỷ, quy y Tăng không đọa súc sinh. Trong pháp hội phóng sinh, dưới sự chủ trì của pháp sư, những súc sinh trong nhân duyên ngàn năm khó gặp này sẽ được quy y Tam bảo. Nhờ đó mà trải qua đời này, nghiệp báo súc sinh dứt hết thì có thể nhờ công đức quy y Tam bảo mà thoát được ba đường ác. Lại có pháp sư và nhiều cư sĩ thiện tâm cùng chí thành vì súc sinh tụng niệm Phật hiệu “Nam-mô A-di-đà Phật”, nhờ đó mà gieo vào tạng thức của súc sinh một hạt giống lành tròn đầy. Trong tương lai, hạt giống niệm Phật ấy sẽ đâm chồi thành thục, giúp súc sinh được sinh làm người, biết niệm Phật tu hành, vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, chứng đắc quả Phật. Đây mới là ý nghĩa tích cực nhất trong việc phóng sinh.
Chàng thanh niên: Thưa cụ, vô cùng cảm ơn những lời giải thích của cụ. Con hôm nay cuối cùng đã hiểu rõ được ý nghĩa chân chánh của việc phóng sinh. Kỳ thật, chết chỉ là một hình thức. Những con cá bị chết quả nhiên đáng thương, nhưng ngày nay đã được quy y Tam bảo, lại được nghe câu thánh hiệu bất khả tư nghị “Nam-mô A-di-đà Phật” thì thọ mạng của súc sinh sớm được kết thúc, sớm được giải thoát, sớm được siêu sinh, sau này sớm biết niệm Phật tu hành, vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Xét như vậy thì những con cá bị chết kia cũng là có phước báu. Con trước đây cứ mãi phê phán việc vật mạng phóng sinh bị chết, nay mới biết được chính mình là ngu si biết chừng nào.
Bà cụ: Cậu thanh niên này! Tất cả chúng sinh trong sáu đường luân hồi đều là khổ, gồm cả chúng ta trong đó. Chúng ta phóng sinh đương nhiên phải hy vọng toàn bộ súc sinh đều được sống. Hết lòng hết dạ làm cho chúng được sống còn. Nhưng nếu vẫn không may có một số chết đi, chúng ta cũng thành tâm cầu nguyện cho chúng sớm được giải thoát, được chuyển sinh, sớm biết niệm Phật, được vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Chúng ta tự mình cũng chán lìa cõi Ta-bà, cầu sinh Cực Lạc. Hy vọng chính mình cũng sớm dứt nghiệp báo, được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc.
Chàng thanh niên: Thưa cụ, đúng vậy! Kỳ thật cái chết cũng chẳng phải thực sự bất hạnh. Có cái chết nhẹ như lông hồng, có cái chết nặng như Thái sơn. Sau khi chết được siêu sinh, được vãng sinh Tây phương Cực Lạc thế giới, đó mới là đại giải thoát chân chánh, mới là nơi quy trú tốt nhất của tất cả chúng sinh trong sáu đường luân hồi. Từ nay trở đi con nhất định cố gắng phóng sinh, lại còn rộng khuyên tất cả mọi người phóng sinh. Càng phải nói với mọi người rằng ngày nay con được hiểu rõ giá trị và ý nghĩa chân chánh của việc phóng sinh. Cảm ơn cụ, cảm ơn cụ!
Bà cụ: Cậu thanh niên này, cậu nhất định phải ghi nhớ: Phóng sinh tức là cho súc sinh một cơ hội sống, một sự tự do, lại có được một cơ hội quy y Tam bảo, một cơ hội được nghe niệm Phật. Dù thế nào cũng đừng vì những sự hủy báng cản trở mà khiến cho vô số súc sinh đang thọ khổ nạn kia phải mất đi cơ hội sinh tồn.
Chàng thanh niên: Thưa cụ, đúng vậy! Phóng sinh cũng là dành cho chính chúng ta một cơ hội cứu thân chuộc mạng, đền trả nợ giết hại, một cơ hội rộng chứa phước điền, tiêu trừ nghiệp chướng. Nhất định không thể vì bất cứ sự cười chê nghị luận, phê phán nào mà thối tâm nhụt chí, bỏ lỡ đi cơ hội quý báu nhất để tiêu trừ nghiệp chướng của chính mình.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
(TRÍCH CÔNG ĐỨC PHÓNG SINH - PHÁP SƯ VIÊN NHÂN)